PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Chấp nhận các mảng đậm nhạt trong bức tranh khoa học

Mười năm sưu tầm nghiên cứu, Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam (Trung tâm) đã có được phông lưu trữ khá toàn diện về các nhà khoa học (KH) Việt Nam. Đó là hành trình “từ không đến có trong thay đổi nhận thức xã hội và các nhà KH về di sản KH”. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc kỹ thuật của Trung tâm, lưu trữ cũng phải chấp nhận các hiện tượng sáng tối khác nhau của nền học thuật, vấn đề là “chúng ta sẽ kể chuyện này như thế nào”?

 
PGS.TS Nguyễn Văn Huy làm việc với TS. Nguyễn Đức Lộc, người lập ra Viện Nghiên cứu đời sống ở TP HCM.Nguồn ảnh: Trung tâm.

Có thể nói, Trung tâm đã tạo ra được một nguồn dữ liệu phong phú, đa dạng về câu chuyện cuộc đời, hành trình sáng tạo của các nhà KH Việt Nam. Nhìn nhận lại hành trình 10 năm, ông cho rằng, những điều gì là quan trọng nhất đưa đến kết quả ngày hôm nay?

Cho đến ngày hôm nay khi nhìn lại có thể thấy là có nhiều thành tựu khác nhau, nhưng tôi muốn tập trung vào hai thành tựu cơ bản, nổi bật của Trung tâm.

Thứ nhất là vật chất. Trung tâm đã nghiên cứu, sưu tầm, tiếp cận tư liệu về hơn 1400 nhà KH – với rất nhiều hiện vật khối; hiện vật giấy; ảnh: ảnh tư liệu; băng ghi âm, ghi hình…. có thể nói là hành trình từ không đến có. Đây là điều quan trọng nhất. Nó mang tính chất “cấp cứu” các tư liệu hiện vật: Giống như con người có thể chết, nếu không cấp cứu, hiện vật cũng có thể chết do bị hủy hoại, bị mối xông… Để tập trung cấp cứu, Trung tâm vạch ra chiến lược đúng đắn là tập trung vào nghiên cứu các nhà KH thế hệ trước cao tuổi hay đã mất. Rất nhiều nhà KH thuộc thế hệ đầu đã mất lâu rồi, gia đình nhiều khi ‘giữ [hiện vật] lại cũng khổ mà bỏ đi cũng không dám’. Nhiều tài liệu, hiện vật bị bỏ mặc rất lung tung lộn xộn. Những ký ức về thời kỳ đấy cũng đi qua rất nhanh. Có những bức ảnh không còn hiểu được bối cảnh, các nhân vật trong ảnh nữa.

Điều thành công thứ hai là sau khi cấp cứu, Trung tâm đã giải quyết và thu thập được một số lượng tư liệu lớn về các nhà KH ở các thời kỳ khác nhau, từ trước 1945, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, thời bao cấp…, như vậy ta có được những “lớp lang” thế hệ các nhà KH, một bức tranh toàn cảnh các nhà KH đóng góp gì với đất nước, và tại làm sao họ có thể đóng góp được như thế. Nền KH Việt Nam rất khác với nền KH của các nước phương Tây, hay Nhật Bản –  đó là những nền KH có bối cảnh lâu dài. Trong khi chúng ta, từ năm 1945 có 90% dân mù chữ. Sự nhen nhóm phát triển của nền KH chúng ta chỉ bắt đầu từ năm 1946-54 trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Những sự nhen nhóm đầu tiên như thế ta nghiên cứu sẽ tìm thấy điều hay. Ví dụ, khi bắt đầu giảng dạy ở Đại học Y ở Việt Bắc, GS Hiệu trưởng Hồ Đắc Di phát biểu bằng tiếng Pháp. Rồi GS giảng bài bằng tiếng Pháp, bởi sinh viên thời đấy học tú tài bằng tiếng Pháp hết… Tất cả những danh từ KH, thuật ngữ y học cũng dùng thuật ngữ Pháp bởi lúc đó người ta chưa tìm ra được từ ngữ, tư duy mạch lạc bằng tiếng Việt. Ai kể được cho chúng ta nghe những manh nha của các nhà KH như thế? Nếu chúng ta không có hệ thống tài liệu hiện vật về bảo tàng và lưu trữ ấy thì rất khó kể.

Tôi còn nhớ, thời gian đầu Trung tâm gặp nhiều khó khăn, chủ yếu từ nhận thức xã hội, mà như GS Nguyễn Anh Trí (Chủ tịch Medlatec, đơn vị đầu tư cho Trung tâm) từng chia sẻ – có nhiều nhà KH nghi ngờ sự tồn tại của Trung tâm, có người đã thẳng thừng nói rằng sẽ không tham gia cùng Trung tâm.

Đúng vậy, đến nay chúng tôi đã tạo dựng được niềm tin trong xã hội về di sản các nhà KH nhưng cũng đã trải qua rất nhiều sóng gió, đặc biệt là 1-2 năm đầu. Bởi vì từ xưa đến nay, trước khi có Trung tâm, thì không có khái niệm di sản các nhà KH. Trong Luật Di sản cũng như bất kỳ văn bản nào khác đều không nhắc đến, cũng không ai đề cập… Tất cả những gì mà các nhà KH làm ra chưa được ai nâng lên thành một loại hình di sản. Vì vậy Trung tâm đã xác định sẽ góp phần giúp cho xã hội nhận thức rằng đây là một cái loại hình di sản rất quan trọng.

Cũng trong thời gian ấy, các nhà KH và gia đình họ đã thay đổi nhận thức về di sản của mình. Tôi còn nhớ, hồi đầu, các nhà KH vẫn chỉ nghĩ cần phải tặng cho Trung tâm những tác phẩm được in ra, thế thôi. Thế nhưng qua cả một quá trình làm việc với Trung tâm thì các nhà KH mới vỡ lẽ ra là không phải, di sản của mình nó thật sự  đa dạng, nó không phải chỉ là tác phẩm in – mà tác phẩm in thì người ta có thể tìm thấy ở khắp nơi, ở thư viện, ở các cơ sở lưu trữ, v.v. Quan trọng nhất thực ra là những tài liệu viết tay, những bản thảo, những giấy rác, những cuốn nhật trình của những người đi khai quật khảo cổ, đi khảo sát địa chất, những cuốn nhật ký của sinh viên, nghiên cứu sinh khi đi làm ở trong nước cũng như ở nước ngoài, rồi thư từ của tất cả gia đình, bạn bè, vợ con gửi cho nhau… đó đều là di sản cả – mà trước đây người ta không nghĩ rằng đấy là thứ Trung tâm cũng như xã hội đương quan tâm và đương rất cần. Và khi mà người ta đã nhận thức như thế rồi thì mới giữ gìn, trân trọng cái di sản đấy, chứ không vứt đi. Nhiều lần, cán bộ Trung tâm đến nhà KH thì họ nói “tôi vừa mới bán một tạ giấy lộn, đấy là tất cả những gì mà tôi đã đọc, ghi chép”, “tôi vừa mới đốt đi tất cả sổ tay ghi chép vì đã 20 năm trôi qua rồi, không còn dùng nữa”, rất đáng tiếc. Cũng có lần cán bộ Trung tâm phải chạy theo xe đồng nát vừa mua “giấy vụn” của nhà KH để lục tìm lại tất cả những tài liệu đấy.

Công việc phải “cấp cứu” hiện vật và thu thập thông tin của nhiều nhà KH thế hệ trước nhưng lại cũng phải đáp ứng yêu cầu câu chuyện sâu sắc, hay và tinh tế hẳn đòi hỏi việc xây dựng đội ngũ rất lâu dài và khắt khe?

Từ những kinh nghiệm thực tiễn trước đó khi xây dựng Bảo tàng Dân tộc học, chúng tôi thấy rằng ở rất nhiều bảo tàng ở Việt Nam, dù có một bề dày lịch sử khá dài, đi sưu tầm nhiều hiện vật nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến thông tin của nó. Cho nên khi trưng bày thì rất thiếu thông tin, không thể kể được những câu chuyện hay. Khi làm Bảo tàng Dân tộc học, bằng phương pháp nghiên cứu dân tộc học, chúng tôi thu thập thông tin và diễn tả các câu chuyện ở đó dễ dàng và có nhiều thông tin hữu ích cho người xem. Đến khi triển khai mô hình nghiên cứu sưu tầm ở Trung tâm, chúng tôi luôn luôn định hướng là nghiên cứu song song với sưu tầm – tức là phải đi để nghiên cứu về cuộc đời của nhà KH, để thấy lịch sử cuộc đời ấy nó được thể hiện thông qua cái tư liệu hiện vật như thế nào.

Điều đó yêu cầu nhóm nghiên cứu viên của trung tâm phải làm việc rất căng. Vừa thuyết phục nhà KH, vừa phải sưu tầm, vừa phải làm hồ sơ tư liệu, vừa phải nghiên cứu để có được thông tin… Rất may là Trung tâm có được sự hỗ trợ các nhà KH, các biên tập viên, nhà báo khác nhau tham gia vào công việc định hướng, tổ chức bài viết, biên tập… Trong 10 năm qua, Trung tâm đã gây dựng được một đội ngũ cán bộ thật sự ham mê, sẵn sàng làm việc một cách không mệt mỏi, họ có tác phong, thái độ nghiên cứu, thái độ gặp gỡ, thái độ trân trọng… tất cả những yếu tố rất cần thiết cho công việc này. Bởi vì công việc này tiếp cận với những tài liệu một cách rất buồn tẻ, tài liệu thì bụi bặm không sạch sẽ. Rồi thuyết phục nhà KH cũng không đơn giản. Đi nhiều lần, thuyết phục, trò chuyện nhiều mới được tất cả những câu chuyện lịch sử cuộc đời. Có thể nói là một đội ngũ của Trung tâm đã tiếp cận và làm cho các nhà KH xiêu lòng và coi như con em, như những người trong gia đình, và họ sẵn sàng chia sẻ tất cả. Điều đó không phải ở đâu cũng có thể có để làm được, trong bối cảnh như hiện nay.


 Một góc trưng bày “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” tại Công viên di sản các nhà KH tại Hòa Bình. Nguồn ảnh: Trung tâm.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng vẫn chưa hoàn toàn hài lòng với cách làm việc hiện nay. Vì các anh chị em vẫn chịu một mâu thuẫn giữa một bên là sức ép phải đi sưu tầm, phải đưa về càng nhiều [tư liệu, hiện vật] càng tốt, kiểu như là định mức với một bên là sưu tầm ở mức độ vừa phải nhưng tăng thông tin, tăng các câu chuyện, tăng chất lượng của tất cả câu chuyện đấy. Bởi vì nhà đầu tư thì bao giờ cũng muốn nhìn thấy số lượng, còn nhà chuyên môn thì chỉ muốn thấy chất lượng.

Phải chăng, có phần là do ta chưa có một cái thấu đáo về vai trò của việc nghiên cứu chuyên sâu về tiểu sử các nhà KH?

Chính xác đấy. Chúng ta vẫn viết tiểu sử rất nhiều. Nhưng mà cái gọi là cái tiểu sử học… phương pháp luận tiến hành nó như thế nào thì chưa được bàn thấu đáo. Nghiên cứu tiểu sử dưới nhiều giác độ khác nhau: tiểu sử dưới giác độ một nhà văn, tiểu sử dưới giác độ của một nhà KH… của nhà sử học; tiểu sử dưới giác độ của một nhà xã hội học, tiểu sử dưới giác độ của một nhà nhân học… là những vấn đề rất khác nhau. Mà chỉ có nghiên cứu chuyên sâu, thì đến lúc làm trưng bày hay viết ra mới làm dấy lên cảm xúc.

Những công trình [mang tính tiểu sử học] thực sự về các nhà KH còn rất hiếm. Chúng ta vẫn hay nói về thế hệ ‘trí thức vàng’ sau Cách mạng tháng 8, mỗi người đáng một cuốn sách, đáng một nghiên cứu nhưng còn khá hiếm hoi. Ví dụ như nghiên cứu cuộc đời nhà báo, nhà nghiên cứu văn học Đỗ Đức Dục thấy ông ấy là một trí thức lớn nhưng rất khổ sở, bị đánh giá sai rồi cách chức, mất hết tất cả các chức vụ, từ Thứ trưởng bị cho về làm nghiên cứu viên ở Viện Văn học… Khi nhìn lại thấy nhiều bài học cho hiện tại và tương lai, thông qua những con người cụ thể.

Trung tâm đang có một khối tài sản – dữ liệu khổng lồ, mà nếu phân tích sẽ có được bức tranh về nền KH nước nhà. Nhưng ai sẽ là người phân tích? Liệu Trung tâm sẽ làm hay sẽ mở dữ liệu để các nhà nghiên cứu có thể khai thác được?

Mười năm tới đây, Trung tâm sẽ bước sang một cái bước khác về chất so với 10 năm trước. Trước đây chúng tôi thu lượm tất cả tài liệu còn bây giờ phải tạo ra được những sản phẩm KH cho xã hội, đấy mới là cái cần thiết, là điều các nhà KH đang chờ, xã hội đang chờ chúng tôi. Trong đó phải làm bằng được việc tổ chức trưng bày thường xuyên về từng nhà KH, từng lĩnh vực KH, hoặc từng môn học… Và niềm tin [mà xã hội dành cho Trung tâm] có được tăng cường hay không nằm tất cả ở đây.    

Hướng thứ hai trong 10 năm tới là phải mở được kho lưu trữ, đưa nó vào phục vụ xã hội. Tức là phải tổ chức để có phòng đọc, có bộ phận tra cứu… sinh viên có thể làm khai thác làm khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, nhà nghiên cứu có thể sử dụngv.v… để từ đấy tất cả các cái câu chuyện như thế chúng ta làm được thì sẽ là mở ra một cái trường mới. Thế nên là trong 10 năm vừa rồi, ở trung tâm, tôi luôn luôn nói trong tất cả các bài phát biểu là chúng ta xây dựng 3 trụ cột. Thứ nhất là bảo tàng; thứ hai là lưu trữ; và thứ 3 là thư viện. Nếu chúng ta làm tốt ba cái trụ cột này thì sẽ phát huy được công sức, cũng như giá trị của chúng ta đã thu lượm.

Để làm được điều đó, thì trước hết các nghiên cứu viên ở Trung tâm phải thực sự trở thành những nhà nghiên cứu lịch sử hoặc nhân học hay xã hội học chuyên nghiên cứu sâu lịch sử cuộc đời của các nhà KH cũng như hiểu rất rõ về các trưng bày – kể chuyện. Nếu đào tạo nghiên cứu viên tốt thì trong 10 năm tới sẽ có được một tương lai tốt. Tuy nhiên, tôi cũng không nghĩ rằng phải hành động một cách quá gấp gáp. Gấp gáp thì sẽ không ra được sản phẩm tốt.

Lưu trữ và trưng bày sẽ được mang lên Công viên di sản các nhà KH ở Hòa Bình vì hiện nay Công viên đã đi vào hoạt động và đón được hơn 80.000 lượt khách.

Về mặt lưu trữ, thời gian tới Trung tâm phải vươn tới nghiên cứu các nhà KH trước 1975 ở miền Nam. Họ đã có nhiều đóng góp cho xã hội, chúng ta không được quên họ mà phải tập trung nghiên cứu – không thì quá muộn. Mấy năm nay Trung tâm bắt đầu vào TP HCM tìm kiếm thông tin nhưng mới được 4-5 nhà KH. Rồi trong tương lai xa hơn cũng phải tiếp cận và lưu trữ được về các nhà KH người Việt ở nước ngoài.

Sau mười năm làm Trung tâm di sản, tiếp xúc với rất nhiều các câu chuyện hiện vật từ hơn nửa thế kỷ trước, ông có nhận xét, so sánh gì về không gian sáng tạo của các nhà KH thông qua các thời kỳ khác nhau?

Thực tế lịch sử cũng cho thấy, trong điều kiện càng khó khăn thì sự đóng góp của các KH lại càng lớn, càng nhiều. Tinh thần làm việc chí công vô tư dành cho KH là trào lưu chủ đạo, là mạch chính của giới KH trong cả thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Thế nhưng trong bối cảnh hiện nay của chúng ta, với những điều kiện kinh tế mới, xã hội thay đổi, thì suy nghĩ của nhà KH nhiều khi lệch pha. Nhiều người ít chú trọng đến chất lượng nghiên cứu, làm KH là để kiếm tiền, chứ không nghĩ đến là làm KH để có được công trình thật sự. Có những nghiên cứu hiện nay nó hời hợt, hớt lớp váng ở trên chứ ít đi nghiên cứu sâu, ít có những phát hiện… Trong KH xã hội có thể thấy, tiền đầu tư thì nhiều nhưng thành tựu thực sự thì còn ít. Ví dụ trong ngành của tôi, các nhà dân tộc học giờ đây hiếm khi đi và ở lại địa phương lâu tới hai tháng, ba tháng mà cùng lắm chỉ 10 ngày cho đến 15 ngày. Và họ ở đâu? Họ chủ yếu là sáng đi tối về, ở khách sạn. Cách tổ chức nghiên cứu như thế chắc chắn rằng sẽ thiếu sự sâu sắc; khó phát hiện sâu đối với xã hội, đối với lĩnh vực của mình.

Có những ý kiến cho rằng, trong giới KH cũng có vàng thau lẫn lộn, có cả những câu chuyện buồn về đạo văn, vậy sưu tầm tư liệu có phải chọn lọc và… tránh đi không?

Trung tâm có những cách làm riêng để tiếp cận với những nhà KH cho chính xác. Bắt đầu từ những nhà KH đầu ngành giới thiệu, Trung tâm lan dần để mở rộng mạng lưới các nhà KH có uy tín để mà xây dựng dữ liệu.

Tuy nhiên, nền KH của ta cũng không ít chuyện này chuyện kia. Thì Trung tâm vẫn cứ phải lưu tư liệu về những vấn đề đó. Chẳng hạn như gần đây có nghi án đạo văn của GS Nguyễn Đức Tồn. Ta phải sưu tầm và kể chuyện giáo sư Tồn chứ… Nó rất hay. Thế có ý kiến bảo là bây giờ ông ấy đương thật giả thế này mà ông đi sưu tầm làm gì? Không, ông ấy là giáo sư thì tôi phải sưu tầm, vấn đề là tôi sử dụng nó không? Tôi sử dụng nó như thế nào? Qua câu chuyện này, tôi muốn kể cái gì? Cái đấy mới là điều quan trọng.

Lưu trữ được những tư liệu như vậy để sau này tổ chức trưng bày mà kể những câu chuyện đấy cũng là cần thiết để hiểu những lát cắt khác nhau về bức tranh nền học thuật của chúng ta.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Bảo Như – Tuấn Quang thực hiện

 

 

 

Tác giả