Sửa chữa Facebook

Nếu Facebook không tự sửa chữa được, chính phủ sẽ phải kiểm soát mạng xã hội này ra sao?


Ảnh: Chris Matthews, Washington Monthly

Nếu đã xem The Social Network, bộ phim được đề cử Oscar cho phim xuất sắc nhất năm 2010, về những ngày đầu thành lập Facebook, người ta khó có thể quên được nhân vật Mark Zuckerberg – một sinh viên Harvard 19 tuổi không ngại xúc phạm bạn gái nhưng tạo ra Facebook để thu hút các sinh viên nữ; một người lạnh nhạt với các mối quan hệ xã hội, một người thực dụng tới mức đâm sau lưng người bạn thân để gọi thêm vốn, nhưng có một tầm nhìn đầy lãng mạn về nền tảng sẽ kết nối mọi người trên toàn cầu.

20 năm từ một trang web trong phòng ký túc xá, Facebook giờ đây đã trở thành một mạng xã hội ảnh hưởng nhất thế giới với gần ba tỉ người dùng thường xuyên. Facebook không chỉ là nơi kết nối bạn bè mà còn mang lại những cơ hội giao dịch giữa  người mua kẻ bán với nhau khiến thu nhập và đời sống của hàng triệu người đang phụ thuộc vào nền tảng này. Nhưng Facebook cũng là nơi tạo điều kiện cho những cá nhân, tổ chức cực đoan trỗi dậy,“chiêu mộ” các tín đồ, thao túng quan niệm chính trị và nhận thức khoa học của cộng đồng bằng các tin bịa đặt, tin sai lệch, tin chia rẽ đánh vào cảm xúc người dùng Facebook khác. Những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến chủ nghĩa dân túy dâng cao và sự nở rộ các phong trào bài khoa học như anti-vaccine, Trái đất phẳng, phủ định sự nóng lên toàn cầu, do Facebook “tiếp tay”, đe dọa các thành tựu mà mọi nền dân chủ đang cố gắng bảo vệ.

Mark Zuckerberg từ một sinh viên luộm thuộm mặc pyjama đến gặp nhà đầu tư, giờ trở thành một trong những người quyền lực nhất thế giới. Zuckerberg như chúng ta vẫn biết ngày nay, là một avatar giữa đời thực: một kiểu tóc, áo xám, quần bò không thay đổi, đang “gác lại” những vấn đề của Facebook để quảng bá cho Metaverse – một thế giới ảo mà tất cả mọi người đều là avatar, và họ còn chìm đắm vào đó hơn là lướt Facebook trên màn hình điện thoại.

Phải, Facebook khó lòng tự chữa trị từ bên trong. Mark Zuckerberg, như một kĩ sư Facebook từng nói “đã tạo ra một cỗ máy mà giờ (chính anh) cũng không thể điều khiển nổi”. Cách đây hai năm, người phụ trách đạo đức công nghệ của Google, Tristan Hassen đã giải thích cho đại chúng hiểu, cách mà các đại gia công nghệ, trong đó có Facebook, hack bộ não của chúng ta như thế nào. Về cơ bản, mọi hành động và thông tin trên Facebook của chúng ta ngày càng chi tiết từ tuổi, ngày sinh, sự kiện trong đời, mạng lưới bạn bè, người quen, người thân của chúng ta, địa điểm chúng ta ở, nơi chúng ta đi qua, nội dung chúng ta thích đọc cho đến thời gian mắt chúng ta dừng lại trên mỗi post tình cờ xuất hiện trên News Feed bao lâu. Nhờ thế mà thuật toán của Facebook sẽ cho hiện những nội dung dễ “lay động” cảm xúc của chúng ta nhất thay vì những nội dung có bằng chứng khoa học. Trong nội bộ Facebook, họ ưu ái phát tán những post nhận được nhiều cảm xúc giận dữ nhất, bởi nó càng dễ thu hút sự chú ý của người dùng, hứa hẹn nhiều bình luận. Khi người ta phán xét sự kiện dựa trên cảm xúc và bị chi phối bởi “không khí” phẫn nộ của đám đông, người ta càng dễ trở nên cực đoan, chia rẽ. Một khi đã rơi vào bẫy thuật toán này, người sử dụng Facebook càng khao khát đọc những thứ tương tự, “gắn kết” với những người cùng cảm xúc, cùng suy nghĩ, đồng thời càng từ chối lắng nghe và chấp nhận những gì thách thức quan điểm của mình.

Mức độ tương tác của người dùng là chỉ số đánh giá sự tăng trưởng của Facebook, theo quan điểm của tập đoàn này. Người dùng càng “nghiện” Facebook thì càng cung cấp nhiều thông tin để Facebook càng giúp các nhãn hàng quảng cáo trúng đích hơn. Nói cách khác, thuật toán này là cốt lõi trong mô hình kinh doanh của Facebook. Vì vậy, khó có lí do gì để tập đoàn này phải thay đổi để tự đâm vào tim mình.

Kêu gọi sự thức tỉnh về đạo đức trong lòng tập đoàn này là một ước mơ viển vông. Zuckeberg hiện nay đang nắm giữ 60% quyền bầu cử trong ban lãnh đạo Facebook. Nói cách khác, anh ta có quyền quyết định điều khiển nội dung mà ba tỉ người dùng trên thế giới đang đọc và theo dõi, bất luận những người khác có phủ quyết hay không. Mark Zuckeberg có thể là một người tốt, nhưng anh ta có quá nhiều quyền lực và khó tránh khỏi lạm dụng nó. Ở đây, Zuckerberg lựa chọn sự tăng trưởng của công ty lên trên sự an toàn của người dùng.

Frances Haugen không phải là người đầu tiên chỉ trích những tác hại xã hội của Facebook. Thậm chí, những gì mà Haugen chỉ ra cũng không phải là lần đầu tiên công chúng được nghe. Trước đó Chris Hughe – người đồng sáng lập Facebook với Zuckerberg từ khi còn ở giảng đường Đại học Harvard và Roger MacNamee – mentor của Zuckerberg đã lên tiếng về vấn đề của mạng xã hội này và vận động chính phủ liên tục trong nhiều năm trời để kiểm soát Facebook.

Mark Zuckerberg lựa chọn sự tăng trưởng của công ty lên trên sự an toàn của người dùng.

MacNamee từ năm 2018 đã yêu cầu chính quyền phải quy định Facebook minh bạch các thông tin với công chúng bao gồm: công khai cách hoạt động của thuật toán đằng sau mạng xã hội này; hiển thị thông tin cụ thể về những cá nhân, tổ chức đứng sau mọi quảng cáo, đặc biệt là các quảng cáo chính trị và các quảng cáo có tác động xã hội khác; giải thích rõ việc Facebook sẽ thu thập những thông tin gì và sẽ sử dụng thông tin đó như thế nào. Quan trọng hơn, người dùng sẽ sở hữu dữ liệu của họ và họ có quyền từ chối mọi thay đổi về giao diện, thuật toán, cách thức thu thập thông tin mà Facebook đưa ra.

Từ trước đến nay, Facebook có nhiều thay đổi “sau lưng” người dùng, mà nếu có thông báo thì “sự cũng đã rồi”. Một ví dụ điển hình là Facebook “lén lút” đưa chức năng nhận diện khuôn mặt vào nền tảng của mình, điều đó có nghĩa là, mọi bức ảnh có gương mặt của bạn, kể cả những bức ảnh bạn bị chụp một cách tình cờ, bị chụp trộm, bị lấy cắp, bị theo dõi, Facebook đều nhận ra và đều “gợi ý” người quen khẳng định sự có mặt của bạn. Đáng lẽ ra, người dùng không chỉ được biết mà còn được quyền “quay trở lại” sử dụng các phiên bản chưa có sự thay đổi của Facebook.

Mọi người dùng Facebook một cách miễn phí và hiểu rằng đổi lại, họ cho phép Facebook quyền khai thác dữ liệu của họ. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ biết thực sự Facebook khai thác dữ liệu đó như thế nào và nếu biết, rất có thể họ sẽ không chấp nhận điều đó. Trên thực tế, Facebook “bán” dữ liệu đó cho bên thứ ba để thao túng quan niệm chính trị của người dùng. Facebook biết rõ ràng rằng hàng trăm triệu người Mỹ đã chịu ảnh hưởng bởi những thông tin bịa đặt, các thuyết âm mưu về bầu cử từ các tổ chức ở Nga, nhưng họ không hề đưa ra một lời cảnh báo nào tới người dùng.

Không ai biết rằng, dữ liệu mà họ cung cấp cho Facebook có ngày quay trở lại làm hại họ. Facebook đã loại bỏ những người có thu nhập thấp, những người da màu,…trong việc tiếp cận các quảng cáo dịch vụ hỗ trợ tài chính. Cũng ít người biết rằng kể cả khi họ xóa tài khoản Facebook, dữ liệu họ đã tạo ra vẫn được Facebook lưu trữ mãi mãi và chân dung của họ vẫn tiếp tục được bồi đắp bởi những dữ liệu từ người thân quen khác.

Cả MacNamee và Hughe cũng kêu gọi phải xẻ Facebook ra thành nhiều công ty khác nhau. Hai người này đều gọi đây là một mạng xã hội độc quyền. Facebook đã dập tắt và đè bẹp các đối thủ bằng cách thâu tóm hoặc bắt chước họ từ khi còn ở giai đoạn “trứng nước”. Trên thực tế, ở Mỹ kể từ năm 2011, không có công ty nào còn có thể chen chân vào thị trường mạng xã hội bởi sức mạnh áp đảo của Facebook. Facebook có một tiếng nói “thống trị” trong thị trường này. Hughe nổi tiếng với bài xã luận trên tờ New York Times với tiêu đề: “Đã đến lúc phải phá vỡ Facebook”, kêu gọi chính phủ không chỉ tách Facebook ra thành ít nhất ba công ty nhỏ mà còn phải ngăn cản không cho phép tập đoàn này thực hiện bất cứ một vụ mua bán, sáp nhập nào nữa.

Sẽ có người tranh cãi là còn biết bao mạng xã hội khác như Tik Tok, Snapchat, Twitter, Youtube…nhưng trên thực tế, số lượng người dùng của tất cả các ứng dụng này còn xa mới đuổi kịp Facebook và các nền tảng của nó. Với lượng người dùng khổng lồ và nắm một loạt các sản phẩm ảnh hưởng khác như Instagram, Whatsapp, Messenger, sẽ rất khó để một ai đó dứt bỏ với Facebook hoàn toàn. Một người có thể “chạy trốn” Facebook nhưng rồi sau đó lại rơi vào các ứng dụng khác do nó sở hữu.□     

Tác giả