Trải nghiệm khó quên

Bạn có qua nổi bài kiểm tra này? Được rồi, nói cho tôi nghe, hẳn các bạn đang thấy phấn khích lắm chứ? Có phải ngày nào cũng có cơ hội được gặp một người ngoài hành tinh đâu!


Những thực thể sống có ý thức trong vũ trụ – trải nghiệm quá khứ, hiện tại và tương lai một cách đầy nghịch lý. 

Bài kiểm tra mà các bạn sắp bước vào đây, với mỗi người một khác. Tin tôi đi, tôi đã từng chứng kiến cảnh một người đàn ông tự lột trần và bắt đầu múa may quay cuồng trên bàn trước khi có thể nghe thấy bất cứ điều gì.
Một người phụ nữ thì nuốt chửng một quả bóng màu đỏ! À, cô ấy vẫn ổn – thậm chí vài ngày sau còn quay lại đây để trả quả bóng nữa ấy chứ.
Các bạn có thể hình dung ra rồi đấy, chẳng ý tưởng nào khả thi cả, dù người ta đã cố thử những phương án sáng tạo nhất.
Đã ai giải thích trước cho các bạn về bài kiểm tra này chưa? Hãy nghĩ về nó như là một cuộc gặp gỡ tương tác có giám sát, chứ đừng coi đó là một thử thách bạn phải vượt qua. Chúng tôi cần chắc chắn được rằng bạn sẽ biết hành động một cách có trách nhiệm vào lần tới bạn diện kiến một người ngoài hành tinh.
Như lệ thường, trước mắt các bạn là bốn quả bóng màu, dù vài nơi khác vẫn dùng một bộ bài làm đạo cụ kiểm tra. Bước vào phòng, và trò chuyện – có ai trong số các bạn từng gặp một người ngoài hành tinh trước đây chưa? Bạn sẽ nhìn thấy Cassandra trong bể metan lỏng phía bên tay phải. Chỉ cần lắng nghe những gì cô ấy nói, rồi làm bất cứ điều gì. Có vậy thôi.
Cô ấy sẽ nói với bạn những gì cô ấy trông thấy, từ một điểm nhìn ngược hướng hoàn toàn, và tôi cam đoan rằng – dù ngữ điệu của người ngoài hành tinh có phần khó nghe – bạn sẽ nhớ như in những từ ngữ ấy, kể cả những đoạn ngập ngừng lắp bắp. Ai mà có thể quên nổi lần đầu tiên được lắng nghe tiếng nói từ tương lai?  
Chính tôi đây, tôi vẫn có thể đọc xuôi đọc ngược từng lời mình đã được nghe: “Thành thật mà nói… bạn chẳng chạm vào thứ gì và… từng quả bóng cứ vậy rơi xuống đất… đã đến lúc chúng phải rơi… không gì dịch chuyển… bởi chúng được giữ thăng bằng trên bàn… không rơi… quả này chồng lên quả kia… xếp thành một chồng thẳng tắp… bạn nhấc chúng lên.”
Dường như quá đơn giản để chứng minh đó đều là những lời xàm. Mọi thứ liệu sẽ rơi đổ khi bạn chẳng động tay?
Tôi chạm vào bất cứ thứ gì mình trông thấy!
Tôi chộp lấy từng quả bóng và xếp chồng chúng lên nhau, một hàng thẳng tắp. Thủ thuật này tôi học được trong những bữa tiệc xưa. Chẳng có dấu hiệu của rơi đổ.
Chỉ đến khi lùi lại và ngắm nghía cột bóng mình mới xếp xong, tôi mới nhận ra điều mình vừa làm chính xác là những gì mà vị giám thị ấy vừa nói, chỉ là theo cách diễn đạt ngược của người ngoài hành tinh.
Đó là cách họ nhìn thế giới, từ chiều ngược lại, ghi nhớ tương lai chứ không phải là quá khứ.
Rồi cô giám thị yêu cầu tôi “đặt quả bóng về chỗ cũ”, tôi hỏi lại rằng mình phải làm gì tiếp theo. Nhưng cô không trả lời. Đơn giản bởi với cô, tôi chưa từng đặt câu hỏi.
Qua được bài kiểm tra này không có nghĩa là chúng ta có thể bất chấp mọi lời tiên đoán. Điều ấy là không thể. Nó chỉ có nghĩa là chúng ta đang cố gắng. Có một điều chúng ta cần biết là tương lai này đã được sắp đặt, và chúng ta có thể cảm nhận được nó. Và, trước khi bạn hiểu rằng những lựa chọn của mình còn có một giá trị nào đó, Cassandra sẽ là người ngoài hành tinh duy nhất bạn tương tác cùng. Tôi không thể cho bạn đỗ nếu còn điều gì đó khiến tôi phải nghi ngờ.
Bị đánh trượt ư, cũng có thể lắm chứ. Thực sự mà nói, nhiều người cần phải thi đi thi lại nhiều lần mới qua. Và điều đó hoàn toàn bình thường. Patrick Xu phải mất tới sáu lần để qua kia mà. Vâng, chính Patrict Xu ấy ạ.
Chỗ này chúng tôi thường dành để kiểm tra những người thường nghĩ rằng nỗ lực cá nhân không thể nào chống lại số phận. Tôi hay nghe Cassandra nói “Sau khi nhặt quả bóng màu xanh lá cây lên… bạn nhanh chóng rời đi,” rồi thấy họ lập tức làm theo. Đó là những người nguy hiểm nhất nếu được đưa vào vũ trụ, những kẻ cho rằng mọi chuyện là tiền định đồng nghĩa với việc họ không cần phải đưa ra lựa chọn nữa.<

Theo bạn thì chỉ huy Xu có thể hạ cánh phi thuyền Aloha xuống đảo Mayda Insula trên Mặt trăng Titan nếu ông nghĩ rằng “tương lai đã được định đoạt” hay “mọi quyết định của mình đều chẳng có ý nghĩa gì”? Các lựa chọn bạn đưa ra vẫn mãi là những lựa chọn, ngay cả khi hành động ấy đã được thực hiện chúng. Nhà du hành vũ trụ nào không hiểu được điều này sẽ là kẻ dễ dàng buông tay khỏi cần điều khiển, để mặc cho phi thuyền nát vụn, đơn giản vì “điều gì đến sẽ đến”. 
Bài kiểm tra này là để chúng tôi có thể chắc chắn rằng bạn không nghĩ như thế. Rằng bạn sẽ không ngừng chiến đấu để hạ cánh bằng được phi thuyền của mình ngay cả khi biết chắc một vụ tai nạn không thể tránh khỏi có thể đang chờ trước mắt – bởi chỉ cần bạn không nỗ lực hết mình để làm điều ấy, thì vụ tai nạn ấy chính là tiền định.
Nếu bạn muốn xin tôi một lời khuyên, thì tôi chỉ biết bảo rằng, hãy trò chuyện với Cassandra. Chẳng có mấy thí sinh dám chủ động làm điều này, nhưng cô ấy hoàn toàn hiểu bạn – chỉ là, ờ – đừng hi vọng rằng cuộc trò chuyện ấy sẽ có thể diễn ra một cách tự nhiên. Với cô ấy, thời gian hoàn toàn ngược chiều. Cô sẽ trả lời trước khi câu hỏi của bạn được đưa ra.
Các bạn biết rằng chính họ, những người ngoài hành tinh, cũng phải trải qua những bài kiểm tra chứ? Khi nào thấy mệt mỏi với công việc khám phá dải Ngân hà, các bạn có thể tham gia vào công việc kiểm tra. Là một giám thị, tôi đã dành hai năm dưới lòng Ligeia Mare – biển hydrocarbon lớn thứ hai của Mặt trăng Titan – trong một căn phòng giống như căn phòng chúng ta đang đứng đây. Hóa ra chính họ cũng bị lúng túng trước sự thật rằng chúng ta chẳng bao giờ sai cả. Từ trong buồng oxy, tôi nhìn họ ném đồ vật ra xung quanh hoặc bơi lượn theo vòng tròn, rồi kể lại với họ chính xác những gì mình vừa nhìn thấy. Thế nhưng, từ điểm nhìn của họ, cuộc thí nghiệm vẫn chưa hề diễn ra.
Trước khi sống ở đó, tôi thường tự hỏi không biết liệu cuộc gặp gỡ đầu tiên sẽ ra sao. Lần cuối cùng chúng tôi trò chuyện thật quá sức tẻ nhạt nghèo nàn. Nhưng vì đã sống giữa họ suốt một khoảng thời gian, tôi biết nhìn điều đó theo một cách khác đi.
Thật khó để cho rằng họ là những sinh thể không có ý thức, chỉ vì bạn không có khả năng hiểu nổi nguyên do họ làm những việc họ đang làm. Họ cũng tư duy như tất thảy chúng ta. Có điều não bộ của họ vận hành theo một cơ chế ngược lại với não bộ của chúng ta, lưu trữ kí ức khi nhiệt động lực (entropy) giảm, trong khi ở con người, kí ức được lưu trữ khi nhiệt động lực tăng. Nếu như bạn nghịch đảo nguyên nhân và kết quả, thì cả nguyên nhân và kết quả ấy vẫn không mất đi, chỉ là chúng ở đó theo một cách thức khác mà góc nhìn của con người không cho phép chúng ta thấy được.
Đối với họ, sự giao thiệp vừa khai mở vừa bối rối. Thời gian trôi qua, bạn sẽ mỗi ngày một hiểu họ hơn, trong khi những điều họ biết về bạn cứ ngày một ít đi. Chỉ trong một thời gian ngắn sống giữa họ, bạn sẽ có được thế cân bằng. Và điều cuối cùng chúng ta có thể làm được là để cho cái xã hội sơ khai của họ lùi xa. Tương lai là của chúng ta, cũng như quá khứ thuộc về họ.  
Giờ thì, các bạn đã sẵn sàng bước vào cuộc gặp gỡ đầu tiên với người ngoài hành tinh chưa? □

Thái Hà (dịch)
Nguồn: “You will remember this”, Nature 574, 144 (2/10/2019

Ngoại truyện:
Trong “Trải nghiệm khó quên”, Justen Russell kể cho chúng ta nghe câu chuyện về một chủng người ngoài hành tinh mang một thế giới quan hoàn toàn ngược chiều với cách nhìn của loài người. Ở đây, Justen đã giải thích về việc không ngại bước ra khỏi phòng thí nghiệm vi trùng học của mình để dẫn giải với độc giả những gợi mở đã khiến ông đặt bút viết chuyện khoa học viễn tưởng này:
Bản phác thảo đầu tiên cho tác phẩm của tôi bắt đầu từ việc ngắm nhìn một tấm poster dán tường với hình ảnh bốn chiều rực rỡ mô tả Hệ Mặt trời, từ vụ nổ Big Bang khai sinh sự hình thành của vũ trụ đến cái chết nhiệt (giả thuyết về số phận cuối cùng của vũ trụ, trong đó vũ trụ đã giảm đến một trạng thái không có năng lượng nhiệt động lực học tự do và do đó không còn khả năng duy trì chuyển động hay sự sống). Bức ảnh này phần nào được tôi lấy làm bối cảnh cho truyện ngắn của mình.
Tôi đã muốn bắt tay viết câu chuyện này ngay từ lần đầu tiên bắt gặp lý thuyết mũi tên thời gian về sinh vật học. Lý thuyết này cho rằng vũ trụ cũng như tất thảy mọi thứ xảy đến trong tương lai đều đã được định đoạt trước. Rằng chúng ta – những thực thể sống có ý thức trong vũ trụ – trải nghiệm quá khứ, hiện tại và tương lai một cách đầy nghịch lý. Bởi chúng ta cấu thành kí ức của riêng mình qua việc tổ chức các phân tử não bộ, và chúng ta chỉ có thể nhớ được những sự kiện xảy ra trước khi những phân tử ấy được tổ chức. Đó là lí do khiến chúng ta chỉ có thể nhớ về quá khứ chứ không thể nhớ về tương lai, dù cả hai chiều thời gian này cùng tồn tại.
Tấm hình về Hệ Mặt trời trên kia đã tổng kết lại cả một hành trình của Hệ Mặt trời từ lúc khai sinh tới khi kết thúc, và dần dần lý thuyết về sự hủy diệt trong tương lai này đã được chấp nhận như một điều hiển nhiên. Văn hóa đại chúng chứa đầy những hình ảnh khoa học, những hình ảnh làm thay đổi nhận thức của chúng ta về thế giới, những hình ảnh mà con người mất hàng nghìn giờ làm việc mới có thể đưa ra: bảng tuần hoàn, hình ảnh Trái đất nhìn từ không gian, chuỗi DNA xoắn kép. Những hình ảnh ấy được in trên những tấm poster, trên màn hình máy tính và logo quảng cáo. Chúng đã trở nên phổ biến tới mức mang những giá trị khác bên ngoài ý nghĩa ban đầu. Hình ảnh Hệ Mặt trời tôi vừa dẫn trên đây cũng vậy. Tất cả những nhân vật trong truyện đều lớn lên với một nhận thức rằng: Vũ trụ đã được định đoạt sẵn, nhưng không thực sự hiểu điều đó có nghĩa là gì. Tấm poster chỉ như một tấm hình đẹp biểu đạt một ý nghĩa trừu tượng, dù trong nó bao chứa tất cả những gì đã diễn ra và rồi sẽ tới. Dù chẳng ai dám nói chắc mình sẽ đang làm gì vào 11h45′ ngày thứ ba tới, nhưng một giả định chính xác như thế hoàn toàn có thể. Với câu chuyện này, tôi muốn đặt ra câu hỏi: vậy sẽ ra sao nếu tất thảy chúng ta đều lớn lên trong một nhận thức rằng mọi thứ đã được định đoạt sẵn, nhưng lại không thể nào tri nhận được thực tế ấy một cách cá nhân. Ý thức, dẫu sao, vẫn chỉ là ảo ảnh, và lựa chọn không hề tương thích với những gì định sẵn.
Nhưng ở câu chuyện này, điều tôi muốn nhấn mạnh hơn cả là sự chủ động thách thức. Ý thức cần đưa ra lựa chọn của riêng nó, ngay cả khi những lựa chọn ấy thực chất đã được hoàn tất xong xuôi. Bởi việc lựa chọn, tự nó đã mang giá trị. Nếu một người chọn việc chờ đợi trước khi băng qua đường, chọn cách ứng cử vào văn phòng chính phủ, hay chọn việc hạ cánh phi thuyền xuống đảo Mayda Insula trên Mặt trăng Titan như Patrick Xu, đó chính là lúc họ đang đưa ra những quyết định phù hợp nhất với thời điểm hiện tại. Điều ấy cũng có nghĩa là người ta không chấp nhận chỉ đơn giản là một con tốt cho số phận hay buông xuôi để mặc cho những gì gọi là tiền định. Nói cách khác, bằng hành động, chúng ta đã, đang, và sẽ không ngừng giành quyền can dự vào sự quyết định vận mệnh vũ trụ. Và lựa chọn, dù thế nào, luôn có ý nghĩa riêng của nó.

Tác giả