Nhóm họa sỹ Hà Tây

Đặc điểm địa hình của nước Việt là hẹp chiều ngang, phát triển theo chiều dài, có nhiều núi, có nhiều biển, có nhiều vùng khí hậu, có nhiều tộc người thiểu số. Nước Việt nằm ở mép, góc lục địa châu Á nên có nhiều sông bởi vì tất cả các con sông đều chảy theo trục Tây – Đông để về biển nên, nước Việt là nước của cửa sông trải dài suốt từ Bắc vào Nam.


Y tý 03- Sơn mài-Chu Viết Cường

Nước Việt có nhiều đồng bằng, đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Lam, sông Hương, sông Hàn, sông Thu Bồn… cho đến đồng bằng sông Cửu Long ở Nam Bộ. Nước Việt được tạo bởi các dòng sông. Có nền văn minh nào mà lại không nằm cạnh các dòng sông? Nước Việt là văn minh nước, trong đó có văn minh lúa nước. Người Việt gọi đất nước, làng nước là vậy. Nước Việt là nước làng. Nước Việt là tập hợp của nhiều làng mà thành (làng xóm, bản làng, buôn làng). Nước Việt chính là một cái làng to, một cái làng đặc biệt.

Tương ứng với mỗi vùng đồng bằng bên cạnh các dòng sông như đã nói ở trên là một vùng văn hóa. Nếu đồng bằng châu thổ sông Hồng là một vùng văn hóa thì Hà Tây dứt khoát phải được coi là một tiểu vùng văn hóa trong vùng văn hóa đồng bằng sông Hồng. Hà Tây có sông Đáy (một chi lưu của sông Hồng) và sông Đà chảy qua. Hà Tây có sông, có núi, có nhiều núi, nhiều đồng bằng, có nhiều làng, làng cổ. Có làng nào ở nước Việt này lại không có nghề, làng – nghề. Hà Tây có quá nhiều làng – nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, khảm trai (Chuyên Mỹ), sơn mài (Hạ Thái), lụa (Vạn Phúc), mộc (Chàng Sơn), nón (Chuông), thêu ren (Thanh Oai, Tây Mỗ), rèn (Đa Sỹ), mây tre (Chương Mỹ)… Hà Tây có nhiều giáo phường ca trù, Gạch (Phúc Thọ), Thượng Mỗ (Đan Phượng), Sơn Đồng (Hoài Đức), có phường rối nước (Sài Sơn) và chiếng chèo Đoài nổi tiếng.


Một góc phiêng cành – sơn dầu 2017- Dương Tuấn

Có làng nào ở nước Việt này lại không có đình? Làng là phải có đình, đình làng mà lại. Hà Tây có nhiều đình nổi tiếng Tây Đằng (thế kỷ 16), Mông Phụ (thế kỷ 16), Phùng, Chu Quyến (thế kỷ 17). Hà Tây có nhiều chùa, chùa Hương, chùa Trăm Gian, chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Mía…

Nghệ thuật của người Việt mấy nghìn năm  đều nằm ở các ngôi làng, “nghệ thuật Việt là nghệ thuật làng” (ý của Nguyễn Quân). Nghệ thuật của người Việt mấy nghìn năm đều nằm trong điêu khắc đình, chùa, trong các mảng điêu khắc trang trí, kiến trúc ở đình, chùa hoặc tượng thờ thần, Phật…..


Mưa qua phố – Acrylic trên toan – Nguyễn Minh

Nghệ thuật của người Việt mấy ngàn năm đều nằm trong các đồ thủ công mỹ nghệ, chạm khảm, sơn mài, mây tre đan, thêu ren, rèn rũa…


Con gái tôi – sơn dầu-2017- Bùi Văn Tuất

Lập luận như vậy để thấy Hà Tây là một “vùng” văn hóa riêng biệt, đặc trưng của văn hóa Việt. Hà Tây là một vùng văn hóa truyền thống. Hà Tây là một vùng văn hóa độc đáo, khác biệt so với các vùng văn hóa khác cũng như những vùng văn hóa ngay bên cạnh nó, ví dụ như Hà Nội. Tất cả đặc điểm này đều do tính chất đặc thù của địa vùng văn hóa Hà Tây tạo ra. Đất nào, người ấy, đất nào thì người ấy, nghệ thuật ấy. Không thể có con đường nào đẹp hơn để đi đến hiện đại bằng con đường khởi từ truyền thống. Truyền thống là cội rễ, là nền móng, là bệ đỡ cho ngôi nhà nghệ thuật hiện đại của những nghệ sỹ Hà Tây hôm nay.


Nắng mai-sơn dầu-Phạm Ánh

Xin chia sẻ với cộng đồng nghệ thuật yêu thích hội họa và gửi lời chúc mừng nhân triển lãm Ngó Lúa Vàng, đánh dấu buổi ra mắt của nhóm họa sỹ Hà Tây.

Triển lãm NGÓ LÚA VÀNG của Nhóm họa sĩ 33art (20 họa sĩ) trưng bày 39 tác phẩm, trong đó 2 tác phẩm điêu khắc và 37 tranh với các chất liệu sơn dầu, sơn mài, acrylic,,,
Thời gian triển lãm: Từ 6 – 15/11/2018 Khai mạc: 17h30 ngày 6/11
Địa điểm: Viện Văn hóa Quốc gia Việt Nam 32 Hào Nam, Hà Nội.

Tác giả