Đạo luật về cung cấp dịch vụ công: Cần sớm được ban hành

Vụ việc nước sạch sông Đà cung cấp cho thành phố Hà Nội bất ngờ bị ô nhiễm chất styren từ dầu thải đã làm lộ ra hàng loạt vấn đề rất thiết thân với đời sống thường ngày mà lâu nay chưa được chú ý, như lỏng lẻo trong quy trình bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người dân; chưa có quy hoạch, quản lý nước sạch; lúng túng trong ứng phó quản lý khủng hoảng rủi ro ở đô thị, và bao trùm là khoảng trống pháp lý trong quy định về cung cấp dịch vụ công thiết yếu.

 



Người dân xếp hàng lấy nước từ các xe cấp nước tạm thời của thành phố. Ảnh: Zing. 

Người dân chịu thiệt nhưng khó đòi trách nhiệm

Ngày 8/10, hồ chứa sơ lắng của nhà máy nước sông Đà tại hồ Đầm Bài, Hòa Bình bị đổ trộm dầu thải, gây nhiễm styren cho toàn bộ hệ thống nước sạch cung cấp cho cư dân ở 8 quận, huyện của Hà Nội đã khiến thành phố phải điều chỉnh việc cung cấp nước đi kèm với hàng loạt ứng phó: cung cấp các xe téc nước miễn phí, thay nguồn nước sông Đà bằng sông Đuống, công ty nước sông Đà xử lý hồ chứa và đường ống. 

Tại tọa đàm ‘Thị trường hóa dịch vụ công nhìn từ ‘Nước sạch sông Đà’ do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức chiều ngày 21/10, nhận xét về sự việc trên, luật sư Nguyễn Tiến Lập vẫn thốt lên “may quá không xảy ra việc đổ chất độc như xyanua vào nguồn nước sạch sông Đà”. Ông gọi đây là “khủng hoảng thực sự” và cách xử lý trách nhiệm các bên liên quan của thành phố Hà Nội là “lúng túng” và “vấn đề mà tôi quan tâm hơn là nếu không có thay đổi thì những sự cố sông Đà và Rạng Đông lặp đi lặp lại và dân lãnh đủ”. Bởi vì người dân sử dụng dịch vụ nhưng chưa được bảo vệ quyền lợi chính đáng và việc khởi kiện để yêu cầu công ty cung cấp nước sạch hoặc thành phố Hà Nội phải có trách nhiệm lại không hề đơn giản. 

Nhìn vào hệ thống luật pháp liên quan đến vấn đề này có hàng loạt luật, quy định như Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân – quy trách nhiệm cho nhà nước, cụ thể ở đây là chính quyền Thành phố Hà Nội, Luật Bảo vệ người tiêu dùng – miễn là người dân tiêu dùng một sản phẩm nào đó gây hại thì có thể kiện người cung cấp, thậm chí cả Luật Hình sự – trừng phạt thủ phạm đầu độc nguồn nước. Nhưng trong thực tế, người dân không thể đòi hỏi bồi thường thiệt hại cho những xáo trộn khi dùng nước nhiễm styren và trong suốt thời gian tạm dừng cung cấp nước sạch, bởi chiểu theo những quy định hiện hành thì Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân quy định “tất cả các ngành đều có trách nhiệm chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, đã cung cấp nước cho nhân dân là phải hợp vệ sinh, và nếu mà không cung cấp hợp vệ sinh thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật” không có tác dụng khởi kiện. Những điều khoản trong luật này “chung chung” và “quá mỏng manh”, các công ty cung cấp nước thoát tội nếu cố tình cho rằng nước của họ vẫn đảm bảo an toàn.   

Trong trường hợp này, về hợp đồng sử dụng dịch vụ, khi ký cam kết sử dụng, người dân phải tuân theo hợp đồng mẫu. Do đó, đến khi xảy ra sự cố, rất khó để kiện hoặc đòi bồi thường, bởi sẽ phải chứng minh một loạt bằng chứng, một là công ty có vi phạm [hợp đồng, quy định hiện hành], hai là người dân có thiệt hại. Về cơ bản, “phải chứng minh là nước đó không thể dùng được và gây ảnh hưởng tới sức khỏe thì người dân mới đi mua nước khác, và có phải vi phạm đó đã dẫn tới thiệt hại của anh hay không?”, luật sư Nguyễn Tiến Lập nói. Và để chứng minh “e là khó” bởi phải có căn cứ, cơ sở khoa học thông qua lấy mẫu, phân tích mẫu nước, đối chiếu với các quy chuẩn trong nước và quốc tế… ngay khi sự cố xảy ra. Trong khi đó, căn cứ vào Luật hình sự thì sẽ chỉ xử phạt được những người đổ dầu thải vào nguồn nước. 

Như vậy, “hệ thống pháp luật của chúng ta không tạo cơ chế cụ thể đủ để bảo vệ quyền. Luật chưa đủ chất lượng để bảo vệ quyền rất cụ thể là quyền của người tiêu dùng trong câu chuyện cơ bản trong đời thường về nước sạch như thế này”, ông nói. Trong khi đó, các cơ chế khác mà người tiêu dùng vẫn hay sử dụng để bảo vệ mình trước các nhà cung cấp dịch vụ yếu kém như “tẩy chay” sản phẩm (có thể nhìn thấy rõ qua vụ hãng Vedan đầu độc sông Thị Vải đã bị điêu đứng) không có tác dụng trong trường hợp này bởi hàng triệu người dân không thể từ bỏ, không có lựa chọn thay thế với loại hình sản phẩm thiết yếu và hiện tại chỉ có một nguồn cung này. 

Cơ chế nào đảm bảo cho các dịch vụ công?

Tất cả những điều đó cho thấy, từ một sự cố ban đầu bị lờ đi đã tạo ra cuộc khủng hoảng nước sạch đáng tiếc và làm lộ ra những sự lúng túng trong một loạt các quy trình. Do đó, đây chính là dịp cần thiết để người dân, các cơ quan quản lý, các nhà phân tích chính sách nhìn rõ và thảo luận về các vấn đề: lỏng lẻo trong quy trình bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người dân; thiếu quy hoạch, quản lý nước sạch; lúng túng trong ứng phó quản lý khủng hoảng rủi ro ở đô thị, và khoảng trống pháp lý trong quy định về cung cấp dịch vụ công cơ bản.

Trên thực tế, việc nhà nước san sẻ dịch vụ công sang cho các công ty tư nhân tham gia cung cấp không còn hiếm và đã được thảo luận nhiều, bởi vì thực chất là nhà nước đã nhượng thương quyền cho các công ty trong một lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận – dịch vụ công cung cấp lựa chọn không thể thay thế và cầu của người dân là không đổi. Tuy nhiên “nếu đã cho tư nhân cung cấp dịch vụ mà lại không thiết kế [quy định] để họ đảm bảo chất lượng thì chất lượng sẽ bị bỏ xuống hàng dưới. Do đó, phải có sự quản lý của nhà nước, phải xác lập các nguyên tắc của dịch vụ công, áp đặt các chuẩn mực về quy chế pháp lý của dịch vụ công, phải kiểm tra chất lượng”. Như vậy “cần có một luật riêng về dịch vụ công, và có một cơ quan có thẩm quyền áp đặt các chuẩn mực về mặt kỹ thuật”, theo TS Nguyễn Sĩ Dũng.

“Tôi hoan nghênh đề xuất phải có đạo luật về cung cấp dịch vụ công, nhằm mục đích bảo vệ nhân dân”, luật sư Nguyễn Tiến Lập nói. Bởi vì về “bản chất của dịch vụ công như cung cấp điiện nước là nhiệm vụ mà nhà nước phải làm, khi chính quyền đô thị muốn tư nhân hóa việc này thì phải có luật cho phép làm việc này”. Do đó, “chúng ta cần phải đưa ra một công cụ, một hành lang khác, ở đó yêu cầu nếu anh [công ty tư nhân làm dịch vụ công] không làm tròn trách nhiệm thì chính quyền sẽ vào thu hồi và xử lý. Sòng phẳng là nhà nước trao cho anh thương quyền thì phải có trách nhiệm xử lý”.

Hàng chục năm qua, bản thân khái niệm dịch vụ công “còn chưa được định hình đủ sáng tỏ ở ở Việt Nam”, nhìn chung “mới chỉ nói tới quản lý của nhà nước trong việc bảo đảm trật tự trị an, an ninh quốc phòng thôi, chứ chưa làm sáng tỏ hết các khía cạnh khác”, TS Sĩ Dũng nói. Nhiều năm qua, trên bàn nghị sự của Quốc hội và các cơ quan chính phủ, việc cần phải có luật điều chỉnh về cung cấp dịch vụ công chưa bao giờ được đặt ra một cách thấu đáo.

Do đó, hai chuyên gia kiến nghị, để giải quyết gốc rễ của vấn đề, qua dịp này phải có thảo luận về luật về dịch vụ công, hoặc nếu chưa có luật được thì phải có nghị định, văn bản dưới luật. Để làm được điều đó phải có sức ép từ dư luận, từ các cơ quan truyền thông yêu cầu các cơ quan hành pháp đưa ra đề xuất, bởi vấn đề này “còn khẩn cấp hơn cả luật an ninh mạng trước đây”.

Bảo Như

Theo Khoahocphattrien.vn

Tác giả