Bác bỏ cái gọi là chứng cứ lịch sử của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông

Qua bằng chứng lịch sử cổ xưa của cư dân trên lãnh thổ Việt Nam và Đông Nam Á trên Biển Đông.

Phán quyết của Toà trọng tài thường trực (PCA) hôm 12/7/2016, phủ nhận các tuyên bố về vùng biển lịch sử của Trung Quốc trên biển Đông là một diễn biến mới quan trọng trong dài hạn trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, lần đầu tiên có một toàn án quốc tế ra phán quyết phủ nhận các tuyên bố về cái gọi là Đường chín đoạn cũng như phủ nhận tính pháp lí của việc Trung Quốc độc chiếm biển Đông và ngăn cản trái phép việc thực thi chủ quyền và đặc quyền kinh tế của các nước khác.
Thứ hai, phán quyết của Tòa cho rằng không một đảo nào trên vùng tranh chấp Biển Đông có thể được coi là một đảo “đúng nghĩa” (tức là tự thân nó có thể hỗ trợ cho đời sống của con người). Vì thế, không một đảo nào có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí với thềm lục địa. Phán quyết này rõ ràng không chỉ liên quan đến Trung Quốc hay Philippine mà còn ảnh hưởng đến tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.
Thứ ba, phán quyết này cũng sẽ đẩy khu vực vào một tương quan mới, buộc các bên phải có chính sách phù hợp đi theo phán quyết này. Dù phán quyết của Tòa là không ràng buộc, nhưng rõ ràng sự phản ứng của Trung Quốc với tư cách là một siêu cường sẽ cho thấy cách thức và chiều hướng tình hình Biển Đông sẽ diễn biến. Có vẻ như ngay trong ngày đầu tiên sau phán quyết thì Trung Quốc đã chơi “không đẹp”. Một loạt sao Hoa ngữ đăng status ủng hộ Beijing trên Weibo. Làn sóng dân tộc chủ nghĩa cực đoan có vẻ như đang được dịp nổi lên ở Trung Hoa, và một sự khiêu khích rõ ràng khi cho máy bay dân sự hạ cánh xuống đá Vành Khăn thuộc Trường Sa. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cũng nói về khả năng nước này lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Giới quan sát Phương Tây lo ngại rằng điều này có thể là mở đầu cho một cuộc xung đột mang tính toàn cầu giữa Trung Quốc –siêu cường đang nổi lên và các thiết chế quốc tế do phương Tây bảo trợ. Trung Quốc đang tập hợp một mặt trận các nước ủng hộ mình và tờ China daily hôm nay tuyên bố là đã có 70 nước ủng hộ lập trường của Beijing:

Trong trường hợp xấu nhất, Trung Quốc có thể rút ra khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (The United Nations Convention on the Law of the Sea -UNCLOS) và thiết lập một hệ thống quốc tế riêng không lệ thuộc vào Phương Tây.

Cho dù tất cả các bằng chứng và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đều dựa trên cơ sở “Lịch sử”, và họ tuyên bố rằng ít nhất là từ thời Hán, các tàu thuyền của họ đã đến các quần đảo trên biển Đông. Nhìn từ góc độ lịch sử, một cách thức tiếp cận tương tự đối với các cư dân trên lãnh thổ Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác có thể sẽ làm người Trung Quốc thất vọng khi phát hiện ra rằng hàng nghìn năm trước nhà Hán các cư dân Việt cổ, Champa, Malay đã tung hoành trên vùng biển, quần đảo, và duyên hải này, đặc biệt là từ trước thế kỷ XVII, khi mà sự hiện diện của Trung Hoa là rất mờ nhạt.

Ai là chủ nhân thực sự trong lịch sử trên vùng Biển Đông
Chúng ta hãy xem khung cảnh của “sự hiện diện lịch sử” trên vùng biển Đông.


Bản đồ Trung Quốc thời Tần (Valerie Hansen and Kenneth R. Curtis, 2010)

1. Trước khi Tần Thủy Hoàng đưa quân xuống phía nam Trường Giang (210s BC), khu vực này đã diễn ra cuộc di cư của các cư dân nói tiếng Nam Đảo (Austronesians mà tiếng Malay là một nhánh, từ Đài Loan) xuống Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cách đây 5000-7000 năm mang theo lúa nước, lợn, dừa, khoai mỡ, và kỹ nghệ làm gốm… qua các hòn đảo, duyên hải trên Biển Đông (Peter Bellwood 2006, 2007, 2014; Solheim 2007). Trong khi đó phần lớn khu vực phía nam sông Trường Giang bắt đầu chứng kiến sự di cư/ xâm lấn của người Hoa từ phía bắc xuống chỉ bắt đầu từ thời kỳ nhà Hán (206 BC- 220 AD) (Herold J. Wiens 967) 


Bản đồ về các cuộc di dân của cư dân nói tiếng Nam Đảo

Vì thế, nhiều nghìn năm trước khi có sự hiện diện của người Hán, biển Đông là môi trường sôi động của các mối giao tiếp thương mại, hàng hải, đặc biệt giữa người Việt, Champa và các nhóm Nam Đảo.

Bản đồ phân bố nhiều loại hình hiện vật trao đổi và vật phẩm thương mại như khuyên tai hai đầu thú và các chuỗi hạt đã quý tìm thấy trong văn hóa Óc Eo, Sa Huỳnh chính là hiện thân của các mối giao lưu giữa các nhóm cư dân xung quanh biển Đông, và với cả Ấn Độ (Ian Glover 1989). 


Các vật phẩm từ đá nefrit và sự phân bố của nó bắt đầu từ Đài Loan (3000 BC)
Nguồn: Hsiao-Chun Hunga, Yoshiyuki Iizuka, Peter Bellwood. Et al, (2007) 

Bản đồ các trung tâm trống đồng dọc theo biển Đông cũng cho thấy quy mô và sự phát triển của các tuyến trao đổi vật phẩm và truyền bá kỹ thuật trong thời kỳ kim khí ở Đông Nam Á. Vùng duyên hải Việt Nam rõ ràng là một trong những trung tâm đúc đồng của giai đoạn này và sự gắn kết của khu vực này với quần đảo Indonesia là rõ ràng.


Bản đồ về các trung tâm trống đồng ở Đông Nam Á, 300 BC-100 AD (Ambra Calo, 2014)

Các thương nhân Malay cũng làm chủ hoạt động thương mại giữa Trung Quốc với Đông Nam Á ít nhất cho đến thế kỷ XIII bằng việc đưa hương liệu, gia vị như đinh hương, nhục đậu khấu, hồ tiêu và vàng… đến Quảng Châu và mang về các hàng hóa Trung Quốc (Oliver Wolters 1967, 1970).
Vào đầu thế kỷ V (khoảng 408-409), nhà sư Pháp Hiển của Trung Quốc, sau khi đi đường bộ đến Ấn Độ, đã trở về trên các con tàu thương mại Ba Tư và Đông Nam Á (từ Ấn Độ đến Sri Lanka, đến Sumatra, và sau đó về Trung Quốc). Chuyến hành trình bão táp này đã được Pháp Hiển ghi lại trong cuốn Phật Quốc Ký, tường trình việc con tàu của ông bị bão đánh dạt hơn 1000 km về bờ biển phía bắc Trung Quốc, thay vì địa điểm hướng đến là Quảng Châu (Tansen Sen 2003). Một nhà sư khác là Nghĩa Tĩnh đi trên các con Tàu Đông Nam Á mà ông gọi là Kunlun bo, những con tàu này có thể dài 50 m và trọng tải 600 tấn (Manguin 1996;  Micheal Jacq-Hergoualc’h 2002: 58; John N. Miksic 2013: 66). Vì thế, việc Trung Quốc tuyên bố mối liên hệ của họ với các con tàu đắm và hàng hóa chúng mang theo không phản ánh việc họ là chủ nhân của các con tàu thương mại, cũng như không nói lên sự tham gia của người Hán vào các hoạt động thương mại trên biển Đông. 


Hình thuyền khắc trên quần thể Borobudur (Java, Indonesia, thế kỷ VIII)

2. Thương nhân và các nhà du hành Hồi giáo đến Champa vào thế kỷ X đã gọi khu vực biển miền trung Việt Nam là “Biển Champa”. Người Chăm đã đóng vai trò đặc biệt trong mạng lưới trao đổi biển Đông nhiều thế kỷ (Anthony Reid 1997). Họ có kỹ thuật hàng hải ưu việt, xây dựng các hạm thuyền mạnh và đã từng đi ngang qua biển Đông, đến một số hòn đảo phía tây Philippine để khai thác vàng (Peter Burns and Roxanna Brown 1991). Người Chăm cũng có mối liên hệ rộng rãi với các cư dân xung quanh biển Đông, đặc biệt là các cộng đồng Malay trên quần đảo Indonesia. Một công chúa Champa đã kết hôn với nhà vua Majapahit trên đảo Java, nơi mà các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy các mảnh gốm sứ Việt Nam thế kỷ XIV-XV (John Miksic, ed., 2009).

Cũng bắt đầu từ thế kỷ XIII khi chính sử sách Trung Quốc ghi nhận vùng biển trong vịnh Bắc Bộ ngày nay, với tên gọi “Giao Chỉ Dương” – Biển Giao Chỉ (Li Tana 2011). Sự công nhận này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên trong một giai đoạn mà tham vọng bành trướng xuống phía nam của nhà Nguyên đã bị đánh tan, đặc biệt là trước sức mạnh của hải quân Đại Việt, Champa và Java (1293). Đại Việt Sử Ký toàn thư cũng ghi nhận sự mở rộng giao thương hàng hải của các hải cảng phía bắc Việt Nam với bên ngoài, trong đó có Vân Đồn (Nguyễn Văn Kim 2015), trong khi các vua Lí, Trần cũng thường xuyên cho hạm đội tuần tra biển và cử các hoàng tử đi trấn trị duyên hải.

3. Rõ ràng là trước thế kỷ XVIII, bằng chứng lịch sử của người Việt, người Chăm và các nhóm cư dân Đông Nam Á khác là thuyết phục hơn rất nhiều so với các ghi chép rời rạc và việc cấm hải thường xuyên của Trung Quốc.
Trong khi đó, người Hán không phải là các cư dân biển hay có liên hệ chặt chẽ với biển. Vùng đất khởi đầu của văn minh Trung Hoa là khu vực trung lưu sông Hoàng Hà, nơi có các mối liên hệ về phía Tây, ăn sâu vào lục địa nhiều hơn là biển (xem Victor Mair). Trong nhiều thời kỳ lịch sử, các vương triều Trung Quốc tiến hành chính sách cấm hải hơn là có sự thân thiện và cởi mở với biển. Gần nhất là chính sách hải cấm của nhà Minh nhằm chống lại cướp biển Nhật Bản (wokou, John W. Dardess 2013), và hải cấm thực hiện dưới thời Khang Hy nhà Thanh.
Trong khi đó, phải đến nhà Thanh (cuối thế kỷ XVII), Trung Quốc mới bắt đầu xác lập ở Đài Loan và các hòn đảo lân cận, và đến đầu thế kỷ XX thì lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc mới bắt đầu đặt vấn đề về chủ quyền các hòn đảo trên biển Đông (năm 1909, Bill Hayton 2014: 50-51); trong khi trước đó hơn 150 năm, các chúa Nguyễn và sau đó là các vua của vương triều Nguyễn đã tổ chức khai thác, tuần tra, xây dựng miếu thờ, trồng cây, cắm mốc giới, vẽ bản đồ, xác lập biên chế hành chính, và tuyên bố chủ quyền đối hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (xem Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Đại Nam Thực Lục, châu bản triều Nguyễn…)
Các tư liệu Trung Quốc cũng phải thừa nhận sự có mặt rộng rãi và vai trò chủ đạo của thương nhân Đông Nam Á, Arab và Ba Tư trên biển Đông và miền Nam Trung Hoa trước nhà Tống, đặc biệt là ở Quảng Châu. Nhiều nhà sư Trung Quốc du hành sang Ấn Độ như Pháp Hiển (399-414), Nghĩa Tĩnh (635-713) đều ghi chép việc họ đi nhờ các con tàu Đông Nam Á và Arab để đến Ấn Độ, như đã đề cập bên trên. Các ghi chép về các vùng bên ngoài Trung Quốc, thậm chí đến nhà Tống như của Chu Khứ Phi (Lĩnh Ngoại Đại Đáp), Triệu Nhữ Quát (Chư phiên chí) đều dựa trên lời kể của các thủy thủ và những nhà du hành đã đi qua vùng Biển Ấn Độ Dương và biển Đông trên những con thuyền thương nhân ngoại quốc.
Phải đến nhà Nam Tống là lần đầu tiên mới có các ghi chép về sự xuất hiện của các con tàu Trung Quốc ở biển Đông (Lo Jung-pang 2012). Tuy nhiên các nỗ lực bành trướng xuống phía nam của nhà Nguyên sau đó bị đánh bại. Hơn một thế kỷ sau đó, Trung Quốc tiến hành các cuộc du hành của Trịnh Hòa (1371-1433) qua Biển Đông đến Ấn Độ Dương. Cần lưu ý rằng cuộc hành trình này đã bị thổi phồng và huyền thoại hóa một cách quá đáng. Chúng hoàn toàn không phải là để khám phá đất đai hay tuyên bố chủ quyền mà đơn thuần là cuộc phô trương thanh thế và đòi hỏi các nước triều cống mà thôi. Trịnh Hòa cũng không hề “dám” mạo hiểm đi qua các quần đảo và đá ngầm ở vùng trung tâm biển Đông mà chọn đi men theo duyên hải phía đông Việt Nam. Ngay sau chuyến đi cuối cùng (1433), vua nhà Minh yêu cầu phá hủy phần lớn hạm đội của Trịnh Hòa. Và Trung Quốc hạn chế giao lưu bằng đường biển, đặc biệt là chính sách cấm hải để chống buôn lậu, cướp biển và các cuộc nổi dậy duyên hải (Dian Murray 1987, Robert J. Antony 2003, 2007, 2010, 2014). Chính vì điều này mà tất cả các bản đồ của Trung Quốc và phương Tây vẽ về Trung Quốc đến đầu thế kỷ XX đều lấy giới hạn cực nam đến đảo Hải Nam. 


Trung Quốc quốc sỉ địa đồ, 1930s

Phần lớn các bản đồ tuyên bố chủ quyền trên biển Đông của Trung Quốc đều là bản đồ tư nhân, tự tạo trong những năm 1920s-1940s. Các bản đồ này phản ánh tham vọng trỗi dậy của Trung Quốc và dùng các vùng đất được cho là đã mất vào tay Phương Tây để kích động tinh thần dân tộc của dân Trung Quốc, hơn là dựa trên bất cứ bằng chứng lịch sử hay tuyên bố chủ quyền nào trước đó. Như bản đồ về nỗi sỉ nhục của Trung Quốc trên đây đã gộp toàn bộ bán đảo Triều Tiên, Trung Á và Đông Nam Á vào lãnh thổ Trung Quốc.

 

 

Tất cả các bản đồ của Trung Quốc và phương Tây vẽ về Trung Quốc đến đầu thế kỷ XX đều lấy giới hạn cực nam đến đảo Hải Nam. Phần lớn các bản đồ tuyên bố chủ quyền trên biển Đông của Trung Quốc đều là bản đồ tư nhân, tự tạo trong những năm 1920s-1940s. Hình thái rút gọn của các bản đồ này trở thành đường 11 đoạn (sau này là 9 đoạn) ra đời 1947, và được sử dụng một cách không chính thức. Bản thân chính quyền Trung Quốc cũng không (và không thể) đưa ra bất cứ một lí giải nào vì sao lại có các đường này và đâu là mốc giới cụ thể với vị trí kinh độ, vĩ độ.

Hình thái rút gọn của các bản đồ này trở thành đường 11 đoạn (sau này là 9 đoạn) ra đời 1947, và được sử dụng một cách không chính thức. Bản thân chính quyền Trung Quốc cũng không (và không thể) đưa ra bất cứ một lí giải nào vì sao lại có các đường này và đâu là mốc giới cụ thể với vị trí kinh độ, vĩ độ. 


Bản đồ các đảo trên Biển Đông: Nam hải chư đảo vị trí đồ (1947) (Chris Chung, 2013)

————-
* Vũ Đức Liêm hiện là Nghiên cứu sinh ngành Lịch sử Việt Nam tại Đại học Hamburg, CHLB Đức.

Tham khảo thêm:
Bill Hayton. The South China Sea: The Struggle for Power in Asia. New Haven: Yale Uni Press, 2014
E. E. Kuzmina, Victor H. Mair., ed., The Prehistory of the Silk Road By. Philadelphia: University of Pennsylvania Press, 2008.
Herold J. Wiens, Han Chinese Expansion in South China. – New Haven: The Shoe String Press 1967
Hsiao-Chun Hung, Yoshiyuki Iizuka, Peter Bellwood, Kim Dung Nguyen, B. Bellina, Praon Silapanth, Eusebio Dizon, Rey Santiago, Ipoi Datan, and Jonathan H. Manton, Ancient jades map 3,000 years of prehistoric exchange in Southeast Asia, PINAS vol. 104 (2007)
John W. Dardess. A Political Life in Ming China: A Grand Secretary and His Times. Lanham, Md.: Rowman & Littlefield, 2013
Jung-pang Lo. China as a Sea Power, 1127-1368 A Preliminary Survey of the Maritime Expansion and Naval Exploits of the Chinese People During the Southern Song and Yuan Periods, NUS Press: 2012
Manguin, Pierre-Yves, 1996. Southeast Asian Shipping in the Indian Ocean during the first Millenium AD’, in H. P. Ray and J-F. Salles (eds), Tradition and Archaeology: Early maritime Contact in the Indian Ocean. Lyon/ New Delhi: Manohar/ Maison de l’ Orient mediterraneen/ NISTADS, pp. 181-98
Michel Jacq-Hergoualc’h. The Malay Peninsula: Crossroads of the Maritime Silk-Road (100 BC-1300 AD) , Leiden: brill, 2002
Nola Cooke, Tana Li, James A. Anderson. The Tongking Gulf Through History. Philadelphia: University of Pennsylvania Press, 2011
Tran Ky Phuong, Bruce Lockhart., eds., The Cham of Vietnam: History, Society and Art. NUS Press, 2011
Wilhelm G. Solheim, ‎David Bulbeck, ‎Ambika Flavel. Archaeology and Culture in Southeast Asia: Unraveling the Nusantao. Diliman, Quezon City: The University of the Philippines Press, 2006
http://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacAnthonyReidNguoiChamHangHai.htm
https://www.academia.edu/18678584/Drawing_the_U-Shaped_Line_Chinas_Claim_in_the_South_China_Sea_1946-1974
https://www.youtube.com/watch?v=4e1NEr_spaU
http://afe.easia.columbia.edu/special/travel_records.pdf
https://assets.documentcloud.org/documents/2990864/Press-Release-on-South-China-Sea-Decision.pdf
https://www.youtube.com/watch?v=WY0acUCvZEs
https://www.youtube.com/watch?v=le7r93whykg
http://ph.china-embassy.org/eng/zt/nhwt/t83761.htm
http://thediplomat.com/2013/08/history-the-weak-link-in-beijings-maritime-claims/
http://tgvn.com.vn/toan-van-phan-quyet-cua-toa-trong-tai-32625.html

Tác giả