Du lịch Việt trước áp lực đổi mới thời 4.0

Thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh nhờ những tiến bộ của internet và ứng dụng di động, dự kiến có thể đạt 9 tỷ USD vào năm 2025[1]. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội đang để những hãng nước ngoài như Agoda hay Brooking thâu tóm thị phần - chiếm tới 80% [2]. Vì vậy, ngành du lịch của chúng ta đang đứng trước áp lực rất lớn phải tự đổi mới để thích nghi và cạnh tranh trong thời đại 4.0; đó là những yêu cầu về chuyển đổi số, khai thác dữ liệu và cá thể hóa dịch vụ.


Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Toquoc.vn

Thực hiện triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 16/CT-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 6/10/2017 tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã cùng tổ chức Hội thảo:“Du lịch thông minh – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”. Mục tiêu của Hội thảo, như Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương chia sẻ, là nhằm thiết lập và duy trì các nhóm hoạt động theo chủ đề, qua đó tiếp tục trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cũng như giải pháp chuyển đổi thành công. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ đóng vai trò như một cầu nối để hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy nhận thức về du lịch thông minh, hướng tới đi tìm giải pháp và hoàn thành mục tiêu.

Doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi số

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Dương nhấn mạnh, để tận dụng những cơ hội từ Cách mạng 4.0, các doanh nghiệp trong ngành du lịch phải sẵn sàng cho sự chuyển đổi số. Đây là một cuộc cạnh tranh sống còn, không thể chậm trễ.

Về thực trạng ứng dụng CNTT trong ngành du lịch, ông Vũ Thế Bình – phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra số liệu: hiện 100% các doanh nghiệp đã sử dụng internet trong liên hệ, quảng bá sản phẩm, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở những khâu cơ bản, chưa khai thác được hết các lợi thế của công nghệ trong cạnh tranh, quản lý và điều hành doanh nghiệp. Thực trạng này dẫn tới năng suất và tính cá thể hóa của các sản phẩm dịch vụ còn thấp.

Theo ông Trần Trọng Kiên – chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, một công ty lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực du lịch với doanh thu trong mảng này đạt tới 2000 tỷ đồng năm 2016, hiện có 3 xu hướng lớn đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển của toàn ngành: sự lớn mạnh của những công ty phân phối sản phẩm trực tuyến (Online Travel Agency – OTA), xu hướng tự động hóa, và nền kinh tế chia sẻ. Những phương pháp marketing truyền thống như in ấn, theo ông Kiên đã không còn hiệu quả, các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho quảng bá trực tuyến.

Cùng chia sẻ tầm nhìn, ông Nguyễn Thế Trung – CEO Công ty Công nghệ DTT cho rằng cuộc cách mạng 4.0 đang dẫn tới nhu cầu phải cá thể hóa các sản phẩm tiêu dùng, trong đó có du lịch. Để làm được điều này, chúng ta phải hiểu rõ hơn nhu cầu của du khách thông qua những công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) hay dữ liệu lớn (Big Data), … Chuyển đối số là điều bắt buộc phải làm, tuy nhiên các doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn, đó là làm sao để số hóa được toàn bộ quy trình kinh doanh, ông Trung phân tích.

Chia sẻ kinh nghiệm của Thiên Minh, ông Kiên cho biết tập đoàn đã và đang đầu tư lớn cho những nghiên cứu và ứng dụng dữ liệu lớn để phân tích thói quen và xu hướng đi du lịch của khách hàng, từ đó hướng tới cá thể hóa sản phẩm dịch vụ. Ông đề xuất Nhà nước nên có những chính sách kiến tạo môi trường bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp nội, như có các ưu đãi về thuế và lập hàng rào kỹ thuật để giúp các doanh nghiệp nội có đủ thời gian lớn mạnh, tích lũy nguồn lực, đổi mới công nghệ và cạnh tranh hiệu quả với những OTA nước ngoài  – có tiềm lực chính công nghệ mạnh hơn rất nhiều. Đơn cử là trường hợp của Ctrip – OTA lớn nhất Trung Quốc, doanh số hơn 1,2 tỷ USD (2015), hãng này thuê tới 1.500 kỹ sư công nghệ, làm việc theo nhóm và lựa chọn giải pháp có chất lượng tốt nhất từ các nhóm.

Tại phiên Hội thảo chuyên đề, hai chủ đề chính xoay quanh những trụ cột của ngành du lịch, đó là: “Ứng dụng CNTT hướng tới Du lịch thông minh – Giải pháp cho các doanh nghiệp du lịch” và “Ứng dụng CNTT hướng tới Du lịch thông minh – Giải pháp cho các cơ quan quản lý và điểm đến du lịch”. Đại diện của một số công ty du lịch và nhà cung cấp công nghệ đã có bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu sản phẩm như Tripi.vn và Gotadi – 2 OTA uy tín tại Việt Nam, AntBuddy – chuyên về dữ liệu đám mây (Cloud Computing), hay Moca  với giải pháp thanh toán thông minh trực tuyến, vv. Những doanh nghiệp trên cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, họ đang rất nỗ lực để đổi mới, bắt kịp công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh trước sức ép từ những đối thủ nước ngoài.

Ngoài ra, đại diện của các cơ quan quản lý như Sở Du lịch Hà Nội và Trung tâm Thông tin –   Tổng cục Du lịch cũng có bài phát biểu, chia sẻ từ cái nhìn thực tiễn nhằm giúp các doanh nghiệp nhận thức được nguy cơ cũng như cơ hội, hướng tới đi tìm giải pháp cho yêu cầu chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu phát triển mới.

Du lịch là lĩnh vực được Nhà nước đặc biệt ưu tiên phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao, chúng ta kỳ vọng tới năm 2020 sẽ đón 17 tới 20 triệu lượt khách quốc tế (so với năm 2016 là 10 triệu). Tuy nhiên, “Ngành du lịch cần lấy công nghệ làm giải pháp mang tính đột phá nhằm tăng sức cạnh tranh, qua đó đạt các mục tiêu tăng trưởng được giao”, ông Tuấn chia sẻ.

Thông tin chi tiết về Hội thảo có thể xem tại: http://dulich.chuyendoiso.com/

——–

Chú thích:

[1] Theo báo cáo của Temasek Holding, Singapore (2015)

[2] Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Tập đoàn Thiên Minh (2016)

Tác giả