Kỳ thị dân gốc Á và thiểu số kiểu mẫu

Hơn một năm qua, Covid đã cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người Mỹ, đồng thời âm thầm gây ra những hệ lụy lâu dài đến nền kinh tế lớn nhất thế giới và để lại những sang chấn tâm lý cho xã hội Hoa Kỳ. Hơn nữa, những đợt cách ly xã hội đã tạo một sự đè nén o ép đến ngạt thở lên sức khỏe tài chính và sức khỏe tâm thần của một xã hội vốn coi trọng quyền tự do cá nhân. 


Làn sóng kì thị người châu Á trở nên mạnh mẽ hơn trong thời kì đại dịch Covid-19. Ảnh: ft.com

“Tất cả cũng là tại vì con virus đến từ châu Á,” những điều hẳn vang lên trong đầu không ít người. Dần dà, nó trở thành “Tất cả cũng là tại bọn dân châu Á.” Chẳng ngạc nhiên khi sớm muộn những ức chế từ đợt khủng hoảng này lại bùng phát thành một làn sóng thù hận nhuốm màu sắc tộc. Cộng đồng người Việt cũng không thể tránh khỏi trở thành nạn nhân. Hôm 17/3, ông Phạm Ngọc, 83 tuổi, bị tấn công trên phố Market ở San Francisco. Ngày 20/3, một người đàn ông 60 tuổi gốc Việt khác bị tấn công ở khu Uptown, Chicago. Và mới đây nhất là một vụ xả súng ở Quận Cam, Nam California – nơi được mệnh danh là thủ phủ của cộng đồng người gốc Việt. Khi biết về những vụ tấn công này, hẳn ai trong chúng ta cũng cảm thấy tức giận và chua xót. Càng sôi sục hơn, khi biết những kẻ tấn công hèn hạ này lại chỉ chuyên nhắm vào những nạn nhân yếu thế là những cụ ông, cụ bà gốc Á lớn tuổi, không biết tiếng Anh. 

Nhiều người bạn cấp tiến, cánh tả của tôi ở Hoa Kỳ nhanh chóng bắt mạch được nguyên nhân của căn bệnh xã hội mới này. Họ nói, đó chính là do câu nói “virus Trung Quốc” của cựu Tổng thống Donald Trump. Và họ nói, sâu xa hơn, chính là chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, là định kiến “thiểu số kiểu mẫu” (model minority myth) khiến người gốc Á chúng ta bị kỳ thị. Mỗi khi một sự vụ phân biệt sắc tộc xảy ra với một nhóm thiểu số, câu trả lời mặc định gần như lúc nào cũng sẽ là chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, là chủ nghĩa đế quốc và những kẻ tư bản da trắng đã bóc lột những giống nòi khác. 

Tôi không phủ nhận những điều trên, nhưng tôi sợ những người bạn của mình đang bị cuốn vào một lối mòn, mới chỉ nhìn vào sự xấu xí của nước Mỹ mà chưa nói đến những góc tối của chính cộng đồng mình. Tôi e rằng, nguyên nhân của sự phân biệt chủng tộc nhắm vào người châu Á nói chung và người Việt ở Mỹ nói riêng cũng có một phần lỗi của người Mỹ gốc Việt.   

Sự kỳ thị luôn tồn tại ở nước Mỹ  

Có phải người châu Á chúng ta lại là một nạn nhân mới của sự kỳ thị chủng tộc ở Hoa Kỳ hay không? Hay thực tế đây là sự va chạm không sớm thì muộn của một xã hội quá đa dạng và phức tạp và vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận sự khác biệt của nhau? Hoa Kỳ là một quốc gia đa sắc tộc và chính vấn đề sắc tộc này luôn là một điểm nghẽn trong những tranh cãi về chính trị xã hội. 

Tôi hình dung nếu như con virus không bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc mà ở một quốc gia khác, một châu lục khác, có thể sự kỳ thị với sắc dân đó cũng sẽ xảy ra. Hãy nhớ lại năm 2014, khi dịch Ebola bùng phát ở châu Phi, tình trạng kỳ thị đối với người gốc Phi đang trên đà bùng phát trở lại, nếu như chính quyền Barack Obama không nhanh chóng kiểm soát nó hiệu quả. Hay xa hơn, ngày 11/9/2001, khi hai chiếc máy bay đâm vào hai tòa tháp đôi của khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới, nó cũng kích nổ một làn sóng kỳ thị người Trung Đông và người Hồi giáo kéo dài đến tận bây giờ. 

Cũng như Ebola hay sự kiện 11 tháng 9, Covid-19 chỉ là biến cố có thể xoáy sâu vào nỗi sợ hãi và phơi bày sự xấu xí và thiếu hiểu biết của không ít người Mỹ. Những người này cần một ai đó để đổ lỗi cho một bất trắc của xã hội và trước giờ đối tượng sẽ luôn là nhóm sắc tộc nhập cư có màu da, ngôn ngữ xa lạ. 

Nên vấn đề ở đây không phải là tại sao lại là người châu Á lúc này. Vấn đề là nạn nhân bị kỳ thị có thể là bất kỳ ai. Và kẻ kỳ thị cũng có thể là người của bất kỳ màu da nào. Sai lầm của những nhà đấu tranh dân chủ cấp tiến Hoa Kỳ đó chính là họ không dám thừa nhận rằng chính những nạn nhân của sự kỳ thị có thể là kẻ kỳ thị. 
Ở ngay trong chính cộng đồng châu Á chúng ta, xin hãy thú thật, bạn có sự kỳ thị đối với những sắc dân da nâu, da đen…hay đơn thuần là da sậm hơn dân châu Á, dân da trắng hay không? Bao nhiêu gia đình gốc Việt tranh cãi kịch liệt chỉ vì cô con gái hay cậu con trai dẫn về một người không phải gốc Á hay Mỹ trắng? Nghệ sĩ hài gốc Việt nổi tiếng ở Hollywood Ali Wong còn từng đùa trong tác phẩm hài độc thoại “Baby Cobra” của cô rằng bà mẹ gốc Việt của cô còn không có tới nổi một người bạn da đen. 

Đó là một thực tế. 

Nếu như con virus Covid đến từ một quốc gia châu Phi, bao nhiêu người Việt chúng ta sẽ không có thái độ bài xích với một người có màu da đen? Hãy khoan than khóc hay trách móc những người Mỹ trắng, mà hãy tự hỏi nhau liệu chính chúng ta có những suy nghĩ thành kiến về những cộng đồng khác hay không? Nhất là người gốc Á chúng ta, phải chăng chúng ta đã sống quá khép kín và an phận, mà đánh mất sự kết nối, thấu hiểu với những sắc dân khác?   


Trang bìa của tạp chí Time năm 1987 từng bị chỉ trích vì làm hằn thêm định kiến người gốc Á chỉ là robot của thành công, là những kẻ tôn thờ điểm A, những con lừa chỉ biết học gạo và với đôi mắt một mí. 

“Thiểu số kiểu mẫu” tiếp tay cho sự kỳ thị 

Cũng xin đừng ngạc nhiên nếu như đến bây giờ người châu Á mới bị tấn công. Chỉ là vì phần đông dân gốc Á, như người gốc Việt, đã im lặng quá lâu trước những sự kì thị trong cuộc sống hằng ngày.  

Phần lớn người Việt đến Hoa Kỳ là người tị nạn của chế độ Việt Nam Cộng hòa, họ đặt chân lên nước Mỹ theo từng giai đoạn và diện nhập cư khác nhau, nhưng đều có một mong muốn xây dựng một cuộc sống mới sau khi rời Việt Nam. Cuộc sống mới đến Hoa Kỳ, chưa kể những sang chấn về tâm lý từ chiến tranh và sự bỡ ngỡ, khó khăn trước một môi trường sống mới đầy rẫy những thách thức về văn hóa và ngôn ngữ. Tuy nhiên, cộng đồng ở đây đều mang nặng cảm giác biết ơn, và cho rằng cuộc sống ở Hoa Kỳ dù khó khăn đến đâu thì cũng xứng đáng chấp nhận hơn nơi quê hương mình đã ra đi.. 

Chính vì vậy, nhiều người gốc Việt phần lớn chọn cách sống cam chịu, chấp nhận và thờ ơ trước phần lớn các vấn đề bất cập trong xã hội Hoa Kỳ, ngay cả những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống của họ như chính sách thuế, tình trạng phân biệt chủng tộc đối với thiểu số da màu, hay các vấn đề an sinh xã hội. Đặc biệt trong cộng đồng gốc Việt, nhiều người còn mang nặng tư duy ở nhờ, ở tạm. Ngoài việc cảm thấy mang nặng “ơn nghĩa” với nước Mỹ, họ còn không nhìn nhận chính mình là một công dân Hoa Kỳ. Họ chấp nhận luật chơi của “người bản địa”, “người chủ nhà”. 

Sự cần mẫn, cùng lối sống tiết kiệm, tập trung vào giáo dục con cái và kiếm kế sinh nhai và lầm lũi sống đã hình thành cộng đồng gốc Á, gồm người Việt thành một sắc tộc thiểu số thành công so với các sắc tộc khác – dần hình thành nên định kiến “thiểu số kiểu mẫu”. Định kiến này càng được những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng (white supremacy) cổ súy để đưa ra những nhận định phân biệt với các sắc tộc thiểu số khác, rằng: “Nếu các anh cũng chăm chỉ và biết điều như người gốc Á thì các anh cũng sẽ thành công vậy thôi”. 

Nhiều người Việt cũng cổ vũ cho quan điểm này và tỏ ý khinh thường các sắc tộc khác, những người dễ tổn thương hơn họ. Nhưng họ đã không biết rằng, điều đó đã tiếp tay cho những kẻ kỳ thị tấn công những người yếu thế nhất trong chính cộng đồng của chính những người gốc Á. Nên nhớ rằng, hầu hết các nạn nhân trong những vụ tấn công người gốc Á gần đây là những người lớn tuổi vì có lẽ những kẻ tấn công hiểu rằng, những ông bà cụ gốc Á này, vì không biết tiếng Anh, sẽ không có khả năng lên tiếng và nhiều người gốc Á vốn chấp nhận cách sống lầm lũi cũng sẽ không bênh vực họ.  

Người Việt liệu có tiếp tục sống thờ ơ? 

Người Mỹ gốc Việt có lẽ là một trong những trường hợp điển hình nhất của “thiểu số kiểu mẫu”. Trong khi các nhóm dân gốc Á khác như người Hoa, người Hàn, người Nhật v.v… gần như ở mọi độ tuổi đều đang cùng nhau nỗ lực chống lại làn sóng kỳ thị người gốc Á này thì với nhóm dân gốc Việt, dường như chỉ có một nhóm những người thuộc thế hệ trẻ tham gia phong trào này. Bản thân nhóm dân gốc Việt ở Hoa Kỳ cũng là một trường hợp rất… ngoại lệ trong số các nhóm dân gốc Á.
Theo khảo sát vào năm 2020 của AAPI (cộng đồng người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương), nhóm người Mỹ gốc Việt là nhóm có tỷ lệ tham gia các hoạt động chính trị thấp nhất.

Chỉ 10% quyên góp tiền cho một chính trị gia hay một phong trào chính trị hay một đảng phái chính trị, và 7% từng liên lạc với vị dân biểu hay thượng nghị sĩ đại diện cho mình ở Quốc hội Hoa Kỳ. Chỉ có 5% từng tham dự các buổi biểu tình, tuần hành (cho một vấn đề chính trị xã hội Hoa Kỳ). Điều kỳ lạ là trong đợt bầu cử vừa qua, 56% người gốc Việt khảo sát nói sẽ ủng hộ cho ứng cử viên đảng Cộng hòa, 76% nói ủng hộ ứng cử viên này mạnh mẽ. Khi được hỏi “Chính quyền nên làm nhiều hơn để người da đen được bình đẳng như người da trắng” thì cũng chính nhóm người Việt có tỷ lệ “Phản đối mạnh mẽ” và tỷ lệ thờ ơ “Chẳng đồng ý cũng chẳng phản đối” cao nhất (lần lượt 12% và 27%). 

Đáng chú ý nhất là câu hỏi, “Bạn có lo lắng về tình trạng phân biệt chủng tộc, quấy nhiễu vì Covid-19 không?” thì nhóm gốc Việt có tỉ lệ “Không bao giờ lo lắng” cao nhất, với 42%. 

Nhiều người Việt có lẽ vẫn không nhận ra rằng mình có thể là nạn nhân của sự kỳ thị, cũng như việc mình có thể là kẻ tiếp tay cho sự kỳ thị. Người Mỹ gốc Việt là nhóm dân gốc Á có tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Đảng Cộng hòa lớn nhất, cũng là nhóm kiên trì có tỷ lệ người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump cao nhất – người gọi virus Covid là “virus Trung Quốc”. Họ đã không nhận ra rằng chính họ đang ủng hộ cho một chính trị gia đang triển khai đường lối lãnh đạo theo chủ nghĩa phân biệt sắc tộc.

Một người Mỹ bình thường không thể nào phân biệt được đâu là người Việt, người Hàn, người Nhật, người Trung Quốc. Thậm chí bản thân chính người Việt còn không thể chắc chắn 100% phân biệt được giữa những nhóm người thuộc sắc dân Đông Á. Covid rồi cũng sẽ qua đi, và làn sóng kỳ thị này sẽ lắng xuống trước khi một làn sóng khác dâng lên. Đó là nước Mỹ. Đó là điều gần như không thể tránh được và chỉ mong mọi thứ sẽ dần đổi thay. 
Nhưng đây là lời cảnh tỉnh cho cộng đồng người gốc Việt và đâu đó, rộng hơn, là những cộng đồng gốc Á ở Hoa Kỳ. Người ta không thể tiếp tục thờ ơ trước những vấn đề của xã hội và cầu mong nó sẽ không xảy đến với mình. □
—-
*Tốt nghiệp báo chí tại Đại học San Jose State, Hoa Kỳ và nguyên là phóng viên của BBC. 

Tác giả