Cuộc đào thoát của Bacon

Nền hội họa Anh quốc sau chiến tranh thế giới thứ II đã sản sinh ra một thế hệ những tên tuổi lớn như Lucian Freud, David Hockney, hay Graham Sutherland… nhưng có lẽ không ai thu hút nhiều sự chú ý và tầm ảnh hưởng mãnh liệt như Francis Bacon.

Nghệ thuật của Picasso đến với Bacon khi ông 19 tuổi, từ đó nó ám ảnh ông đằng đẵng. Phải 16 năm sau (1944), ở tuổi 35, sau khi trưng bày bức Ba khảo cứu các nhân vật dưới chân Thập giá (Three Studies for Figures at the Base of a Crucifixion), Bacon mới thực sự cảm thấy tìm được bản ngã chân chính của mình. Ông quyết định phá hủy phần lớn các tác phẩm hoàn thiện trong thời kỳ trước đó. Đó cũng là thời điểm Bacon xác lập được chỗ đứng, từ một nghệ sỹ hầu như vô danh trở thành tên tuổi hàng đầu thế giới. Nhưng dù thế nào, vị tiến bối vẫn luôn có một vị trí đặc biệt trong tâm tưởng Bacon:

“Picasso chính là lý do khiến tôi vẽ. Ông ấy là người cha mang đến ham muốn được vẽ… Picasso là người đầu tiên tạo ra những bức tranh tạo hình đảo lộn các quy tắc về mô tả hình tướng sự vật; ông đưa ra một thứ hình tướng khác mà không hề sử dụng các chuẩn mực thông thường, chẳng bị bó buộc vào cái thực tế bề ngoài, ông vận dụng hơi thở phi lý để sự biểu đạt trở nên mạnh hơn và trực tiếp hơn; nhờ đó hình thể có thể truyền trực tiếp từ mắt tới dạ dày mà không cần đi qua bộ não”.


Chân dung tự họa của Bacon, sáng tác năm 1971.

Có thể nói Picasso là người khổng lồ đã từ những gợi ý của Cezanne để khai phá ra chủ nghĩa Lập thể, một con đường nghệ thuật hoàn toàn mới. Nếu như chủ nghĩa Ấn tượng và chủ nghĩa Biểu hiện khi ra đời vẫn phải dựa nhiều vào nền tảng hiện thực hình tướng thế giới, hay thậm chí chủ nghĩa Siêu thực tưởng như vượt thoát hơn nữa khi đi vào thế giới vô giới hạn trong tiềm thức, nhưng về bản chất đó vẫn chỉ là sự mở rộng về đề tài, đối tượng, và trường cảm xúc. Ở thái cực ngược lại, chủ nghĩa Trừu tượng cũng tưởng như mình tuyệt đối tự do, nhưng đó là sự tự do mang tính lưu đày biệt xứ, khi người nghệ sỹ buộc phải tự phế bỏ những nguyên liệu của thế giới thân thuộc đã biết. Chỉ có trong chủ nghĩa Lập thể, người nghệ sỹ mới thực sự có quyền tự do định đoạt ra thứ trật tự mà mình mong muốn, có thể đó là thiết lập ra một thế giới hoàn toàn khác với diện mạo đời sống, nhưng cũng có thể là vay mượn lại những yếu tố sẵn có cần thiết.      

Tuy nhiên, dù Bacon tìm thấy tinh thần khai phóng trong chủ nghĩa Lập thể của Picasso, nhưng ông lại bị chính nó giam cầm trong suốt 16 năm. Điều này cũng phần nào thể hiện trong quá trình Bacon vẽ bức Ba khảo cứu các nhân vật dưới chân Thập giá (gọi tắt là Ba khảo cứu). Các khối tròn lẳn tạo ấn tượng về sức nặng vật chất của đối tượng và làm gia tăng hiệu quả cho những tương tác và cử chỉ vặn vẹo đầy biểu cảm của chúng, nhưng đó chính là cách tạo hình của Picasso. Các dấu vết để lại trên khung tranh cho thấy quá trình Bacon dựng hình hết sức kỹ lưỡng và chính xác. Đó là bởi ông vẫn bị bao trùm bởi cách Picasso dựng hình đồng thời không thể nào chấp nhận một thứ trật tự kém hài hòa hơn so với những gì Picasso từng làm.

Song cái khác biệt mà Bacon làm được trong bức Ba khảo cứu là cuối cùng ông đã đưa được tinh thần trong sâu kín của riêng mình lên bức họa, đó là nỗi cô đơn và hoang mang tột độ. Đây là điều mà Picasso không có và nghệ thuật của ông cũng không thể có chỗ đứng cho một tinh thần như thế. Bố cục Lập thể của Picasso luôn dũng mãnh, có xu hướng đâm xẻ bao quát càn khôn, tạo nên cái đẹp mạch lạc, minh giản đầy sức nặng. Cái đẹp từ nỗi đau trong bức Guernica của Picasso là thứ đau đớn bàng hoàng chết lặng, nhưng nó không u ám đến vô tận như bức Ba khảo cứu của Bacon. Chính điều đó khiến bức Ba khảo cứu trở nên đáng kể. Nó đại diện cho tư tưởng của cả thế giới phương Tây thời kỳ hậu chiến: nỗi buồn đau vô định hướng, nỗi ám ảnh về cái phi lý và sự nghi vấn mang tính toàn thể về vai trò, ý nghĩa thân phận con người.

Kể từ sau bức Ba khảo cứu, ông tự do lựa chọn bỏ qua chủ nghĩa Lập thể của Picasso cũng như sự minh giản đầy lợi thế của nó để được là chính mình, được tự do theo đuổi điều mà ông gọi là cái bí ẩn của thứ không thể diễn đạt bằng hình tướng. Ông nói về điều này đơn giản tới mức dễ gây hiểu lầm: “Một hình thể mang tính minh họa sẽ tức khắc thông qua lý trí giải thích cho bạn biết hình thể đó có ý nghĩa gì, nhưng một hình thể phi minh họa trước hết sẽ tương tác qua cảm xúc.”


Bức Ba khảo cứu các nhân vật dưới chân Thập giá (Three Studies for Figures at the Base of a Crucifixion).

Một cách trực quan, chúng ta có thể tìm hiểu triết lý trên đây của Bacon qua cách ông tự họa hay vẽ lại tác phẩm của những người khác. Ông thường vận dụng cách biểu hiện làm rung, nhòe, làm cho hình họa của mình trở nên ít mạch lạc và khó hiểu hơn. Đó là cách ông giải phóng chính mình, tránh bị chấp vào những trật tự và cách hiểu cụ thể, và quan trọng hơn là để cho hình họa theo kịp với tốc độ và sự phức tạp của những rung cảm.

Điều ấy tưởng là dễ dàng, nhiều họa sỹ đã ngộ nhận và thử làm, trong đó có cả không ít những họa sỹ Việt Nam mà tôi biết, nhưng họ chỉ tốn công vô ích. Cái nhòe nhoẹt của Bacon không bao giờ vô cớ và tầm phào. Nó luôn tựa vững chắc trong thế giới quan của xúc cảm mãnh liệt chân thành, những nỗi đau ám ảnh cả về những gì đã qua, những điều sẽ đến, mà diễn biến cuộc đời ông là minh chứng sống động hiển nhiên.

Ở thái cực khác, một số nghệ sỹ Việt Nam đương đại quan trọng như Đỗ Hoàng Tường, Lý Trần Quỳnh Giang, Lê Quảng Hà… dù có người nói rằng họ không chịu ảnh hưởng của Bacon, tuy nhiên vẫn có thể thấy ông trong nghệ thuật của họ, qua hình bóng những nhân vật cô đơn, lạc lõng trật chìa giữa những khoảng không gian hẹp cố hữu, với những ánh mắt khi mãnh liệt, khi lãnh đạm trước cái phi lý. Có lẽ chỉ đơn giản bởi nghệ thuật của ông đã chạm tới một mẫu số chung cơ bản khiến người khác khó tránh khỏi bước vào dấu vết ông đã đi qua.

Một câu hỏi đặt ra: làm sao để những người hữu ý hoặc vô tình chịu ảnh hưởng bởi Bacon vượt thoát ông?

 

Tác giả