PGS Nguyễn Xuân Hùng lần thứ 5 lọt vào top 1% thế giới

Trong số hơn 4.000 nhà khoa học lọt vào top 1% thế giới năm 2018, PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng (Trung tâm nghiên cứu liên ngành, trường đại học Công nghệ TPHCM) là người Việt Nam duy nhất. Lần thứ 5 liên tiếp, anh có mặt trong danh sách này cùng một số nhà khoa học gốc Việt khác như các giáo sư Nguyễn Sơn Bình, Nguyễn Thục Quyên (Mỹ), Võ Văn Ánh (Australia).



PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng (thứ hai từ phải qua) ký hợp đồng R&D về công nghệ bán dẫn với đối tác Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Clarivate Analytics, công ty hàng đầu thế giới về dữ liệu khoa học đã công bố danh sách các nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới (highly cited researchers HCR), hay top 1% thế giới, dựa trên chỉ số trích dẫn các công trình nghiên cứu thuộc 21 lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn. Trong vòng 5 năm qua, chính các nhà khoa học trên toàn thế giới đã đánh giá và lựa chọn một cách chính xác và công bằng các đồng nghiệp xuất sắc – những người liên tục được ghi nhận qua nhiều công công bố quốc tế và góp phần không nhỏ vào sự phát triển của khoa học thế giới trong vòng một thập kỷ qua, vào danh sách HCR. Dữ liệu từ Web of Science là cơ sở quan trọng để các nhà phân tích của Clarivate Analytics kiểm tra và xác định những nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực của mình. Annette Thomas, giám đốc điều hành của Nhóm nghiên cứu Khoa học và Hàn lâm, nhận xét: “Danh sách HCR 2018 giúp nhận diện được những nhà khoa học có nhiều tác động đến cộng đồng nghiên cứu thông qua tỷ lệ trích dẫn công trình nghiên cứu – những công việc góp phần mở rộng những ranh giới, tăng cường hiểu biết và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho xã hội, qua đó tham gia tạo dựng một thế giới an toàn hơn, khỏe mạnh hơn và bền vững hơn”

Danh sách HCR năm nay phản ánh xu hướng xuyên ngành và liên ngành của khoa học thế giới. David Pendlebury – nhà phân tích chỉ số trích dẫn của Clarivate Analytics, đã giải thích về nét mới này trong quá trình lựa chọn các nhà khoa học: “Năm 2018, một hạng mục xuyên lĩnh vực đã được đưa thêm vào để ghi nhận các nhà nghiên cứu với tầm ảnh hưởng lớn trong nhiều lĩnh vực nhưng không có đủ các bài báo quốc tế có số lượng trích dẫn cao trong một lĩnh vực được chọn, ví dụ một nhà miễn dịch học có thể là một nhà sinh hóa và một nhà sinh học phân tử, hay một nhà hóa học cũng có thể là một nhà khoa học vật liệu và thậm chí là một kỹ sư. Bằng việc giới thiệu một hạng mục xuyên ngành mới và băng qua các bức tường ngăn cách giữa các ngành nghiên cứu, chúng tôi muốn hướng đến mục tiêu giữ cho danh sách HCR theo kịp sự phát triển của khoa học thế giới”.

Bức tranh đa dạng về khoa học thế giới

Cũng như nhiều cách đánh giá khác, danh sách gồm hơn 4000 nhà khoa học HCR 2018 của Clarivate Analytics đã phản ánh bức tranh khoa học thế giới. Trong số trên hơn 60 quốc gia, Mỹ là quốc gia chiếm ưu thế với 2.639 nhà nghiên cứu, chiếm tỷ lệ hơn 50%, tiếp theo là Anh với 546 người và Trung Quốc 482 người. So với năm 2017, Trung Quốc tăng gần gấp đôi số lượng các nhà khoa học có công trình được trích dẫn nhiều nhất. Điều đó cũng phản ánh sự tăng trưởng của khoa học Trung Quốc trong những năm gần đây, khi mức đầu tư của chính phủ nước cho khoa học này chỉ xếp thứ hai sau Mỹ. 

Tuy không vào top ba quốc gia dẫn đầu về số lượng các nhà khoa học nhưng một số quốc gia như Thụy Điển, Áo, Singapore, Đan Mạch, Trung Quốc và Hàn Quốc đều có nhiều nhà khoa học ở hạng mục xuyên ngành – hạng mục có gần 2.000 nhà khoa học.

Các nhà khoa học xuất sắc luôn được các cường quốc chiêu mộ. Đây là lý do giải thích vì sao, 10 quốc gia dẫn đầu như chiếm tới 80% và 5 quốc gia dẫn đầu là 70%.

Ngoài ra, trong số hơn 4000 nhà khoa học của HCR 2018, có 194 người (chiếm 4,8%) thuộc về hai lĩnh vực chuyên ngành và 24 người – đến từ Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á và Trung Đông, thuộc về ba lĩnh vực chuyên ngành. HCR 2018 cũng ghi nhận các nhà khoa học từng được vinh danh ở nhiều giải thưởng khác gồm 17 nhà khoa học đoạt giải Nobel, trong đó có hai người giành giải năm 2018: James P. Allison – y sinh, và William D. Nordhaus – kinh tế; đồng thời xác định thêm 56 người “đặc biệt” mà Clarivate Analytics cho rằng đạt đẳng cấp Nobel hoặc có tiềm năng nhận giải Nobel.

Danh sách HCR 2018 cũng cho chúng ta thấy thêm một phần bức tranh khoa học thế giới: ba viện nghiên cứu công lọt vao top 10 các cơ sở nghiên cứu hàng đầu thế giới là Viện nghiên cứu Y tế Mỹ, Viện Hàn lâm KHCN Trung Quốc và Hội Max Planck (Đức) – đây cũng là những nơi nhận được sự ưu ái đầu tư của các chính phủ. Trong số các trường đại học, trường Harvard thành công nhất với 186 người vào danh sách, tiếp theo là trường Stanford 100 người.

Nỗ lực của Việt Nam 

TS. Trần Phan Lam Sơn (thứ hai từ trái sang) cùng nhóm nghiên cứu ở RIKEN

Ở lần thứ 5 công bố, PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng – chuyên ngành khoa học máy tính, vẫn là nhà khoa học Việt Nam duy nhất có mặt trong danh sách HCR. Điều đó chứng tỏ, dù làm việc trong những điều kiện nghiên cứu còn nhiều thiếu thốn ở Việt Nam nhưng anh vẫn đủ khả năng theo đuổi những hướng nghiên cứu tiên tiến của thế giới và thực hiện được những công trình mà cộng đồng quốc tế quan tâm. Trên nền kiến thức cơ bản vững chắc về những môi trường vật lý khác nhau như rắn, lỏng, khí, hầu hết các mô hình tính toán của anh và cộng sự nghiên cứu và phát triển đều có thể áp dụng dduwwocj trên nhiều lĩnh vực khác nhau, không bị bó hẹp hay khu trú ở lĩnh vực cơ học tính toán – chuyên ngành chính của anh. Mặt khác, việc thực hiện các dự án thực nghiệm về xây dựng bờ kè chống xói lở ở khu vực ĐBSCL, thiết kế quạt không cánh hay những dự án về vật liệu mới với các đối tác trong nước và quốc tế cũng là cơ hội để anh tối ưu các mô hình của mình.

Bên cạnh đó, những nhà nghiên cứu gốc Việt đã khẳng định tên tuổi trong những lĩnh vực nghiên cứu của mình như giáo sư Nguyễn Sơn Bình (Khoa Hóa, trường ĐH Northwestern), Nguyễn Thục Quyên (Khoa Hóa và hóa sinh trường ĐH California ở Santa Barbara), Võ Văn Ánh (Khoa Khoa học và Kỹ thuật, ĐH Công nghệ Queensland, Australia) vẫn có mặt trong top 1%.

Tuy nhiên, việc lọt vào danh sách này không phải là chuyện dễ dàng. Đó là lý do giải thích vì sao, sau một năm cách quãng, năm nay TS. Trần Phan Lam Sơn (Viện nghiên cứu Vật lý và Hóa học RIKEN, Nhật Bản) mới trở lại top 1%.

Tác giả