Nhận thức về tự chủ đại học: Tự chủ khác với tự lo

Tự chủ đại học đã được thừa nhận và thúc đẩy hơn 20 năm nay nhưng chưa thực sự tạo ra những chuyển biến đáng kể. Tác giả Trần Đức Viên lý giải nguyên nhân của thực trạng này và đề xuất một số khuyến nghị, nội dung cụ thể sẽ được chia sẻ lần lượt trên Tia Sáng. Dưới đây là kỳ 1: “Nhận thức về tự chủ đại học: Tự chủ khác với tự lo”.


Sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng, một trong những đơn vị tự chủ tài chính. Nguồn ảnh: Báo Lao động.

Tự chủ đại học đã được bắt đầu ở nước ta từ đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, và sau đó đã được luật hóa [1]. Để thúc đẩy quá trình tự chủ các trường đại học công lập, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP (NQ77) ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017. Thời gian thực hiện NQ77 đã sắp kết thúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành thực hiện tổ chức tổng kết thí điểm [2] đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Chúng tôi xin lạm bàn đôi chút về vấn đề tự chủ đại học.

Chuyển đổi từ kiểm soát “đầu vào” sang giám sát “đầu ra”

Tự chủ trong giáo dục đại học là nhà nước giao các hoạt động của giáo dục đại học cho chủ thể của quá trình đào tạo, đó là các cơ sở giáo dục đại học (CSGD), giống như Khoán 10 đã giao ruộng đất cho chủ thể của đồng ruộng là người nông dân, tạo ra xung lực phát triển nông nghiệp trong những năm đầu đổi mới. Chỉ có tự chủ mới giúp các CSGD phát huy tối đa các lợi thế, các nguồn lực để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của xã hội và lợi ích của chính CSGD với hiệu quả cao nhất. Chỉ có tự chủ đại học mới tạo cơ hội và nguồn lực cho phép các trường đại học phát huy giá trị cốt lõi của giáo dục đại học là tự do học thuật và tự do sáng tạo. Các CSGD có quyền tổ chức và vận hành theo những cách riêng, nhưng đều có một mẫu số chung, đó là tạo dựng và phát triển một nền giáo dục đại học dân tộc, nhân bản và khai sáng, trường đại học thực sự là các nôi của những sáng tạo và đổi mới, theo những chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Tự chủ là quyền của các trường đại học được tự quyết định các vấn đề liên quan đến phát triển đại học mà không bị ràng buộc bởi các quy định bên ngoài, điều này khác hoàn toàn với tự lo. Nhưng tự chủ cũng không có nghĩa là tự do. Để tự chủ đại học thành công, ngoài việc xây dựng và thực hành các quy chế quản trị nội bộ, trách nhiệm giải trình của các CSGD, thì vấn đề mang tính quyết định là cơ quan quản lý nhà nước phải hình thành khung pháp lý phù hợp, thiết kế qui tắc giám sát, hình thành cơ chế giám sát chặt chẽ và nghiêm khắc của xã hội và của nhà nước theo các chỉ số ‘đầu ra cơ bản’ (Key Performence Indicators – KPIs) mà CSGD cam kết. Thay vì kiểm soát ‘đầu vào’ như cách chúng ta đang làm, nhà nước chỉ giám sát kết quả ‘đầu ra’ KPIs mà CSGD đã cam kết, và qua đó đánh giá, phân loại và xếp hạng các trường đại học.

Giao quyền tự chủ cho các CSGD không có nghĩa là Nhà nước trao quyền quản trị và quản lý CSGD cho một cá nhân, mà phải trao cho một tập thể, đó là Hội đồng trường (HĐT). HĐT là một thực thể đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng, ở đó gồm các thành viên đại diện cho các nhóm lợi ích có liên quan, nên về thiết chế nó là tổ chức có quyền lực cao nhất, đại diện cho nhà nước quản trị trực tiếp CSGD; vì vậy HĐT có nhiệm vụ lãnh đạo, quản trị nhà trường, làm việc theo nguyên tắc đưa ra các nghị quyết tập thể.

Tự chủ đại học được phân thành một số hình thức khác nhau, tựu chung lại có 2 hình thức chủ yếu là (1) Tự chủ thủ tục (procedural autonomy), trường đại học có thẩm quyền trong việc thực hiện các quyết định sẵn có nhưng không có quyền đưa ra quyết định của riêng mình, hoặc chỉ có quyền đưa ra các quyết định từng phần (nên còn được hiểu là tự chủ từng phần); và mức cao hơn là (2) Tự chủ thực chất/Tự chủ toàn diện (substantive autonomy), trường đại học có thẩm quyền đầy đủ để đưa ra các quyết định để vận hành nhà trường hướng tới mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi đã được xác định. Trong đó, tự chủ toàn diện với mô hình quyền hạn quản trị tối cao thuộc về Hội đồng trường và bộ máy quản lý đứng đầu là Hiệu trưởng (HT – Chief Executive Officer – thực chất là giám đốc điều hành) là mô hình quản trị đại học hoạt động linh hoạt ‘như’ (chứ không phải ‘là’) một doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả đầu tư, đồng thời vẫn mang đậm hương vị ‘cận thị trường’ (quasi market) nhằm thích ứng với kinh tế thị trường nhưng tránh bị thương mại hóa tuyệt đối, với sự hỗ trợ, giám sát và điều tiết của xã hội và của nhà nước, đang được cho là mô hình tối ưu và phù hợp nhất với các trường đại học của các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi hiện nay.

Sự khác biệt chính giữa tự chủ từng phần và tự chủ hoàn toàn là một đại học tự chủ từng phần chỉ có khả năng xác định được mục tiêu phát triển và việc triển khai phụ thuộc vào bên ngoài; còn đại học tự chủ hoàn toàn do thoát ra khỏi các thủ tục quản lý hành chính rườm rà, quan liêu và các rào cản lợi ích và quyền lực, nên có khả năng xác định phương thức và lộ trình để thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi của trường đại học; và do đó, các trường đại học chịu trách nhiệm về uy tín và sự phát triển của đại học với xã hội để thực hiện các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể mà đại học theo đuổi. Qua đó có thể thấy tự chịu trách nhiệm gắn liền với tự chủ hoàn toàn, khi không có tự chủ hoàn toàn thì sẽ không có và không thể tự chịu trách nhiệm.

Tự chủ đại học đồng nghĩa với việc không còn khái niệm ‘cơ quan chủ quản’, ở đó lao động sáng tạo và tự do học thuật được tôn trọng và vinh danh, ở đó CSGD – trên cơ sở các nguồn lực và lợi thế so sánh – được tự quyết định ‘thân phận’ của mình, được tự khẳng định vị thế và tầm vóc của mình, thích ứng với cơ chế thị trường. Nhà nước kiến tạo thể hiện ngay trong việc Nhà nước ‘nhường’ bớt việc cho các CSGD, nghĩa là rút khỏi những công việc cụ thể, sự vụ, chuyên môn, học thuật… giao những lĩnh vực, những việc Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ cho CSGD và cho xã hội.

Tự chủ được thể hiện ở hai cấp độ: cấp độ giữa trường đại học với nhà nước và cấp độ trong nội bộ trường. Về cấp độ giữa trường đại học với nhà nước, mức độ tự chủ của các CSGD phụ thuộc vào các chỉ số KPIs mà họ đã cam kết với xã hội; nhà nước không quyết định mức độ tự chủ, mà chính (năng lực) của từng trường quyết định mức độ tự chủ của họ theo các chỉ số KPIs. Điều này tương tự như cách bố mẹ chăm lo cho con cái lúc lọt lòng cho đến khi đủ khôn lớn để ra ở riêng (tự chủ). Vì vậy, tuỳ thuộc vào đặc điểm lịch sử, điều kiện kinh tế – xã hội ở mỗi quốc gia, đặc thù đào tạo và NCKH của từng CSGD mà các CSGD có thể phát triển thành đại học tự chủ từng phần hay hoàn toàn, không thể áp dụng một mức độ tự chủ chung cho các đại học. Về cách giao quyền tự chủ, cũng có thể cho các CSGD đăng ký các mức, các quyền mà họ muốn được tự chủ, cơ quan quản lý nhà nước dựa vào mong muốn và thực lực (thể hiện qua các chỉ số KPIs) của họ để cùng CSGD quyết định mức độ tự chủ.

Tại sao quá trình tự chủ đại học “chậm chạp”?

Tự chủ đại học có nhiều ưu điểm đã được khẳng định, và trở thành xu thế mang tính toàn cầu của giáo dục đại học. Nhưng ở nước ta, quá trình tự chủ đã diễn ra hết sức chậm chạp, ngay cả khi có NQ77. Cho đến nay mới có một số rất nhỏ trường đại học công lập (20/169 CSGD, chưa đầy 12%) dám bước đi những bước chập chững đầu tiên trên con đường tự chủ, số đông còn lại vẫn đang tiếp tục nghe ngóng với những âu lo, chưa đủ dũng khí bước vào con đường tự chủ. Phải chăng ‘tấm áo’ tự chủ đã bị chật chội ngay từ khi thiết kế? Phải chăng cơ quản quản lý nhà nước về GD&ĐT còn chưa sẵn sàng về tâm và thế cho tiến trình tự chủ giáo dục đại học? Hay tại CSGD vẫn chưa thích ứng kịp với có chế tự chủ, vẫn còn chưa thoát ra được tư duy bao cấp dựa trên cơ chế xin cho, và vì thế, HĐT vẫn chưa thể trở thành một thiết chế có quyền lực cao nhất của các CSGD như luật định?

Người ta cho rằng, nếu như ba ‘điểm nghẽn’ (khung pháp lý, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về GD&ĐT, HĐT) được tháo gỡ thì chắc chắn tự chủ đại học sẽ tạo ra những đột phá cho toàn hệ thống GDĐH, tương tự như ‘Khoán 10’ trong nông nghiệp 30 năm trước.

Chúng tôi xin đưa ra ý kiến về 3 ‘điểm nghẽn’ này như sau:

– Nhà nước chưa ban hành quy định cụ thể nào về quyền của các trường đại học trong việc xác lập quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của họ, đọc Luật GDĐH 2012 và các văn bản pháp lý liên quan tuyệt nhiên không thấy điều khoản nào như thế (quyền của các trường đại học trong việc xác lập quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm); nhưng lại quy định hàng loạt các quyền tự chủ của các CSGD đều phải ‘theo qui định’. Dường như các điều khoản cụ thể hóa quyền tự chủ đại học trong Luật GDĐH 2012, như tự chủ về chuyên môn, học thuật, về kiểm định và đảm bảo chất lượng, về quản trị và tổ chức nhân sự, về tài chính, v.v… cho thấy trong quan niệm của những người làm luật thì tự chủ đại học chỉ có thể ở mức độ tự chủ thủ tục, và ngay cả ở mức độ này thì quyền tự chủ của các trường vẫn còn khá hạn chế, bị nhà nước, ở đây là Bộ GD&ĐT, kiểm soát và can thiệp sâu, làm cho quyền tự chủ của các trường đại học bị lu mờ.

–  Trong suốt tiến trình thực thi tự chủ đại học, chưa thấy Bộ GD&DT có một văn bản (thông tư, công văn hay chỉ thị) nào để hỗ trợ, hướng dẫn các CSGD đang ‘thí điểm đổi mới’ thực hiện các quyền tự chủ đã được Thủ tướng CP giao; mà chỉ thấy các văn bản duy trì cơ chế tập quyền, hạn chế quyền tự chủ của các CSGD. Mặt khác, khi các CSGD cần được hướng dẫn thực thi một quyền tự chủ nào đó đã được Thủ tướng cho phép ‘thí điểm’ thì đều nhận được câu trả lời trơn tuột ‘các đồng chí thực hiện theo qui định’. Lạ thật, nếu các qui định hiện hành đều đúng, đều tốt cả, thì việc gì chúng ta phải ‘thí điểm đổi mới’ nữa!

– HĐT, trên thực tế, là một thiết chế ‘hữu danh vô thực’, mọi việc to nhỏ của CSGD đã được đảng ủy và Ban Giám hiệu ‘giúp’ làm hết; tổ chức này không quyền không tiền, nói chẳng ai nghe, thân phận ‘vâng vâng dạ dạ’. Quyền lực của một cá nhân, một tổ chức phụ thuộc vào mức độ ai là người có thực quyền đưa ra quyết định cuối cùng về tổ chức, nhân sự và tài chính. HĐT chỉ có thực quyền khi có quyền ra quyết định cuối cùng về các lĩnh vực này. Các qui định pháp luật của ta đều không có chỗ cho sự hiện diện quyền lực của HĐT với cơ quan quản lý nhà nước cấp trên, trong trái tim, khối óc của CBVC, người học và đối tác; và vì thế, HĐT không có vai trò gì trong việc đưa ra quyết định về công tác tổ chức, nhân sự và tài chính. Ví dụ, trên các loại bằng cấp của người học, nếu ta thử nhìn vào bằng Thạc sĩ, bằng Tiến sĩ của một đại học nào đó ở Hoa kỳ, chẳng hạn như đại học Purdue hay đại học Bắc Carolina, ở đó đều có chữ ký ở vị trí trang trọng nhất của chủ tịch HĐT; thậm chí bằng cấp là do HĐT quyết định, nên trên các bằng cấp này đều có dòng chữ ‘Be it Known that the Trustees of X Universiy…” hay ‘the Trustees of the University have conferred upon Lê Văn A the degree upon PhD…’, v.v… Ở ta, không có chỗ nào cho vị trí ‘quan trọng’ của HĐT trên tấm bằng hay chứng chỉ ngề nghiệp của người học.

(Đón đọc kỳ 2: Khuyến nghị cho tiến trình tự chủ đại học: Tổ chức và cơ chế giám sát)

——-

Chú thích:

[1] Bằng Luật giáo dục 2005, Luật giáo dục đại học 2012 và cụ thể hóa hơn trong Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

[2] Điểm b Mục 1 Điều 4 của Nghị quyết 77/NQ-CP.

Tác giả