Nhà khoa học cần tham gia nhiều hơn trong thảo luận xã hội

Khi nhìn nhận về sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, chúng ta thường thiên về sử dụng lăng kính kinh tế và chủ yếu tập trung vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cùng những vấn đề liên quan.

Chính vì vậy, một nhóm các nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học xã hội đã đồng hành cùng Viện nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường (iSEE) xây dựng một diễn đàn mới, có tên gọi Hiểu về Việt Nam (UVF), nhằm tạo ra một không gian để thảo luận về những vấn đề thực trạng của Việt Nam từ một góc nhìn khác, sử dụng cách tiếp cận của nhân học và văn hóa. Báo Khoa học và Phát triển đã trao đổi với anh Lê Quang Bình, điều phối viên của UVF, về diễn đàn này.

Tôi hơi tò mò một chút, tại sao diễn đàn lại là Hiểu về Việt Nam? Chúng ta chưa hiểu về Việt Nam, về chính chúng ta ư?

Chúng ta đang hiểu về Việt Nam, nhìn về Việt Nam nhưng theo cách gắn liền với tăng trưởng kinh tế, các chỉ số phát triển được gắn với các con số thống kê hay xu thế tăng hoặc giảm, có phần xem nhẹ các chỉ số phát triển khác như bảo vệ môi trường, kiểm soát bất bình đẳng xã hội, hay gìn giữ di sản văn hóa.

Nói cách khác, chúng ta đang cố làm to cái bánh mà quên mất chất lượng cái bánh và việc ai được hưởng bao nhiêu từ cái bánh cũng rất quan trọng. Cách nhìn thuần túy vị lợi này đã tạo ra nhiều vấn đề cho cá nhân con người hay các cộng đồng thiểu số, yếu thế. Về lâu dài chúng sẽ gây hại và ảnh hưởng đến sự phát triển chung cũng như hạnh phúc của từng cá nhân. Điều này một phần do các vấn đề môi trường, kinh tế và xã hội đang không được nghiên cứu và thấu hiểu từ góc độ nhân học, văn hóa.

Vậy chúng ta sẽ nhận được gì khi nhìn và hiểu Việt Nam theo một cách khác?

Tôi thấy nhiều trí thức, nhà nghiên cứu đang trăn trở vì sự phát triển bền vững và công bằng cho Việt Nam. Chúng tôi cũng vậy, cũng đang mong muốn Việt Nam phát triển và mang lại hạnh phúc cho từng người dân, không loại trừ một ai. Chính vì vậy, UVF là nơi tập hợp các nhà nghiên cứu về văn hóa, nhân học nhằm cùng nhau nghiên cứu các vấn đề phát triển của Việt Nam.

Chúng tôi muốn góp phần làm các chính sách về phát triển có thêm góc nhìn về công lý, về bình đẳng, về lợi ích công. Chúng tôi muốn góp phần giúp những người hoạch định sự phát triển của Việt Nam làm được nhiều hơn để những người nghèo, phụ nữ, người di cư, trẻ em, người khuyết tật, người có HIV, người dân tộc thiểu số, người đồng tính, song tính và chuyển giới không bị bỏ rơi. Khi đó nền kinh tế của chúng ta không những phát triển mà xã hội của chúng ta cũng hài hòa, mọi người tôn trọng nhau và cùng chia sẻ mục đích phát triển chung.


Anh Lê Quang Bình, điều phối viên của UVF. Ảnh do nhân vật cung cấp

Có thể nói đó là mục đích tốt đẹp nhưng chắc chắn không dễ dàng. Xin anh cho biết UVF đang tổ chức những hoạt động gì?

UVF đang từng bước thực hiện các hoạt động để đạt được mục đích mình mong muốn. Trước tiên, chúng tôi tổ chức các buổi tọa đàm khoa học về các vấn đề nóng, được quan tâm như xung đột tài nguyên, bất bình đẳng giới nhưng nhìn từ góc nhìn văn hóa, nhân học.

Góc nhìn văn hóa, nhân học sẽ cho chúng ta hiểu sâu hơn về suy nghĩ, quan điểm và mong muốn của các bên liên quan dù họ là công ty tư nhân hay cộng đồng địa phương, cơ quan chính quyền hay tổ chức xã hội để từ đó có một giải pháp cân bằng và tối ưu. Điều khác biệt của các tọa đàm do UVF tổ chức là chúng tôi không chỉ coi trọng kết quả nghiên cứu mà cả phần phương pháp luận nghiên cứu.

Chúng tôi tin rằng, các tranh luận về phương pháp luận sẽ giúp cho phần hiểu và đánh giá kết quả nghiên cứu sâu sắc hơn.

Một hoạt động quan trọng khác là các khóa học ngắn hạn về phương pháp luận nghiên cứu khoa học xã hội từ góc nhìn văn hóa và nhân học. Ở Việt Nam hiện nay có nhiều lớp học về phương pháp thống kê, xử lý số liệu, hay phân tích định tính. Chúng tôi không thấy có lớp nào dạy về tư duy nghiên cứu, phương pháp luận nghiên cứu để trở thành một nhà nghiên cứu độc lập, người có thể làm chủ toàn bộ tiến trình nghiên cứu khoa học từ khâu xác định vấn đề nghiên cứu đến khâu xuất bản quốc tế trong lĩnh vực văn hóa và nhân học. Thông qua lớp học, chúng tôi muốn góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu ở Việt Nam.

Thứ ba, chúng tôi có một quỹ tài trợ nhỏ nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu thực hiện các ý tưởng nghiên cứu hay, mới và có ích cho xã hội từ góc nhìn văn hóa và nhân học.

Đây cũng là cách để kết nối các nhà nghiên cứu với nhau, cùng nhau trao đổi chuyên môn tài liệu, thậm chí là kết hợp với nhau để làm các nghiên cứu chung. Chúng tôi rất tôn trọng sự liêm chính trong nghiên cứu, chính vì vậy trong quá trình xét duyệt, chúng tôi luôn coi trọng đạo đức nghiên cứu của các nhà nghiên cứu.

Cuối cùng, dù chưa thực hiện lần nào nhưng chúng tôi mong muốn được tổ chức một Diễn đàn Hiểu về Việt Nam hằng năm nhằm mời các nhà nghiên cứu trong nước chia sẻ các nghiên cứu mới nhất của họ. Có nhiều nhà nghiên cứu khoa học quốc tế đang nghiên cứu về Việt Nam và hằng năm họ cũng tổ chức diễn đàn bàn về Việt Nam ở nước ngoài. Các nghiên cứu của họ rất hay, rất giá trị, đóng góp cho Việt Nam từ góc nhìn bên
ngoài.

Chúng tôi muốn Diễn đàn UVF tổ chức ở Việt Nam, cho các nhà nghiên cứu văn hóa, nhân văn ở Việt Nam trình bày các nghiên cứu từ góc nhìn của người trong cuộc. Điều này chắc chắn sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách, xã hội, và bản thân giới khoa học xã hội và nhân văn thêm cơ hội hiểu biết và đóng góp cho Việt Nam.

Một diễn đàn chuyên thảo luận về các vấn đề xã hội dưới góc nhìn nhân học văn hóa là rất mới mẻ ở Việt Nam. Các anh có dự liệu việc phát triển UVF sẽ gặp những thách thức gì?

Tất nhiên một ý tưởng mới bao giờ cũng có nhiều thách thức. Đầu tiên đó là làm sao hấp dẫn những người giỏi nhất đến với nó. Hiện nay chúng tôi có nhiều nhà nghiên cứu tham gia cùng, ví dụ như PGS. TS. Phạm Quỳnh Phương và TS. Hoàng Cầm của Viện nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Thu Giang là giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi tin với ý tưởng mới, tích cực, và tinh thần lấy tự do học thuật làm trọng thì chắc chắn UVF ngày càng thu hút được nhiều học giả tham gia.

Thách thức thứ hai liên quan đến việc thu hút nguồn lực tài trợ cho các hoạt động này. Chúng tôi thường dựa trên sự tham gia tình nguyện của mọi người, nhưng nhiều hoạt động cũng cần có chi phí dù ít, dù nhiều để chi trả. Hiện nay UVF có được tài trợ nhỏ của Đại sứ quán Ireland, Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) và các đóng góp từ học viên và người tham gia. Về lâu dài, chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được nhiều nguồn tài trợ khác nhau ở trong cũng như ngoài nước.

Thách thức thứ ba chính là làm sao những kết quả nghiên cứu, thảo luận và góp ý của UVF có ích cho xã hội, cho nhà nước, và cho giới nghiên cứu học thuật. Có lẽ, việc mở rộng thành phần tham gia, đặc biệt trong các buổi tọa đàm khoa học là cần thiết. Hiện mới dừng lại chủ yếu ở giới nghiên cứu, giảng dạy và những tổ chức phát triển.

Trong thời gian tới, chúng tôi muốn mời các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia tư vấn của các cơ quan nhà nước tham gia cùng để có thêm tương tác với họ. Tất nhiên báo chí cũng là một kênh quan trọng để chuyển tải góc nhìn văn hóa, nhân học đến với xã hội.

Trong năm 2018 này nếu phải chọn một tác nhân quan trọng nhất có thể giúp UVF phần nào vượt qua các thử thách và thực hiện thành công mục tiêu mong muốn của mình thì theo anh đó là gì?

Xã hội Việt Nam hiện nay đang vận động rất nhanh và sôi động. Có nhiều thảo luận xã hội đang diễn ra trên báo chí, trên internet và trong các không gian xã hội khác.

Tuy nhiên, tôi chưa thấy có nhiều nhà khoa học chủ động tham gia vào các cuộc thảo luận xã hội này. Sự tham gia của họ rất quan trọng vì qua đó cung cấp tri thức và phản biện cho xã hội. Họ giúp cho thảo luận xã hội có chất lượng làm tăng mặt bằng tri thức của xã hội lên.

Chính vì vậy, tôi rất mong ngày càng có nhiều nhà khoa học chủ động tham gia vào thảo luận xã hội. Và đây chính là một phần trong mục đích của UVF, đó là tạo thêm không gian để các nhà khoa học cùng nhau tham gia tốt hơn, chủ động đóng góp tốt hơn cho xã hội.

Xin cảm ơn anh.
Thu Quỳnh thực hiện

(Nguồn: Khoa học & phát triển
http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/le-quang-binh-dieu-phoi-vien-cua-uvf-nha-khoa-hoc-can-tham-gia-nhieu-hon-trong-thao-luan-xa-hoi/20180206033022601p1c160.htm)

Tác giả