Tình yêu cuối cùng của Jonas Salk

Sự kết hợp khác thường giữa một nghệ sĩ nổi tiếng và nhà khoa học khám phá vaccine bại liệt.

Lời người dịch: Jonas Salk không phải là cái tên xa lạ với giới khoa học và công chúng. Vào thập niên 1940 và 1950, bệnh bại liệt là nỗi khiếp sợ của cả nước Mỹ: nó đến không hề báo trước, và các nhà khoa học loay hoay không hiểu nó lây truyền như thế nào. Jonas Salk là người đầu tiên phát triển thành công vaccine phòng bại liệt, vào năm 1953, sau khi thử nghiệm trên bản thân, vợ và các con, ông công bố sự an toàn của vaccine trên đài radio quốc gia, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử y học thế giới. Sau đó, cuộc sống của ông đã thay đổi hoàn toàn: ông trở thành một người nổi tiếng, một người của công chúng. Salk không đăng ký sáng chế cho vaccine của mình, và khi được hỏi, ông trả lời: “không có bằng sáng chế nào hết… Bạn có thể đăng kí sáng chế cho mặt trời được không?”. Ông còn là một nhà hoạt động tích cực giúp tiêm vaccine trở thành bắt buộc.

Françoise Gilot lại thường được biết đến như “người tình của Picasso”, như vợ của nhà khoa học kiệt xuất Jonas Salk hơn là vì chính tài năng xuất sắc của bà. Picasso gọi bà là “Người phụ nữ đã nói không” (ám chỉ việc Gilot là người duy nhất từ trước tới giờ dám rời bỏ ông). Gilot là một họa sĩ đang trên đà xây dựng tiếng tăm khi bà gặp Picasso. Một người đam mê công việc, bà đã vẽ trên dưới 1600 bức tranh, khoảng 5000 nếu tính cả các tác phẩm trên giấy. Tranh của Gilot được bán với giá 200 nghìn USD, và bà luôn khẳng định học được nhiều từ Braque và Matisse hơn là Picasso.

Jonas Salk và  Françoise Gilot đến từ hai thế giới không thể khác nhau hơn, và mối quan hệ cũng như cuộc hôn nhân của họ đến giờ vẫn khiến báo giới tốn nhiều giấy mực.

Jonas Salk (1915 – 1995) trở thành người của công chúng nhờ vào khám phá của mình. Tờ New York Times viết về ông vào năm 1955: “Ở tuổi 40, một nhà khoa học từng rất kín tiếng…bị kéo từ phòng thí nghiệm lên đến gần với nấc thang của một người anh hùng trong truyền thuyết”. Nguồn ảnh: npr.org

Trong lần đầu gặp nhau, nghệ sĩ người Pháp Françoise Gilot dường như quan tâm tới món salad hơn là tới Jonas Salk. Điều này có phần hơi xấu hổ cho bạn của cô, Chantal Hunt, người đã khăng khăng mời cô đi ăn trưa. Chồng của Chantal, John Hunt, phó giám đốc điều hành Viện Salk, đã mời Salk đến nhà để thảo luận về các vấn đề của Viện. Gilot đã cảnh báo Chantal rằng cô quá mệt mỏi sau khi hoàn thành một loạt bản in thạch bản tại trại sáng tác Tamarind, và cần nghỉ ngơi trước khi trở về Paris. “Mình sẽ ăn trưa tại một nhà hàng,” cô nói. “Mình không muốn gặp một nhà khoa học.” Chantal vẫn cố thuyết phục, và nói rằng cô không cần phải nói gì cả. “Tốt thôi,” Gilot trả lời, “Vậy thì mình sẽ không nói gì cả.”

Tối hôm sau, Gilot đi cùng gia đình nhà Hunt đến dự bữa tối tại Viện. Ngồi cạnh các nghệ sĩ khác, cô cảm thấy rất thoải mái. Mặc dù cô không chú ý đến Salk, anh vẫn nhìn thấy cô. Sau này Salk nói với Françoise rằng anh cảm thấy khá thú vị và tò mò khi mới hôm trước cô cư xử như một “cục u”, còn hôm sau lại nói cười như thể gặp bạn chí cốt. Anh tự hỏi: “cô gái này rút cục là người như thế nào?” và sau đó mời riêng Gilot đến Viện để tham quan.

Khi đó, người phụ nữ mà mới hai ngày trước còn lặng lẽ nhìn món salad hôm nay lại trở nên sinh động lạ thường: cô nói chuyện với một sự tinh tế tuyệt vời, kết quả của sự kết hợp giữa tự tin và nữ tính. Salk hầu như không biết gì về nghệ thuật, và Gilot không thể nói về khoa học, nhưng họ có chung sở thích về kiến trúc hiện đại. Và đó là sự khởi đầu.

Jonas bị Françoisemê hoặc. Anh không biết nhiều về cuộc sống của cô, ngoại trừ việc cô là một nghệ sĩ thành công, mặc dù anh chưa xem bức tranh nào của cô, và rằng cô là tình nhân của Pablo Picasso, mặc dù anh không đọc cuốn hồi ký nổi tiếng của cô, “Cuộc đời ở bên Picasso” (Life with Picasso). Quá khứ không làm Salk bận tâm vì anh đang nhìn về tương lai.

Sự bùng nổ của Thế chiến II đánh dấu một giai đoạn bi thảm trong cuộc đời của Gilot. Mỗi tuần, lại có thêm những đồng chí hi sinh trong kháng chiến và những người bạn Do Thái bị trục xuất. Cô thấy cần phải đóng góp bằng một cách nào đó. “Tôi thấy việc duy trì các giá trị văn hóa là một nhiệm vụ cá nhân và một điều cần thiết.” Năm 1943, Françoise tổ chức buổi triển lãm đầu tiên. Cùng thời gian đó, cô gặp Pablo Picasso. “Tôi tin rằng nếu tôi gặp Picasso trong hoàn cảnh bình thường, sẽ không có gì nảy nở giữa chúng tôi.”
Alain Cuny, một diễn viên nổi tiếng, đã mời Françoise và bạn, nghệ sĩ Geneviève Aliquot, ăn tối tại nhà hàng Le Catalan, địa điểm quen thuộc của các các diễn viên và nghệ sĩ. Họ vừa gọi món thì Cuny nhận ra Pablo Picasso. Suốt bữa tối, Gilot thấy Picasso nhìn không rời mắt khỏi bàn của cô. Ông tiến đến và bảo Cuny giới thiệu những người bạn. Cuny nói với ông rằng họ là nghệ sĩ, và Picasso cười: “Chà, tôi cũng là một họa sĩ. Các bạn phải đến xem tranh của tôi”. Từ đó mọi chuyện bắt đầu, dù ban đầu giữa hai người chỉ như giữa nghệ sĩ và người hâm mộ. Bất chấp sự khác biệt tuổi tác (khi đó Picasso đã 60 tuổi trong khi Gilot mới 21), một mối quan hệ nở rộ. “Sự dễ dàng khi giao tiếp với ông ấy”, Gilot viết, “chính là điều nổi bật ở mối quan hệ của chúng tôi”.

Đó là một khoảng thời gian đầy say mê đối với Gilot: Picasso giới thiệu cô với Alice B. Toklas, Gertrude Stein và Henri Matisse. Françoise tập trung vào việc học ở trường Beaux Arts, một trường nghệ thuật danh tiếng ở Pháp. Thời điểm đó cũng là lúc nổi lên trường phái nghệ thuật “New Realities” (Hiện thực mới), với việc các nghệ sĩ vẽ tranh hoàn toàn trừu tượng. Gilot bị ảnh hưởng bởi trường phái này và tới năm 1945, cô đã tạo nên danh tiếng qua các tác phẩm của mình. Sau khi chuyển đến sống cùng Picasso từ năm 1946, Gilot học được rất nhiều từ ông, đặc biệt là thói quen sáng tác. Tuy nhiên, cô cũng nhận ra cuộc sống với Picasso có thể khó khăn đến mức nào, vì mặc dù “Ông ấy có thể trở thành người đàn ông quyến rũ nhất khi ông ấy muốn”, Gilot nói trong một buổi phỏng vấn. Tâm trạng của Picasso có thể thay đổi khủng khiếp và rất khó lường.

“Tại sao em luôn mâu thuẫn với tôi?” Picasso thường hỏi Gilot.

“Bởi vì chúng ta đang đối thoại” Gilot trả lời. “Còn nếu không anh có thể nói một mình”. Năm 1953, Gilot trở thành người phụ nữ đầu tiên rời bỏ Picasso và mang theo hai con. Tháng 10 năm 1969, bà tới Los Angeles để hoàn thành một số bản in thạch bản. Chính trong chuyến đi đó, gia đình nhà Hunt đã giới thiệu bà với Salk.

Trước khi trở về châu Âu, Gilot ghé qua New York, và Salk xuất hiện như thể tình cờ. Sau đó ông theo bà đến Paris, và được mời đến La Galloise vào dịp Giáng sinh. “Không thể biết được ai theo đuổi ai,” Gilot nói. “Tất cả những gì tôi có thể nói là chúng tôi bị cuốn vào một cơn lốc mãnh liệt.” Salk nhìn thấy ở Gilot một người phụ nữ quyến rũ và trí tuệ nhất mà ông từng biết, với một điệu cười tuyệt vời, một cách nhìn mới và trung thực về thế giới, và sự say mê với công việc có thể nói là không kém gì ông.

Gilot đã biết đến Salk qua các bài báo và cuốn tiểu sử về ông, nhưng không một câu chuyện, một mẩu tin nào thể hiện được con người thật sự của Salk. Ông không sở hữu một bộ não điển hình của các nhà khoa học, trái lại ông có vẻ dựa khá nhiều vào trực giác: “một nghệ sĩ trong một lĩnh vực khác”, Gilot kết luận. Salk luôn dành mối quan tâm sâu sắc cho công việc, không phải vì lợi ích của chính mình mà vì nhân loại. Thường được coi như một người cố tình giữ khoảng cách, nhưng Gilot hiểu rằng đó là do sự nhút nhát vốn có của ông. “Ông ấy luôn cô đơn”, vì theo bà, không có ai có thể thực sự hiểu ông.

Nghệ sĩ Francoise Gilot (1921-), chụp với hoa lay ơn, Pháp vào năm 1949 khi bà vẫn sống cùng với danh họa Picasso. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ trường phái lập thể của Picasso, bà vẫn tự phát triển cho mình một phong cách vẽ riêng.

Nhiều người cho rằng Salk bị thu hút bởi Gilot vì bà “là người phụ nữ của Picasso”, như Sylvia Salk cho biết. Tuy nhiên vượt lên trên sự nổi tiếng hay hấp dẫn về ngoại hình chính là sự tương đồng trong cách hai người làm việc – với sự nhiệt tình không ngừng nghỉ. Gilot thường làm việc với 10 đến 12 bức tranh cùng lúc, trong khi Salk muốn ông có thể dành cả 24 tiếng cho công việc. Họ là một cặp đôi hoàn hảo.

Sáu tháng sau khi gặp nhau, Salk cầu hôn Gilot. Bà nói rằng bà cảm thấy ổn với một mối quan hệ, nhưng không muốn kết hôn.

“Tại sao không?” Salk hỏi.

“Bởi vì em không muốn sống với bất cứ ai hơn sáu tháng trong một năm. Vậy đấy. Em cần thời gian cho bản thân, và còn con cái nữa. ”

Jonas đưa cho bà một mảnh giấy. “Viết ra mọi thứ mà em không muốn,” Salk nói. “Anh cho em một giờ.” Françoise làm đúng như vậy, liệt kê ra mọi thứ mà bà không muốn ở một cuộc hôn nhân.

Jonas Salk đọc tờ giấy chăm chú rồi nói: “Rất tốt. Những điều này phù hợp một cách hoàn hảo với cuộc sống của anh. ”

Gilot, 48 tuổi, một nghệ sĩ với tinh thần tự do và ý chí thép. Salk, 55 tuổi, một nhà khoa học không thích sự xung đột. Họ sống nửa năm cách nhau gần 10000 km. “Tất cả bạn bè của chúng tôi đều dự đoán một kết cục chẳng tốt đẹp gì,” Gilot nhớ lại.

Ngày 29 tháng 6 năm 1970, Françoise Gilot và Jonas Salk kết hôn ở Neuilly-sur-Seine. Françoise mặc một chiếc váy đơn giản nhưng phong cách, và Jonas trong bộ vét màu tối chỉn chu. Các con của Gilot, Claude, Paloma và Aurelia cũng như các con của Salk, Peter, Darrell và Jonathan, đều tham dự đám cưới. Đây là lần đầu con cái họ gặp nhau. Claude Ruiz-Picasso, 23 tuổi, làm nhiếp ảnh gia cho Condé Nast tại New York; Paloma, 21 tuổi đang học thiết kế trang sức ở Paris; và Aurelia Simon, mới 13 tuổi, đang theo học trường nội trú. Trong các con của Salk, Jonathan thấy thoải mái nhất. Mặc dù hài lòng khi thấy cha mình rất vui vẻ, họ cũng không khỏi thắc mắc vì sao mọi chuyện có thể diễn ra nhanh đến vậy: cha mới gặp Gilot chỉ tám tháng trước.

Nếu như truyền thông luôn nhắc đến việc tìm ra vaccine bại liệt mỗi khi nhắc đến Salk, trên mặt báo Gilot luôn là “người tình của Picasso”. Tờ Harrisburg News viết về cuộc hôn nhân của họ và đồng thời cũng nhắc đến mối quan hệ 11 năm của Gilot với một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất mọi thời đại này. Kể cả trong một bài báo về các công trình của Salk về bệnh đa xơ cứng, người viết cũng phải chèn thêm thông tin về cuộc hôn nhân với Gilot, “một nghệ sĩ và người tình của họa sĩ quá cố Pablo Picasso”.

Thời thơ ấu Salk tập trung vào việc học, khi trưởng thành lại dành trọn thời gian cho công việc. Ông chưa bao giờ để việc tập thể thao, nghệ thuật hay giải trí làm xao nhãng. Tuy nhiên mọi thứ đã khác đi rất nhiều sau khi ông gặp Gilot. Cuối tuần, ông cùng Gilot đến La Jolla để bơi lội hoặc đi bộ trên những ngọn đồi gần đó. Họ mua vé cả mùa xem trình diễn tại Nhà hát Old Globe. Ông nghe nhạc Schubert và Schumann, và đặc biệt thích opera. Salk thậm chí còn đưa Aurelia đi xem một vở hài kịch. Ông học tiếng Pháp và thích thú khi được thư giãn tại các quán cà phê ở Paris. Ông tập yoga và thiền định. Chưa hết, Françoise thay đổi chế độ ăn uống của ông, loại bỏ thịt đỏ và giảm chất béo và muối. Trong sáu tháng, ông giảm 11 kg.

Bạn bè, đồng nghiệp và gia đình nhận thấy những thay đổi lớn trong diện mạo của Salk. “Ông ấy là một người không hề có sở thích cá nhân”, đồng nghiệp của Salk, Jack MacAllister nói. Trong một bài báo có tựa đề “Lật mở con người Jonas Salk”, một nhà báo mô tả sự thay đổi: “Không thể bỏ qua những dấu hiệu bên ngoài. Bộ vét và cà vạt … đã được thay thế bởi bộ đồ đa dạng – áo cao cổ, quần loe, áo sơ mi sáng dưới áo khoác thể thao tối màu…”. Dễ hiểu vì sao Sylvia Salk lại nói anh rể mình đã bị “Pháp hóa”.

Jonas Salk và Francoise Gilot. Nguồn: Picture Lights.

Trên truyền thông thời điểm đó, Salk xuất hiện đầy nổi bật với một người phụ nữ xinh đẹp bên cạnh. Đó là hình ảnh Gilot mỉm cười khi chồng được giải thưởng Khoa học Y khoa All-India, khi được Tổng thống Jimmy Carter trao Huy chương vàng vì Tự do. Bà tham dự buổi gây quỹ của Viện, cùng với những nhân vật nổi tiếng như Thống đốc Ronald Reagan và vợ. Ở nhà, Gilot là một chủ nhà hiếu khách, luôn chào đón bạn bè và nâng cao vị thế xã hội của Salk. “Françoise giúp Jonas bộc lộ một khía cạnh khác trong tính cách của ông,” Maureen Dulbecco quan sát. “Ông ấy có thể là một người vui vẻ và hòa theo những câu nói đùa.”

Mặc dù các đồng nghiệp châu Âu của Salk tỏ ra đầy thiện cảm với Gilot, một số lại không đánh giá cao bà. “Salk đã kết hôn với người tình của một nghệ sĩ,” Don Wegemer khịt mũi. “Lại một anh chàng Do Thái trở thành nạn nhân của một phụ nữ Pháp.” Walter Mack, bạn của Salk, phản đối cuộc hôn nhân: “Đột nhiên ông quyết định là Donna ( Donna Lindsay – người vợ đầu tiên của Jonas Salk từ năm 1939 – 1968) không đủ tốt. Ông ta đã ly hôn và kết hôn với một diễn viên người Pháp.” Thư ký của Salk, Lorraine Friedman, không bao giờ hiểu tại sao ông lại chọn Gilot. “Bà ta không quan tâm đến việc được gọi là vợ của Jonas vì bà ta có cuộc sống riêng”. Người cùng nghiên cứu với Salk, Fred Westall, gọi Gilot là “người tình cũ của Picasso”; tuy nhiên, ông coi cuộc hôn nhân của họ là một sự sắp xếp tốt vì “bà ta cần một ai đó tầm cỡ của Picasso vì rõ ràng không thể kết hôn với bất kì ai. Còn Salk thì cần một người có thể khiến người khác bất ngờ”. Tuy nhiên Sylvia Salk nghĩ rằng cặp đôi mới cưới hoàn toàn xứng đáng với nhau. “Bà ấy làm cho cuộc sống của Salk trở nên thú vị hơn. Nhưng nếu họ phải sống chung với nhau 365 ngày một năm, tôi chắc chắn họ sẽ không bao giờ làm được điều đó.

Không lâu sau, cặp vợ chồng mới cưới bắt đầu sống xa nhau. “Jonas là một người giữ lời”. Gilot nói. “Chúng tôi không ở bên nhau quanh năm.” Bà dành ít nhất sáu tháng ở Paris hoặc tại xưởng vẽ ở New York. “Tôi không phải là người vợ bình thường. Cuộc hôn nhân của chúng tôi là sự kết hợp của hai người bận rộn, những người đã hoàn toàn dành hết cho công việc, vì vậy nó không phải là mối quan hệ vợ chồng điển hình.” Nhiều người xem đây là sự sắp đặt bất thường. “Khi Gilot ở bên ông,” một trong những người bạn của Gilot lưu ý, “bà ấy thực sự chú ý đến ông, đến việc giải trí và làm bất cứ điều gì để trở thành một phần của cộng đồng đó. Nhưng khi bà không ở đó, ông rút lui vào thế giới nội tâm.” Khi vắng Gilot, ông lao đầu vào công việc.

Mặc dù Gilot chỉ dành nửa năm với chồng nhưng bà vẫn đánh giá cao sự đa dạng trong tính cách của ông. “Jonas là nhiều người trong một,” bà nhận xét trong một cuộc phỏng vấn sau khi ông qua đời. Khi làm khoa học, ông sử dụng trực giác nhiều hơn tư duy logic. “Những điều có thể là hiển nhiên đối với ông nhưng lại không hiển nhiên với người khác, gây ra khá nhiều hiểu lầm về suy nghĩ của ông.” Gilot mô tả Jonas như một người kín đáo, không bao giờ tỏ ra khó chịu khoặc xấu tính, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn. Bà thích thú với khiếu hài hước của ông, cách ông nói đùa với thái độ tỉnh bơ khiến mọi người không thể hiểu là ông đang đùa hay thật. Và Salk là một người tử tế, dù theo Gilot, “nhiều người không biết điều đó”. Khi vẽ chân dung chồng, Gilot cố gắng nắm bắt tinh thần luôn tò mò và yêu thích khám phá của ông. Bà nói “chúng tôi giống nhau chủ yếu bởi vì, dù làm việc ở hai lĩnh vực khác nhau, chúng tôi có chung một tinh thần. Tinh thần khám phá cho phép người ta tìm được những thứ chưa từng được phát hiện, và đó là điều tôi cảm mến nhất ở ông ấy.”

Tuy rằng nhiều người không thể hiểu được sự sắp đặt trong hôn nhân của họ, mối quan hệ của Salk và Gilot lớn dần, ngày càng trưởng thành cũng như họ ngày càng hiểu nhau hơn. “Chúng tôi luôn luôn phát hiện ra những điều mới mẻ” Gilot nhớ lại. Khi được hỏi vì sao bà có thể có mối quan hệ và một cuộc kết hôn với hai trong số những người đàn ông tài năng nhất trong lịch sử, Gilot trả lời đơn giản: “Sư tử chỉ kết giao với Sư tử”.

Hạnh Duyên dịch
Nguồn: http://nautil.us/issue/57/communities/-the-last-love-of-jonas-salk

 

Tác giả