Sinh vật ngoại lai: Lợi và hại

Sinh vật ngoại lai không chỉ có hại mà cũng đem lại giá trị kinh tế do đó, cần có một quy trình đánh giá đầy đủ về lợi và hại của sinh vật ngoại lai.

Sau dịch ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata) ở nửa đầu những năm 1990, tôm hùm đất (Procambarus clarkii Cherax quadricarinatus) một lần nữa gây được sự chú ý rất lớn từ công luận về vấn đề sinh vật ngoại lai tại Việt Nam. Trong những ngày gần đây, hầu như tất cả các báo đều nhấn mạnh tác hại nghiêm trọng của loài giáp xác này, đồng thời cảnh báo về sự xâm nhập của các loài sinh vật ngoại lai khác trên lãnh thổ Việt Nam. Không chỉ ở Việt Nam, việc du nhập các loài vật từ nước này qua nước khác trên thế giới luôn phải tuân thủ các các quy định nghiêm ngặt. Nhiều nước có quy định xử phạt rất khắt khe khi một cá nhân mang theo các giống sinh vật nhập cảnh như Úc, New Zealand, và Mỹ.

Tuy nhiên, sinh vật ngoại lai không chỉ có hại mà cũng đem lại giá trị kinh tế do đó, cần có cái nhìn cũng như một quy trình đánh giá đầy đủ về lợi và hại của sinh vật ngoại lai.

Tất cả loài ngoại lai đều khiến sinh vật bản địa diệt vong?

Có thể chúng ta có cảm giác là các sinh vật ngoại lai sẽ luôn sinh trưởng, sinh sản nhanh hơn, thích ứng cao hơn so với các loài bản địa và do đó trong điều kiện sống mới giúp chúng phát tán và tạo lập được quần thể, gây ra những tác hại về kinh tế và môi trường cùng khả năng đẩy các loài bản địa vào con đường diệt vong. Tuy nhiên, đứng từ góc độ sinh học, các sinh vật bản địa luôn có khả năng thích nghi tốt nhất với điều kiện môi trường địa phương. Đây là đặc điểm thích ứng đã được chọn lọc qua hàng ngàn/triệu năm tiến hóa. Hầu hết các sinh vật ngoại lai đều khó có khả năng cạnh tranh với các loài bản địa. Khả năng phát triển khi chúng phát tán ra môi trường tự nhiên của các nước du nhập cũng hạn chế do điều kiện sống khác xa so với môi trường gốc của chúng. Ví dụ, các loài thủy sinh vật có nguồn gốc nước lạnh như loài cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss) được du nhập về Việt Nam khó có thể phát triển được trong điều kiện nhiệt đới, trừ một số vùng núi cao. Chỉ một phần nhỏ trong số các loài sinh vật ngoại lai có sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng rộng nhưng lại có sức tàn phá ghê gớm với môi trường và các sinh vật bản địa.

Tác động mà các loài sinh vật xâm hại gây ra đối với môi trường sống rất đa dạng nhưng có thể gộp chung thành 4 nhóm là: i) cạnh tranh với các loài bản địa về thức ăn, nơi sinh sống, ii) ăn thịt các loài bản địa; iii) phá huỷ hoặc làm thoái hóa môi trường sống bản địa, phá hoại mùa màng và iv) truyền bệnh và ký sinh trùng cho các loài bản địa cũng như cư dân địa phương. Các kết quả nghiên cứu cho thấy sinh vật ngoại lai xâm hại đã làm tuyệt chủng 39% số loài xuất hiện trên bề mặt trái đất kể từ năm 1600 và phá hủy mất 36% các hệ sinh thái (Nhàn và cộng sự, 2012).

Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp của cá rô phi sông Nile (Lates niloticus) được du nhập vào tại hồ nước ngọt lớn thứ hai thế giới Victoria, thuộc lãnh thổ của 3 nước Uganda, Kenya và Tanzania năm 1954 đã gây ra sự tuyệt chủng của hơn 200 loài cá khác trong hồ trong đó có loài rô phi bản địa Negege (Oreochromis esculentus). Cư dân xung quanh hồ chặt củi phá rừng để sấy cá dẫn đến xói mòn đất đồng thời rửa trôi các chất dinh dưỡng xuống hồ, làm bùng phát sự phát triển của tảo và bèo Nhật Bản, làm cá trong hồ chết nhiều hơn do thiếu oxy. Việc du nhập cá rô phi sông Nile còn được cho là nguyên nhân làm nghèo đói hơn đời sống của dân cư xung quanh hồ do việc khai thác thương mại loài cá này đã làm cư dân mất đi nghề đánh bắt và chế biến cá truyền thống, trong khi lợi nhuận từ việc khai thác chỉ rơi vào túi một số người (FAO, 1989). Ở Việt Nam, việc nhập nuôi ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata), một trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới đã khiến nền nông nghiệp trả giá đắt trong thập niên 1990.


Nuôi tôm thẻ chân trắng ở Huế. Ảnh: baothuathienhue.vn

Tuy nhiên có rất nhiều sinh vật ngoại lai không hề gây hại thậm chí còn mang lại giá trị cao cho nền kinh tế. Tiêu biểu là giống tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) có nguồn gốc Nam Mỹ, sau khi du nhập vào Việt Nam khoảng năm 2000 đã nhanh chóng thay thế vị trí số 1 về sản lượng nuôi của loài tôm sú có nguồn gốc bản địa (Penaeus monodon). Ưu thế của tôm thẻ chân trắng  so với tôm sú là sức tăng trưởng vượt trội, thích nghi tốt với nhiều nồng độ muối khác nhau, khả năng chống chịu với một số bệnh tật như bệnh do virus đốm trắng, virus đầu vàng cao, cũng như sự thành công trong việc nuôi gia hóa, khép kín vòng đời để tạo được nguồn tôm bố mẹ và tôm giống sạch bệnh. Theo thống kê của Hiệp hội Chế Biến và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam, ngành công nghiệp tôm thẻ chân trắng luôn chiếm vai trò chủ chốt, không ngừng gia tăng về tỉ trọng trong cơ cấu xuất khẩu tôm từ năm 2013 cho đến nay. Chỉ tính riêng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu tôm chân trắng mang về 2,5 tỷ USD; chiếm 65,6% tổng xuất khẩu tôm cả nước.

Không chỉ tôm thẻ chân trắng, các đối tượng thủy sản ngoại lai khác như cá tầm, cá diêu hồng, cá mú, cá bớp…vẫn tiếp tục được nhân rộng diện tích nuôi tại Việt Nam, ngành chăn nuôi và trồng trọt hiện tại cũng phụ thuộc rất nhiều vào các giống nhập nội cho hiệu quả, năng suất cao và đã chứng tỏ được lợi ích kinh tế thiết thực như các giống khoai tây, giống bò sữa, giống hoa… Các loài ngoại lai này không những không xâm hại mà còn góp phần bổ sung nguồn gene, đóng vai trò tích cực trong việc đa dạng hóa sinh học ở nhiều địa phương.

Chính sách quản lý dựa trên chứng cứ khoa học

Chính vì tác động của sinh vật ngoại lai trong một hệ sinh thái rất phức tạp, trước quyết định du nhập có chủ đích một loài sinh vật ngoại lại mới, việc phân biệt rõ khái niệm “sinh vật ngoại lai” và “sinh vật ngoại lai xâm hại” là hết sức quan trọng. Việc chỉ nhấn mạnh tới tác động tiêu cực của một số loài ngoại lai xâm hại mà quên đi vai trò tích cực của các loài sinh vật ngoại lai khác sẽ gây tâm lý tiêu cực tới xã hội, ảnh hưởng tới việc đánh giá sinh vật ngoại lai một cách khách quan, toàn diện, dựa trên chứng cứ và số liệu khoa học, để đưa ra các quyết sách quản lý một cách phù hợp.

Cụ thể trong trường hợp tôm hùm đất, rất nhiều báo đã thông tin về tác hại của loài tôm hùm đất cùng những ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành về vấn đề này. Tuy nhiên, cần bổ sung các thông tin khoa học cụ thể, chính xác từ quá trình nuôi thử nghiệm tại Phú Thọ hoặc những nơi khác (nếu có). Cần có nghiên cứu cụ thể trong môi trường tự nhiên, ví dụ như 1 con tôm hùm đất có khả năng phá hủy bao nhiêu diện tích trồng lúa, làm suy giảm bao nhiêu loài động vật trong nước, sức sinh sản cụ thể là bao nhiêu, khả năng lây truyền những bệnh gì và lây truyền cho loài sinh vật nào ở hệ sinh thái Việt Nam. Từ đó, chúng ta mới có thể có những đánh giá chính xác và thuyết phục về ảnh hưởng của loài này lên khu hệ động thực vật bản địa của Việt Nam và những giá trị hay thiệt hại về mặt kinh tế mà tôm hùm đất có thể mang lại.

Như vậy, trước quyết định du nhập bất kì một loài sinh vật ngoại lai mới nào, theo con đường chính ngạch, cũng cần một nghiên cứu đánh giá độc lâp, khách quan, và toàn diện dựa trên chính đặc tính của loài sinh vật đó có thể biểu hiện trong môi trường mới.

Tuy nhiên, Quy định số 32/BVHN-VPQH Luật Đa dạng sinh học năm 2008 mới chỉ định nghĩa thế nào là loài ngoại lai và ngoại lai xâm hại. Luật này không quy định việc đánh giá tác động có hại hay có lợi của nhóm sinh vật này.

Do vậy, đối với các sinh vật ngoại lai xâm hại đã hiện diện ở Việt Nam cũng như các sinh vật ngoại lai xâm hại hoặc không xâm hại có nguy cơ hiện diện (ví dụ qua nhập lậu), cần áp dụng nhuần nhuyễn 4 biện pháp cơ bản là ngăn ngừa; phát hiện sớm và phản ứng nhanh; diệt trừ; quản lý tổng hợp (IPM) đóng vai trò chìa khóa trong công tác quản lý. Ở các quốc gia phát triển như Úc, New Zealand, Mỹ các biện pháp kiểm soát sinh vật ngoại lai trước khi đến biên giới và tại biên giới thường được thực hiện rất chặt chẽ với nhiều hình thức xử phạt có tính răn đe cao. Công tác nghiên cứu, phát triển các mô hình phân tích và đánh giá nguy cơ, các phương pháp phát hiện sớm hiện đại (ví dụ như sinh học phân tử) cũng rất được chú trọng và đẩy mạnh. Tại Việt Nam, vấn đề sinh vật ngoại lai vẫn là một lĩnh vực còn khá mới mẻ và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Việc tham khảo các mô hình quản lý tiên tiến của các nước phát triển bên cạnh việc nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng, giúp người dân hiểu biết hơn về sự đe dọa của việc du nhập sinh vật ngoại lai bất hợp pháp đối với sinh kế của chính họ cũng như hệ sinh thái và nền kinh tế của quốc gia sẽ góp phần giúp quản lý tốt hơn vấn đề này.


Hình ảnh một số giống cá (Cá mè hoa, cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá mè trắng). Chúng đã trở thành “cơn ác mộng kinh hoàng” đối với người dân Mỹ và Canada. Đến nỗi mà các nhà chức trách phải mất ăn mất ngủ đi tìm giải pháp để ngăn chặn sự quấy phá những con sông, hồ lớn của họ. Ảnh: afamily.vn.
 

Mỹ là quốc gia có số sinh vật ngoại lai được ghi nhận nhiều nhất trên thế giới. Trong tổng số 5.000 loài thực vật ngoại lai hiện đang bắt gặp trong các hệ sinh thái tự nhiên ở Mỹ, rất nhiều loài có giá trị lớn đối với ngành nông nghiệp (làm thức ăn, lấy sợi, làm cây cảnh…), chỉ một số ít loài trở thành loài xâm hại và đe dọa các hệ sinh thái. Một số loài sinh vật ngoại lai còn mang lại cơ hội nghiên cứu giúp đưa ra đánh giá và quản lý tác động của biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, hiện không có một số liệu cụ thể nào về tổng số loài ngoại lại hiện diện, tuy nhiên danh sách các loài ngoại lai xâm hại (Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ban hành ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường) liệt kê tổng cộng 19 loài bao gồm 4 loài thuộc nhóm vi sinh vật, 4 loài thuộc nhóm động vật không xương sống, 3 loài cá, 1 loài thuộc nhóm lưỡng cư-bò sát, 1 loài thuộc nhóm chim thú và 6 loài thuộc nhóm thực vật.
 
Thống kê nghiên cứu về sinh vật ngoại lai trên thế giới, cho thấy, số lượng các ấn phẩm khoa học về tác động trung tính (không gây ra mối đe dọa nào cho môi trường và lợi ích kinh tế và xã hội) hoặc có lợi của các sinh vật ngoại lai là rất thấp, và không tăng kể từ năm 1990 (Boltovskoy và cộng sự, 2018). Gần đây, có rất nhiều nhà khoa học đã lên tiếng chống lại việc mặc định rằng nguồn gốc ngoại lai của một loài sinh vật được coi là yếu tố đáng tin cậy cho khả năng gây hại của sinh vật đó, coi sự mặc định này là một biểu hiện của chủ nghĩa phản khoa học, thường được dẫn dắt bởi những mục đích riêng (Boltovskoy và cộng sự, 2018, Chapman, 2016).

TS Nguyễn Thảo Sương, Đại học Auckland, New Zealand
TS Lê Việt Dũng, Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
TS Đinh Văn Khương, Đại học Nha Trang

Tài liệu tham khảo:
1. Nhàn H. T. T, Yên M. Đ, Lầm P. V, Tuấn T. T. A, Quân M. H., Anh T. T. K (2012). Kiến thức cơ bản về sinh vật ngoại lai xâm hại. Dự án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại rừng khu vực Đông Nam Á. Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. FAO (1989) Socio-economic effects of the evolution of Nile perch fisheries in Lake Victoria: a review. Truy cập tại http://www.fao.org/3/t0037e/T0037E00.htm#TOC ngày 01/06/2019
3. Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam. Truy cập tại http://m.vasep.com.vn/Tin-Tuc/1203_52000/Xuat-khau-tom-Viet-Nam-20-nam-nhin-lai.htm ngày 1/6/2019.
4. Chapman M. P (2016) Benefits of invasive species. Marine Pollution Bulletin 107 (2016) 1–2
5. Boltovskoy D ., Sylvester F., Paolucci E. M. (2018) Invasive species denialism: Sorting out facts, beliefs, and definitions. Ecol Evol. 2018;8:11190–11198. ttps://doi.org/10.1002/ece3.4588 Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/sinh-vat-ngoai-lai-loi-va-hai/2019060605257677p1c785.htm

Tác giả