Chuyển đổi số và số phận chuyển đổi

Nghe nhiều người nói, xã hội nước ta trong năm con lợn này sẽ là năm mà xu hướng chuyển đổi số là chủ đạo. Tiếng Việt thật là kỳ diệu. Ai muốn hiểu số là con số (numbers), là số hóa (digitalization), hay là số phận (fate) thì cũng không quan trọng, vì dầu là gì thì chuyển đổi đi lên bao giờ cũng là đáng mừng nếu không thì lại dẫm chân tại chỗ.


Du lịch là một trong những ngành được kỳ vọng sẽ thay đổi mạnh mẽ khi có chuyển đổi số. Ảnh: Dữ liệu 3D trực tuyến về làng Diềm của Vietsoftpro. Nguồn: Vietsoftpro.

Lịch sử khoa học của nhân loại qua mỗi lần chuyển đổi số là mỗi lần tiến lên phía trước nhưng cũng làm cho số phận những nhân vật tiên phong cũng bị chuyển đổi, bi thảm hoặc vinh quang. Câu chuyện điển hình là số phận của Giáo hoàng Sylvester II (tên thật là Gerbert Keyboardurillac, tấn phong năm 999) bị mang danh là phù thủy, và đã bán linh hồn của mình cho Lucifer. (Theo Kinh thánh, Lucifer là tên của đứa con đầu tiên được tạo ra bởi Thiên chúa, được sinh ra theo hình ảnh của Thiên Chúa, có năng khiếu với khả năng sáng tạo tuyệt vời. Tuy nhiên, Lucifer sau đó phản bội lại đức tin của mình nên trở thành kẻ đầu tiên bị trục xuất khỏi thiên đàng, đày xuống hỏa ngục, nơi mà Lucifer sau đó được biết đến như Satan). Lời buộc tội này vẫn tồn tại mãi cho đến năm 1648, khi Vatican phải mở lại ngôi mộ của Sylvester II để chứng minh rằng thân thể của Giáo hoàng Sylvester II không bị quỷ Satan xâm nhập1.

Câu chuyện về số phận bi thảm này của Giáo hoàng Sylvester liên quan đến việc chuyển đổi con số và tính toán với các con số.

Số và đếm là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Các nhà động vật học chứng minh rằng các động vật có vú, (không phải là con người), chỉ có thể đếm tới ba hoặc bốn, trong khi tổ tiên đầu tiên của chúng ta có thể đếm được nhiều hơn. Và rằng sự cần thiết của các con số trở nên rõ ràng hơn khi con người bắt đầu dựng nhà để ở, trái với lúc chỉ sống trong hang động. Dấu vết khảo cổ cho thấy việc đếm là hóa thạch các vết khắc trên xương, hoặc các nút thắt trên dây thừng. Ban đầu việc số và đếm cần đến các vật cụ thể như ngón tay, hòn sỏi, que gỗ. 4500 năm trước CN người Sumer ở phía nam Lưỡng Hà (Nam Iraq ngày nay), đã biết dùng các ký hiệu (tokens) thay cho vạch khắc trên xương hay gỗ. Nền văn minh sông Hằng (Ấn Độ) có thể là nơi đầu tiên phát minh ra việc trừu tượng hóa số đếm bằng các chữ số. Các chữ số Ấn Độ trong tiếng Phạn đã tồn tại từ khá lâu trước CN, sau đó được xuất bản chính thức vào cuối thời kỳ Gupta (khoảng 320-540 sau CN). Trái ngược với tất cả các hệ thống số trước đó, các chữ số Ấn Độ không liên quan đến ngón tay, đá cuội, que gỗ hoặc các vật thể khác. Sự phát triển của hệ thống này dựa trên ba nguyên tắc trừu tượng chính (và chắc chắn không trực quan): (a) Các ký tự ghi con số không phải là biểu trưng cho một vật thể trực quan nào cả; (b) Con số là một dãy của một hay nhiều các ký tự số. Số trị của ký tự số phụ thuộc vào vị trí mà chúng chiếm giữ trong biểu diễn của một số (tức là vị trí cuối là hàng đơn vị, tiếp đến là hàng chục…) và (c) Định ra số 0 cũng là một con số hoàn chỉnh, lấp đầy khoảng trống của các đơn vị bị thiếu và mang ý nghĩa của một số trị rỗng.

Các đạo sĩ Hindu giáo thông thái nghĩ về các con số như một khái niệm trí tuệ, một cái gì đó trừu tượng hơn là cụ thể. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự tiến bộ trong toán học và khoa học nói chung, bởi vì việc đưa ra các số vô tỷ như là số Pi, hoặc các số ảo chẳng hạn, thì không thế có liên quan gì đến một đối tượng vật chất cụ thể nào cả.

Các chữ số Ấn Độ và hệ thống số vị trí (tức là vị trí con số xếp theo các hàng đơn vị, hàng chục, hàng trăm…) đã được nhà toán học Hồi giáo Al-Khwarizmi (sinh khoảng 780 tại Khiva, Uzbekistan ngày nay) tiếp thụ và truyền bá cho nền văn minh Hồi giáo2. Vào thế kỷ thứ 12, hệ thống chữ số Ấn Độ đã được giới thiệu với thế giới phương Tây thông qua các bản dịch tiếng Latinh về số học của ông. Nên nhớ rằng hệ thống chữ số La Mã lan rộng khắp châu Âu và vẫn là hệ thống chữ số thống trị trong hơn năm trăm năm, nhưng không có tên tuổi một nhà toán học La Mã nào được nhắc tới ngày nay. Hệ thống chữ số Trung Hoa, La Mã, Brahmi (tộc người cổ sống rải rác ở vùng Pakistan, Apganistan, Iran ngày nay) không có số không. Ở châu Âu lúc bấy giờ số 0 bị nghi ngờ thậm tệ, đến nỗi ai bị bắt gặp sử dụng số học thập phân và số 0 thì coi như bắt được bằng chứng là tín đồ của  thần học huyền bí, có khả năng bị Giáo hội Công giáo toàn năng kết án tử hình3. Châu Âu thời Trung cổ chỉ sử dụng chữ số La Mã và tính toán trên bàn tính.

Số học thập phân bắt đầu được sử dụng rộng rãi bởi các nhà khoa học thời Phục Hưng, bắt đầu từ những năm 1400, như Copernicus, Galileo, Kepler và Newton. René Descartes trong thế kỷ 17 đã phát minh ra hệ tọa độ cartesian của ông gồm các số dương và âm với số 0 ở trung tâm của nó. Điều này kết hợp đại số và hình học và dẫn đường cho phép tính và chấp nhận hoàn toàn hệ thống số thập phân trong thế giới phương Tây. Nhưng nó vẫn không được sử dụng phổ biến trong thương mại châu Âu cho đến sau Cách mạng Pháp năm 17934. Có thể nói không ngoa rằng, nếu không có sự chuyển đổi từ số La Mã sang hệ thống số và số học thập phân của Ấn Độ thì thế giới không thể có toán học, vật lý và toàn bộ các ngành khoa học tự nhiên như ngày nay.

Người đầu tiên đưa về châu Âu chữ số thập phân để tính toán (như ngày nay) chính là Giáo hoàng Sylvester II vào đầu thế kỷ 11, khi ngài học được chuyện này nhờ đọc được một văn bản Ả Rập ở nam Tây Ban Nha. Các nhà băng, kế toán ở châu Âu lúc bấy giờ sợ sự thay đổi này làm mất nghề của họ, đã phao lên rằng Giáo hoàng đã tiếp xúc với Hồi Giáo Ả Rập, bị quỷ ám, tiếp nhận điều này từ quỷ dữ. (Thực ra thì số thập phân đâu có phải là sáng tạo của văn minh Hồi giáo. Họ cũng chỉ học được chuyện này khi xâm lược Ấn Độ vào thế kỷ thứ 7 sau CN).

Chỉ vì muốn chuyển từ số La Mã lạc hậu sang số thập phân tiên tiến mà một Giáo hoàng đã bị lên án là đi theo quỷ Satan, thật trớ trêu!

Cuộc chuyển đổi từ số thập phân sang nhị phân (binary) cũng li kỳ không kém. Chúng ta đều biết không có toán học nhị phân thì không có máy tính, internet, smartphone…và cũng chẳng có chuyện về chuyển đổi số ta đang bàn hôm nay.

Phương Đông từ rất sớm, quan niệm vạn vật từ vũ trụ đến con người là sự kết hợp của âm dương và từ hơn 5.000 năm trước CN đã xây dựng được một hệ thống biểu diễn toán học của quan niệm tổng quát đó bằng các quẻ Dịch. Cổ nhân dùng một nét gạch liền gọi là Dương và một nét đứt đoạn gọi là Âm. Đó chính là Lưỡng nghi, theo toán học ngày nay đó là cơ số 2. Khi chồng hai gạch đó lên nhau, thì thu được 4 tổ hợp, gọi là Tứ tượng, tương ứng 2^2. Chồng thêm một gạch (liền hoặc đứt) nữa thì thu được tám tổ hợp, gọi là bát quái, tương ứng 2^3. Chồng hai tổ hợp của bát quái lên nhau, thu được tất cả 64 tổ hợp, gọi là Trùng quái, tương ứng 2^6. Rồi cứ thế tiếp tục… nhưng không phải là toán học, mà lại biến các đồ hình mang tính chất toán học đó thành các quẻ, rồi các nhà thông thái như Chu Công, Khổng Tử… gán cho các quẻ đó một bài thuyết giảng gọi là hệ từ, soán từ mơ hồ bí ẩn, làm tiền đề cho đời sau làm cái việc gọi là giải dịch, thực chất là bói toán. Và làm cho triết lý toán học (biến dịch) trở thành Kinh Dịch. Thật đáng tiếc! Cái vĩ đại của Dịch là ở chỗ đã sơ khởi cho số học nhị phân (Binary Arithmetic) hiện đại. Cha đẻ của số học nhị phân hiện đại là nhà toán học thiên tài người Đức, Gottfried Leibnitz (1646-1716).Nhà truyền giáo người Pháp, đã từng ở Trung Hoa vào năm 1685, Joachim Bouvet, đã hướng dẫn cho Leibnitz tìm hiểu về đồ họa 64 quẻ Kinh Dịch. Người ta cho rằng những học hỏi về Quẻ Dịch đã có ảnh hưởng không nhỏ đến phát kiến về Số học nhị phân công bố năm 1703 trong công trình “Explication de l’Arithmétique Binaire” (Giải thích về số học nhị phân)54. Trên cơ sở số học nhị phân đó, nhà toán học người Anh George Boole năm 1854 đã dựng nên môn Đại số Logic hay còn gọi là Đại số Boole (Boolian Algebra), làm nền tảng cho kỹ thuật số (Digital) và kỷ nguyên Máy tính và công nghệ tin học, Internet ngày nay. Đáng tiếc là cổ nhân phương Đông (Trung Hoa và có thể là Việt Nam, vì có người cho rằng Kinh Dịch có gốc từ tộc Việt!) hơn 4.000 năm trước chỉ dừng lại ở 64 quẻ Dịch, coi chúng như biểu trưng cho sự bí ẩn huyền diệu. Giá như số phận của bát quái không dừng lại ở sự huyền bí mơ hồ, Kinh Dịch không biến thành sách bói toán huyền bí, mê hoặc bao người thì có phải số phận của phương Đông, trong đó có dân Việt chúng ta ngày nay chắc đã khác xa rồi. Âu cũng là sự lập trình của tạo hóa! Mà cũng có thể do chính ta đã tự trói buộc trí tuệ chúng ta, không chịu chuyển đổi theo hướng tiến lên.

Câu chuyện lịch sử cho chúng ta thấy rằng chuyển đổi là một hành trình, có khi kéo dài hàng ngàn năm. Nhưng ngày nay thì khác rồi. Tại Việt Nam (VN) nói riêng, ngay lúc này đây, đâu đâu cũng nghe nói về Chuyển đổi kỹ thuật số – hay Chuyển đổi số (Digital transformation). Song, trên thực tế thì nhiều nhà khoa học, nhà quản trị thậm chí còn chưa thống nhất hoặc không cảm thấy hoàn toàn thuyết phục với định nghĩa chuyển đổi kỹ thuật số tại chính công ty, tổ chức của họ. Chính phủ cũng hô hào, nhưng chắc cũng ở tình trạng tương tự. Cả thế giới cũng chẳng khá hơn. Mặc dù những thuật ngữ như Chuyển đổi kỹ thuật số hoặc Cách mạng công nghiệp 4.0 không quá mới mẻ trong những năm gần đây, nhưng ông Anand Eswaran – Phó chủ tịch phụ trách các dịch vụ của Microsoft và Microsoft Digital từng quyết liệt đưa ra quan điểm rằng: nếu bạn đưa 20 giám đốc điều hành vào phòng và yêu cầu họ xác định “Chuyển đổi  kỹ thuật số” là gì, thì bạn sẽ được đảm bảo có 20 câu trả lời khác nhau. Đành chấp nhận thôi, không có định nghĩa thống nhất thì chúng ta dùng phương pháp mô tả, giải thích vậy.

Trước cửa nhà tôi là một quầy báo, một chị bán hoa tươi, mấy bác xe ôm, một nhóm trông xe và bảo vệ ngân hàng. Nhiều hôm ra khỏi cổng, bác xe hôm gọi giật lại, giơ smartphone ra chỉ cho tôi bảo “Bác xem cái tin này chưa, lạ lắm…”. Nhìn ra xung quanh thì chị bán hoa vắng khách cũng lướt web, mấy anh bảo vệ, trông xe thì vòng dây khóa cả chùm xe lại, rồi dán mắt vào điện thoại, khúc khích cười…Quầy báo vắng hoe, chả ai mua chả ai đọc. Cảnh tượng đúng là biểu trưng cho một chuyển đổi, có thể gọi là đổi sang một nền văn hóa số (Digital Culture). Văn hóa kỹ thuật số này là tâm điểm của mọi tổ chức thành công trong việc chuyển đối số. Văn hóa kỹ thuật số sẽ được phát triển một cách linh hoạt, không những kết nối giữa tất cả bộ phận chức năng trong một công ty, một tổ chức, các tổ chức của một nhà nước với nhau mà còn là nhà nước với nhân dân, công ty với khách hàng và đối tác. Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến kết nối quan trọng nhất là giữa người với người và người với vạn vật… Kết nối (connect) phải hiểu theo nghĩa là có tương tác (interactive). Điều đáng mừng là văn hóa số đã và đang hình thành ở VN. Nhưng chuyển đổi số thì đáng tiếc chỉ là lời nói…Và nói như thế này đã khá lâu, và khá nhiều rồi. Nào là “Nhận thức về VN 4.0”, “Thế mạnh kinh tế số VN – Công nghiệp số, Nông nghiệp thông minh, Du lịch thông minh”; “Thành phố thông minh -Smart City”; và “Nhân lực số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”…

Để thực hiện những điều nói trên ít nhất đã có chừng này Chỉ thị, Nghị quyết: số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ và Chỉ thị 16/CT – TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chúng ta đang tự hào đi tiên phong trong việc xây dựng hạ tầng 4G, 5G (có sử dụng thiết bị của Huawei), trong khi hè nhau để dìm hàng Bphone của anh Quảng tội nghiệp, tự bỏ tiền mồ hôi nước mắt ra chế tạo, mà chất lượng chẳng kém Huawei. Các anh cả Viettel, FPT, Mobiphone… đâu rồi, sao không học tập AT&T, Verizone… của Mỹ trợ giá cho iPhone đến 70%, nếu khách hàng ký hợp đồng 2 năm dùng mạng của họ. Nếu các anh cả VN làm được như thế thì Bphone, thuộc nhóm điện thoại khá cao cấp, chỉ còn giá 2, 3 triệu. Trừ đại gia, ai mà chả mua Bphone! Và Bphone chẳng những sẽ sống mà còn phát triển hơn nữa. Các anh cả cũng có lợi là thêm khách hàng, tức thêm doanh thu và lợi nhuận, chẳng mất gì, lại giúp Bphone phát triển, VN có một sản phẩm thật sự đóng góp cho thời đại 4.0… Sự thật là VN ta không có một sản phẩm nào ngoài dịch vụ alo, buôn bán thiết bị, outsourcing phần mềm giá rẻ, buôn đất, buôn tiền… để người dùng ghi nhớ và tự hào, (trừ mấy anh tí hon như Bkav, MISA, Coccoc, Flappy Bird…). Lớn như Viettel cũng chẳng có sản phẩm chế tạo nào để thiên hạ nhớ. Đến như công ty mang danh công nghệ ICT hàng đầu của VN còn được thị trường chứng khoán phân loại vào nhóm buôn bán thiết bị… Không chăm lo chế tạo sản xuất tạo giá trị gia tăng thực sự thì CMCN 4.0 chỉ là Nghị quyết và chỉ thị mà thôi.

Trên thực tế, suýt nữa đây là một cách để VN xây dựng Thành phố thông minh. Financial Times 8/5/20176 tiết lộ, năm 2016, khi TP.HCM dưới quyền ông Thăng đã nhận được đề nghị từ một công ty Hoa Kỳ nhằm thiết lập hệ thống điều tiết xe cộ thông minh, do ngân hàng Morgan Stanley đứng phía sau với khoản tài trợ (tức là cho VN vay) 300 triệu Mỹ kim… Được biết ái nữ của ông Thăng là cô Đinh Hương Ly (còn được gọi là Ly Đinh), làm đến chức phó chủ tịch chi nhánh Morgan Stanley tại VN. Nếu việc này trót lọt, thì VN cần gì phải làm CMCN 4.0 nữa nhỉ? Các kỹ sư VN dù có thể giải quyết việc nước mình và đủ khả năng để làm (chỉ với giá thấp hơn nhiều), thì sẽ đi  làm thuê cho nước ngoài trên chính nước mình với đồng lương rẻ mạt, và tiền thuế của dân (để trả nợ) nhờ 4.0 sẽ chạy vào túi nơi khác một cách ngon lành! Nội lực của VN mãi mãi là con số không.

Công cuộc chuyển đổi số kỳ vọng vào sự hoạt động của Internet cho vạn vật (Internet of Things- IoT). Nói đơn giản đó là một tập hợp các “vật” có khả năng kết nối với nhau, với Internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó. Vấn đề là các “vật” bình thường nay phải biến thành ra thông minh, tức là phải có cơ chế cảm xúc (sensor-cảm biến), cơ chế chấp hành (actuators), cơ chế kết nối. Nói khác đi là phần cứng của một cơ thể. Đó là cả một ngành công nghiệp chế tạo tinh vi, công nghệ cao từ hóa chất-vật liệu đến cơ khí, điện tử, vi điện tử, vi cơ điện… Cho đến lúc này VN vẫn là con số không trong lĩnh vực thiết yếu này. Ở VN ta người ta đơn giản chỉ nghĩ phần cứng chỉ là cái máy tính và đi mua là được, và ta thoải mái phát triển IoT, giống như đi mua xe về chạy taxi, mua thiết bị Huawei về lắp mạng viễn thông thu tiền thuê bao, như từ trước đến nay các đại gia vẫn làm.

Để không bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi số, dẫn tới đón hụt chuyến tàu CMCN lần thứ tư, các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý nhà nước, và chính bản thân nhà nước phải đi trước về tầm nhìn cũng như trong hành động. Một việc tối thiểu cho việc chuyển đổi số trong quản lý nhà nước là dữ liệu quốc gia về dân cư đáng lẽ phải làm từ lâu nhưng mãi ngày 26/11/2015, Thủ tướng Chính phủ mới ra Quyết định 2083 phê duyệt chủ trương đầu tư. Chậm còn hơn không. Dự án được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện trong thời gian 2 năm từ 2016-2017, với tổng mức đầu tư sau thuế là 3.367 tỷ đồng được lấy từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước7. Được biết ngày 10/7/2018 Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ lại vừa yêu cầu Bộ Công an khẩn trương xây dựng đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình, tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nay đã là 2019, những chuyên gia ICT như chúng tôi còn chưa thấy mặt mũi nó ra sao để đánh giá và ứng dụng, huống chi là dân thường! Nhà nước từ 2015 đã có kế hoạch làm đến 6 cơ sở dữ liệu quốc gia gồm CSDL quốc gia về Dân cư (do Bộ Công an chủ trì); CSDL Đất đai quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường); CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, CSDL quốc gia Thống kê tổng hợp về Dân số (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); CSDL quốc gia về Tài chính; CSDL quốc gia về Bảo hiểm (Bảo hiểm Xã hội VN)8. Không biết bây giờ đến đâu rồi? Hay lại là kế hoạch của thời đại 1.0?

Chuyển đổi số sẽ giúp cho sự minh bạch của quản lý xã hội. Chẳng hạn người dân ít nhất phải được truy cập xem dữ liệu của chính bản thân mình lưu trong cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia là đúng hay sai. Liệu cơ sở dữ liệu 3367 tỷ đó có đáp ứng được điều đó hay không, đấy là một test (sự kiểm tra) đơn giản nhất. Lãnh đạo nhà nước chắc chắn là muốn mọi sự minh bạch trong quản lý nhà nước, có thế thì mới có được lòng tin của dân, kinh tế xã hội mới phát triển bền vững. Nhưng thực tế thực hiện điều đó rất khó vì luôn gặp sự chống đối, trên bảo dưới không nghe. Chuyển đổi số, nếu muốn, sẽ là công cụ của  nhà nước để loại trừ lực cản như lời nguyền “minh bạch là kẻ thù của viên chức và doanh nhân” đã lưu truyền tự cổ chí kim, không riêng gì ở nước ta. □

 

—–

1 Georges Ifrah, The Universal History of Numbers: From Prehistory Nthe Invention of the Compute,   (translated from   French    by David Vellos, E. F. Harding, Sophie Wood and Ian Monk,  John Wiley and Sons,  Nevv York, 2000. pg. 346).

2 Mohammed ibn Musa al-Khwarizmi, Kitab al jabr wal’-muciabala (Rules of restoring and equating), 825 AD (original Arabic text is lost).

3 Ifrah Ibid, pgs. 588 – 589

4 ifrah Ibid, pg. 590

5 Perkins, Franklin. Leibniz and China: A Commerce of Light. Cambridge: Cambridge University Press, 2004. p 117.

6 https://www.ft.com/content/5120e812-33c2-11e7-99bd-13beb0903fa3

7 https://ictnews.vn/cntt/chinh-phu-dien-tu/dau-tu-hon-3-300-ty-dong-xay-csdl-quoc-gia-ve-dan-cu-132986.ict

8 http://vpcp.chinhphu.vn/Home/6-CSDL-quoc-gia-can-uu-tien-trien-khai/20155/16032.vgp

Tác giả