Vấn đề nóng: Điều gì sẽ xảy ra khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 3oC

Dựa trên Báo cáo chính thức về tình trạng thay đổi khí hậu toàn cầu do một trung tâm nghiên cứu lớn của nước Anh vừa đưa ra, Cố vấn trưởng về khoa học của chính phủ Anh - Giáo sư David King vào tuần rồi đã lên tiếng cảnh báo rằng việc nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng lên 3oC (từ mức trung bình hiện nay là 14,7oC) sẽ gây ra hạn hán ở nhiều nơi hơn, trên một phạm vi rộng hơn và sẽ khiến khoảng 400 triệu người trên toàn thế giới rơi vào nguy cơ đói nghèo.

Ngoài ra, nếu không có ngay các biện pháp nhằm khắc phục các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra thì khoảng 3 tỉ người trên thế giới sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước để ăn uống và sinh hoạt. “Con người cần phải có ngay các hành động cụ thể để đối phó với những diễn biến thay đổi khí hậu”, Giáo sư King nhấn mạnh.
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng thay đổi khí hậu toàn cầu, theo rất nhiều nhà khoa học là do việc thải khí carbon dioxide (CO2) từ các hoạt động công nghiệp, giao thông ngày càng nhiều trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt ở các nước công nghiệp. “Lượng khí thải CO2 hiện đã tăng gấp đôi so với thời kỳ trước khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra”, Giáo sư King cho biết.
Để hạn chế quá trình thay đổi khí hậu toàn cầu, tỉ lệ khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 trước mắt cần phải được cắt giảm khoảng 27% so với mức hiện nay. Không đạt được mục tiêu này, nhân loại sẽ rất khó mà làm chủ được tương lai của mình vì nhiệt độ toàn cầu tăng sẽ khiến mực nước biển gia tăng theo. Và khi mực nước biển gia tăng thì những thảm họa thiên nhiên như lụt, bão, hạn hán sẽ diễn ra ngày càng nhiều hơn, với cường độ lớn hơn trên phạm vi toàn thế giới.

Để giảm tình trạng phát thải khí CO2, con người cần phải sử dụng tới các công nghệ mới dựa trên nguyên liệu sạch, giảm thiểu việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch và hạn chế các hoạt động giao thông gây phát nhiều khí thải… Hiện Mỹ-nước có nhiều hoạt động công nghiệp nhất thế giới- vẫn từ chối tham gia Hiệp ước Kyoto nhằm cắt giảm khí nhà kính trong khi Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế mới nổi đang có chiều hướng phát thải ngày càng nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính CO2.

(Scotman)

P.V

Tác giả