Mắc kẹt trong điện than

Vừa qua, Carbon Tracker, một Think Tank của Anh tập trung nghiên cứu những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong thị trường vốn hiện nay đã công bố một báo cáo về thị trường điện than của Việt Nam. Về cơ bản, báo cáo này muốn cảnh báo những nhà đầu tư và Chính phủ Việt Nam nếu tiếp tục cam kết với điện than. Tia Sáng đã có dịp phỏng vấn Matthew Grey, tác giả chính của báo cáo và cũng từng là chuyên gia phân tích của Cơ quan Năng lượng Quốc tế về tại sao hiệu quả đầu tư vào điện than ngày càng giảm và những rủi ro mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong tương lai.


Matthew Grey.

Ông có thể nói qua về những phát hiện của Carbon Tracker trong báo cáo này không? 
Chúng tôi là những chuyên gia phân tích tài chính nên đặc biệt chú ý đến khía cạnh này trong quá trình chúng ta chuyển đổi sang một nền kinh tế ít khí thải hơn. Trong thị trường năng lượng, chúng tôi quan tâm đến hình thức năng lượng nào có chi phí thấp nhất và khi nào điện than không còn giá trị đầu tư nữa, dựa trên ba điểm uốn kinh tế:
Điểm uốn kinh tế thứ nhất đó là khi nào thì chi phí đầu tư vào một dự án điện tái tạo mới sẽ rẻ hơn đầu tư vào một dự án điện than, tức là khi nào thì giá điện quy dẫn (được tính bằng tỉ lệ của toàn bộ chi phí xây lắp, vận hành một nhà máy điện trên tổng sản lượng điện mà nó sản sinh ra trong suốt vòng đời của mình) của điện tái tạo rẻ hơn điện than. 
Điểm uốn kinh tế thứ hai đó là khi nào thì chi phí đầu tư vào một dự án điện tái tạo mới còn rẻ hơn cả chi phí vận hành nhà máy điện than đã hoạt động, dựa trên việc phân tích giá điện quy dẫn của dự án điện tái tạo với chi phí vận hành hiện tại của điện than. 
Điểm uốn thứ ba có lẽ là phức tạp nhất và đòi hỏi những phân tích sâu hơn đó là khi nào chi phí để vận hành một hệ thống phát điện linh hoạt chỉ có duy nhất điện tái tạo sẽ rẻ hơn là chi phí vận hành một nhà máy điện than? Nếu trả lời được câu hỏi này sẽ phần nào giải quyết được tranh cãi lớn nhất hiện nay về năng lượng tái tạo, bởi vì hiện nay điện gió hay điện Mặt trời vẫn cần “phụ tải nền” do gió không phải lúc nào cũng thổi hay Mặt trời không phải lúc nào cũng sáng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa phân tích điểm uốn thứ ba này trong báo cáo của mình mà sẽ thực hiện nó trong tương lai. 
Báo cáo này có ba phát hiện chính trong đó hai phát hiện đầu tiên liên quan đến hai điểm uốn kinh tế thứ nhất và thứ hai. Phát hiện thứ ba là những đề xuất chính sách liên quan đến hai điểm uốn trên. 

Vậy thì khi nào đầu tư vào nhà máy năng lượng tái tạo sẽ hiệu quả hơn là đầu tư vào điện than?  
Về điểm uốn kinh tế thứ nhất, chúng tôi thấy rằng, ngay sau năm 2020, việc xây dựng một nhà máy điện Mặt trời và điện gió trên bờ (onshore wind) sẽ rẻ hơn việc xây dựng một nhà máy điện than mới. Lí do là bởi chúng tôi tin rằng khi năng lượng tái tạo ngày càng phát triển và phổ biến, thị trường cho nguồn năng lượng này ngày càng trưởng thành và bởi vậy giá điện quy dẫn cho điện tái tạo sẽ giảm theo thời gian. Xu hướng này chúng ta đều chứng kiến ở những thị trường điện lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu và gần đây là Trung Quốc và Ấn Độ. 

Về điểm uốn kinh tế thứ hai, trong tương lai, chúng tôi cho rằng việc xây dựng các nhà máy phát điện năng lượng tái tạo còn rẻ hơn việc tiếp tục vận hành các nhà máy điện than. Điều này thực tế đã xảy ra ở các thị trường như Mỹ và châu Âu. Mặc dù ở Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu trong công cuộc chuyển đổi sang các nguồn nguyên liệu phát thải thấp nhưng chúng tôi cho rằng chi phí để duy trì một nhà máy điện than có thể đắt hơn chi phí xây mới một nhà máy điện Mặt trời vào năm 2022 và đắt hơn chi phí xây dựng mới một nhà máy điện gió trên bờ vào năm 2024, nếu như giá tiền nhập khẩu và vận chuyển than bằng đường biển ở mức cao khoảng 100 USD. (ngay cả với kịch bản chi phí điện quy dẫn của điện tái tạo cao nhất và chi phí sản xuất điện than ở mức thấp nhất thì dự báo này cũng sẽ thành hiện thực vào sau năm 2040). 

Vâng, theo như tôi hiểu thì xu hướng điện tái tạo giá rẻ mới chỉ xuất hiện ở các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ chứ không phải là thị trường nhỏ như Việt Nam phải không? 

Đúng là như thế bởi vì thị trường Việt Nam là thị trường mới nổi, quy mô nhỏ, chuỗi cung ứng xây dựng và vận hành các nhà máy năng lượng tái tạo chưa hoàn thiện. nhưng theo thời gian chúng tôi kì vọng nó sẽ phát triển và kết quả là chi phí cho nó sẽ giảm dần. Việc chi phí này sẽ giảm như thế nào sẽ phụ thuộc vào chính sách đúng đắn của chính phủ. Ví dụ ở Ấn Độ, giá điện Mặt trời đã giảm xuống một nửa trong vòng một năm qua, một con số khá ấn tượng và thay đổi hoàn toàn bức tranh phát điện của nước này. 

Vậy theo ông thì Việt Nam nên thực thi những chính sách nào để phát triển thị trường điện tái tạo?
Có hai loại thị trường điện tái tạo, đó là thị trường mới và thị trường đã có kinh nghiệm. Ở thái cực thị trường điện mới, như Nga, một nơi chưa hề làm gì trong lĩnh vực này, dĩ nhiên giá điện tái tạo sẽ rất cao. Ở thái cực thị trường giàu kinh nghiệm, như châu Âu đã có rất nhiều năm đầu tư vào lĩnh vực này thì rất khác, một quỹ đầu tư ở đây không chỉ có hứng thú đầu tư vào một dự án năng lượng tái tạo mà hàng trăm dự án cùng một lúc. Đó là lí do giá điện tái tạo ở châu Âu khá thấp mặc dù đây không phải là nơi có nhiều tài nguyên gió trên thế giới. 

Dù thế nào thì Việt Nam cũng phải đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện nhằm tránh nghẽn đường dây truyền tải và linh hoạt trong việc truyền tải điện từ nơi sản xuất đến nơi có nhu cầu. 

Một thị trường mới sẽ chuyển mình thành thị trường có kinh nghiệm khi chuỗi cung ứng phát triển, cho phép một nhà đầu tư luôn tự tin rằng một khi đã bỏ tiền ra thì sẽ có những công ty xây lắp, nhân lực vận hành sẵn sàng, đảm bảo chắc chắn nhà máy sẽ hoạt động và sản xuất điện chính xác và hiệu quả như kì vọng mà họ đặt ra ban đầu. Để được như vậy, chúng tôi có hai đề xuất, thứ nhất là chuyển từ việc tăng giá điện mua vào (feed-in-tariff) sang mô hình đấu giá ngược (trong đấu giá thông thường, chủ thể là người bán nên giá càng cao càng tốt, còn chủ thể của đấu giá ngược là người mua, giá càng thấp càng tốt. Các bên cung cấp trong đấu giá ngược, hơn nữa, lại không biết giá của các đối thủ khác đưa ra là bao nhiêu nên họ sẽ cố gắng đưa ra giá thấp nhất có thể để cạnh tranh), để khuyến khích các nhà phát triển điện tái tạo giá rẻ nhằm thỏa mãn nhu cầu phát triển điện tái tạo của quốc gia. Càng nhiều nhà máy điện tái tạo được xây dựng thì giá điện tái tạo lại càng rẻ và chính phủ lại càng muốn phát triển hình thức năng lượng này. 
Thứ hai là chúng tôi nghĩ rằng hợp đồng mua bán điện với EVN cần phải được điều chỉnh để các nhà phát triển điện tái tạo có thể xin vốn vay từ ngân hàng dễ dàng và thuận lợi hơn. Các điều khoản hiện nay rất bất lợi cho họ trong việc vay vốn, EVN sẽ luôn nắm đằng chuôi vì không chấp nhận việc đưa ra trọng tài, phán xử với quốc tế nếu EVN vi phạm hợp đồng, không mua điện như đã cam kết (điều này cũng xảy ra thường xuyên do nghẽn đường dây tải điện).

Việt Nam đã từng đưa ra nhiều lí do tại sao thời điểm này không phải là lúc thích hợp để đầu tư vào năng lượng tái tạo, chẳng hạn như hiện nay chưa chi phí đầu tư vào lưu trữ điện tái tạo khi trời không có gió và nhiều mây hay vào lưới điện thông minh rất đắt đỏ. Vậy các ông suy nghĩ gì về những lí do này? 
Tôi chỉ muốn nêu ra hai ví dụ ở châu Âu khoảng chục năm về trước. Ở Đức vào năm 1993 khi điện gió chỉ chiếm 0.1% tổng sản lượng điện quốc gia, một công ty phát điện lớn của Đức đã phát biểu trên báo Die Zeit là nước này không thể có thêm điện tái tạo nữa vì quá khó để đưa lên lưới điện. Nhưng 20 năm sau, điện tái tạo ở Đức chiếm 30% tổng sản lượng điện quốc gia và có những thời điểm con số này lên đến 90%. Ở Ireland cũng vậy, vào năm 2003, giám đốc công ty vận hành lưới điện quốc gia tuyên bố rằng nước này không thể có hơn 2% điện gió nếu không muốn làm tổn hại đến an ninh năng lượng. Nhưng giờ đây thì 20% sản lượng điện Ireland là điện gió và có những thời điểm con số này là 70%. Đưa một lượng điện tái tạo lớn vào lưới điện là điều hoàn toàn khả thi về mặt kĩ thuật mà không cần phải đầu tư lớn vào các giải pháp pin lưu trữ. Hơn nữa, nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng chỉ ra rằng nếu đưa vào lưới điện 15% sản lượng điện là điện tái tạo thì chỉ cần sự thay đổi về mặt vận hành (chứ chưa cần đến thay đổi về mặt công nghệ). 
Thay đổi về mặt vận hành ở đây chủ yếu là dự báo được trước nhu cầu dùng điện cũng như sản lượng điện của các nhà máy điện tái tạo theo điều kiện thời tiết trong thời gian ngắn. Các nhà vận hành lưới điện của Anh đang triển khai giải pháp dự báo tới 5 phút một lần. Mặc dù người ta nói nhiều đến lưới điện thông minh nhưng theo quan điểm của tôi, lưới điện nào hiện nay cũng đều thông minh, chỉ là bạn tận dụng nó thế nào thôi. EVN thực ra cũng đã triển khai công tác dự báo cách đây 5 tháng và có thể dự báo trước một ngày rồi, chỉ là họ cần tiếp tục cải thiện quá trình này thôi. Và đó không phải là đầu tư gì đắt đỏ, mà chỉ là hiểu hơn về cách thức vận hành lưới điện. 
Tôi cũng muốn thêm một ý nữa là, dựa trên những gì chúng tôi nghiên cứu về Việt Nam, thì dù thế nào Việt Nam cũng cần đầu tư vào lưới điện của mình để tránh tình trạng nghẽn đường dây tải điện trong tương lai và truyền tải điện từ nhà máy điện đến nơi có nhu cầu linh hoạt hơn, chẳng hạn như các hộ dân cư ở Đức thường xuyên dùng điện Mặt trời ở phía Nam Italy.  

Nếu Việt Nam tiếp tục tập trung vào điện than thì điều gì sẽ xảy ra?
Chúng tôi cố gắng nói với các nhà hoạch định chính sách rằng nếu họ vẫn tiếp tục cam kết phát triển điện than thì họ sẽ buộc phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan trong tương lai. Họ sẽ đứng giữa quyết định phải trợ giá cho các nhà máy phát điện than cũ hoặc trợ giá cho người tiêu dùng điện bởi chi phí cho điện than sẽ ngày càng cao. Nếu họ lựa chọn trợ giá cho các nhà máy phát điện chạy than, mà đó là quyết định họ sẽ đưa ra bởi vì các nhà máy càng chạy thì càng lỗ so với các nguồn năng lượng khác. Sau đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tiếp tục đưa ra một quyết định tiếp theo, đó là tiền đâu để trợ giá? Chuyển gánh nặng sang cho người dùng điện hay tìm nguồn khác? Nếu không chuyển sang cho người dùng điện thì họ sẽ phải tăng thuế hoặc tăng trần nợ công để trợ giá đó. Nhưng nếu bắt người dùng điện phải chi trả thì họ sẽ nổi giận bởi họ sẽ phải trả tiền điện nhiều hơn và đồng thời cũng ảnh hưởng đến tính cạnh tranh kinh tế của Việt Nam bởi rất nhiều người đầu tư vào Việt Nam vì chi phí sản xuất rẻ. Nếu ban đầu họ không trợ giá cho nhà máy điện than mà trợ giá cho người tiêu dùng điện, thì kết quả cũng tương tự thôi. Chúng tôi gọi đó là uống viên thuốc xanh hay là uống viên thuốc đỏ? Viên thuốc nào cũng dẫn đến những kết cục không lấy gì làm tốt đẹp. Hoặc là tăng nợ công, tăng thuế hay thỏa hiệp với lợi thế kinh tế vốn có của Việt Nam. 

Trong báo cáo của Carbon Tracker, các ông có nhắc đến rủi ro tài sản mắc kẹt trong kịch bản dưới 2oC, nghĩa là hơn 6 tỉ USD doanh thu bị mất nếu các nhà máy điện than sẽ không thể hoạt động bình thường mà phải đóng cửa sớm để gắn với mục tiêu nhiệt độ trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Vậy khả năng Việt Nam phải đối diện với rủi ro đó là như thế nào?  

Bất kì quốc gia nào có nhiều nhà máy điện than mới đều sẽ phải đối diện với rủi ro mắc kẹt trong tương lai bởi vì tuổi thọ của một nhà máy điện than là khá dài. Câu hỏi ở đây là làm thế nào để tối thiểu hóa rủi ro này và ai là người sẽ phải chi trả cho khối tài sản mắc kẹt đó. Điều chúng tôi lo ngại là nếu Chính phủ Việt Nam không hành động để giảm thiểu tài sản mắc kẹt đó thì cuối cùng là người sử dụng điện, người đóng thuế sẽ phải gánh chúng trên vai. 
Tôi cũng muốn nói thêm là các số liệu mà bạn thấy trong báo cáo chỉ bao gồm những nhà máy điện than đã hoạt động và đang xây dựng hiện nay nhưng Việt Nam còn có dự định xây dựng thêm nhiều nhà máy điện than mới nữa với tổng công suất lên đến 30 GW và thực tế chúng sẽ phải đóng cửa sớm khi các hiệp định về môi trường có hiệu lực vào năm 2030 hay 2040 sẽ khiến rủi ro tài sản mắc kẹt ngày càng phình lên. Về cơ bản, chi phí để sản xuất, vận hành, phân phối một GW điện than là một tỉ USD và chúng ta có nguy cơ thêm 30 tỉ USD tài sản mắc kẹt. Ở thời điểm này, tôi phải nhấn mạnh là, ưu tiên đầu tiên của chính phủ Việt Nam là nghiêm túc suy nghĩ về việc xây mới 30 GW điện than bởi vì nếu cần, có những lựa chọn khác rẻ hơn có thể thay thế. 

Xin cảm ơn ông! . 

Hảo Linh thực hiện 
(với sự trợ giúp của Trung tâm Sáng kiến và Phát triển cùng các đồng nghiệp ở Vietnamplus và Người Đồng Hành)

Tác giả