Khi doanh nghiệp chưa là đầu tàu phát triển chuỗi giá trị

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm địa phương, thúc đẩy kinh tế của sáu tỉnh Bắc Trung Bộ, đặc biệt là những vùng kinh tế khó khăn nhưng các doanh nghiệp chưa được ưu đãi tương xứng về mặt chính sách.

Doanh nghiệp quan trọng…

Trong Hội nghị Khoa học và Công nghệ thúc đẩy phát triển Nông nghiệp Công nghiệp hóa Hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ, ông Đặng Ngọc Sơn, phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh tự tin nói rằng, chỉ cần vài nhà máy chế biến quy mô lớn là sẽ giải quyết được đầu ra cho 10.000 ha trồng cam và bưởi của tỉnh. Giải pháp cho điều “chỉ cần” này là đưa doanh nghiệp vào đầu tư tại đây.

Nhìn ở một khía cạnh nào đó, doanh nghiệp được mô tả như một “cây đũa thần” đánh thức tiềm năng của các tỉnh Bắc Trung Bộ vốn đang gặp khó khăn cho đầu ra của những đặc sản có tiếng trong nước và quốc tế, nhiều đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường vẫn chưa được sử dụng hiệu quả.

Chẳng hạn như, Tập đoàn TH được coi như đã góp phần quy hoạch lại các vùng nguyên liệu của tỉnh Nghệ An với một loạt các dự án từ chăn nuôi bò sữa, trồng rau và hoa quả, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao, vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến gỗ, phân bố ven đường Hồ Chí Minh.

Giới thiệu một số sản phẩm của doanh nghiệp trong vùng tại hội nghị.

Hay Nafoods, đã đưa trái chanh leo được trồng ở Nghệ An lên bản đồ của thế giới bằng việc chiếm 10% thị phần nước ép chanh leo cô đặc trên toàn cầu. Công ty này đầu tư kĩ lưỡng từ việc xây dựng viện nghiên cứu và sản xuất giống chanh leo lớn nhất châu Á (vì các viện, trường tại Việt Nam chưa chọn tạo được giống chanh leo), liên kết chặt chẽ với người dân địa phương để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho đến chế biến, đóng gói và xuất khẩu sản phẩm đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ. Hay Vinamilk đã có sáng kiến phát triển kinh tế của người nông dân theo mô hình “vệ tinh” – khoán cho các hộ gia đình nuôi cỏ cho bò sữa rồi thu mua.

… Nhưng chưa có ưu đãi

Nhưng số lượng những doanh nghiệp như trên quá ít ỏi, tự phát, chưa đủ năng lực để lo đầu ra cho hàng triệu ha các sản phẩm nông nghiệp từ lúa, rau, cây ăn quả cho đến dược liệu, cây gia vị và sản phẩm chăn nuôi ở vùng Bắc Trung Bộ. Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An các doanh nghiệp hiện nay “chỉ làm vậy thôi chứ chính sách ưu đãi về thuế là chưa có gì đâu”.

Ông Võ Văn Quang, Phó TGĐ Ngân hàng Bắc Á, đơn vị tư vấn đầu tư cho tập đoàn TH:Cần có một quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp – công nghiệp hóa hai bên hành lang đường Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, đáng lẽ những tổ chức này cần sự khuyến khích đặc biệt vì đầu tư vào nông nghiệp ẩn chứa rất nhiều rủi ro, không chỉ vì thời tiết, thị trường biến động mà cả những vấn đề liên quan phát triển cộng đồng (chẳng hạn như Nafoods từng không nhận được nhiều thiện cảm của người dân sống quanh vùng nguyên liệu, họ đã bị phá hoại vùng nguyên liệu nhiều lần mà đỉnh điểm là bị chặt 1200 gốc chanh leo và bị phá đường ống tưới trong thời điểm thu hoạch). Hơn nữa, các doanh nghiệp này khi đầu tư, lại đều lựa chọn những vùng khó khăn về kinh tế như Viện nghiên cứu và phát triển giống chanh leo của Nafoods được xây dựng ở vùng núi cao thuộc huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, tập trung đồng bào dân tộc thiểu số trước đây trồng thuốc phiện.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Lê Quốc Doanh chia sẻ rằng, Bộ đã chỉ đạo doanh nghiệp hợp tác với các viện trường thông qua các đề tài, dự án. Cụ thể, Bộ cho Nafoods chủ trì một đề tài hợp tác với các viện nghiên cứu để giải quyết vấn đề về giống và bệnh chanh leo hay giao cho Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Bắc Trung Bộ quản trị giống cây ăn quả có múi ở vùng Bắc Trung Bộ. Bản thân Bộ KH&CN cũng trực tiếp đặt hàng Viện rau và cây ăn quả kết hợp với Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh giải quyết vấn đề ra hoa kém của cây bưởi Phúc Trạch.

Tuy nhiên, ngay cả khi được đặt hàng trực tiếp thì các thủ tục tài chính liên quan mất rất nhiều thời gian và công sức của doanh nghiệp. Nafoods đã xin Bộ NN&PTNT dừng giữa chừng một dự án liên quan đến việc bảo quản hoa quả tươi vì thủ tục “khó quá” (nhưng sau đó họ lại tiếp tục vì được “động viên”).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Nafoods cho rằng ông vừa khó tiếp cận đất đai, vừa khó tiếp cận tài trợ cho R&D của nhà nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Nafoods cũng cho biết đã quyết định không xin tài trợ từ quỹ Đổi mới Khoa học và Công nghệ quốc gia NATIF để xây dựng tổ hợp sản xuất và chế biến hoa quả xuất khẩu lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long đã đi vào hoạt động tháng 4 năm nay vì “nếu chờ quỹ chắc bây giờ nhà máy chưa khánh thành được”.

Còn về vấn đề đất đai, trường hợp được tỉnh giao tới 4000 ha một lúc như TH True Milk là hiếm hoi. Ông Hùng đặt câu hỏi trong Hội nghị: “Chúng ta bảo là đất rất nhiều nhưng thử hỏi tôi ước ao được một vùng đất như chị Hương TH có được không? Không có. Rất khó. Đất ít rồi nhưng thủ tục để có đất là bài học vô cùng nan giải.”

Một trong những lí do cho điều này đó chính là chưa có một quy hoạch tổng thể vùng Bắc Trung Bộ với sự tham gia, lấy ý kiến doanh nghiệp trong việc lựa chọn các loại cây chủ lực của mỗi vùng gắn liền không chỉ với điều kiện mà còn với cả nhu cầu của từng vùng, dẫn đến trùng lặp, cạnh tranh nhau, đặc biệt là khi mối liên kết giữa sáu tỉnh Bắc Trung Bộ hiện nay đang rất yếu, “người nào lo người đấy”, “không ai nghe ai cả”, theo như lời ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Báo Khoa học và Phát triển

 

Tác giả