PGS. TS Phạm Thành Huy: Những năm tháng đẹp nhất tôi dành cho AIST

Đằng sau thành công của Viện Tiên tiến KH&CN (AIST) – một “địa chỉ đỏ” về khoa học vật liệu của trường Đại học Bách khoa HN, là nỗ lực của cả tập thể các nhà khoa học trẻ say mê nghiên cứu, và đằng sau tập thể ấy là cố gắng bền bỉ của một viện trưởng luôn không coi mình là... viện trưởng, PGS. TS Phạm Thành Huy.


PGS. TS Phạm Thành Huy trao đổi công việc với các học viên của AIST. Ảnh: Thanh Nhàn.

Trong vòng 10 năm gây dựng và thúc đẩy AIST trở thành một trong những đơn vị có công bố và chuyển giao công nghệ tốt của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS. TS Phạm Thành Huy vẫn coi vai trò quản lý hành chính của mình là “phục vụ, hỗ trợ các bạn ấy khi cần thiết và sẵn sàng giải đáp thắc mắc khi có thể”. Anh tâm đắc với quan điểm của TS. Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, “làm viện trưởng không có nghĩa phải làm ra nhiều bài báo mà là tạo điều kiện, tạo môi trường làm việc để các nhà nghiên cứu có nhiều bài báo hơn”. 

Gây dựng môi trường thật và “ảo”

Với các nhà nghiên cứu về khoa học thực nghiệm, phòng thí nghiệm tất yếu cần phải có máy móc, thiết bị để triển khai nghiên cứu. Vì vậy, hơn 10 năm trước khi cùng đồng nghiệp viết đề án thành lập Viện AIST, PGS. TS Phạm Thành Huy đã suy nghĩ rất cẩn trọng về việc thiết kế phòng thí nghiệm với mục tiêu “có được một cơ sở hạ tầng đủ tốt để anh em ở nước ngoài trở về cũng yên tâm là có thể làm nghiên cứu được ở trong nước”. Câu hỏi đặt ra là một hệ thống phòng thí nghiệm với trang thiết bị “đủ tốt” như vậy có rơi vào cảnh lỗi thời sau 10, 15 năm? Nhớ lại quãng thời gian đó, anh Phạm Thành Huy cho biết, “muốn có phòng thí nghiệm tốt thì ngay từ đầu, phải có một cấu trúc tổng thể và một số nguyên tắc nhất định, cho nên dù sau này có xoay sang theo hướng nghiên cứu khác thì cũng thực hiện được trên nền tảng đó”. Với ý tưởng này, cấu trúc phòng thí nghiệm của AIST gồm 4 mô đun mang tính bổ trợ và kết nối, trong đó mô đun 1 tập trung vào các thiết bị chế tạo vật liệu với phòng chế tạo vật liệu bằng phương pháp vật lý và chế tạo vật liệu bằng phương pháp hóa học; mô đun 2 có nhiều thiết bị phân tích quang học, các máy đo tính chất quang, từ, điện của vật liệu; mô đun 3 là phòng sạch với nhiều thiết bị chế tạo màng mỏng đơn lớp nguyên tử, màng đa lớp đa thành phần…; và mô đun 4 là các hệ kính hiển vi điện tử (SEM, TEM). Dù không thể so sánh với quốc tế nhưng hệ thống cơ sở vật chất này đã cho phép các nhà nghiên cứu của AIST có thể thực hiện được những nghiên cứu rất cơ bản đến chuyên sâu của vật liệu, đồng thời có được những sản phẩm hợp tác với doanh nghiệp. 
Việc xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm với tầm nhìn xa như vậy không chỉ đòi hỏi sự suy nghĩ thấu đáo mà còn cả sự hiểu biết và nhạy cảm của một người đam mê với nghiên cứu. Tuy nhiên, anh cũng khiêm tốn tự nhận, “mình chẳng thông thái gì đâu, cũng phải tìm hiểu kinh nghiệm đồng nghiệp trong nước, quốc tế xem họ xây dựng phòng thí nghiệm như thế nào để làm theo”.
Mất 4 năm để PGS. TS Phạm Thành Huy và cộng sự tạo dựng một cơ sở vật chất “đủ tốt”, nhưng để xây dựng một bầu không khí tin cậy, dân chủ và minh bạch ở AIST đòi hỏi nhiều thời gian và nhiều công sức hơn thế, nhất là khi không có một “công thức chung” nào để làm theo. “Mọi thứ không đến ngay một lúc, mình phải xây dựng một cách từ từ với mục tiêu để Viện duy trì được một cách làm việc tốt, một nơi để anh em cảm thấy hạnh phúc khi đến làm việc”, PGS. TS Phạm Thành Huy nói. 

Để làm được điều này, theo PGS. TS Phạm Thành Huy, “trước tiên, mình phải chấp nhận sự khác biệt và tạo điều kiện cho mọi người có thể thẳng thắn trao đổi quan điểm của mình”. Chấp nhận sự khác biệt – nói thì dễ nhưng thực hiện thực sự là điều khó, nhất là tới 90% các nhà nghiên cứu trẻ của AIST từ nước ngoài trở về, “đều giỏi về chuyên môn và rất cá tính, có người vô cùng đặc biệt và không phải ai cũng chấp nhận cái riêng nhau”. Anh thừa nhận: “Rất khó! Mình phải hiểu là trong viện sẽ có những nhà nghiên cứu giỏi hơn mình, thậm chí chưa chắc họ đã coi mình ra gì cả”. Vậy cách nào? “Là người phụ trách, mình buộc phải chấp nhận được họ theo cách phải biết họ giỏi cái gì để khai thác cái giỏi của họ. Mình không nhất thiết phải viết bài nhiều hơn họ nhưng phải trao cho họ cơ hội để họ có nhiều bài tốt”, anh Huy nói. Sự tôn trọng và gắn kết giữa các nhà nghiên cứu, giữa họ với viện trưởng của mình đã bắt đầu từ những điều như vậy.  

Sự đồng thuận ở AIST là niềm tự hào của PGS. TS Phạm Thành Huy. Đôi mắt anh sáng lên khi kể: “10 năm nay, cứ bỏ phiếu thông qua một vấn đề là được 100% tán thành”. Anh giải thích, đồng thuận ở đây “không phải là mình đi thuyết phục từng người đâu mà tự mỗi người đều được thuyết phục bởi sự minh bạch, dân chủ từ công tác quản lý, tiền bạc đến thi đua”. 

Logic ứng dụng của người làm nghiên cứu cơ bản

Các nhà nghiên cứu ở AIST đều tôn trọng viện trưởng của mình, không chỉ vì anh là người đem lại một môi trường làm việc tốt và những cơ hội nghiên cứu tốt mà còn vì “anh ấy nỗ lực giải quyết công việc đến cùng. Nhiều khi tôi thấy ngạc nhiên là tại sao anh ấy có thể vừa làm nghiên cứu cơ bản lại vừa triển khai tốt cả ứng dụng trong khi hai thứ ở hai đầu xa tít tắp”, TS. Nguyễn Đức Dũng (trưởng phòng BKEMMA, AIST) từng trao đổi với Tia Sáng như vậy vào cuối năm 2017.
Mối gắn bó với nghiên cứu ứng dụng của PGS. TS Phạm Thành Huy và anh em AIST bắt đầu từ rất sớm, khi Viện mới thành lập, và bắt đầu một cách “tưởng chừng ngẫu nhiên nhưng rất logic” như đánh giá của anh. Năm 2010, dự án về phòng thí nghiệm của AIST mới bắt đầu nên để có được cơ sở nghiên cứu, các anh “đã phải đi nhờ khắp nơi, phải nghĩ đến chỗ nào đấy có thể giúp mình, hỗ trợ mình mở phòng thí nghiệm. May quá lúc đó vào được Rạng Đông (Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông), nhờ thử làm thành công mấy việc, Ban Giám đốc Rạng Đông đã đồng ý xây dựng phòng thí nghiệm chung giữa hai bên”. 
Xuất phát từ mong muốn có một chỗ làm việc, đến nay việc hợp tác giữa AIST và Rạng Đông được tiến hành cũng gần 10 năm, mặc dù cái gốc của PGS. TS Phạm Thành Huy vẫn thuần là nghiên cứu cơ bản và “giữa cái mình nghiên cứu cơ bản khi ấy và cái mình nghiên cứu ứng dụng ở Rạng Đông vẫn còn khác xa nhau”. Tuy nhiên, với những hiểu biết rất rộng về quang điện tử, nhóm nghiên cứu AIST của anh đã giải được những bài toán của Rạng Đông, ví dụ như tìm ra phương pháp thu hồi bột huỳnh quang từ ống thủy tinh chì tráng lớp phát quang phế phẩm để có được hai sản phẩm bột huỳnh quang tinh sạch và thủy tinh nguyên liệu. “Tất cả đều dựa trên kiến thức, quan trọng là mình phải có ý tưởng, trường hợp lấy bột huỳnh quang ra khỏi ống cũng vậy, lấy được nó rồi thì phải có giải pháp làm sạch nó để tái sử dụng”, anh giải thích. 


PGS. TS Phạm Thành Huy (thứ hai từ trái sang) trao đổi với ban lãnh đạo Rạng Đông về phương pháp thu hồi bột huỳnh quang. Nguồn: Rạng Đông.

Sự thông đồng bén giọt trong hợp tác với Rạng Đông đã mở đường cho PGS. TS Phạm Thành Huy cũng như AIST làm việc với nhiều doanh nghiệp khác, một hành trình mà anh vẫn nói vui là thực tế hóa các nhà khoa học: “Hồi đầu, có lần làm việc với doanh nghiệp, khi đàm phán về chuyển giao công nghệ, ở nhà anh em đã bàn và đưa ra mức giá khá cao đã chốt sẵn. Tưởng họ không chấp nhận, ai dè họ đồng ý luôn. Khi về, anh em cứ bấm nhau cười”. Ở đây, việc hợp tác và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp không chỉ đem lại thêm khoản kinh phí để “nuôi quân” mà còn giúp anh em có những trải nghiệm, những bài học đáng giá từ thực tế. Với tâm thế cầu thị, anh đã học hỏi được rất nhiều ở doanh nghiệp, từ người kỹ sư đến lãnh đạo, ví dụ có những bài toán giải được là “nhờ anh em ở đó cả, như trường hợp tạo lớp phủ cho đèn khởi động nhanh, mình làm đủ cách, tính mọi đường vẫn không ra. Sau anh phụ trách ở đấy giỏi lắm bảo ‘bình thường chúng tôi vẫn làm như thế này là được’, mình làm theo là thành công”. 
Sức hấp dẫn của nghiên cứu ứng dụng – vừa nhìn thấy sản phẩm của mình có mặt trên thị trường, vừa đem lại tiền bạc, có làm phai nhạt sự gắn bó với nghiên cứu cơ bản và ảnh hưởng đến khả năng công bố của các nhà khoa học? PGS. TS Phạm Thành Huy cho biết, cũng như nghiên cứu cơ bản, việc làm ứng dụng mất rất nhiều thời gian vì thông thường, các nhà khoa học không có kinh nghiệm về sản xuất và sản phẩm mình làm ra trong phòng thí nghiệm là sản phẩm đơn chiếc, mọi công đoạn chưa được chuẩn hóa nên khi áp dụng mới có nhiều vấn đề xuất hiện. Ngay bản thân anh, giai đoạn 2012-2013, thời kỳ làm việc với Rạng Đông nhiều nhất, anh ở trong tình trạng “hoàn toàn không có công bố”. 

Vậy tại sao làm ứng dụng ở Việt Nam lại ít có công bố trong khi nhiều doanh nghiệp và nhiều nhà khoa học quốc tế vẫn có công bố từ nghiên cứu ứng dụng? Anh Huy giải thích, thông thường nếu nhà khoa học chỉ đưa ra những giải pháp thuần túy về mặt kỹ thuật cho doanh nghiệp mà không có sự gắn kết với doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề một cách sâu sắc thì ứng dụng cũng chỉ ở mức lưng chừng, không thể đưa kiến thức từ ứng dụng thành những hướng nghiên cứu mới và có thể công bố được. Rất may là mối hợp tác bền chặt và hiệu quả giữa AIST và Rạng Đông trong vòng gần 10 năm không chỉ đem đến gợi ý cho công ty mở một trung tâm R&D của mình mà còn mở ra cơ hội hai bên cùng giải quyết những vấn đề lớn, có “những cái liên quan đến nghiên cứu ứng dụng mình cũng có thể công bố được”. Đó cũng là nét mới trong công bố của AIST năm 2017-2018 khi có một vài bài báo liên quan đến phương pháp mô phỏng về thiết bị chiếu sáng và bột huỳnh quang – những vấn đề liên quan đến việc thiết kế, chế tạo một số sản phẩm mới của Rạng Đông, tuy để giải quyết vấn đề ứng dụng nhưng cách làm, cách tiếp cận, cách thiết kế… hoàn toàn mới. Tiềm năng công bố theo hướng này cũng rất lớn bởi theo anh Huy, “từ một số bài toán đã làm cho Rạng Đông nay lại mở ra một số vấn đề về nghiên cứu cơ bản rất hay”. 
Dẫu vậy, anh thừa nhận, “không dễ để làm tốt hai việc cùng một lúc, không dễ làm nhưng mà nếu cố gắng thì vẫn làm được”.

Không dễ bằng lòng  

Cảm nhận ban đầu về PGS. TS Phạm Thành Huy là sự thân thiện, chân thành và cởi mở. Đó cũng là lý do vì sao, nhiều nhà nghiên cứu trẻ giỏi nghề từ nước ngoài trở về đã chọn AIST sau một buổi làm việc với anh. “Ở đây, các bạn ấy chọn nơi làm việc, có bạn ‘phỏng vấn ngược’ mình tới 50 câu chỉ để chắc chắn AIST là nơi có thể làm việc được”, anh kể. Khi bước vào nghiên cứu, điều làm họ cảm phục ở anh là thái độ làm việc nghiêm túc và luôn cố gắng giải quyết trọn vẹn vấn đề đặt ra. Không chỉ những người cùng viện mà ngay cả đối tác của AIST cũng nhận xét như vậy. Trong nhiều cuộc tọa đàm do Tia Sáng tổ chức, Tổng giám đốc Rạng Đông ông Nguyễn Đoàn Thăng vẫn nhắc cơ duyên đưa “thầy Huy” – cách gọi thân mật của Rạng Đông với các nhà khoa học, đến công ty và nỗ lực của anh trong việc giải bài toán thu hồi bột huỳnh quang từ các ống đèn phế phẩm, “lặn lội đến ngay cả ngày 29 Tết năm hết tết đến, mọi người đều đã nghỉ và mua sắm Tết hết”.
Chính sự tận tâm với công việc mà một người vừa làm công tác quản lý và nghiên cứu như PGS. TS Phạm Thành Huy luôn rơi vào trạng thái “bận như con mọn”, cụm từ anh thường lấy để nói về sự bận rộn của mình, “lúc nào cũng có 15 việc trước mặt cần giải quyết. Phải tĩnh tâm làm từng việc một thôi”. Chính vì phải dành rất nhiều thời gian cho công tác quản lý, phân bổ thời gian lên lớp, vào phòng thí nghiệm và làm dự án… đến nay anh vẫn chưa làm được một việc đã đặt ra kế hoạch thực hiện từ lâu, đó là viết một cuốn sách về “Vật liệu và Công nghệ chế tạo đèn chiếu sáng chuyên dụng cho nông nghiệp” – đúc kết kết quả hơn 10 năm tham gia nghiên cứu ứng dụng với Rạng Đông. Tuy bận bịu như vậy nhưng có những điều anh không cho phép mình được quên, ngay cả việc tưởng chừng nhỏ nhặt là “sáng sớm đến thấy trời nồm ẩm thì phải nhắc nhở các bạn không được vội bật máy ngay mà cần bật điều hòa trước”, hay trước khi về “đi tuần”, kiểm tra phát hiện máy nào chưa lau sau thí nghiệm, điện phòng nào chưa tắt… Các nhà nghiên cứu của AIST yêu mến viện trưởng của mình từ những điều nho nhỏ như thế.  
Ở một viện nghiên cứu thì công việc của viện trưởng không chỉ có vậy. “Mình phải xác định rất rõ, anh em nhìn nhau bằng hiệu quả công việc, mình làm quản lý thì hiệu suất nghiên cứu không thể bằng anh em giỏi nhất của viện nhưng vẫn phải cố gắng”, anh Huy nói. Cố gắng của anh ở đây là đặt mục tiêu hàng năm, có bài báo nhưng “bài báo của anh không phải là bài đứng tên cho có mà phải là ‘chính chủ’, làm thế nào thì làm, kiểu gì cũng phải đạt”. Những năm gần đây, công việc đã vào guồng, công bố của anh và đồng nghiệp đã tăng lên, riêng năm 2018 có 10 bài, trong đó anh là tác giả chính ba bài. Niềm vui của người làm nghiên cứu cơ bản đôi khi cũng giản dị, “bây giờ anh đã có 73 bài công bố trên các tạp chí ISI/Scopus, trong đó 21 bài trên các tạp chí Q1”. 
Có trong tay nhiều thứ, một đội ngũ các nhà nghiên cứu trẻ “thiện chiến”, một lý lịch khoa học tốt và một bề dày kinh nghiệm làm ứng dụng nhưng PGS. TS Phạm Thành Huy vẫn chưa tự bằng lòng. Ngay cả với ứng dụng thì anh cũng muốn không chỉ dừng ở việc tối ưu những sản phẩm thông thường. Trong một tọa đàm tổ chức năm 2016 nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm R&D chiếu sáng của Rạng Đông, anh không ngần ngại nêu quan điểm của mình: lẽ ra Trung tâm còn có thể làm được nhiều thứ tốt hơn, hiện tại Trung tâm mới giải quyết được vấn đề gắn liền với sản xuất, làm ra một số sản phẩm mới nhưng chỉ là sản phẩm của tương lai gần, Trung tâm chưa có được sản phẩm mang tính dẫn dắt thị trường. “Muốn làm được như vậy, Trung tâm phải thực hiện được những nghiên cứu về công nghệ mới trên cơ sở có được một đội ngũ chuyên sâu, nghĩ được vấn đề rất xa”, anh nói.
Với AIST, anh cũng thấy còn quá nhiều điều chưa đạt được, “cái mình đạt được là tốt nhưng mình còn mong muốn tốt hơn như hướng đến những công trình công bố trên các tạp chí cao nhất thì vẫn chưa đạt được, công trình năm ngoái về pha tạp carbon trong ZnO của TS. Nguyễn Đức Dũng cũng mới bắt đầu tiệm cận điều đó”. Kinh nghiệm mà anh thấy là “muốn công bố trên những tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao thì ngay cả nghiên cứu cơ bản cũng cần giải quyết triệt để một vấn đề nào đó từ lý thuyết đến thực nghiệm. Nếu mình không có đủ người thì không bao giờ mình làm được”. Nhưng để làm được điều này, cần có một cơ chế đủ linh hoạt, cho phép “viện trưởng có thể quyết định trong vòng 1 phút” để có thể tuyển được nhiều người giỏi. Trong bối cảnh hiện nay, những điều như thế dường như là không tưởng với các cơ sở nghiên cứu công lập…
***
Dù bận rộn, đôi lần trong năm, PGS. TS Phạm Thành Huy cũng dành thời gian nhìn lại công việc của chính mình, “kê ra những việc đã làm được và chưa làm được”. Nhìn lại chặng đường đã qua với AIST, dẫu chưa thật sự bằng lòng nhưng anh cho rằng, “những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình là dành cho AIST”, chắt chiu vun đắp nó thành “nơi quy tụ anh em cùng chí hướng làm khoa học”, ở đó soi vào mỗi công bố đều thấy những gương mặt thân thuộc của anh em AIST. 

Tác giả