Chính trị và hoa đỗ quyên góp phần định hình khoa học khí hậu

Nếu trở về đầu những năm 1800 và trò chuyện với một nhà khoa học khí hậu châu Âu, họ sẽ bắt đầu bằng câu hỏi tại sao bạn lại không đọc Meteorologica của Aristotle, cuốn sách nói về những ảnh hưởng của nước và không khí trên trái đất.


Bức tranh “Giông tố” (La Tempesta) của danh họa Ý Giorgione vẽ giữa năm 1506 và 1508, miêu tả ánh chớp lóe lên trên bầu trời xanh sẫm, giữa những đám mây nhạt màu.

Xuất phát từ một khái niệm Hy Lạp cổ đại “klima”, dưới góc nhìn của các nhà triết học, khí tượng học (Meteorologica) đã được nêu đầu tiên vào thế kỷ 4 TCN với cách chia Trái đất thành 3 dải khí hậu cố định: cực lạnh, nhiệt đới xích đạo và một vùng ôn hòa ở giữa.
Từ đó trở đi, khí tượng học đã có những bước tiến dài. Đến thế kỷ 19, các nhà khoa học châu Âu đã có một tư duy tiến bộ khi coi khí hậu như một đặc tính cố định của bề mặt Trái đất. Họ bắt đầu thu thập dữ liệu khí quyển nhằm để dự báo thời tiết hoặc điều hướng hàng hải hơn là để nghiên cứu về các đặc tính của hành tinh như các bậc tiền bối. Tuy nhiên phải đến những năm 1850, các nhà khoa học châu Âu mới thoát khỏi giới hạn của quan điểm khí hậu học cổ đại. Lần theo dấu vết phát triển này, Deborah Coen – nhà sử học ở Đại học Yale, đã phát hiện ra: để có được nền tảng khoa học khí hậu hiện đại như ngày nay, chúng ta phải mang ơn những nhà khoa học khu vực Trung Âu, cụ thể là những người hoạt động dưới đế chế Habsburg. Họ đã phát hiện ra “khí hậu học động lực” – một mô hình nghiên cứu khí hậu mới. Theo quan điểm của họ, khí hậu không tồn tại ở trạng thái tĩnh mà là một quá trình chuyển hóa năng lượng trong bầu khí quyển và là kết quả của những tương tác qua lại phức tạp theo thời gian, trên quy mô khu vực và toàn cầu. Hầu hết những quan điểm này vẫn còn có ích với chúng ta.
Bà đã nêu những luận điểm đó trong cuốn sách mới xuất bản của mình, “Sự chuyển động của khí hậu: Khoa học, đế chế và vấn đề quy mô” (Climate in Motion: Science, Empire, and the Problem of Scale). 

Khoa học khí hậu thời Habsburg

Vậy vì sao các nhà khoa học dưới thời Habsburg đã có được những hiểu biết đáng ngạc nhiên này? Để tìm hiểu kỹ lưỡng điều này, chúng ta ngược thời gian về với đế chế Habsburg, một quốc gia quân chủ lớn mạnh có diện tích rộng lớn (sụp đổ vào năm 1918). Họ đã tuyển dụng các nhà nghiên cứu khí hậu tiên phong phục vụ đế chế. 
Có thể thấy một phần nguyên nhân khiến khí hậu phát triển mạnh ở vùng Habsburg là do môi trường thiên nhiên đặc biệt đa dạng, trải rộng trên các vùng đất của Áo, Bohemia và Hungary, từ đồng cỏ Alpine cho tới bờ biển Adriatic, từ đỉnh Carpath tới thảo nguyên Hungary. Julius Hann, một nhà khí tượng học người Habsburg đã nhận xét: “Thiên nhiên đã giúp người dân Áo – Hung dễ dàng nghiên cứu khí hậu”. Bắt đầu từ những năm 1850, với các trạm thời tiết và nghiên cứu thực địa do nhà nước tài trợ, các học giả có thể đo đạc nhiệt độ, lượng mưa, tốc độ gió và sự tăng trưởng theo mùa. Dữ liệu này dần dần vẽ ra bức tranh toàn cảnh về khí hậu toàn cầu.
Trên nền cấu trúc địa lý phức tạp, các nhà khí hậu học đã có những cách làm hết sức sáng tạo, đó là phát triển một tư duy đa chiều và hiện đại về khí hậu để có thể giải quyết các vấn đề khí hậu trên các địa hình lớn và đa dạng, đồng thời có thể truyền đạt thông tin một cách dễ hiểu cho tầng lớp quý tộc. Theo Coen, bản thân việc này cũng cho thấy, chính trị có thể tác động đến những lĩnh vực khoa học phức tạp nhất theo những cách thật bất ngờ.


Việc nghiên cứu về khí hậu vào những năm 1950. 

Bà đã cất công tìm hiểu những gì diễn ra trong quá khứ để thấy sự uyển chuyển của các nhà khí hậu học thời kỳ đó trước cấu trúc chính trị của đất nước, vốn là một mạng lưới phức tạp gồm các quốc gia, với những vùng đất thuộc chủ quyền từ xưa, các lãnh chúa địa phương được hình thành qua nhiều thế kỷ như chiến lợi phẩm từ các cuộc chiến tranh và những cuộc hôn nhân chính trị. Có lẽ các nhà khí hậu học nước khác không thể hiểu được nét đặc biệt này của các đồng nghiệp Habsburg, những người buộc phải thích nghi với cấu trúc lai tạp của đế chế, về định vị thời gian và không gian hàng ngày trên những quy mô khác nhau. Do đó, các nhà khoa học hoàng gia như Anton Kerner Ritter von Marilaun, một giáo sư thực vật học người Áo ở Đại học Innsbruck và Julius Hann đều là những học giả kiêm công chức. Họ được triều đình giao nhiệm vụ thu thập kiến thức mới về khí hậu ở các địa phương và các vùng. Theo nhận định của Coen, các nhiệm vụ tính toán về đặc trưng khí hậu trên các vùng đất Habsburg như vậy rất có ích cho các nhà khoa học quan tâm đến mối quan hệ của khí hậu địa phương với những mô hình mới về sự lưu thông khí quyển trên toàn cầu.

Không chỉ những đặc điểm chính trị tác động đến khoa học mà một yếu tố của đời sống sinh học Habsburg cũng để lại dấu ấn trong lịch sử khí hậu học, đó là việc thay đổi khu vực phân bố của hoa đỗ quyên do biến đổi khí hậu. Vào cuối thế kỷ 19, Anton Kerner Ritter von Marilaun đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu các loại thực vật. Kerner khao khát tìm hiểu nguyên nhân tại sao những bông hoa đỗ quyên mọc ven bờ sông Alpine lại được tìm thấy ở những vùng đất thấp và xa hơn. Lời giải thích đơn giản nhất là những hạt giống hoa đã bị cuốn trôi theo dòng tuyết tan vào mùa xuân hoặc do gió núi mang theo. Tuy nhiên, Kerner dần dần tin vào một lý do phức tạp hơn. Ông cho rằng những vùng hoa đỗ quyên bị cô lập là biểu hiện của sự thay đổi khí hậu: qua hàng ngàn năm, các thung lũng trở nên ấm hơn, bởi vậy một số quần thể thực vật ở sông Alpine – qua nhiều thế hệ, đã xâm chiếm sườn núi để tìm kiếm một nơi mát mẻ và có độ ẩm cao hơn. Các loài thực vật bỏ lại phía sau những vùng đất thấp, điều này cho thấy “sự phát triển của một loài theo một hướng khác”, Kerner viết, “sẽ dẫn tới sự suy giảm hoặc biến mất của loài đó ở các vùng đất còn lại theo thời gian”. Đối với ông, những bông hoa chứa đựng cả yếu tố không gian và thời gian, vượt qua những suy nghĩ trước đây của con người, để tưởng tượng khí hậu đã thay đổi dần dần như thế nào trong quá khứ – và có thể lặp lại trong tương lai.
Vương triều Habsburg đã nhận thấy lợi ích của khí hậu học. Đây là cách thức nhiều tiềm năng có thể góp phần giúp những người đứng đầu hoàng gia thoát khỏi thế tiến thoái lưỡng nan về mặt chính trị: vào giai đoạn cuối thế kỷ 19, đế chế Habsburg phải đối mặt xu thế lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc và tiến trình dân chủ trong xã hội. Do đó chính thể Habsburg cần chứng tỏ sự cần thiết của mình đối với người dân ở những vùng đất và việc phát triển khí hậu học trở thành một công cụ quản lý hữu ích. 
Để làm được điều này, đế chế Habsburg cần phải chuyển đổi sự đa dạng về ngôn ngữ và chính trị thành sự thống nhất của đế chế, biến những kinh nghiệm địa phương trở thành một phần của toàn thể quốc gia. Thách thức mang tính sống còn của nhà nước cũng thành vấn đề đau đầu đối với các nhà khoa học khí hậu như Kerner và Hann, những người đã dành cả sự nghiệp để giải thích cách thức và lý do vì sao hoa đỗ quyên cũng như các hiện tượng địa phương khác lại quan trọng đối với khí hậu của toàn cầu. 
Trong quan điểm của khoa học khí hậu thời kỳ Habsburg, các chi tiết nhỏ và những biến đổi ở từng khu vực là một phần của hệ thống trao đổi và cân bằng khí hậu của hành tinh, chẳng hạn, tương tác giữa các khối không khí được hiểu là sự pha trộn và cân bằng khí quyển. Trong các tờ rơi, tập bản đồ, bách khoa toàn thư và báo chí, các bản đồ khí hậu của Trung Âu cho phép các công dân Habsburg có thể nhanh chóng quan sát toàn bộ lãnh thổ và nhận ra sự thống nhất của đế chế rộng lớn trong đa dạng của các vùng miền. Ở góc nhìn khí hậu học, đế chế này như một vùng khí hậu có sự tuần hoàn và lưu chuyển mạnh mẽ – một “minh chứng về mặt sinh thái cho sự thống nhất của Habsburg”, theo nhận xét của Coen.

Chúng ta có thể học hỏi gì ở các nhà khoa học Habsburg?

Ngày nay, thách thức chủ yếu về khí hậu của chúng ta là những kiến thức khoa học không được thể hiện dưới dạng kể chuyện: cách thức truyền đạt những nghiên cứu của các nhà khí hậu học về Trái đất – theo một cách thực tế và gần gũi giúp những người bình thường cũng có thể hiểu được. Khi Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu công bố một báo cáo gây xôn xao dư luận vào tháng 10/2018, Margaret Sullivan – người phụ trách truyền thông của Washington Post, đã thử thách các phóng viên đưa khoa học khí hậu với những thông tin mang tính kỹ thuật và trừu tượng trở nên gần gũi hơn với mọi người. Xét cho cùng, về bản chất chúng ta là những sinh vật có vòng đời tương đối ngắn và thường gắn với một khu vực nhất định, nên việc hiểu một quy trình chuyển động ở phạm vi toàn cầu là điều thách thức.
Từ những cơn bão dữ dội xuyên đêm cho tới những luồng khói mù mịt của những đám cháy rừng không kiểm soát được, thời tiết cực đoan đã khiến chúng ta một mặt phải thích ứng với những biến động mới của khí hậu, mặt khác phải tiếp thu nhiều kiến thức về biến đổi khí hậu hơn. Để góp phần giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể học hỏi những nhà tiên phong về khí hậu học ở Trung Âu. Họ đã sáng tạo ra một loạt kỹ thuật mới để truyền đạt ý nghĩa của khoa học khí hậu cho công chúng. Một ví dụ tiêu biểu là phương pháp của Kerner – khéo léo sử dụng câu chuyện hoa đỗ quyên ở Alpine – nhẹ nhàng nhưng vẫn sâu sắc. Trong một chương có tiêu đề “Tài liệu về hoa”, Coen nhắc nhở chúng ta về các loài thực vật sống “bắc cây cầu thời gian giữa lịch sử loài người và địa lịch sử” bằng cách kích thích trải nghiệm của giác quan cũng như những ký ức sâu đậm: mùi hương của cây tuyết tùng, nét uyển chuyển của thân cây dương mai hay màu vàng của lá thu.

Sáng tạo lớn nhất của đế chế Habsburg là khí hậu học: một khoa học liên ngành về nghiên cứu tự nhiên – kết hợp thông tin về những xu hướng khí hậu tổng quan, đồng thời dành sự quan tâm một cách tinh tế đầy chất thơ đến các chi tiết nhỏ và sự chuyển động vật lý. Những tác phẩm này nhằm truyền tải tới đối tượng độc giả không phải là chuyên gia, chẳng hạn như nhà thơ Rainer Maria Rilke đã quan sát sau này, “sự lộng lẫy được tiết lộ qua những điều nhỏ nhất, trong những bông hoa, hòn đá, vỏ cây hoặc lá cây bạch dương…”
Theo một nghĩa nào đó, hiện nay chúng ta vẫn giống như ở thời đại Habsburg: Những vấn đề về môi trường của chúng ta không dễ dàng tách khỏi chính trị. Chúng ta không thể chủ động giải quyết được những vấn đề toàn cầu như tác động biến đổi khí hậu, những cơn bão nhiệt đới với cường độ cao trên diện rộng… mà không có sự hỗ trợ của các chính phủ. Kinh nghiệm của các nhà khoa học khí hậu của đế chế Habsburg châu Âu cho thấy: bất kỳ hành động nào của công chúng cũng phụ thuộc vào khả năng quản lý của các chính phủ. Do đó những kiến thức thu nhận được từ nhiều thế hệ và những hiểu biết mới thông qua các nghiên cứu cần trở thành những gợi ý và tư vấn cho chính phủ. Nếu chúng ta có thể học tập sự khéo léo của các nhà khí hậu học Habsburg, sẽ có một cơ hội dành cho chúng ta trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ngày nay.□

Thanh An dịch
Nguồn: https://www.theatlantic.com/science/archive/2018/11/habsburg-empire-created-modern-climate-science/575068/

Tác giả