Cơ học kỹ thuật: Chưa gắn với thực nghiệm và công nghệ

PGS.TSKH Phạm Đức Chính (Viện Cơ học) bày tỏ quan điểm về dự định chế tạo ô-tô nội địa của năm công ty ô-tô Việt Nam trong bối cảnh đa số các đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Cơ học kỹ thuật ở nước ta là mô phỏng và tính toán, hiếm có đề tài gắn với thực nghiệm và công nghệ.

Trong tám lĩnh vực nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam được Nafosted tài trợ thì lĩnh vực Cơ học kỹ thuật (Engineering) là một trong những lĩnh vực khiêm tốn nhất, cả về số đề tài được tài trợ lẫn số bài báo ISI được công bố. Tính về tỷ lệ số bài ISI của ngành Cơ học kỹ thuật so với mức trung bình các ngành ở Việt Nam thì cũng thấp hơn tỷ lệ tương ứng ở nhiều nước trong khu vực (ở Singapore – nước có nền khoa học và công nghệ mạnh nhất khu vực – Engineering là lĩnh vực dẫn đầu về số bài báo, và cả về tài trợ). Điều này tôi cũng đã đề cập trong các bài viết từ mấy năm trước. Điều đó cho thấy chúng ta còn có sự thiên lệch giữa các lĩnh vực trong nghiên cứu ở chuẩn quốc tế – yếu nhất là ở các lĩnh vực gần với ứng dụng và công nghệ.

Cụ thể hơn, khi xem xét các đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Cơ học kỹ thuật ở Việt Nam thì thấy đa số là mô phỏng và tính toán, hiếm đề tài gắn với thực nghiệm và công nghệ. Lý do có thể nằm ở cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, và hơn nữa chúng ta cũng chưa có chính sách khuyến khích và đầu tư đồng bộ hiệu quả để đạt tới các kết quả công nghệ cụ thể. Một số đề tài liên quan ít nhiều tới thực nghiệm (như các đề tài của PGS Phạm Hồng Phúc, TS Mai Phú Sơn, và PGS Lại Ngọc Anh,…) phải sử dụng kết quả từ bên ngoài, hoặc phải tìm cách ra nước ngoài làm thực nghiệm. Đề tài của PGS Lại Ngọc Anh (ĐH Bách khoa Hà Nội) về các môi chất trong động cơ đốt trong chẳng hạn, là đề tài duy nhất trong ngành Cơ được Hội đồng ngành và Quỹ Nafosted duyệt tài trợ cho sang Đức một tháng làm thực nghiệm. TS Mai Phú Sơn (Viện Cơ học) nghiên cứu công nghệ gia cố độ cứng cho vỏ ô-tô, nhưng phải kết hợp thực hiện nhiệm vụ đề tài của mình qua các chuyến đi cộng tác có thời hạn với bạn ở Hong Kong. PGS Phạm Hồng Phúc (ĐH Bách khoa Hà Nội) phải qua Nhật thực nghiệm với sự giúp đỡ của thầy… Nhưng nếu cứ phải ra nước ngoài làm thực nghiệm thì sẽ có rất nhiều hạn chế do khó kiếm nguồn kinh phí, mà cũng khó mà làm nên công nghệ gì trong tư cách lẻ loi như vậy. Một dự định hợp tác giữa nhóm chúng tôi ở Viện Cơ học và nhóm chế tạo máy bay nhỏ bên Viettel cuối cùng không thực hiện được do thiếu các thiết bị thử nghiệm cơ học vật liệu cần thiết.

Khi Vinashin được thành lập và quảng cáo rầm rộ, tôi đã kỳ vọng, với lợi thế của tập đoàn nhà nước lớn, họ sẽ theo gương Hong Kong đào tạo bài bản từ công nhân kỹ thuật tới kỹ sư thiết kế, đồng thời đầu tư đồng bộ cả cơ sở vật chất cho nghiên cứu phát triển, để tạo nên một nền công nghệ có sức cạnh tranh thực thụ. Nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Trong cộng đồng Cơ học kỹ thuật Việt Nam hầu như không nghe thấy gì đáng kể về các nghiên cứu cơ học liên quan tới tàu thủy và các công nghệ phụ trợ. Giáo sư Việt kiều Nguyễn Đăng Hưng về nước lập ra một công ty tính toán cơ học thực hiện các hợp đồng quốc tế, trong đó có các tính toán cơ học ô-tô cho Mercedes-Benz, đã tìm mọi cách tiếp cận với Vinashin nhưng không được. Sau này, vì khó kiếm được việc thường xuyên từ nước ngoài để nuôi 30 nhân viên, ông phải nhượng lại công ty cho một chủ mới ở nước ngoài, dù vẫn thấy tiếc. Lê Hoài Châu – một tiến sĩ trẻ từ Mỹ về (anh vừa nhận được đề tài Nafosted đợt năm nay) – đã lập công ty tính toán thiết kế tối ưu cho các kết cấu chịu lực, nhưng vẫn là làm các hợp đồng cho Mỹ. Anh cũng nhờ tôi giới thiệu với cộng đồng Việt Nam các chương trình mô phỏng hiện đại của mình, trong đó có cả bức tranh chuyển động của ô-tô, nhưng chưa mấy ai trong nước thể hiện sự quan tâm. Tất nhiên mô phỏng – tính toán chỉ là một phần của vấn đề, bên cạnh đó còn có các nội dung thực nghiệm khác cũng về cơ học, ví dụ như chế tác cơ khí.

Không có những công nghiệp hiện đại song song tồn tại, cơ học Việt Nam không thể phát triển và đóng góp thiết thực cho đất nước. Bởi vậy quyết tâm chế tạo ô-tô thương hiệu Việt Nam của năm doanh nghiệp ô-tô và cơ khí mới đây là rất đáng khích lệ, nhưng cần có sự phối hợp với nhà nước và các nhà khoa học để có được một chiến lược phát triển hiệu quả dẫn tới thành công và tránh vấp ngã như Vinashin.

VKIST là một nguồn hy vọng. Tôi cho rằng các đại học quốc tế đã và đang thành lập cũng nên xác định các vấn đề công nghệ ưu tiên cụ thể riêng cho từng trường, trong thỏa thuận với đối tác nước ngoài, có tính đến thế mạnh của họ. Phải đặt nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ lên hàng đầu chứ chỉ dạy học suông sẽ không có nhiều tác dụng.

Các đồng nghiệp Nafosted nói nhiều tới xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, thiên về lập nhóm các nhà khoa học có cùng một hướng chuyên môn để tăng tương tác hỗ trợ lẫn nhau và tạo ra sự chú ý tầm quốc tế. Tôi thì cho rằng, cần ưu tiên hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành hướng tới một công nghệ cụ thể. Nếu ý định chế tạo ô-tô hay tàu thủy Việt Nam thực sự là nghiêm túc thì chúng ta cần giúp tạo ra các nhóm nghiên cứu mạnh phục vụ cho các mục tiêu cụ thể đó.

Tác giả