Giáo dục Mới tại Việt Nam: Những nhà tiên phong thể nghiệm

Từ đầu thập niên 2000 đến nay, làn sóng Giáo dục Mới (Progressive Education hay Education Nouvelle) du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, bắt đầu bằng việc hàng loạt tác phẩm kinh điển của các nhà giáo dục được xuất bản ở Việt Nam, như Bí ẩn tuổi thơ (Maria Montessori), Kinh nghiệm và giáo dục, Dân chủ và giáo dục (John Dewey), Sự ra đời của trí khôn trẻ em (Jean Piaget),…

GS Nguyễn Phước Vĩnh Bang và vợ Lê Thị Tuất (giữa) cùng các đồng nghiệp. Ảnh lưu trữ gia đình GS Vĩnh Bang. 

Từ đầu thập niên 2000 đến nay, làn sóng Giáo dục Mới (Progressive Education hay Education Nouvelle) du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, bắt đầu bằng việc hàng loạt tác phẩm kinh điển của các nhà giáo dục được xuất bản ở Việt Nam, như Bí ẩn tuổi thơ (Maria Montessori), Kinh nghiệm và giáo dục, Dân chủ và giáo dục (John Dewey), Sự ra đời của trí khôn trẻ em (Jean Piaget),… Song song với những ấn bản này là sự ra đời của các trường mầm non hay tiểu học tư thục ứng dụng các chương trình đào tạo giáo viên theo quan điểm Giáo dục Mới, nổi lên mạnh mẽ nhất là những trường Montessori, Wardolf/Steiner, Reggio Emilia hay Jean Piaget. Tuy nhiên, không phải đến bây giờ những tư tưởng và việc thực hành giáo dục theo phương pháp Giáo dục Mới (GDM) mới du nhập vào Việt Nam cùng quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế văn hóa. Thực ra, Giáo dục Mới dành cho trẻ em Việt đã từng có mặt ở đất nước chúng ta cách đây hơn 70 năm bằng tinh thần canh tân của một nhóm nam nữ trí thức xuất thân từ phong trào hướng đạo. 

Giáo dục Mới – một thuyết nhật tâm trong sư phạm

GDM là một quan điểm đặt trẻ em vào trung tâm của hệ thống giáo dục và coi trẻ em như một chủ thể vận động trong sự phát triển tự nhiên của chúng trên bình diện thể chất, tinh thần và trí tuệ. Quan điểm này đã được nhen nhóm vào thế kỷ 18, đặc biệt thông qua ngòi bút của Jean-Jacques Rousseau trong cuốn Emile hay là về giáo dục (1762), thể hiện một tinh thần tiên phong và khai phóng vì ông cho rằng cần phải có phương pháp giáo dục tôn trọng trẻ em và bản chất của trẻ. Tư tưởng này của Rousseau chỉ thực sự thiết lập và phát triển thành một tư tưởng giáo dục, một phong trào canh tân sư phạm mang tầm quốc tế từ cuối thế kỷ 19 trở đi và để đến đầu thế kỷ 20, người ta bắt đầu định danh đó là “thế kỷ của trẻ em”, như tiêu đề cuốn sách của Ellen Key (1899), một thế kỷ hướng đến sự am hiểu và bảo vệ trẻ em. Trên phương diện thực hành sư phạm, chúng ta chứng kiến một loạt mô hình trường học kiểu mới, mang tên trường học chủ động, được đưa vào hoạt động tại châu Âu và Mỹ: tại Pháp, Edmond Demolins lập Ecole des Roches (1899), Cecil Reddie mở Abbotsholme School (1889) tại Anh, Gustav Wyneken mở trường Wikerdorf (1906) ở Đức, tại Ý Maria Montessori mở Casa dei Bambini (1904), ở Thụy Sĩ, Édouard Claparède lập Maison des Petits (1913),… Phương pháp dạy ở những trường học kiểu mới này hướng đến việc học thông qua thực hành và khả năng tự quản (self-government). Thời kỳ vàng son của phong trào canh tân sư phạm này diễn ra vào giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến thông qua sự thiết chế hóa phong trào ở tầm quốc tế với sự ra đời của Văn phòng Quốc tế Trường học Mới (Bureau international des Ecoles nouvelles, 1899), Liên minh Quốc tế vì nền Giáo dục Mới (Ligue internationale pour l’Education Nouvelle, 1921) nơi hội tụ những nhà giáo dục, nhà khoa học và giới trí thức. Cú đòn giáng vào phong trào khiến nó khó lòng gượng dậy, đó chính là Thế chiến Thứ hai. Trường học đóng cửa, dân cư ly tán khiến cho những thể nghiệm và nghiên cứu buộc phải dừng lại. Tuy nhiên, tên tuổi và tư tưởng của những người sáng lập, khởi xướng vẫn còn ở lại với chúng ta như Ovide Decroly, Maria Montessori, Célestin Freinet, Édouard Claparède, John Dewey, Adolphe Ferrière, Roger Cousinet,… 

GDM thực sự là một thuyết nhật tâm của Kopernik trong ngành sư phạm vì nó “dám” đảo ngược và đổi chiều tư duy giáo dục truyền thống. Trường học phải thích ứng trước nhu cầu và mối quan tâm, sở thích, hứng thú của học sinh, nhà trường phải là nơi vừa học vừa hành và môi trường hợp tác và tương tác giữa học sinh với nhau và giữa giáo viên với học sinh. Giáo dục phải tự nhiên, gắn với đời thực, chuẩn bị hành trang vào đời, giáo dục phải dạy lòng vị tha và tôn trọng sự khác biệt. Đồng thời, phong trào này là một cuộc tái tư duy và tái định nghĩa về mục tiêu của giáo dục, về quan niệm về trẻ em, về chức năng của nhà trường, vai trò của người dạy và về phương pháp và giáo cụ sư phạm.




Học sinh trường Bách Thảo năm 1946. Ảnh lưu trữ gia đình GS Vĩnh Bang.

Hướng đạo và thiện nghĩa

Đương thời với phong trào sư phạm quốc tế này, tại Hà Nội, đầu thập niên 1940, những thể nghiệm GDM đầu tiên đã được tiến hành. Chính phong trào hướng đạo và hoạt động thiện nghĩa là hai khởi nguồn về nhân lực, tài lực cho mô hình mẫu giáo của GDM. Về bản chất, cội rễ của tinh thần hướng đạo là đào tạo một cách toàn diện thể chất và nhân cách của trẻ nhỏ. Nói một cách khác, GDM du nhập vào Đông Dương tìm thấy ở hướng đạo một mảnh đất màu mỡ để thể nghiệm và phát triển. Tuy nhiên, GDM có hiện thực hóa được hay không thì phải nhờ đến trợ lực vật chất và tài chính của những nhà thiện nghĩa như một số nhà tư sản người Việt thành đạt: Bạch Thái Bưởi [1], vợ chồng ông Nguyễn Sơn Hà, Trương Văn Bền, Trịnh Đình Kính… Thành viên của hai giới này đều hoặc là trí thức hoặc là doanh nhân, đều thuộc tầng lớp trí thức bản địa am hiểu văn hóa hay kỹ nghệ phương Tây, thấu hiểu thực trạng kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa nước nhà. Kiến thức và tinh thần nhân văn khiến cho họ, dù vẫn phải sống trong cảnh bị trị, đã tìm cách cải thiện tình hình hay canh tân một lĩnh vực bằng chính khả năng và vốn liếng của mình. Giáo dục, giáo dưỡng trẻ em, thế hệ tiếp nối tương lai, đó vừa là mục tiêu vừa là tầm nhìn của những trí thức này. Có lẽ cuốn sách Người thầy, ra mắt độc giả năm 1944, của trưởng tràng Hoàng Đạo Thúy, không những lập ngôn cho mục đích và hoạt động của phong trào hướng đạo nói riêng và giới trí thức nói chung, đó là vì sự nghiệp “trồng người”, mà còn xác định vị trí và vai trò của trí thức trẻ, đó là “chúng ta” “làm thầy” [2].

Tầng lớp tinh hoa trí thức và doanh nhân Việt lúc đó thực sự tiệm cận với cách giáo dục đương thời của phương Tây. Những thể nghiệm giáo dục này tại phương Tây là nhằm chuẩn bị đào tạo nên một thế hệ công dân mới đủ khả năng kiến thiết lại các quốc gia bị tàn phá và hằn thù nhau sau hai cuộc Đại chiến. Còn ở Việt Nam, những thể nghiệm này trong ánh chiều tà thời kỳ thuộc địa chắc hẳn là mong mỏi của tầng lớp tinh hoa Việt nhằm đào tạo nên những thanh thiếu niên Việt toàn diện chuẩn bị cho nền độc lập mà lúc đó họ đã dự cảm nó đang đến gần.

Từ lớp mẫu giáo thể nghiệm…

Ở thời điểm đó, không có cái “nôi” nào tụ hội những người yêu trẻ, vì trẻ, gần trẻ và thanh thiếu niên bằng các hội hướng đạo. Tại Đông Dương, đặc biệt ở Bắc kỳ, các nữ đoàn trưởng hướng đạo đa phần là giáo viên tiểu học. Vì lẽ đó, một cách tự nhiên, họ đầu tư công sức vào sự nghiệp giáo dục và giáo dưỡng trẻ em. Một trong những người đầu tiên khởi xướng mở các lớp mẫu giáo thể nghiệm theo mô hình GDM là nữ đoàn trưởng Nguyễn Thị Khang, phu nhân của chủ xưởng gỗ nội thất Trịnh Hữu Ngọc [3]. Tháng 5-1943, bà Nguyễn Thị Khang đệ đơn xin chính quyền thành phố Hà Nội cho phép sử dụng không gian Ấu trĩ viên4 của thành phố Hà Nội làm nơi thử nghiệm giáo dục cho lớp mẫu giáo mà bà đứng ra tổ chức. Bà tập hợp quanh mình chừng một chục nữ giáo viên mà bà gọi là “thực tập sinh giữ trẻ” và khoảng 40 cháu từ 3 đến 7 tuổi. 

Bà Trịnh Nhật Ánh, một “cô bé” học sinh 7 tuổi thời đó kể lại một thời mà đối với người phụ nữ giờ đã bát tuần coi rằng “đấy là cái thời đi sâu vào ký ức”: 

Lớp mẫu giáo mượn địa điểm ở nhà Tế Sinh, tức là gần Văn Miếu bây giờ. Lớp có nhiều đồ gỗ đẹp lắm, ông [Hữu Ngọc] cho đóng mỗi đứa một cái bàn cái ghế. Trẻ em dưới 3 tuổi, có cái ghế bô, có nắp đậy, để các cháu tự đi. Nếu bé thì chưa học chữ vội mà học tô màu cắt dán các hình, các hoa. Có các cô cho học thể dục nhịp điệu. Có một cô dạy múa dạy hát. Khoảng 3-4 chục cháu thôi vì cũng là thể nghiệm. Giờ giấc kỷ luật, ngày học hai buổi. Không có bán trú, trưa về nhà ăn, chiều quay lại học. Bà Nguyễn Thị Khang thì không dạy nhưng chuẩn bị giáo trình cho các cháu mẫu giáo như vẽ các hình hoa trên bìa cứng rồi tô các màu cắt ra để chỉ cho các cháu xem hình dáng, màu sắc. Học lớp vui vì lớp ít người, được cô giáo nói chuyện với từng em, chứ trước đây đi học ở trường các bà sơ, đông trẻ em, sợ lắm, có dám mở mồm nói cái gì đâu.(Phỏng vấn bà Trịnh Nhật Ánh, con gái ông Trịnh Hữu Ngọc, 10-2017, thành phố Hồ Chí Minh).

Những phụ huynh là bạn bè thân quen của vợ chồng ông bà Trịnh Hữu Ngọc, bản thân họ cũng là hướng đạo sinh, như doanh nhân Phạm Đỗ Nhật Chương, Ngô Bích San, Thẩm Hoàng Tín (về sau là thị trưởng của Hà Nội), bác sỹ Nghiêm Thị Thuần và vài doanh nhân như Nguyễn Sơn Hà và Phạm Đỗ Bính. Họ thường gửi một lúc hai đến ba người con vào lớp học này. Năm ngàn đồng bạc, một phần ngân sách ban đầu để mở lớp học này, do Nguyễn Sơn Hà, doanh nhân, kỹ nghệ gia, chủ hãng sơn Résistanco, gửi tặng. Lớp học thể nghiệm này phải tạm dừng trong năm 1944, do các gia đình phải đi tản cư. Tuy diễn ra không lâu, quy mô và phạm vi nhỏ hẹp, đối tượng không rộng rãi nhưng sự thể nghiệm này mang ý nghĩa khai mở cho ngành mẫu giáo Việt Nam và khẳng định sự đóng góp của hai giới tinh hoa, hướng đạo và thiện nghĩa, cho sự nghiệp giáo dục mới mẻ này. 

… đến trường tư thục Giáo dục Mới đầu tiên của Việt Nam

Trong hai năm 1943 – 1944 hoạt động của lớp mẫu giáo thể nghiệm này, một cặp đôi đang yêu nhau, bà Lê Thị Tuất và ông Nguyễn Phước Vĩnh Bang, đôi bạn thân tín của vợ chồng ông Hữu Ngọc, dưới sự hướng dẫn của bà Khang đã giúp họ thực hiện một ước vọng lớn hơn vài năm sau. Ngay sau khi chính phủ Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập, hai vợ chồng Lê Thị Tuất và Vĩnh Bang mở một trường mẫu giáo tư thục ngay trung tâm Hà Nội ở đường Tống Duy Tân cũ, nay là phố Ngọc Hà. Trường mang tên Trường Mẫu giáo và Cơ bản Bách Thảo vì nằm ngay sát vườn Bách Thảo. Ông Vĩnh Bang thuật lại: Từ bỏ sự nghiệp nghệ thuật – hội họa – để dấn thân vào một nghề phụng sự trẻ em. Lập và điều hành trường học mới đầu tiên Bách Thảo tại Hà Nội vào năm 1945-1946, với 15 cộng sự và gần 300 trẻ em từ 4 đến 12 tuổi. (Trích lý lịch học thuật của Vĩnh Bang, Lưu trữ gia đình, Pháp).

Ông bà Vĩnh Bang quy tụ một đội ngũ nữ giáo viên mà ông gọi là “hướng dẫn viên”. Đây hẳn là một ẩn ý của ông vì ông chú thích từ này trong tiếng Pháp là từ “guide”, nó còn mang nghĩa thứ hai là “nữ hướng đạo sinh”. Về cơ sở vật chất, trường được trang bị khá đầy đủ, như lời kể của cháu ruột ông Vĩnh Bang, một “cậu bé” từng học tại đó mấy năm: 

Có cả bể bơi, ngoài sân rộng làm sân chơi cho trẻ con, có một góc cỏ làm sân bóng đá. Ông Bang cho đặt làm xích đu và bập bênh. Bàn ghế lớp học đều do ông đặt đóng riêng. Có phòng ăn rộng, hình như là từ cái garage ô tô thì phải, có chỗ ngủ buổi trưa.
(Phỏng vấn ông Nguyễn Phước Bảo Hòa, học sinh của trường).

Về cách thức vận hành của trường: Học sinh được các hướng dẫn viên đưa đi đón về trên tàu điện, cha mẹ chỉ việc đến đúng bến tàu điện để đón con về. Các buổi chiều trẻ con thường được sang chơi hay tập thể dục trong vườn Bách Thảo. Học, tìm hiểu về cây cối, thực vật, hoa cỏ,… Chạy thể dục quanh hồ và trèo lên núi nhỏ. Tôi được học đạo đức (morale), nghĩa là dạy lễ phép, lịch sự. Thời đó, dạy rất kỹ về vệ sinh thân thể như rửa tay chân, đi ngủ sớm, biết lễ phép, không được đánh chửi nhau,… Lớp học của tôi chừng 15 trẻ. Toàn trường cũng phải có đến 40-50 trẻ. (Phỏng vấn ông Nguyễn Phước Bảo Hòa).

Đây quả là một thành quả nghề nghiệp đáng nể của đôi vợ chồng trẻ. Cùng lúc, họ vừa là nhà làm giáo dục vừa là doanh nhân để vận hành một ngôi trường. 

Điều làm chúng tôi, những người làm giáo dục sau thế hệ của ông bà 70 năm, cảm phục và cũng là phát hiện thú vị cho hậu thế, đó là việc chúng tôi khám phá được trong lưu trữ gia đình của ông Vĩnh Bang một cuốn sổ tay trong đó ông ghi chép và giải thích chi tiết mục đích, chương trình dạy và học, tổ chức và cách thức vận hành của trường, phân tích các phương pháp dạy, nêu ra những suy tư, băn khoăn, những câu hỏi hay những đúc kết kinh nghiệm giúp cho việc giảng dạy được cải thiện. Cuốn sổ thực sự như một quyển giáo án chuẩn bị lý thuyết sư phạm và cơ sở thực tiễn để mở trường, điều hành trường và giảng dạy. Những dòng lập thuyết và định nghĩa đầu tiên trong cuốn sổ tay ấy dần hé lộ cho độc giả mục tiêu tối thượng của giáo dục mẫu giáo. Trường mẫu giáo là những nhà giáo dục đầu tiên các trẻ trai và gái cùng được săn sóc, đòi hỏi những sự săn sóc để cho thể, tâm, trí cùng nảy nở và phát triển. (…) Nhà trường (…) có quyền và bổn phận giúp các bà mẹ hoặc thay thế để săn sóc mỗi khi trẻ đòi hỏi. (…).Nhà trường nhận trẻ nhà giàu cũng như trẻ nhà nghèo, những trẻ khỏe mạnh cứng cáp cũng như những bé ốm yếu, những trẻ sạch sẽ, nhanh nhẹn, thông minh cũng như những em đầy di truyền tai hại, những trẻ đã chịu cuộc đời khổ sở, mất cả lòng tin (…). Nhưng bất luận trẻ nào, nhà trường cũng cố làm cho các trẻ tập cuộc sống hợp đoàn, cố hiểu để trọng luật chung, chung sức trong lúc tập học cũng như lúc chơi đùa, chú ý đến công việc, gắng sức làm cho khéo đẹp với tất cả thông minh, nhẫn nại, bền bỉ và vui vẻ.

Ông dành nhiều trang đề cập đến phương pháp sư phạm, chú trọng đến sự tự do, cá tính ở trẻ trong quá trình giáo dục. Giáo dục trẻ không chỉ là rèn luyện, dạy bảo mà còn khơi gợi, đánh thức tiềm năng:(…) Biết lợi dụng những năng khiếu của chúng, trẻ sẽ tiếp xúc mà hiểu sự vật chung quanh. Sự hiểu biết ấy phải luyện cho trẻ quen phát biểu. (…) Để điều khiển sự phát triển của trẻ phải dựa vào những phương pháp hoạt động kể cả về đức dục. Và nhớ rằng cho trẻ thu nhận những môn giáo khoa từ lúc nào trẻ đã nhận được ngoại vật và trí tuệ đã xây đắp.

Ông thực sự là một nhà sư phạm có tinh thần canh tân, có tư duy phản biện và có ý thức xã hội. Hoạt động giảng dạy đối với ông không chỉ gói gọn trong địa hạt giáo dục mà còn là trách nhiệm xã hội. Thật đáng tiếc, do chiến tranh bùng nổ, trường Bách Thảo phải đóng cửa vào tháng 12-1946, khép lại một ý hướng khai mở thực hành giáo dục mầm non của vợ chồng ông Vĩnh Bang và bà Lê Thị Tuất cùng những cộng sự của họ. Sau đó, ông bà sang Geneva tu nghiệp và sau này, ông Vĩnh Bang trở thành nhà tâm lý học sư phạm hàng đầu của Thụy Sĩ, là cánh tay phải của Jean Piaget. Giới đại học đánh giá đóng góp của ông: 

Người giảng viên hài hòa giữa sự chính xác thực nghiệm, trí tưởng tượng và sự giản dị, nhà trí giả và “nhà ngoại giao của ngành tâm lý học” tại đại học, Bang đã góp phần vào sự phát triển của lý thuyết Piaget theo hướng chuẩn xác hơn mà vẫn truyền đến cho sinh viên của mình sự tôn trọng “tính khác biệt của trẻ em. (…) Đặc biệt ông có công lao rất lớn làm biến đổi theo chiều sâu và hiện đại hóa Trường Tâm lý học và Giáo dục học. Giáo sư Vĩnh Bang là người mở và phát triển ngành học phương pháp học tâm lý và tâm lý sư phạm. Ông cũng là người thúc đẩy và chỉ đạo việc nghiên cứu ứng dụng các kết quả cơ bản của tâm lý phát sinh vào việc giảng dạy ở phổ thông. (Rita Hofstetter, Marc Ratcliff, Bernard Schneuwly, Một trăm năm cuộc đời 1912-2012, trường Đại học Tâm lý học và Giáo dục học kế thừa Viện Rousseau và thời đại Piaget, Genève, Georg Editeur, 2012, tr.99 và Nhật báo Tribune de Genève, ngày 5-10-1988, tr.23).

Kết luận

Dưới danh nghĩa mẫu giáo tư thục đầu tiên của nền độc lập và của GDM tại Việt Nam, sự ra đời và tồn tại, dù ngắn ngủi trong khoảng một năm, của Bách Thảo hàm chứa nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, GDM du nhập được vào Việt Nam là nhờ hai mạng lưới hướng đạo và thiện nghĩa, bên góp nhân lực và kiến thức, bên góp tài lực và các mối quan hệ. Họ đưa việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em tại Việt Nam dưới thời thuộc địa được thay đổi về chất. Tầng lớp tinh hoa Việt nỗ lực tìm kiếm phương cách đào tạo những nhi đồng, thiếu niên Việt toàn diện để chuẩn bị cho nền độc lập mà lúc đó họ đã dự cảm nó đang đến gần. Thứ hai, GDM và phong trào nữ hướng đạo như dòng hợp lưu tạo nên diện mạo mới phong trào nữ quyền tại Việt Nam dưới thời thuộc địa. Sự gặp gỡ này không chỉ nâng cao vai trò xã hội và nghề nghiệp của nữ giáo viên mà còn đóng góp về mặt nhân lực cho hệ thống mầm non tiểu học còn non trẻ của Việt Nam buổi đầu độc lập. Thứ ba, nền giáo dục mầm non của Việt Nam độc lập đã tiếp thu về mặt nhận thức và phương pháp của Giáo dục Mới.     

Những thể nghiệm sư phạm này tại Việt Nam bị ngắt quãng bởi nhiều thập niên. Ngày nay, nó du nhập và phát triển trở lại, quy mô và phong phú hơn. Chúng ta hi vọng rằng nhu cầu chăm lo của các phụ huynh cho con em mình bắt nhịp được với mong muốn giáo dục và giáo dưỡng của những nhà thực hành giáo dục để cho trẻ em trở thành những người được thụ hưởng thực sự chứ không đơn thuần chỉ là đối tượng tiêu dùng sản phẩm giáo dục từ những người cung cấp dịch vụ giáo dục. Có như vậy, hẳn là những nhà tiên phong cách đây 70 năm sẽ mãn nguyện vì sự nghiệp của họ được các thế hệ sau tiếp nối. □ 

————-

*TS, Nghiên cứu viên Đại học Paris Diderot & Đại học Geneva

Chú thích: 

1 Bạch Thái Bưởi giúp Nguyễn Quý Toàn và Trịnh Văn Hội gây dựng, ở Hà Nội, Trường Thể dục đầu tiên tại Đông Dương vào năm 1919. Ông còn mở cơ sở in, xuất bản Đông Kinh ấn quán và tờ Khai hóa nhật báo để cổ động phong trào thực nghiệp.

2 Hoàng Đạo Thúy, Nghề thầy, Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội, tái bản, 2016, tr. 10.

3 Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997): Chủ xưởng mộc Mémo lừng danh đầu thế kỷ 20. Ông là tác giả hơn 600 tác phẩm hội họa và thiết kế đồ gỗ có giá trị cao, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sỹ về sau.

4 Được khánh thành ngày 15-6-1935, đây là công viên (có thu phí vào cửa) dành cho trẻ em, thiếu nhi, thiếu niên của thành phố Hà Nội. Công viên bao gồm một bể bơi, một sân khấu, quầy nước và nhiều sân bãi trò chơi. Ngày nay, nó chính là vị trí của Cung Văn hóa Thiếu nhi.

5 Mina Audemars (1883-1971), Louise Lafendel (1872-1971): Hai nhà giáo dục người Thụy Sĩ, sáng lập ra Maison des Petits vào năm 1913, lấy cảm hứng từ trường Casa dei Bambini của Maria Montessori.

6 Hội Tâm lý – Giáo dục học Việt Nam, tài liệu đã dẫn, tr.18.

Tác giả