Dân chủ và vai trò của cử tri

Như một thể chế chính trị, dân chủ đại diện là tổ hợp của hai nhóm hành vi: nhóm hành vi của những người đại diện (các đại biểu) và nhóm hành vi của những người được đại diện (cử tri). Để vận hành nền dân chủ đại diện, cả hai nhóm hành vi này đều quan trọng như nhau.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, có vẻ như chúng ta chỉ chú ý đến nhóm hành vi của các đại biểu, mà ít quan tâm đến nhóm hành vi của cử tri. Cụ thể, nhóm hành vi của các đại biểu được thể chế hóa rất chi tiết: Các đại biểu phải hoạt động theo Luật Tổ chức Quốc hội và theo quy chế, phải báo cáo kết quả hoạt động với cử tri, phải chịu sự giám sát của cử tri, của Mặt trận và của truyền thông… Còn cử tri, thì có vẻ như chỉ có trách nhiệm đi bỏ phiếu.

Trong thời gian tới, muốn thúc đẩy cải cách để có được một nền dân chủ hiệu năng, quả thực chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến nhóm hành vi của cử tri.

Trước hết là nhận thức việc bầu cử. Bầu cho ai không chỉ là dành ân huệ cho người đó, không chỉ là giúp người đó có được chức quyền, danh vọng, mà còn là ủy quyền, là gửi gắm sinh mệnh của chính mình. Trong hệ thống bầu cử của chúng ta, một ứng cử viên chỉ có thể trúng cử khi được ủy quyền, nghĩa là chỉ có thể trúng cử khi nhận được đa số phiếu của cử tri. (Trong một số hệ thống bầu cử khác, có thể chỉ cần xếp trên là trúng cử, chứ không cần phải có đa số phiếu của cử tri. Thậm chí, Tổng thống Mỹ vẫn có khi được bầu lên mà không có được sự ủy quyền của cử tri). Quan niệm bỏ phiếu như một món quà, hơn là một sự lựa chọn để ủy quyền có vẻ đang giữ vị thế áp đảo hiện nay. Chính vì thế, về cơ bản, đa số cử tri đều cảm thấy bỏ phiếu xong là hết trách nhiệm.

Hệ lụy tiếp theo là cử tri ít quan tâm theo dõi xem các vị đại biểu có hành xử đúng với sự ủy quyền hay không. Không ai ủy quyền cho người khác gây khó dễ cho mình cả. Mọi chính sách, pháp luật được thông qua đều phải vì lợi ích của người đã ủy quyền. Áp đặt chế độ trách nhiệm giải trình cho các đại biểu là rất quan trọng ở đây.

Cử tri có thể áp đặt chế độ trách nhiệm bằng việc nhận xét và phê phán. Một phát biểu dở có thể bị cử tri chê bai. Một kiến nghị chịu ảnh hưởng nặng nề của lợi ích nhóm có thể bị cử tri bài xích. Sự phê phán của cử tri có thể làm mất uy tín và hủy hoại hình ảnh công chúng của bất kỳ vị đại biểu nào. Nếu vị đại biểu đó không nhanh chóng tìm cách lấy lại uy tín thì khả năng tái cử trong nhiệm kỳ tới là rất không chắc chắn. Áp đặt chế độ bằng cách này vì vậy không phải là không có hiệu quả. Với sự phát triển của truyền thông hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội, hiệu quả của cách áp đặt chế độ trách nhiệm này chắc chắn sẽ được tăng cường.

Tất nhiên, cử tri không phải bao giờ cũng chỉ cần phê phán. Những vị đại biểu dám nói và nói đúng, thì lại được cử tri ca ngợi, tôn vinh. “Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” là sự ghi nhận mà cử tri đã ban tặng cho bốn vị đại biểu Quốc hội: Đỗ Trọng Ngoạn, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng và Dương Trung Quốc.

 Cử tri có thể áp đặt chế độ trách nhiệm bằng sự bất tín nhiệm. Một đại biểu ngồi xuyên nhiệm kỳ không nói năng chi, khó có thể được cử trị bầu lại. Cử tri không bầu lại cho một vị đại biểu nào đó là một sự bất tín nhiệm rõ ràng nhất. Rất tiếc, một sự bất tín nhiệm như vậy chỉ có thể được thực hiện tại một cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội tiếp theo. Kể ra thời gian chờ đợi để bày tỏ sự bất tín nhiệm như vậy là hơi lâu. Nhưng ngày 23 tháng 5 sắp tới này, cử tri đang có cơ hội để bày tỏ sự tín nhiệm, cũng như bất tín nhiệm của mình. Rủi ro không được cử tri bầu lại luôn luôn hiện hữu và tác động không nhỏ đến cách hành xử của mỗi vị đại biểu. Để cách thức áp đặt chế độ trách nhiệm này phát huy tác dụng, thì quan trọng là các vị đại biểu Quốc hội đã ứng cử ở đâu thì phải tái cử ở đó. Cách luân chuyển các ứng cử viên theo kiểu mỗi nhiệm kỳ ứng cử ở một nơi khác nhau sẽ vô hiệu hóa khả năng của cử tri áp đặt chế độ trách nhiệm này. Bắt đầu lần bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021, nguyên tắc ứng cử ở đâu thì tái cử ở đấy đã được khởi xướng. Mặc dù, nguyên tắc này chưa được áp dụng triệt để cho mọi ứng cử viên đại biểu Quốc hội, thì đây vẫn là một sự khởi đầu đáng được ghi nhận.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, cử tri thậm chí còn có thể trực tiếp bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo “trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định” (Khoản 3, Điều 40, Luật Tổ chức Quốc hội). Khi trình tự này được ban hành, cử tri sẽ có quyền năng lớn hơn trong việc áp đặt chế độ trách nhiệm. Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước trong việc quy định trình tự nói trên. Ví dụ như ở Nhật Bản chẳng hạn, cử tri có thể thu thập chữ ký để bãi nhiệm bất kỳ một vị đại biểu Quốc hội nào không còn được tín nhiệm. Với một số lượng chữ ký nhất định được thu thập, thì hội đồng bầu cử sẽ tổ chức cho cử tri ở đơn vị bầu cử bỏ phiếu để bãi nhiệm đại biểu của mình. Ví dụ, một nhóm cử tri nào đó đứng ra thu thập được 10 ngàn chữ ký ủng hộ việc bãi nhiệm một vị đại biểu nào đó, thì hội đồng bầu cử phải đứng ra tổ chức cho cử tri bỏ phiếu miễn nhiệm đại biểu đó.

Cuối cùng, cử tri là những người ủy quyền. Tính tích cực và năng lực áp đặt chế độ trách nhiệm của những người ủy quyền sẽ tác động mạnh mẽ đến những người được nhận ủy quyền. Đó cũng chính là cơ chế vận hành của một nền dân chủ đại diện.

Tác giả