Chính sách mới trong phê duyệt đề xuất nghiên cứu của Úc: Một ý tưởng tồi tệ

Chính phủ Úc đang thiết lập một kế hoạch kiểm tra về “ý nghĩa ở tầm quốc gia” của các đề xuất nghiên cứu đang chờ được cấp kinh phí vào năm sau. Phản đối quyết định này, các nhà khoa học cho rằng, về lâu dài có thể nó sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín khoa học của Úc.

Cựu bộ trưởng Bộ Giáo dục Simon Birmingham đã loại 11 dự án nghiên cứu trong lĩnh vực nhân văn. Nguồn: Nature

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Dan Tehan nêu trong một thông báo ngày 31/10/2018. “Giá trị của các dự án nghiên cứu đặc biệt có thể được các nhà khoa học – những người đề xuất dự án để xin tài trợ, nhìn thấy một cách rõ ràng nhưng không phải bao giờ cũng rõ ràng với người không thuộc giới hàn lâm”, ông giải thích vì sao chính phủ Úc lại đưa ra chính sách này.

Việc kiểm tra sẽ được áp dụng cho những hồ sơ đề xuất dự án nghiên cứu với Hội đồng nghiên cứu Úc (ARC), một quỹ đầu tư cho khoa học lớn trong cả hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn, nơi có 3 tỷ đô la Úc dành cho nghiên cứu trong vòng 4 năm tới. Số tiền tài trợ cho các dự án được phê duyệt thường từ 30.000 đến 8 triệu đô la mỗi năm.

Chính sách mới đã được loan báo chỉ vài ngày sau khi có thông tin là cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Simon Birmingham – giờ là Bộ trưởng Bộ Thương mại, đã dùng quyền hạn của mình để loại 11 hồ sơ đề xuất nghiên cứu đã được ARC chấp thuận tài trợ sau khi các hội đồng xét duyệt độc lập thông qua vào năm 2017 và 2018.

Các dự án bị loại đều trong lĩnh vực nhân văn, và mang những tên gọi như “Giá cả, kim loại và các vật liệu trong trao đổi toàn cầu” (Price, metals and materials in the global exchange), “Truyền thông thể thao xanh” (Greening media sport) và “Hollywood đỏ: Phong cách Cộng sản trước danh sách đen thời kỳ 1917-1950” (Red Hollywood: Communist Style Before the Blacklist, 1917-1950)… Căng thẳng lên tới cao độ khi ông Birmingham nói các trường đại học Úc cần cảm thấy “xấu hổ” nếu tìm thấy “1,5% ít ỏi hiệu quả nghiên cứu trong đó”.

Ông Birmingham không nêu rõ nguyên nhân vì sao ông lại “đóng cửa” tài trợ với những dự án này. Vào ngày 26/10/2018, ông đã viết trên tài khoản Twitter cá nhân của mình “tôi hoàn toàn chắc chắn là những người đóng thuế Úc thích tiền của họ được sử dụng vào những nghiên cứu khác hơn là tài trợ cho dự án như “Nghệ thuật hậu phương Đông của eo biển Gibralta” tốn 223.000 đô la”.

Phát biểu với báo chí, ông Birmingham nói, “tôi tự tin với mỗi trường hợp dự án bị loại để mỗi người nộp thuế ở Úc có thể tin tưởng hàng triệu đô la đã được chuyển thẳng cho các nghiên cứu khác chứ không phải cho các dự án được ưu tiên một cách sai lầm.” Ông cho biết thêm, 99,7% kinh phí từ những dự án bị loại đã được trao cho các dự án khác.

Ảnh hưởng đến uy tín học thuật

Hầu hết những nhà khoa học đều cảm thấy chính sách mới của chính phủ như “một sự can thiệp chính trị” và “đáng bị chỉ trích”. “Thay vì trao quyền đánh giá lợi ích và tác động quốc gia của các đề xuất nghiên cứu cho các hội đồng chuyên gia của ARC thì họ lại giao cho các quan chức đánh giá xét duyệt, điều đó không làm tăng thêm giá trị của các đề xuất mà chỉ là tăng thêm thủ tục hành chính?”, Viện Hàn lâm Khoa học nhân văn Úc bình luận trên tài khoản Twitte của viện. Còn giáo sư Peter Doherty, người giành giải Nobel Y sinh năm 1996, đã coi chính sách mới này là “một ý tưởng tồi tệ”.

Theo các chuyên gia giáo dục đại học, hành động của cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Simon Birmingham có thể làm hủy hoại danh tiếng quốc tế của mô hình đầu tư cho nghiên cứu và làm xói mòn sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế của đất nước này. Ít nhất đã có một nhà nghiên cứu Úc, ông Mark Steven tại trường Đại học New South Wales đã chuyển đến trường Đại học Essex, Anh làm việc vì bị từ chối cấp kinh phí cho nghiên cứu “Hollywood đỏ: Phong cách Cộng sản trước danh sách đen thời kỳ 1917-1950” trị giá 335.000 USD.

Trong một lá thư mở từ các trường đại học Úc, tất cả 39 trường đại học đã lên án quyết định của Birmingham, và cho rằng “quyết định phủ quyết của Bộ trưởng về cấp kinh phí nghiên cứu đã làm xói mòn danh tiếng về tính xuất sắc trong nghiên cứu của chúng tôi”.

Các nhà hàn lâm cho rằng cựu Bộ trưởng Birmingham cần phải tôn trọng những đề xuất của hội đồng khoa học và cảm thấy lo lắng về các quyết định của ông không được công khai vào đúng thời điểm. Vicki Thomson, người đứng đầu ban điều hành Nhóm 8 Đại học (Go8) – một liên minh gồm 8 trường đại học nghiên cứu Úc, lo ngại về sự ảnh hưởng của quyết định với hệ thống bình duyệt Úc. “Hậu quả là nó đem lại sự nghi ngại của quốc tế về các quá trình phê duyệt nghiên cứu của chúng ta”, bà nói với The PIE News.

Đồng tình với ý kiến này, giáo sư John Shine – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Úc, nêu quan điểm của mình: nếu chính phủ “điều chỉnh việc phân bổ ngân sách nghiên cứu với các ưu tiên quốc gia và các chủ đề chiến lược thì họ cũng cần có những tiêu chí như vậy trong khi kêu gọi đề xuất. Trong số các tiêu chí để xét duyệt thì việc đánh giá độc lập phải là yếu tố trung tâm của việc phân bổ ngân sách.”

Ông phân tích, “các nhà khoa học phải được tự do để theo đuổi các hướng nghiên cứu mà họ thấy đó là quan trọng và có ý nghĩa. Họ được đào tạo để thấy được những vấn đề hoặc khoảng trống trong kho tàng học thuật và có thể xác định điều đó một cách tốt nhất và nghiêm ngặt nhất. Rất nhiều giá trị từ nghiên cứu đã góp phần cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách và công chúng do bản chất của nghiên cứu là không thiên vị. Không nên làm tổn hại điều đó”.

Còn Emma Johnston, chủ tịch tổ chức KH&CN Úc, nơi quản lý đến 70.000 nhà khoa học trên khắp đất nước, bình luận: “Thông qua các hành động của mình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã mở cánh cửa cho ảnh hưởng chính trị vào thế giới học thuật. Khi nghiên cứu xuất sắc nhất không nhận được tài trợ, nó sẽ đe dọa đến khả năng cạnh tranh của chúng ta như một quốc gia đổi mới sáng tạo trên quy mô toàn cầu”.

Các nhà khoa học Úc đang kêu gọi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Dan Tehan giữ cho việc xét duyệt của các hội đồng khoa học vẫn còn nguyên ý nghĩa trong quá trình cấp kinh phí của ARC 2019.

Thanh Nhàn tổng hợp từ Nature, The NEW Pie

Nguồn: Báo KH&PT

Tác giả