Nghiên cứu ứng dụng và một số nghiên cứu cơ bản có nhất thiết phải công bố quốc tế?

Giáo sư Hồ Tú Bảo nêu ý kiến của việc công bố quốc tế trong nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng, một vấn đề còn đem lại nhiều ý kiến khác nhau trong cộng đồng khoa học Việt Nam.

Công bố quốc tế cũng là đỉnh cao mà nghiên cứu ứng dụng cần hướng tới

Mục đích của nghiên cứu (research) là việc tìm ra các tri thức mới và có giá trị. Giá trị của nghiên cứu hoặc ở việc góp phần làm phong phú thêm những hiểu biết của con người, hoặc ở việc góp phần vào việc làm ra của cải vật chất cho xã hội. Các tri thức tìm được do nghiên cứu vì vậy, trừ những nghiên cứu có mục tiêu hoặc ràng buộc đặc biệt, đều cần được công bố, thường dưới dạng hoặc các ấn phẩm hoặc các bằng phát chế phát minh. Công bố là cách phổ biến nhất để đánh giá tính mới mẻ và giá trị của kết quả nghiên cứu.

Các nghiên cứu thường được phân loại theo nghiên cứu cơ bản (basic research, pure research, fundamental research) hoặc nghiên cứu ứng dụng (applied research), mặc dù một số nghiên cứu có thể  mang cả tính chất của nghiên cứu cơ bản và ứng dụng.   

Nghiên cứu cơ bản nhằm tìm ra những tri thức khoa học làm nền tảng cho các nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng khác, như việc chứng minh ức đoán Poincaré trong toán học, việc tìm các genes gây ra bệnh tật, hay việc xác định mô hình thống kê của tiếng Việt. Nghiên cứu cơ bản thường được bắt nguồn bởi tính tò mò và ham thích khám phá khoa học, và thường không cần phải ràng buộc bởi bất kỳ ứng dụng cụ thể nào. Phần lớn những vấn đề của nghiên cứu cơ bản là những chuyện của chung thiên hạ, không của riêng một xứ sở quốc gia nào, và do vậy giá trị của nghiên cứu cơ bản thường là giá trị toàn cầu. Giá trị của các nghiên cứu cơ bản trước hết và chủ yếu được đánh giá bởi việc công bố trên các tạp chí quốc tế (đối với một số ngành khoa học, việc công bố kết quả tại các hội nghị quốc tế hàng đầu cũng có giá trị rất cao 1). Giá trị của các nghiên cứu cơ bản sẽ được khẳng định thêm nếu sau khi công bố, kết quả nghiên cứu này được nhiều nghiên cứu khác hoặc việc sản xuất dùng đến, thể hiện qua chỉ số trích dẫn (citation) hoặc giá trị của hàng hóa được tạo ra. Ai làm khoa học cũng đều biết, hoặc cần phải biết, các nơi để công bố kết quả có “trọng lượng” rất khác nhau, từ “thượng vàng” đến “hạ cám”. Các tạp chí hoặc hội nghị quốc tế nói chung có giá trị hơn các tạp chí và hội nghị quốc gia. Thứ hạng của các tạp chí hoặc hội nghị quốc tế trong mỗi ngành cũng đều được xác định, thể hiện qua hệ số ảnh hưởng (impact factor) hoặc thứ hạng được xác định bởi nhiều tổ chức khác nhau 2. Một bài đăng trên Nature hoặc Science, như bài ngày 9 tháng 11 trên Science về tính phân bố không đồng đều của các tia vũ trụ trong dự án quốc tế Pierre Auger, trong đó có đóng góp của nhóm tác giả Việt Nam, có giá trị cao hơn rất nhiều lần, thậm chí hàng chục lần, so với một bài ở một tạp chí vật lý thông thường khác.

Nghiên cứu ứng dụng nhằm tìm ra các tri thức khoa học để giải quyết các vấn đề đặt ra từ nhu cầu thực tế, như việc tìm cách làm các tấm vật liệu lợp nhà chống nóng với giá rẻ, việc tìm cách tạo ra nước ngọt ở những vùng nước mặn, hay việc tìm cách làm ra các chương trình máy tính dịch tự động tiếng Anh sang tiếng Việt. Rất nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng ra đời từ nhu cầu thực tế của các ngành nghề, các vùng miền, và liên quan đến đặc tính tự nhiên, địa lý, xã hội của những xứ sở khác nhau (như việc xử lý tiếng Việt trên máy tính trước hết là nhu cầu của người Việt). Cũng cần nói thêm về tính mới mẻ của nghiên cứu ứng dụng. Đã nghiên cứu thì phải nhằm đến việc tìm ra tri thức mới, nhưng tri thức để giải quyết các vấn đề thực tế, nhất là các tri thức liên quan đến sản xuất, không luôn được công bố như các tri thức khoa học cơ bản, do vậy tính mới mẻ của nghiên cứu ứng dụng nhiều khi có thể là tương đối, tức chừng mực nào đó có thể không hoàn toàn mới trong kho tàng tri thức của nhân loại nhưng là mới với một cộng đồng, một đất nước. Thí dụ như nếu ta nghiên cứu tìm ra được cách chế tạo một sản phẩm quan trọng nào đó đã có trên thế giới để dùng trong nước với giá rẻ, thì tri thức này là mới và rất có giá trị với ta, nhưng không hẳn là mới với thiên hạ. Do vậy, tính cần thiết hay cấp thiết của các nghiên cứu ứng dụng có thể được nhấn mạnh hơn cả tính mới mẻ của chúng [3]. Giá trị thực tiễn của nghiên cứu ứng dụng nằm ở chỗ những tri thức tìm ra có thể dùng để giải quyết vấn đề thực tế đến đâu. Giá trị khoa học của nghiên cứu ứng dụng nằm ở chỗ nghiên cứu đó có thể viết ra thành những phương pháp chung hoặc bài học cho mọi người cùng dùng, công bố dưới dạng các ấn phẩm.

Ngoài ra, rất cần phân biệt sự khác nhau giữa nghiên cứu ứng dụng và ứng dụng (application). Ứng dụng không nhằm vào việc tìm ra tri thức mới, mà vào việc dùng các tri thức đã biết để làm những việc cụ thể. Do ranh giới không luôn rõ ràng, nghiên cứu ứng dụng và ứng dụng rất hay bị lẫn lộn trong thực tế. Rất nhiều đề tài nghiên cứu tiến sĩ ở ta, thay vì phải làm một nghiên cứu cơ bản hoặc nghiên cứu ứng dụng để tìm ra tri thức mới, lại chủ yếu thực hiện một ứng dụng. Ở nhiều cơ quan nghiên cứu của ta, thay vì được giao nhiệm vụ và cấp kinh phí để làm nghiên cứu nhằm tìm ra cách thực hiện các việc quan trọng (của Bộ, của ngành hay đất nước), thì việc làm nghiên cứu gì lại thường bị thả nổi, và rất nhiều nhóm nghiên cứu chủ yếu đi làm các ứng dụng, vốn là việc của các doanh nghiệp.

1. Đã làm nghiên cứu cơ bản thì phải công bố. Giá trị của một nghiên cứu cơ bản trước hết được nhìn nhận bằng nơi nghiên cứu này công bố được kết quả. Các công bố quốc tế nói chung có giá trị cao hơn các công bố trong nước. Ai làm khoa học khi có kết quả vốn cũng đều phải tự đánh giá xem có thể gửi đăng ở đâu. Nói chung ta ít công bố quốc tế vì kết quả nghiên cứu của ta còn chưa đủ hay, chưa vào được những nơi “danh giá”, chứ không phải không cần và “không nhất thiết” cần. Ở đây phải chăng cần lòng trung thực và tính không ngụy biện. Lĩnh vực nghiên cứu cơ bản nào không được đem công bố quốc tế thì người chịu trách nhiệm cần có lý giải thỏa đáng, sòng phẳng. Rạch ròi vậy để tránh chuyện do không làm được nghiên cứu có chất lượng sánh với thiên hạ thì đặt ra việc không cần công bố với thiên hạ. Phải nói thêm là hầu hết những người đứng đầu các cơ quan khoa học của ta đều đã có thời làm các luận án, tức làm nghiên cứu, và đều đã phải “sống chết” với chuyện công bố, nhất là công bố quốc tế.

2. Với hầu hết các nghiên cứu ứng dụng, công bố cũng là một thước đo chính để khẳng định giá trị khoa học. Trừ ra những đề tài không được phép công bố hoặc có giá trị thực tiễn nhưng còn ít giá trị khoa học, nghiên cứu ứng dụng cũng rất cần công bố. Và khi đã công bố thì theo tôi không có hoặc rất ít lĩnh vực chỉ có thể công bố trong nước mà không thể công bố quốc tế, kể cả những việc làm ở Việt Nam cho những nhu cầu của Việt Nam. Có chăng chỉ là nghiên cứu của ta chưa đủ tầm và chất lượng để công bố được với thiên hạ. Việc nêu vấn đề rằng nghiên cứu ứng dụng “có nhất thiết phải công bố quốc tế” không, theo tôi chưa hợp lý. Hợp lý hơn phải chăng là câu hỏi: đối với mỗi đề tài nghiên cứu ứng dụng cụ thể, có cần phải công bố kết quả không? Nếu đã thấy là cần công bố, thì công bố quốc tế vẫn là đỉnh cao mà nghiên cứu này cần hướng đến hoặc mong ước đến được. Ngành khoa học nào cũng có rất nhiều tạp chí và hội nghị quốc tế tốt để công bố các kết quả nghiên cứu ứng dụng.

3. Cần chú ý là các tạp chí và hội nghị quốc tế cũng rất thượng vàng hạ cám. Chỉ các chuyên gia của mỗi chuyên ngành mới biết chất lượng của các nơi công bố quốc tế trong ngành mình hay dở thế nào. Rất tiếc là theo quan sát của tôi, nhiều vị đứng đầu các ngành khoa học, các cơ quan khoa học, cũng khá lơ mơ với những thứ này (có thể vì đã lâu không làm khoa học và không theo dõi tiến bộ trong ngành mình).

4. Việc không phân biệt giá trị khác nhau của các loại công bố khoa học sẽ góp phần làm hủy diệt những nghiên cứu khoa học chất lượng cao, nuôi dưỡng những nghiên cứu “hàng chợ”.

5. Mặc dù mong muốn của ta là có các công bố quốc tế, nhưng việc này không dễ trong khi nền khoa học của ta còn yếu và dường như đang ngày càng yếu hơn. Các nhà quản lý khoa học và người làm khoa học nên đặt ra các mục tiêu công bố quốc tế hợp sức cho từng giai đoạn, như trước hết hướng đến các tạp chí/hội nghị hạng hai, hạng ba, trước khi hướng đến các tạp chí/hội nghị hàng đầu, trừ những ngành ta có lực lượng và truyền thống như toán học và vật lý lý thuyết. Làm nghiên cứu ra kết quả rồi, biết cách viết để các kết quả công bố được cũng là một việc không đơn giản, cần phải học, cần phải có cách huấn luyện cho cán bộ khoa học. Trước hết là các lãnh đạo các cơ quan khoa học cần tổ chức huấn luyện cho nhân viên của mình.

“Khả năng thực hiện nghiên cứu khoa học là hết sức hạn chế ở nhiều nước đang phát triển. Trong khi không phải mọi đất nước đều cần tiến hành nghiên cứu cơ bản ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi đất nước cần phải xem xét các loại nghiên cứu khoa học và công nghệ có thể trực tiếp đóng góp vào sự phát triển của mình. Khi nhìn vào đòi hỏi chi phí lớn và những khó khăn của nghiên cứu khoa học, có lẽ câu hỏi cần hỏi nhất là: đâu là mức tối thiểu các hoạt động khoa học và công nghệ cần phải có để đạt được các mục tiêu của quốc gia?”.

(“The capacity to carry out scientific research is extremely limited in many developing countries. While not every country needs to conduct basic research in a variety of fields, each country must consider the types of scientific and technological research that can directly contribute to its development. In view of the costs and other difficulties, per-haps the right question to ask is: what is the minimum level of scientific and technologi-cal capacity necessary to achieve national goals?”).

Chú thích
1. “‘Văn hóa ngành’ trong tiêu chí đánh giá”, http://www.tiasang.com.vn/news?id=1771.
2. Chẳng hạn chỉ cần tìm với cụm từ “computer science journal ranking” hoặc “computer science conference ranking” trên Google là có thể thấy các thứ hạng này trong ngành khoa học máy tính.
3 Chú ý rằng đề tài nào cũng phải thuyết minh về “tính cần thiết” của mình và cụm từ này thường được nêu một cách khá định tính.
4 Peril and Promise: Higher Education in Developing Countries, World Bank and UNESCO http://web.worldbank.org/WBSITE/EXTERNAL/TOPICS/EXTEDUCATION/0,,contentMDK:
20298183~menuPK:617592~pagePK:148956~piPK:216618~theSitePK:282386,00.html

Tác giả