Phát triển năng lượng tái tạo: Thực trạng đào tạo và R&D

Công việc nghiên cứu và đào tạo về năng lượng tái tạo trong các trường đại học của Việt Nam vẫn còn ở những bước đi ban đầu với quy mô nhỏ lẻ và chưa có một chương trình tổng thể định hướng nghiên cứu ở tầm quốc gia.


Sinh viên thực tập trong phòng thí nghiệm Trung tâm Nano và công nghệ, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN. Ảnh: Hảo Linh

Hiện nay Việt Nam đã có một số doanh nghiệp tư nhân sản xuất điện gió, điện mặt trời cũng như một số doanh nghiệp FDI về sản xuất turbine gió, pin mặt trời… đi vào hoạt động1. Tuy nhiên có một thực tế là thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam vẫn chưa được hình thành. “Chưa có thị trường đồng nghĩa với việc chưa có nhu cầu về R&D và đào tạo từ các doanh nghiệp, ngoài một vài yêu cầu hết sức đơn lẻ về nhân lực”, TS. Nguyễn Trần Thuật (Trung tâm Nano và năng lượng NEC, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) nói.

Định hướng trong đào tạo

Trong bối cảnh đó, Đại học KHCN Hà Nội (USTH) là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam đi đầu trong đào tạo từ bậc cử nhân đến tiến sỹ ngành năng lượng tái tạo (NLTT). Năm 2010, với lực lượng giảng viên gồm các giáo sư từ châu Âu và tiến sỹ Việt Nam học ở nước ngoài về, Khoa Năng lượng của trường bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên với hai chuyên ngành, Green electric city (điện xanh) và năng lượng sinh học. Hiện nay, khoa tuyển từ 10 đến 15 sinh viên mỗi khóa. “Năm đầu tiên, chúng tôi chủ yếu giảng dạy các môn đại cương, tập trung vào các môn kỹ thuật điện. Hai năm cuối quan trọng nhất, chúng tôi đi sâu vào các môn chuyên ngành về quản lý năng lượng, công nghệ điện lưới thông minh, kinh tế năng lượng, nhiên liệu sinh học, năng lượng gió, năng lượng mặt trời… Với số lượng sinh viên không nhiều, chúng tôi có thể tập trung đào tạo và phát triển cho từng em theo khả năng và định hướng”, TS. Nguyễn Trịnh Hoàng Anh, một trong số các giảng viên trẻ của USTH, giới thiệu.

Ưu điểm lớn nhất của USTH là chương trình học được thiết kế theo chuẩn quốc tế dựa trên mô hình LMD (cử nhân – thạc sĩ – tiến sĩ) – một mô hình đang được áp dụng rộng rãi tại hầu hết các trường đại học trên thế giới, tương ứng với số năm học là ba năm – năm năm – tám năm. Các chương trình đều được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và có thời gian thực tập ở nước ngoài nên khi ra trường sinh viên có thể đáp ứng được cả yêu cầu của các nhà tuyển dụng quốc tế bởi theo TS. Hoàng Anh, “không thể chỉ trông chờ vào nhu cầu nhân lực chưa rõ ràng của các doanh nghiệp trong nước để định hướng đào tạo”.

Đến nay, sau bảy năm đào tạo, USTH đã cho ra lò những khóa sinh viên đầu tiên. “Sinh viên của trường năng động và kiến thức tốt nên không khó tìm việc làm, thậm chí có nhiều em ngay trong thời gian thực tập đã được các công ty ký hợp đồng tuyển dụng, số khác đã nhận được học bổng tốt để học tiếp”, TS. Hoàng Anh cho biết.

Đại học Điện lực (Bộ Công Thương) là trường thứ hai của Việt Nam có mã ngành đào tạo về NLTT. Năm 2015, bộ môn NLTT (Khoa Công nghệ năng lượng) tuyển sinh khóa đầu với 30 sinh viên. Học kỳ hai năm 2017, các em chuẩn bị bước vào những môn học chuyên ngành đầu tiên.

Đến năm 2020, những sinh viên chuyên ngành NLTT khóa 1 của ĐH Điện lực sẽ ra trường, “có thể là thời điểm thị trường NLTT ở Việt Nam sôi động nhờ những chính sách khuyến khích đầu tư, trợ giá của nhà nước ‘đã đi vào cuộc sống’, do đó nở rộ nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này”, TS. Nguyễn Hữu Đức (trưởng bộ môn NLTT, ĐH Điện lực), người được đào tạo về điện gió và điện mặt trời ở ĐH Kỹ thuật Tổng hợp Berlin, Đức, dự đoán. Với những kiến thức được cung cấp trong trường, các em không chỉ có thể làm việc tại các cơ sở về NLTT mà còn tham gia các cơ sở sản xuất điện năng khác cũng như các công ty kinh doanh, tư vấn điện…

Trong quá trình giảng dạy có một số vấn đề nảy sinh.“Trên thế giới, công nghệ về điện gió, điện mặt trời đã định hình và ổn định vài chục năm nay. Vì vậy, xu hướng của các doanh nghiệp sản xuất điện gió, điện mặt trời và cả doanh nghiệp sản xuất pin mặt trời, turbine gió cũng là bê nguyên công nghệ này về Việt Nam, bất kể doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài”, TS. Đặng Văn Sơn (NEC) cho Tia Sáng biết như vậy. Đó là thực tế đang diễn ra tại các nhà máy sản xuất pin mặt trời ở Bắc Giang như Vina Solar, JASolar, BoViet, nhà máy sản xuất turbine gió GE tại Hải Phòng hay các nhà máy điện gió Bạc Liêu, Bình Thuận…

Thực tế này ảnh hưởng thế nào đến định hướng đào tạo của các trường đại học ở Việt Nam? Ngoại trừ USTH có mục tiêu cung cấp nhân lực cho thị trường quốc tế, các trường đại học Việt Nam đều nhắm đến các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, nghĩa là những nơi “bê nguyên công nghệ về Việt Nam”. Vì vậy, theo TS. Nguyễn Hữu Đức, trước mắt các trường đại học Việt Nam có thể đào tạo những người có khả năng đảm trách vị trí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, giám sát thi công, tư vấn công nghệ… trong các doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời. Về lâu dài, “cần đào tạo những con người có khả năng làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa công nghệ hay thiết bị, ví dụ như cánh quạt gió, turbine, tụ điện điều khiển gắn dưới cột turbine”, có vậy Việt Nam mới có thể chủ động về công nghệ và đáp ứng chiến lược phát triển nền công nghiệp NLTT.

Có một thực tế khác là hiện trong một số nhà máy điện gió, điện mặt trời Việt Nam, phần nhiều các cán bộ đảm trách vị trí vận hành, điều khiển đều không tốt nghiệp chuyên ngành NLTT mà là các ngành năng lượng khác sau khi đã tham gia một khóa tập huấn ngắn hạn chừng sáu tháng. TS. Sơn lý giải, “cách tạo ra điện ở các loại hình năng lượng có khác nhưng cơ chế truyền tải nhìn chung là giống nhau nên nếu có kiến thức nền tốt về kỹ thuật điện thì ‘dân’ học về kĩ thuật điện, truyền tải điện, quản lý năng lượng điện… đều có thể đảm trách được công việc. Ngoài ra còn có các ngành về kĩ thuật khác như cơ khí chính xác, khoa học vật liệu… cũng có thể tham gia vào các mảng khác nhau của điện gió”.

Nếu như vậy thì có cần những khóa đào tạo chuyên ngành về NLTT hay chỉ cần tập trung vào công nghệ năng lượng nói chung như những năm qua là đủ đáp ứng nhu cầu thực tế? Trả lời câu hỏi của Tia Sáng, TS. Đức dẫn chứng thực tế khảo sát tại một số nhà máy điện gió, “đa số các kỹ sư được đào tạo từ các chuyên ngành khác đều chưa nắm sâu về chuyên môn nên chưa giải thích được bản chất cơ chế hoạt động và mới chỉ nêu một cách máy móc những gì nắm được trong khóa đào tạo cấp tốc”. Qua quan sát, anh nhận thấy, trong thời gian có chuyên gia Đức cùng tham gia vận hành thì công suất nhà máy đạt khoảng 60 triệu kWh/năm, lúc chuyên gia về nước thì công suất giảm tới xuống còn khoảng 50 triệu kWh/năm, nghĩa là sụt tới gần 20%. Nguyên nhân chính là các cột gió chưa vận hành được tối ưu nên cánh quạt quay chậm hoặc dừng lại hẳn. “Vì vậy, không thể nhìn vào thực tế trước mắt mà cho rằng không cần đào tạo cán bộ chuyên ngành NLTT”, TS. Đức nhận định.

Cần những chương trình nghiên cứu lớn về NLTT

Hầu hết các nhà nghiên cứu trẻ về NLTT ở các trường đại học ở Việt Nam đều được đào tạo bài bản ở châu Âu. Đây là lợi thế lớn cho NLTT Việt Nam bởi ngoài việc đào tạo nhân lực, họ còn có thể tham gia tư vấn cho các cơ quan bộ ngành về cơ chế chính sách và các doanh nghiệp về thẩm định, lựa chọn công nghệ… dựa trên xu thế phát triển của thế giới cũng như kết quả nghiên cứu mà mình thực hiện.

Tuy nhiên, cái khó lớn nhất hiện nay là các đề tài mà các nhà nghiên cứu Việt Nam thực hiện vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ manh mún, “mạnh ai nấy làm” và chỉ giải quyết được những vấn đề trong phạm vi rất nhỏ trong hướng nghiên cứu của mình mà kết quả là “việc thực hiện đề tài trong các chương trình quốc tế nó thành ‘một vệt’ kéo mình đi mãi” như bộc bạch của TS. Nguyễn Xuân Quang (Viện KH&CN Nhiệt điện lạnh, ĐH Bách khoa HN).

Việt Nam cũng đã có một số chương trình nghiên cứu tương tự về năng lượng nhưng lại có ít chỗ cho NLTT, ví dụ trong năm năm thực hiện chương trình KC 05/11-15 “Nghiên cứu và ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”, chỉ có khoảng 7/34 đề tài về NLTT2. Vì vậy, để tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu có thể tham gia giải quyết được những vấn đề lớn vượt khỏi phạm vi một trung tâm nghiên cứu, một trường đại học, cần phải có những chương trình KH&CN ở tầm quốc gia về NLTT với sự tham gia của doanh nghiệp. Theo quan điểm của TS. Thuật, đã đến lúc cần phải có những chương trình như vậy mới “cứu” các nhà nghiên cứu khỏi cách làm cũ là đề xuất đề tài chỉ để viết bài báo quốc tế và đào tạo mà chưa hướng đến ứng dụng trong công nghiệp. Còn TS. Đức cho rằng, đi kèm với chương trình đó là việc xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm về NLTT hoạt động theo cơ chế mở nhằm tạo điều kiện làm việc tốt cho nhiều nhóm nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Các phòng thí nghiệm trọng điểm này sẽ là nơi thích hợp cho việc tập hợp các nhà nghiên cứu trong nước cùng làm việc cũng như trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài. Vậy khi chưa có những chương trình như vậy, các nhà nghiên cứu Việt Nam duy trì nghiên cứu theo cách nào? Về cơ bản, họ có ba cách: thực hiện đề tài do Quỹ Nafosted tài trợ, tham gia một số chương trình hợp tác quốc tế liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của mình hoặc kết hợp với một vài tổ chức trong nước và quốc tế làm một số dự án về áp dụng mô hình sử dụng NLTT ở một vài địa phương, vốn mang ý nghĩa vận động chính sách là chính.

Về lâu dài, việc duy trì điều này là không ổn. Ở góc độ một người nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực NLTT, ông Tobias Cossen, Trưởng dự án GIZ/PDP thuộc tổ chức Hợp tác phát triển Đức tại Việt Nam, đưa ra nhận xét: “Không bao giờ được phép coi R&D là ‘quá nhiều’ trong lĩnh vực liên quan đến công nghệ NLTT. Mặc dù rõ ràng là nhiều cường quốc đã thực hiện nhiều R&D về NLTT nhưng vẫn luôn cần [tiếp tục điều đó] để có thể xem xét đến những điều kiện cụ thể ở mỗi quốc gia”. Đây cũng là lý do để GIZ/PDP tài trợ kinh phí cho ba dự án hợp tác nghiên cứu khác nhau về điện gió, điện mặt trời giữa các trường ĐH Đức, ĐH Việt Nam và EVN mà theo ông Tobias Cossen là giúp nhận diện được những vấn đề của điện gió và điện mặt trời liên quan đến các điều kiện cụ thể ở Việt Nam, nghĩa là đem lại nhiều kiến thức quan trọng cho việc giảng dạy và nghiên cứu ở Việt Nam.

Nỗ lực của các nhà nghiên cứu NEC: Trước một thị trường chưa hình thành và các doanh nghiệp chủ yếu áp dụng công nghệ đã định hình vào Việt Nam, các nhà nghiên cứu có thể làm được những gì? Để trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Trần Thuật, TS. Đặng Văn Sơn (Trung tâm Nano và Năng lượng NEC) đã chủ động nêu vấn đề hợp tác nghiên cứu với công ty BoViet. Tuy nhiên câu trả lời thật sốc, “Họ ‘chỉ muốn hợp tác những gì không tự làm được như đào tạo, còn R&D thì không cần hợp tác cho các công nghệ đang và sắp đưa vào quy trình sản xuất, tự chúng tôi làm được. Nếu các anh tự bỏ tiền túi ra làm sau đó liên hệ với công ty thì cũng được’. Họ chỉ rập khuôn những gì có sẵn cho nhanh và không tốn thời gian thử nghiệm”, TS. Thuật kể về cú sốc mà anh và đồng nghiệp gặp phải khi làm việc với doanh nghiệp sản xuất pin mặt trời. Tuy cú sốc đó khiến TS. Thuật hoang mang mất một thời gian về định hướng nghiên cứu nhưng không đủ sức dập tắt mong muốn đưa một vài kết quả nghiên cứu vào ứng dụng. Vì vậy, anh quyết định chuyển sang nghiên cứu perovskite, một loại vật liệu với những ưu điểm nổi trội và được dự đoán có thể “đánh bại” pin silic trong tương lai gần. “Vật liệu perovskite hứa hẹn có rất nhiều ứng dụng dựa trên các tính chất điện, từ, hấp thụ, có thể dùng chế tạo ra nhiều thiết bị hữu ích như pin mặt trời, linh kiện bán dẫn, cảm biến từ…”, TS. Thuật cho biết. Các nhà nghiên cứu khác của Trung tâm cũng đi sâu vào nghiên cứu một số mảng liên quan đến NLTT như thiết bị khai thác năng lượng vi mô, vi thiết bị làm lạnh và chế tạo màng mỏng phản xạ hồng ngoại, những định hướng nghiên cứu rất hữu ích nếu được áp dụng vào thực tế, đặc biệt là khâu tiết kiệm năng lượng với những màng mỏng phản xạ hồng ngoại dán trên kính có khả năng làm giảm nhiệt độ trong mùa hè và ngược lại, tăng nhiệt độ trong mùa đông.

——————————-
Chú thích:
1.http://vneconomy.vn/giao-thuong/ge-energy-hai-phong-xuat-xuong-tuabin-gio-phat-dien-dau-tien-20100510042025338.htm
http://baodautu.vn/von-fdi-do-vao-nang-luong-mat-troi-d57624.html
2. http://www.vpct.gov.vn/News.aspx? ctl=listproject&IDCT=22&GD=2

 

Tác giả