Nhà khoa học Việt Nam có thể nhận tài trợ từ bốn chương trình nghiên cứu của chính phủ Anh

Vương quốc Anh vừa qua đã công bố Chiến lược hợp tác quốc tế nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong những năm tới. Trong đó, có bốn quỹ, chương trình tài trợ mà các nhà khoa học Việt Nam có thể tham gia, bao gồm:


Buổi hội thảo “Tăng cường năng lực khoa học và đổi mới sáng tạo của Việt Nam về phát triển bền vững” nhằm tăng cường hợp tác giữa Anh và Việt Nam. Ảnh: Hội Đồng Anh
 
1) Newton Fund: Newton Fund tài trợ cho việc đào tạo và các khóa trao đổi sang Anh cho các nhà khoa học Việt Nam và các nghiên cứu hợp tác giữa Anh và Việt Nam. Các lĩnh vực mà chương trình này ưu tiên là: Y tế và khoa học sự sống, Nông nghiệp, Môi trường và năng lượng, Thành phố tương lại, Công nghệ số và đổi mới sáng tạo. Newton Fund hợp tác với Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Tổ chức Cán bộ, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN của Bộ KH&CN, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia và Cục Hợp tác Quốc tế của Bộ GD&ĐT để kêu gọi hồ sơ và phân bổ tiền tài trợ. Số tiền mà chính phủ Anh cấp cho Newton Fund trên 17 quốc gia là 735 triệu bảng Anh.  
2) Fleming Fund: Quỹ tài trợ trị giá 265 triệu bảng Anh này dành cho các nước có thu nhập đầu người thấp và trung bình để sản xuất, chia sẻ và sử dụng các dữ liệu nhằm giải quyết vấn đề kháng kháng sinh trên toàn cầu. 
3) Quỹ Nghiên cứu Các thách thức toàn cầu (Global Challenge Research Fund – GCRF): GCRF hiện đang đầu tư 1.5 tỉ bảng Anh để thúc đẩy các nghiên cứu đặt tại Anh nhằm giải quyết những vấn đề thách thức nhất về phát triển trên toàn cầu. Quỹ này hỗ trợ mối quan hệ đối tác giữa các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và nhà thực nghiệm tại Anh và các quốc gia đang phát triển.
4) Quỹ Đổi mới sáng tạo về kháng kháng sinh toàn cầu (Global AMR Innovation Fund): Trị giá 50 triệu bảng Anh, quỹ này đầu tư vào những nghiên cứu ở giai đoạn đầu nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong những lĩnh vực liên quan đến kháng kháng sinh, nâng cao phúc lợi xã hội của người dân ở những nước thu nhập trung bình và thấp. 
Trong bốn chương trình nghiên cứu nói trên, chỉ có chương trình số 1 và 2 là kêu gọi hồ sơ nộp trực tiếp từ các viện, trường, cá nhân các nhà nghiên cứu Việt Nam. Các chương trình còn lại sẽ tài trợ cho các cơ sở nghiên cứu tại Anh Quốc, sau đó, các nghiên cứu này sẽ tìm kiếm đối tác đồng nghiên cứu tại các nước đang phát triển thông qua nhiều kênh. Vì vậy, để nhận tài trợ từ các chương trình này, các nhà khoa học Việt Nam cũng cần chủ động tiếp cận và tự kết nối với các nhà khoa học Anh.

Tác giả