Giới học thuật Đức và Elsevier: Một cuộc chiến gay cấn

Nước Đức kỳ vọng, cuộc đàm phán không khoan nhượng của họ với Elsevier – nhà xuất bản khoa học lớn nhất thế giới hiện nay có thể tạo ra một cuộc dịch chuyển toàn cầu sang truy cập mở và thay đổi một cách toàn diện mô hình xuất bản.


Thư viện trường Đại học Humboldt (Berlin) là một trong những nơi không tái ký hợp đồng thuê bao tạp chí với Elsevier. Nguồn: Science.

Trong phòng hội nghị ở tầng 3 nhìn qua quảng trường Potsdamer nổi tiếng, nơi từng bị Bức tường Berlin chia đôi, người ta đang đàm phán về tương lai của ngành xuất bản. Lịch sử đang được hình thành, vì nếu các thủ thư và các các nhà quản lý nghiên cứu có được điều họ muốn, một ranh giới khác sẽ bị bãi bỏ: bức tường phí bao quanh hầu hết các bài báo khoa học.

Trong vòng 2 năm qua, hơn 150 thư viện, đại học, và viện nghiên cứu ở Đức đã hình thành liên minh thống nhất cố gắng ép các nhà xuất bản hàn lâm chuyển sang một mô hình kinh doanh mới. Thay vì trả một cái giá rất cao để được đọc những tạp chí nhất định, thành viên trong nhóm liên minh muốn tài trợ trước cho các nhà xuất bản một chi phí để đăng tất cả những bài báo có tác giả thứ nhất là người Đức. Rồi, những bài báo đó sẽ được truy cập miễn phí trên khắp thế giới; Còn riêng các viện nghiên cứu, trường đại học của Đức sẽ được truy cập tới tất cả những nội dung trực tuyến của các nhà xuất bản.

Liên minh thư viện và trường đại học ở Hà Lan, Phần Lan, Áo, và Vương quốc Anh cũng thúc đẩy tới các thỏa thuận tương tự, nhưng đã phải chấp nhận kết quả ít hơn những gì họ mong muốn. Ở Hà Lan, ví dụ, Elsevier – nhà xuất bản hàn lâm lớn nhất thế giới – chỉ đồng ý cho 30% bài báo có các tác giả người Hà Lan truy cập mở vào năm 2018, và chỉ sau khi các thư viện phải tăng tiền tài trợ hằng năm đáng kể.

Ở nước Đức, cũng vậy, đạt được một thỏa thuận với Elsevier dường như quá mơ hồ. Tuy nhiên, liên minh của Đức, Projekt DEAL, nhất quyết không thỏa hiệp, tin rằng kết quả đầu ra thành công có thể thúc đẩy một cuộc đảo ngược tình thế ngoạn mục, một cuộc chuyển đổi toàn cầu sang truy cập mở. “Nếu điều đó thành sự thực, nó có thể là mô hình cho phần còn lại của thế giới”, một nhà đàm phán, nhà toán học Günter Ziegler của Đại học Tự do Berlin nói.

Đề xuất thương vụ “xuất bản và đọc” không chỉ có thể làm cho nghiên cứu của Đức được truy cập nhiều hơn, mà còn tiết kiệm chi phí. Dù tạp chí truy cập mở – OA (Open Access) đang gia tăng nhanh chóng, hàng ngàn tạp chí vẫn áp dụng mô hình phải trả phí định kì. Tổng cộng, các thư viện hàn lâm của thế giới trả khoảng 7.6 tỷ Euro cho các gói thuê bao để truy cập tới khoảng 1,5 – 2 triệu tài liệu mới hằng năm, hoặc trong khoảng 3800 Euro và 5000 Euro cho từng bài báo, theo ước tính của Hiệp hội Max Planck. Điều đó tạo ra một món hời cho các nhà xuất bản như Wiley, SpringerNature, và đặc biệt Elsevier, với biên lợi nhuận đạt tới 37% năm ngoái. “Khoảng 60% ngân sách của chúng tôi là để trả tiền cho ba nhà xuất bản đó”, Andreas Degkwitz, thủ thư trưởng của Đại học Humboldt ở Berlin, nói. “Điều đó không thể tiếp tục được nữa”.

Đoàn đàm phán của Đức được định hướng bởi một công thức đơn giản: Hãy lấy số lượng bài báo mà tác giả thứ nhất đến từ các viện của Đức được phát hành bởi các nhà xuất bản và nhân lên với một chi phí hợp lí cho từng bài báo. Đó là những gì nước Đức sẽ trả cho nhà xuất bản đó – và tổng tiền có khả năng sẽ thấp hơn rất nhiều so với chi tiêu cho các gói thuê bao hiện hành.

Sau nhiều tháng thương lượng, Springer Nature và Wiley cũng có vẻ chấp nhận mô hình này, tương tự như những thương vụ mà hai công ty này gặp phải ở Hà Lan, nên họ cũng quen với yêu cầu mà các đoàn đám phán đưa ra. Bây giờ các bên chỉ cần đạt được đồng thuận về chi phí đặt ra cho từng bài báo. Cận dưới là khoản phí trung bình xử lý bài báo được thu bởi các tạp chí truy cập mở hiện hành, vào khoảng 1300 Euro. Quỹ Nghiên cứu Đức, cơ quan cấp vốn khoa học chính của nước này, đã thiết lập giá trần là 2000 Euro cho từng bài báo được xuất bản. “Chúng tôi sẽ không đạt được mức 1300 Euro, nhưng chúng tôi cần bắt đầu theo hướng đặt ra giá thành thấp hơn để đưa con người (cộng đồng khoa học ở các nước khác nhau, giữa nhà khoa học và công chúng) lại gần nhau hơn”, Degkwitz nói.

Nhưng việc thương thảo với Elsevier ngày càng bộc lộ nhiều khó khăn. “Elsevier là lớn nhất trong 3 nhà xuất bản đó, và họ sẽ bị mất nhiều nhất“, Degkwitz nói. Vào ngày 1/1/2017, các gói thuê bao tạp chí của Elsevier đã mất hiệu lực ở hơn 60 cơ sở nghiên cứu, dù Elsevier đã khôi phục sự khả năng truy cập cho các đơn vị này vào tháng 2, cuộc trao đổi vẫn tiếp tục. Việc đàm phán đã đình trệ một lần nữa vào tháng 3, và chào hàng mới của Elsevier vào đầu tháng 7 “một lần nữa, còn xa mới đạt đến yêu cầu của chúng tôi”, người phát ngôn của DEAL Antje Kellersohn, giám đốc thư viện Đại học Freiburg, nói.

Elsevier muốn một thỏa thuận, Nick Fowler, giám đốc quản lý các mạng nghiên cứu ở tổng hành dinh ở Amsterdam của công ty, nói, nhưng mô hình “xuất bản và đọc” là không thực tế. Elsevier sẽ bằng lòng để các tác giả Đức trả tiền để các bài báo của họ thành truy cập mở, ông nói, nhưng các thư viện của Đức không thể kỳ vọng việc thanh toán đó cũng trang trải luôn phí truy cập của những bài báo này cho cả phần còn lại của thế giới.

Công ty này cũng đã nhượng bộ các điều khoản khác, nhưng việc nó nhất quyết từ chối tuân theo những nguyên tắc căn bản khiến giới học thuật vô cùng bực bội. “Nó giống như việc bạn đang ở một cửa hàng bán xe để mua một cái ô tô nhưng anh bán hàng cứ cố ép bạn phải mua một cỗ xe ngựa”, Ziegler nói. “Bạn nói cho anh ta ‘Tôi không muốn mua xe ngựa, tôi chỉ muốn mua ô tô’. Và anh ta nói: ‘Thôi nào, nếu như ông mua cỗ xe ngựa này, thì tôi sẽ đưa ông con ngựa miễn phí luôn”.

Elsevier cũng bác bỏ yêu cầu thứ hai của các cơ sở nghiên cứu ở Đức: giới học thuật muốn giá trị của thỏa thuận được công khai. Trong khi đó, Elsevier trong hầu hết các trường hợp đều yêu cầu các thư viện giữ bí mật thỏa thuận giá với mình. “Nhưng sự minh bạch sẽ nâng cao nhận thức về chi phí xuất bản và giúp thúc đẩy cạnh tranh”, Leo Waaijers, là người ủng hộ cho truy cập mở và một thủ thư đã về hưu ở Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan, nói. Một phần nhờ vào nhiều cuộc chiến pháp lý, chi phí trả cho các gói tạp chí ở Hà Lan đã trở nên công khai, và các tính toán của Waaijers đã chỉ ra rằng Elsevier thu tiền gấp đôi, thậm chí gấp ba lần đối với mỗi bài báo của các tác giả Hà Lan so với ba nhà xuất bản lớn khác.

Đức là thị trường lớn hơn nhiều so với Hà Lan, và những đàm phán hiện giờ có lẽ là cơ hội tốt nhất để tạo ra cuộc chuyển đổi ngoạn mục. Hội nghị các Hiệu trưởng của Slovenia đã đi đến giải pháp áp dụng cách tiếp cận của Projekt DEAL trong các thương thảo với Wiley và SpringerNature vào đầu năm 2018, và với Elsevier trong năm 2019. Nhưng Fowler nghi ngờ rằng cách tiếp cận của Projekt DEAL có thể lan truyền truy cập mở mạnh mẽ hơn: Ông lưu ý là các nhà cấp vốn nghiên cứu chủ chốt của Mỹ, như Viện Y tế Quốc gia và Quỹ Khoa học Quốc gia, có các chính sách cho phép duy trì các công trình đằng sau bức tường phí khoảng một năm sau ngày xuất bản.

Để thành công, Waaijers nói, các nhà đàm phán Đức phải dám bước ra khỏi cuộc thương lượng nếu không đạt được bất kì sự đồng thuận nào từ phía Elsevier. Các thành viên của DEAL nói họ sẵn sàng cho điều đó. Từ tháng 6 năm 2017, các nhà quản lý nghiên cứu và lãnh đạo đại học ở Berlin, bang Baden-Wurttemberg, và Viện Robert Koch đều khẳng định họ sẽ không tiếp tục trả phí cho các gói tạp chí của Elsevier sau khi gói năm 2016 của họ đã hết hiệu lực. Như vậy trong trường hợp Elsevier cắt truy cập một lần nữa, thì để đọc các bài báo từ các tạp chí của Elsevier, trong đó có Cell, The Lancet, và Physics Reports, các nhà nghiên cứu Đức sẽ phải viện tới phương thức như mượn lẫn nhau giữa các thư viện – hoặc đi tới các trang lậu như SciHub.

“Cuối cùng, đây là vấn đề về sự kiên nhẫn”, Degkwitz nói. Nước Đức đã từng cho thấy rằng quốc gia này có thể kiên nhẫn thế nào khi phải đối mặt với một bức tường.

Lê Trung Nghĩa lược dịch
Nguồn: http://www.sciencemag.org/news/2017/08/bold-open-access-push-germany-could-change-future-academic-publishing

 

Tác giả