Mỹ thông qua Luật Đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa năng lượng hạt nhân

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành đạo luật Đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa năng lượng hạt nhân nhằm mục tiêu khuyến khích đổi mới sáng tạo trong việc thiết kế các lò phản ứng năng lượng.

Lò phản ứng tiên tiến thử nghiệm tại Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Idaho. Nguồn: inl.gov

Những thay đổi căn bản về quá trình cấp phép

Đạo luật này đòi hỏi rất nhiều thay đổi trong quá trình cấp phép lò phản ứng hạt nhân. Cơ quan Pháp quy hạt nhân (NRC) sẽ có 270 ngày để phát triển và bổ sung một quá trình cấp phép cho các lò phản ứng hạt nhân thương mại tiên tiến. NRC sẽ có hai năm để phát triển và bổ sung các chiến lược để tăng cường việc sử dụng các kỹ thuật đánh giá cấp phép trên cơ sở hiểu biết về rủi ro và hướng dẫn cho các lò phản ứng thương mại tiên tiến. Trong vòng hai năm, NRC phải phát triển và bổ sung các chiến lược về cấp phép lò phản ứng nghiên cứu và thực nghiệm.

Để hoàn thành công việc này, từ năm 2020 đến năm 2014, mỗi năm NRC sẽ được chính phủ đầu tư 14,42 triệu USD. Khi xác định mức phí mà mình sẽ tính cho những người được cấp phép và nộp đơn, NRC sẽ không tính thêm chi phí liên quan đến việc phát triển cơ sở hạ tầng của các công nghệ lò phản ứng hạt nhân tiên tiến.

Đạo luật này đòi hỏi NRC đệ trình các báo cáo tiến trình của những cập nhật mới nhiều lần tới ủy ban phụ trách lĩnh vực tương ứng của quốc hội Mỹ. NRC sẽ phải đệ trình một báo cáo tới Quốc hội về tất cả các hoạt động được thực hiện hoặc kế hoạch liên quan đến những bài học và sự kiện đã xảy ra trong quá khứ như bão Sandy, Fukushima.

Đánh giá tác động của đạo luật mới

Cùng với việc chỉ đạo NRC trong việc thay đổi quá trình cấp phép các cơ sở hạt nhân thương mại tiên tiến, đạo luật này còn góp phần đem lại những thước đo về sự minh bạch và trách nhiệm giải trình tới ngân sách và chương trình thu phí của cơ quan điều hành pháp quy này. Nó cũng hướng NRC tới các cách cải thiện hiệu quả của việc cấp phép về nhiên liệu uranium, bao gồm về việc điều tra tính an toàn và tính khả thi của việc gia hạn giấy phép thu hồi uranium trong khoảng thời gian từ 10 đến 20 năm, và hướng Bộ Năng lượng Mỹ cứ 10 năm có kế hoạch chi tiết về việc quản lý công tác kiểm kê uranium.

Maria Korsnick, chủ tịch và CEO của Viện nghiên cứu Năng lượng hạt nhân Mỹ, coi đạo luật này như “một bước tích cực và đáng kể” hướng về việc cải cách công việc cấp phép và tính phí của NRC. “Điều luật này đem lại nhiều minh bạch và công bằng trong cấu trúc tài trợ, điều đó sẽ có lợi cho mọi công việc vận hành lò phản ứng và những người được cấp phép trong tương lai.  Nó cũng sẽ tái xác nhận sự ủng hộ của Quốc hội với đổi mới sáng tạo của ngành hạt nhân nhằm góp phần tạo ra một cấu trúc điều hành bền vững và hiệu quả, qua đó chuẩn bị cho việc cấp phép các lò phản ứng tiên tiến trong tương lai”, bà nhận xét.

Marilyn Kray, chủ tịch của Hội hạt nhân Mỹ, cho rằng việc thông qua đạo luật này là “một thắng lợi lớn” với quốc gia và cộng đồng hạt nhân. Bà nhận định với “Bằng việc sửa đổi những luật đã lạc hậu, NRC giờ sẽ có khả năng đầu tư một cách tự do vào việc R&D và các hoạt động cấp phép lò phản ứng tiên tiến mới. Điều này sẽ thúc đẩy việc triển khai hệ thống hạt nhân Mỹ tiên tiến và chuẩn bị tốt hơn cho thế hệ tới của công nghệ hạt nhân”.

Anh Vũ tổng hợp

Nguồn: https://www.jurist.org/news/2019/01/nuclear-energy-innovation-and-modernization-act-signed-into-law/

http://www.world-nuclear-news.org/Articles/US-nuclear-innovation-act-becomes-law

Tác giả