Tình yêu khoa học và tình yêu đất nước

Tất cả những gì trẻ em cần ở cha mẹ là tình thương yêu. Các bậc cha mẹ tốt đều nhận thức được điều đó. Trong khoa học cũng tương tự như vậy. Tất cả những gì khoa học cần để phát triển là tình yêu, và đó chính là bài học chủ yếu mà tôi có được sau bảy năm làm việc tại CERN, cơ quan nghiên cứu vật lý hạt nhân của châu Âu.


Pierre và Marie Curie luôn từ chối việc kiếm tiền từ các phát minh trong ngành bức xạ hạt nhân của mình. Nguồn: museoandaluzdelaeducacion.es

Hiện nay, những ai không muốn tỏ ra mình lạc hậu thường nói đến “tự trị” như một từ khóa thời thượng. Điều này đặc biệt đúng đối với các trường đại học, nhưng ở mức độ nào đó cũng đúng cả với các viện nghiên cứu. Những ai yêu quý khoa học hiểu rằng tự trị là sự khuyến khích nhà khoa học khám phá những con đường mới mẻ để tìm ra những phát kiến bên ngoài các lãnh địa truyền thống – ngày nay người ta thích gọi là đổi mới sáng tạo – hay đơn giản hơn, tự trị đồng nghĩa với nhiều sự tự do hơn. Nhưng với những ai không yêu quý khoa học, tự trị được hiểu theo nghĩa hẹp là tự trị về tài chính. Nói không quá lời, họ nghĩ rằng các nhà khoa học về cơ bản là những kẻ ăn bám xã hội, và tự trị chính là bắt các nhà khoa học phải tự nuôi lấy thân. Vậy là họ đã vẽ ra các quy định hướng dẫn cách quản lý khoa học theo mô hình kinh doanh vì lợi nhuận.

Nhưng tình yêu không đồng nhất với cho phép sự lười biếng hay nuông chiều; những bậc cha mẹ yêu con cái hiểu rằng có lúc cần nghiêm khắc. Với khoa học cũng vậy. Chúng ta kỳ vọng các nhà khoa học làm việc chăm chỉ và trung thực, cả về học thuật cũng như đạo đức. Đồng thời, chúng ta mong các viện nghiên cứu hoạt động giàu năng suất, duy trì những công bố chất lượng cao; quản lý có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, không sử dụng sai hoặc lãng phí các trang thiết bị đắt tiền; quan tâm tới các nhu cầu của cộng đồng xã hội và tìm cách đáp ứng một cách nghiêm túc khi được giao các nhiệm vụ khoa học công nghệ mang tính ứng dụng; chuyển giao các tri thức cho cộng đồng, hay dành thời gian và công sức cho cái ngày nay gọi là hoạt động xã hội (outreach). Nhưng chúng ta không kỳ vọng họ phải làm ra tiền bạc. Bất kỳ ai có hiểu biết căn bản về lịch sử khoa học đều hiểu điều này.

Gần đây, tôi được đọc Quyết định số 171/QĐ/TTg, ngày 27/1/2016, ký bởi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trong đó lên kế hoạch cho các ngành khoa học và công nghệ tới năm 2020, tầm nhìn 2030, một nhiệm vụ đầy thách thức! Bản kế hoạch có đề cập 124 viện nghiên cứu và các tổ chức tương đương, trong đó có 27 cơ quan thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, 14 cơ quan thuộc Bộ Y tế, 10 cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, 7 cơ quan thuộc Bộ GD&ĐT và các Đại học Quốc gia, 11 cơ quan thuộc Bộ KH&CN, 6 cơ quan thuộc Bộ Xây dựng, và 32 cơ quan thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; cùng một số cơ quan tôi không hiểu rõ lắm, thuộc những cơ quan trung ương khác như Đài truyền hình Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ LĐTB&XH.

Tuy không trực tiếp nói ra, nhưng hàm ý của Quyết định khá rõ ràng, rằng đang tồn tại quá nhiều tổ chức nghiên cứu mà chức năng, nhiệm vụ không rõ ràng, trùng lặp và chồng chéo, hoặc hoạt động thiếu hiệu quả; rằng việc thẩm định và quản lý nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu, và năng lực, trình độ khoa học đang dưới chuẩn mực quốc tế và khu vực. Vì vậy, mục tiêu đặt ra ở đây rất rõ: khắc phục tất cả những hạn chế, vướng mắc này bằng cách nghiêm túc tái cơ cấu, tổ chức lại trên toàn ngành.

Một số mục tiêu cụ thể được đề ra: đến năm 2030 giảm 30% số lượng các tổ chức; khoảng 15 tổ chức đạt trình độ quốc tế và khu vực vào 2020, và khoảng 30 tổ chức vào 2030; khoảng 55% cán bộ nghiên cứu của các tổ chức có bằng thạc sỹ và 20% có bằng tiến sỹ vào 2020, đến năm 2030 đạt xấp xỉ 70% thạc sỹ và 30% tiến sỹ. Nhưng nội dung của quyết định chưa thể hiện rõ cách thức đạt được những thay đổi tham vọng nói trên.

Chúng ta hình dung, các viện sẽ tìm mọi cách thể hiện năng lực và chất lượng của mình, để sao cho việc phân loại ít ảnh hưởng tới quyền lợi của họ nhất. Còn tôi cho rằng Chính phủ cần yêu cầu tiến hành một loạt các đợt khảo sát chất lượng các viện nghiên cứu được tiến hành bởi các ủy ban quốc tế gồm những nhà khoa học giàu uy tín; ví dụ một ủy ban cho các ngành khoa học tự nhiên, một ủy ban cho các ngành khoa học sự sống, một ủy ban cho các ngành khoa học xã hội, và một ủy ban cho các ngành công nghệ và kỹ thuật. Nếu không có sự đánh giá thực trạng một cách khách quan, trung lập, và đáng tin cậy như vậy, tôi không hình dung được chúng ta sẽ dựa trên cơ sở nào để tiến hành cải cách và đạt được sự tiến bộ. Trong nhiều bài viết trước đây, tôi đã kiến nghị về việc phát huy lợi ích của những ủy ban này, nhưng những kiến nghị đó rõ ràng chưa được chào đón. Thiếu những kết quả thẩm định đầy đủ làm căn cứ, các nhà quản lý có thẩm quyền sẽ khó có thể mạnh dạn tiến hành sáp nhập những tổ chức có chức năng trùng lặp, hay loại bỏ những nhân sự yếu kém, và dễ có khả năng họ sẽ áp dụng chung một chính sách cắt giảm với mọi nhân sự mà không xét đến chất lượng công việc của những người đó.

Điều tôi lo ngại nhất, là xu hướng khuyến khích các tổ chức nghiên cứu phát triển tự trị toàn diện, theo mô hình quản lý của các doanh nghiệp tư nhân, và cuối cùng tiến tới tư nhân hóa hoàn toàn hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ. Từng có cơ hội tiếp xúc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, một người đáng kính trọng, tôi không nghĩ đó là điều ông theo đuổi; tuy nhiên xu hướng tư nhân hóa chính là điều được ủng hộ bởi những ai không yêu thích khoa học.

Tôi càng trăn trở về điều này hơn khi đọc Nghị định 54-2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016, một văn bản rõ ràng là khuyến khích các viện nghiên cứu làm kinh doanh. Theo suy nghĩ của tôi, động cơ kiếm tiền không phải là điều lành mạnh trong khoa học. Pierre và Marie Curie luôn từ chối việc kiếm tiền từ các phát minh của mình trong ngành bức xạ hạt nhân. Điều lệ của CERN cũng khẳng định rõ rằng các tổ chức không nên đăng ký sáng chế, và quả thực họ không thu lợi từ việc phát kiến ra mạng World Wide Web, tiền thân của Internet. Đây là thứ tinh thần mà tôi được nuôi dưỡng và là điều tôi tin tưởng sâu sắc.

Từng sống ở Việt Nam gần hai mươi năm, được tiếp xúc gần gũi với nhiều nhà khoa học trẻ đầy tài năng, dũng cảm và tâm huyết, tôi thường cảm thấy tự hào với những thành công của Việt Nam, và buồn với những thất bại. Ngày nay nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải dựa nhiều vào lao động giá rẻ, và mong muốn chuyển đổi sang một nền kinh tế tri thức. Chặng đường phía trước còn dài, mà để thành công thì khoa học và công nghệ cần được Chính phủ ủng hộ một cách đầy đủ và mạnh mẽ. Đừng để các nhà khoa học phải tự lo toan, bươn chải vì sự sinh tồn. Tôi thấy buồn khi chứng kiến cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam dường như không lo ngại trước xu thế này, như thể đó chẳng phải việc của họ. Ít ra là trong phạm vi những diễn đàn mà tôi được biết, không hề thấy họ thảo luận về những đề tài như vậy, như thể sau nhiều năm ít lên tiếng trên các diễn đàn và ít có điều kiện tham gia quá trình xây dựng các quyết sách nay họ đã trở nên lãnh đạm trước thời cuộc.

Để phát triển, chúng ta bức thiết phải thay đổi cách làm.

Thanh Xuân dịch

 

Tác giả