Nỗi sợ corona virus làm tăng nhanh những lo ngại về kinh tế

Nghiên cứu mới “Perceptions of coronavirus Mortality and Contagiousness Weaken Economic Sentiment” (Nhận thức về tỷ lệ tử vong và lây nhiễm của corona virus làm sụt giảm niềm tin kinh tế) của ĐH Warwick (Mỹ) cho thấy sự lây lan nhanh chóng của corona virus vài tháng qua trên thế giới đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu.

Biểu đồ (A)và (B) thể hiện phân phối niềm tin về tỷ lệ tử vong và tỷ lệ truyền nhiễm của corona virus, được đo trong mẫu đại diện (N = 915) dân cư Mỹ vào ngày 4/3/2020. Nguồn: Đại học Warwick

Dù việc bảo vệ tính mạng người dân và ngăn chặn lây lan dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, các nhà hoạch định chính sách cũng cần phải nhanh chóng xem xét các hành động cần thiết để ngăn chặn nền kinh tế khỏi sụp đổ.

Nhóm tác giả phát hiện ra sự xuất hiện của corona virus ở mỗi quốc gia đều có liên hệ với sự gia tăng mạnh các tìm kiếm  trên Google biểu thị sự căng thẳng và lo sợ về tình trạng kinh tế. TS kinh tế Thiemo Fetzer, ĐH Warwick cho biết: “Kết quả của chúng tôi cho thấy khi corona virus xuất hiện, bất chợt một loạt các hoạt động tìm kiếm trên Google đã diễn ra. Lịch sử tìm kiếm cho thấy chúng có mối liên hệ với những đợt giảm đáng kể về nhu cầu tiêu dùng và tăng trưởng thực. Cầu giảm làm tăng gián đoạn đã có của chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến suy thoái kinh tế càng xảy ra hơn.”

Sử dụng dữ liệu tìm kiếm của Google hàng ngày trên 190 nước, nhóm nghiên cứu cũng thấy lượng tìm kiếm từ “suy thoái” và những chủ đề liên quan đến “sinh tồn” và “thuyết âm mưu” tăng đáng kể. Ở mỗi quốc gia, cứ sau khi trường hợp nhiễm corona virus đầu tiên xuất hiện thì những tìm kiếm như vậy tăng 20-50% so với giai đoạn trước.

TS.Lukas Hensel thuộc Trường Quản lý nhà nước Blavatnik, ĐH Oxford, cho biết: “Chúng tôi lo ngại việc xói mòn niềm tin vào thể chế, đặc biệt là phương tiện truyền thông ở phương Tây những năm gần đây, có thể đã làm trầm trong thêm những phản ứng hoảng loạn ngày càng rõ ràng này”

Thông qua một thí nghiệm khảo sát trực tuyến được thực hiện với công ty Luc.id để lấy mẫu đại diện cho cư dân Mỹ, các nhà nghiên cứu thấy độ lệch phân phối khi nói đến niềm tin về tỷ lệ tử vong và tỷ lệ truyền nhiễm của corona virus là khá lớn. Điều này nghĩa là công chúng Mỹ “có niềm tin khá bất đồng” về cả hai đặc điểm này, TS. Thiemo Fetzer cho biết.

TS.Lukas Hensel cũng nhận xét: “Theo các tài liệu y khoa ghi nhận từ trước đến nay thì có rất ít bằng chứng thực nghiệm ủng hộ số liệu là trong các dịch cúm, tỷ lệ tử vong vào mức trên 5%. Tuy nhiên, hơn 50% số người được hỏi nghĩ rằng tỷ lệ tử vong còn cao hơn thế. Tương tự, hơn 50% số người được hỏi nghĩ rằng mức độ lây nhiễm của coronavirus này cao hơn so với ước tính hiện có. Suy nghĩ này có thể có lợi trong một số trường hợp vì đánh giá quá cao nguy cơ có thể khiến mọi người thực hiện những biện pháp giảm lây bệnh nhưng mặt khác, nó cũng có thể khiến người ta hoảng loạn hơn.”

Câu hỏi đặt ra cho chính phủ và những người ra quyết định trên toàn cầu là làm thế nào để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế từ dịch corona virus này. “Các phương tiện truyền thông có lẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nhận thức rủi ro tiềm ẩn của mọi người. Chẳng hạn, việc báo chí thường so sánh tỷ lệ tử vong của corona virus với cúm mùa thay vì với SARS dường như có ảnh hưởng quan trọng đến việc cá nhân có thể hiện lo lắng về mặt kinh tế hay không” TS. Christopher Roth, ĐH Warwick nói.

Thông tin từ nguồn tin cậy cùng với truyền thông minh bạch để giải thích động thái của chính phủ là điều quan trọng. Tuy nhiên, trước sự suy giảm niềm tin vào thể chế và truyền thông trong thập kỷ qua, chưa thể biết rõ điều này có tác dụng đến đâu. Cần phải có những động thái tích cực để đối phó với những đợt lan truyền tiếp theo. Đây là thời điểm cho những công cụ tài khóa phối hợp táo bạo, cùng một chiến lược ngăn chặn được điều phối trên quy mô quốc tế.

Ngô Hà dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2020-03-coronavirus-economic-anxieties.html

 

Tác giả