Hiệp định thương mại EVFTA: Việt Nam phải cải cách những gì?

Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) ký kết tại Hà Nội vào chiều ngày 30/6 được kỳ vọng mang đến những lợi ích lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng có nhiều thách thức cần phải đối mặt. Cơ hội và thách thức luôn song hành, đó cũng là lẽ thường. Quan trọng là chúng ta sẽ tận dụng những cơ hội cũng như đối mặt với các thách thức như thế nào.

Những cơ hội lớn về vĩ mô từ EVFTA

Thứ nhất, EVFTA mang lại những cơ hội lớn về phát triển thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). EU là một trong những nền kinh tế “mở” nhất trên thế giới. Đây cũng là thị trường lớn nhất thế giới với dân số khoảng 513 triệu người, theo ước tính của Eurostat.
 
Thương mại giữa EU và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong thập kỷ vừa qua (xem Hình 1). Tổng kim ngạch thương mại giữa hai bên tăng gấp gần năm lần trong giai đoạn 2008-2018, với thâm hụt thương mại tăng về phía EU. Việt Nam là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 16 của EU trên thế giới và là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Xuất khẩu chính của EU sang Việt Nam là các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm máy móc và thiết bị điện, máy bay, phương tiện và dược phẩm. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường EU là các sản phẩm điện tử, điện thoại, giày dép, dệt may, cà phê, gạo, hải sản và đồ nội thất.


Hình 1: Xuất nhập khẩu của EU với Việt Nam: giai đoạn 2008-2018. Nguồn dữ liệu: European Commission.

Với EVFTA, hơn 99% các loại thuế quan sẽ được gỡ bỏ, trong đó EU loại bỏ thuế đối với hàng nghìn mặt hàng có nguồn gốc từ Việt Nam. Việc gỡ bỏ phần lớn hàng rào thuế quan sẽ thúc đẩy thương mại giữa hai bên hơn nữa. Sự gia tăng thương mại này được dự báo là sẽ có tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Cụ thể, theo Dự án hỗ trợ đầu tư và chính sách thương mại châu Âu (MUTRAP) dự đoán, trong giai đoạn thực hiện đến năm 2025, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ cao hơn khoảng 7% đến 8% so với trước khi ký EVFTA. Xuất khẩu từ Việt Nam sang EU được dự báo sẽ tăng hơn 50% vào năm 2020, cũng như lượng hàng nhập khẩu từ EU sẽ có sự tăng trưởng đáng kể. Trong khi đó, tiền lương thực tế cho lao động phổ thông ước tính tăng khoảng 3% và thu nhập hộ gia đình sẽ còn tăng nhanh hơn.

Ngoài ra, việc tham gia vào EVFTA giúp củng cố mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU, góp phần đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, phù hợp với đường lối đối ngoại đa phương hóa của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này phần nào giúp chúng ta giảm bớt áp lực từ diễn biến phức tạp của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung – hai đối tác thương mại lớn hàng đầu của Việt Nam trong năm vừa qua (xem Bảng 1).


Bảng 1: Top 10 đối tác thương mại của Việt Nam trong năm 2018. Nguồn dữ liệu: European Commission.

Thứ hai, về đầu tư FDI, với tổng số vốn FDI là 6,1 tỷ euro (2017, theo số liệu Europa), EU là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, trong năm 2017, các công ty châu Âu đã có gần 2.500 dự án đầu tư trị giá khoảng 44 tỷ USD tại Việt Nam, chiếm 10% tổng số dự án FDI và 14% vốn FDI. Lĩnh vực đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam là chế biến và sản xuất công nghiệp. EU có thể cung cấp đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường và ít tiêu thụ năng lượng. Các doanh nghiệp châu  u không chỉ mang lại nguồn công nghệ và việc làm chất lượng mà còn thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Thứ ba, việc tham gia EVFTA sẽ giúp Việt Nam có những bước tiến xa hơn trong việc bảo vệ môi trường. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh chóng của đất nước sau những cải cách kinh tế từ năm 1986 (Đổi mới) đã mang đến sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Việt Nam trong hơn ba thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, chúng ta cũng đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, với các vấn đề chính là suy thoái đất, suy thoái rừng, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí và quản lý chất thải rắn. Hình 2 so sánh về chỉ số chất lượng môi trường của Việt Nam với một số nước trong khu vực châu Á, cho thấy Việt Nam đang ở vị trí thấp trong khu vực, chỉ trên Lào, Myanmar, Campuchia, Ấn Độ, và sau cả nhiều nước trong cùng nhóm thu nhập như Đông Timor, Phi-líp-pin, Mông Cổ, Inđônêxia.
 
Nếu chúng ta tiếp tục chào đón nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) một cách không chọn lọc, vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ ngày càng tệ đi, đe dọa tới sức khỏe của người dân và tương lai của môi trường tự nhiên.
 
Hình 2: Chỉ số chất lượng môi trường của Việt Nam so với một số nước trong khu vực châu Á năm 2018. Nguồn dữ liệu: Trung tâm về Luật & Chính sách Môi trường của ĐH Yale, Mỹ.

Chương 13 của Hiệp định EVFTA về thương mại và phát triển bền vững sẽ đảm bảo rằng chúng ta có thể tận hưởng lợi ích của việc gia tăng thương mại mà không phải trả giá bằng sự suy thoái môi trường. Nó đặt ra các nghĩa vụ cho cả đôi bên trong việc thực thi các tiêu chuẩn môi trường hiện tại song song với việc thu hút thương mại hoặc đầu tư, cũng như việc tuân theo tất cả các Hiệp định môi trường đa phương đã được phê chuẩn, chẳng hạn như các thỏa thuận về biến đổi khí hậu, các loài có nguy cơ tuyệt chủng và đa dạng sinh học.
 
Thứ tư, EVFTA sẽ giúp Việt Nam tiến xa hơn trong việc cải thiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, vì lợi ích của chủ sở hữu và người tiêu dùng. Khi ký EVFTA, Việt Nam sẽ gia nhập Hiệp ước Internet của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Các hiệp ước này đặt ra các tiêu chuẩn để ngăn chặn việc truy cập trực tuyến trái phép hoặc sử dụng các sản phẩm sáng tạo, nhằm bảo vệ quyền của chủ sở hữu và giải quyết các thách thức mà các công nghệ và phương thức truyền thông mới đặt ra đối với Quyền sở hữu trí tuệ. Tất nhiên, bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ không chỉ cần một khung pháp lý toàn diện, nó đòi hỏi sự thực thi mạnh mẽ.

Thứ năm, EVFTA sẽ giúp Việt Nam tiến xa hơn và cải thiện toàn diện các vấn đề trong xây dựng chuỗi thực phẩm sạch. An toàn thực phẩm là mối quan tâm lớn ở Việt Nam. Dù chính phủ đã có những nỗ lực trong cải cách các quy định an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm thường xuyên và các sản phẩm thực phẩm bị ô nhiễm đã và đang là vấn đề phổ biến ở Việt Nam. Người dân lo lắng về chất lượng của chuỗi cung ứng thực phẩm, và sự an toàn của thực phẩm mua và bán tại các chợ truyền thống. 

Chương 6 của EVFTA về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) đưa ra một khuôn khổ để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế về các vấn đề từ chất lượng thực vật và sức khỏe động vật đến an toàn thực phẩm, như Hiệp định SPS của WTO, đều cần được thực hiện một cách sát sao.

Người tiêu dùng EU rất coi trọng thực phẩm sạch. Khi EVFTA có hiệu lực, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như hạt tiêu, cà phê, và các loại hạt được nhập khẩu vào thị trường châu  u và các sản phẩm này sẽ phải đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường này. Điều này sẽ góp phần làm tăng chất lượng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, tạo động lực phát triển ngành nông nghiệp nước nhà. Nó cũng sẽ giúp nâng cao nhận thức về thực hành canh tác đúng chuẩn cũng như vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam, mang lại lợi ích lâu dài cho cả người sản xuất và tiêu dùng.

Những thách thức từ EVFTA

Một trong những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam khi gia nhập Hiệp định EVFTA chính là việc cần nhanh chóng cải thiện quy trình sản xuất và kiểm định chất lượng trong một loạt các ngành để đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về nhập khẩu vào thị trường EU cũng như các điều kiện để được hưởng ưu đãi loại bỏ thuế quan của EVFTA. 

Trường hợp xảy ra gần đây trong ngành thủy sản của Việt Nam là một ví dụ điển hình. Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính và là thế mạnh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Theo thông tin từ Tổng cục Thuỷ sản, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu thuỷ sản (chỉ sau Na Uy, Trung Quốc và Nga), đứng số 1 tại Đông Nam Á và số 2 ở châu Á.

Tuy nhiên, vào tháng 10 năm 2017, Việt Nam đã phải nhận “thẻ vàng” cảnh báo từ Ủy ban châu Âu (EC) về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của hải sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chính phủ, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp thủy sản đã có những nỗ lực hành động để giải quyết việc đánh bắt cá bất hợp pháp. Tuy nhiên do Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km (không kể các đảo) với khoảng 111.000 tàu cá (theo Bộ NN&PTNT), hầu hết là tàu nhỏ, để giải quyết triệt để vấn đề khai thác hải sản trái phép cần một quá trình tốn nhiều thời gian và công sức.

Ngành thứ hai cần quan tâm là ngành dệt may ở Việt Nam. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành dệt may Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD vào năm 2018 (theo Tổng cục Thống kê). Việc gia nhập EVFTA được kỳ vọng ​​sẽ tạo thêm động lực cho xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam vào khối giao dịch EU.

Mặc dù vậy, trong một vài năm đầu, ngành hàng dệt may có thể gặp một số bất lợi nhất định do trong thời gian chờ thuế được giảm về 0% theo lộ trình của EVFTA, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ không còn được hưởng mức thuế 9% của Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đây là mức ưu đãi mà EU đơn phương dành cho cho các sản phẩm chưa có năng lực cạnh tranh tốt từ một số nước thuộc nhóm đang/kém phát triển theo các tiêu chí mà EU quyết định. Thay vào đó, ngành này sẽ phải chịu mức thuế cao hơn từ thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) mà EU đang áp dụng – hiện đang ở mức khoảng 12%, theo số liệu từ báo cáo gần đây của VCCI về ngành dệt may ở Việt Nam.

Thêm vào đó, hiệp định thương mại EVFTA quy định các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn đang chỉ thực hiện công đoạn may cắt chứ chưa sản xuất nguyên liệu (vải và sợi). Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, giá trị nguyên liệu đầu vào trong ngành dệt may chiếm 67,1%, và đa phần nguồn nguyên liệu này được nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan – là những nước chưa có hiệp định FTA với EU – nên sẽ không được hưởng ưu đãi thuế theo quy định của EVFTA. Hơn nữa, sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành khi phải đối mặt với những biến động giá cả của nguồn hàng nhập khẩu này.

Do đó, các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may và công nghiệp phụ trợ ngành dệt may cần nỗ lực phối hợp tốt hơn để tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp may – cắt, tập trung vào nhuộm và sản xuất vải, cũng như đẩy mạnh năng lực sản xuất của các công ty dệt trong nước, đặc biệt là các công ty sản xuất quần áo.

 

 

Tác giả