TS Nguyễn Thụy Phương nhận giải thưởng Louis Cros 2018

Cuốn sách "Trường Pháp tại Việt Nam (1945-1975): từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa" - công trình khoa học phân tích sự biến chuyển của hợp tác văn hóa Pháp tại Việt Nam, trong ba thập niên từ 1945 đến 1975, dưới góc độ giáo dục - của TS Nguyễn Thụy Phương (trường ĐH Geneva), một cộng tác viên thân thiết của Tia Sáng được trao Giải thưởng Louis Cros 2018 của Pháp Viện.


Cuốn sách “Trường Pháp tại Việt Nam (1945-1975): từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa”.

Từ 1954 đến 1975, có hàng chục ngàn thanh thiếu niên Việt Nam ngồi trên ghế nhà trường tại các trường trung học Pháp ở Việt Nam. Những học sinh này thấm đượm văn hóa Pháp được truyền tải qua nhà trường Pháp. Ngày nay, rất nhiều người trong số họ sinh sống ở phương Tây và trở thành bác sỹ, nhà nghiên cứu, giáo sư, kỹ sư, nghệ sỹ, công chức cao cấp… Một số người trong số họ trở nên nổi tiếng như nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận hay nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Đa phần họ đều thành thạo Pháp ngữ, Anh ngữ, am hiểu văn hóa Á Đông và Tây phương, đặc biệt là văn hóa Pháp. 

Nhưng TS Nguyễn Thụy Phương cho biết, từ trước tới nay, nghiên cứu lịch sử nói chung và lịch sử giáo dục nói riêng dường như “lãng quên” sự tồn tại của hệ thống trường Pháp tại Việt Nam sau 1945. Khảo sát của chị cho thấy, tại Pháp, các sử liệu về hệ thống giáo dục Pháp hiện nay không đề cập sâu đến nghiên cứu về giáo dục thuộc địa nói chung và giáo dục Pháp tại các nước thuộc địa cũ. Các công trình về lịch sử giáo dục Việt Nam cũng rất ít ỏi: từ 1965 đến 2011, chúng ta chỉ thống kê được năm luận án về giáo dục Đông Dương thuộc địa1 và hai cuốn sách mang tính tổng thuật2. Ngày nay, tên tuổi của những trường trung học hay sự hiện diện văn hóa Pháp trong giai đoạn đó chỉ được nhắc đến rất ít. Chỉ có những ai từng học ở trường Pháp mới biết đến sự tồn tại của trường họ từng học.


TS Nguyễn Thụy Phương (ngoài cùng bên trái) nhận giải tại Pháp Viện. Ảnh: J. Agnel/ academiesciencesmoralesetpolitiques.fr  

Do vậy, TS Nguyễn Thụy Phương đã thực hiện nghiên cứu này nhằm miêu tả và phân tích hệ thống giáo dục Pháp tại miền Bắc và miền Nam Việt Nam sau 1945 ở những bình diện chính sách, tổ chức và cách thức vận hành. Trong công trình nghiên cứu này, bằng phương pháp liên ngành lịch sử và xã hội học, TS. Nguyễn Thụy Phương không chỉ làm sáng tỏ nhiều sự kiện lịch sử mà còn trần thuật hồi ức của nhiều thế hệ học sinh để chia sẻ với bạn đọc một câu chuyện tưởng chừng như rơi vào quên lãng. Để tiến hành nghiên cứu, TS Nguyễn Thụy Phương đã phỏng vấn sâu và thực hiện bảng hỏi trong gần ba năm (2010-2012), với hơn 100 cựu học sinh và giáo viên của trường Pháp tại Việt Nam từ 1945 đến 1975. Đồng thời chị cũng khai thác những cuốn hồi ký đã được đăng tải hay in ấn của các cựu học sinh và tìm kiếm tài liệu lưu trữ có liên quan. 

Cuốn sách được đánh giá là độc đáo và mới mẻ, giao thoa nhiều chủ điểm nghiên cứu lịch sử của Việt Nam, giáo dục Pháp và Việt Nam, giải thực dân, ngoại giao văn hóa (trước đó, cuốn sách này cũng được Giải thưởng Lịch sử giáo dục Robert Mallet 2015). 

Nhà sử học Eric Jennings, ĐH Toronto, Canada nhận xét, những phân tích tinh tế của TS Nguyễn Thụy Phương đã làm nổi bật, hé lộ một thế giới đa văn hóa và phân hóa – thông qua những thân phận con người có thời thơ ấu phải lang thang từ Bắc vào Nam, rồi ra nước ngoài, những con đường đời đầy khúc quanh, biến động. Ông nói: “Chúng ta cứ ngỡ thế giới đó đã biến mất nhưng [thực ra] nó không chỉ để lại dấu ấn sâu sắc trong nhiều thế hệ và vẫn còn liên quan đến thế giới đang thay đổi từng ngày của chúng ta….Tóm lại, Nguyễn Thụy Phương đã tặng cho chúng ta một công trình nghiêm túc nhưng vẫn đầy sắc thái và tinh tế. Sự phong phú và đa dạng của những bằng chứng trong đó vẫn sẽ luôn là một tư liệu đầy hấp dẫn với những người nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, về giáo dục, về cộng đồng hải ngoại và về quá trình phi thực dân hóa mà chúng ta đã trải qua.”

Đôi nét về một số chương trong cuốn sách: 
Ba chương đầu chỉ ra, dưới sức nặng của những toan tính chính trị quốc tế cũng như áp lực từ phía các gia đình Việt đến trường Pháp, nước Pháp đã cải tổ một cách tài tình như thế nào để biến hệ thống giáo dục thuộc địa kiên cố, vốn được coi là mũi giáo của sứ mạng khai hóa, thành một công cụ phục vụ cho ngoại giao văn hóa. Đây là một thứ ngoại giao mới mà các chính thể Nhà nước muốn sử dụng, cho mục đích đối ngoại, nhằm truyền bá những sản phẩm mang tính biểu tượng của một nền văn hóa như nghệ thuật, văn chương, hay truyền bá tri thức thông qua giáo dục. Chương thứ nhất, sau khi giới thiệu cô đọng những đặc điểm căn bản của giáo dục Đông Dương thuộc địa, sẽ giúp độc giả khám phá tiến trình ít nhiều bị cưỡng ép để biến “sứ mạng khai hóa“ thành một thứ “Phái bộ văn hóa“ thích ứng linh động hơn với điều kiện chính trị và chiến cuộc từ 1945 đến 1954. Chương thứ hai thuật lại một sự “bất thường” trong lịch sử giáo dục, đó là sự tồn tại lay lắt của trường Albert-Sarraut tại Bắc Việt cộng sản từ 1954 đến 1965. Chương thứ ba sẽ phân tích sự phát triển của hệ thống trường Pháp tại Nam Việt từ 1954 đến 1975 trong bộ “áo choàng ngoại giao“ mới tại một đất nước được điều hành bởi những người theo lý tưởng quốc gia và được hỗ trợ nhiệt tình từ Hoa Kỳ. Chương cuối khai thác ký ức của các cựu học sinh và giáo viên để lịch sử đối thoại cùng ký ức. Sự đối chiếu này cho phép chúng ta phục dựng lại lịch sử và tái tạo lại ký ức .

Giải thưởng Louis Cros của Pháp Viện mang tên một nhà giáo dục học, sáng lập viên và chủ tịch của nhiều cơ quan và tổ chức giáo dục của Pháp, được trao thường niên nhằm ghi nhận đóng góp của các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo mang tính học thuật cao nhưng vẫn hướng đến đại chúng với những chủ đề mang tính thời sự và những thách thức mà giáo dục và đào tạo đang phải đối mặt. Pháp Viện (Institut de France) được thành lập năm 1795, là nơi tập hợp giới tinh hoa về khoa học, nghệ thuật và văn học với mục đích ủng hộ và bảo trợ các phát minh, nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật. Pháp Viện có 5 phân viện hàn lâm: Académie française (Pháp ngữ), Académie des inscriptions et belles-lettres (lịch sử Cổ, Trung đại, Phục hưng và phương Đông học), Académie des sciences (khoa học tự nhiên, y học), Académie des beaux-arts (nghệ thuật), Académie des sciences morales et politiques (KHXH&NV).

Chú thích: 

1 Hoàng Thị Trợ, University of Hong Kong, 1965.; Ma Thành Công, Trường Cao học Thực hành, Paris, 1972. ; Kelly G.P., University of Wisconsin-Madison, 1975. ; Dương Đức Như, University of South Illinois, 1978.; Bezançon P., University Paris 7, 2002. ; Bùi Trân Phượng, University Lumière Lyon 2, 2008. ; Trần Thị Phương Hoa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, 2011.
2 Trịnh Văn Thảo, Trường Pháp tại Đông Dương, Paris, Karthala, 1995. ; Phan Trọng Báu, Giáo dục Việt Nam thời cận đại, Tái bản lần 2, Hà Nội, NXB Giáo Dục, 2006.

Tác giả