Thiện nguyện mùa COVID: Khơi thông các nguồn lực?

Tưởng như những nỗ lực cộng đồng là mạnh mẽ và rộng lớn nhưng thực chất chúng vẫn luôn nằm ở “bên lề” chính sách.


Nhà sáng lập ATM oxy Hoàng Tuấn Anh. Ảnh: Nhân dân.

Khi lòng trắc ẩn dẫn lối

Làn sóng COVID thứ tư ỏ Việt Nam dẫn đến những thách thức chưa từng có cho cả chính quyền lẫn người dân trong việc ứng phó. Tinh thần thiện nguyện và những hoạt động cứu trợ trong tình huống này càng trở nên cần thiết. Trong cơn bĩ cực chung, người ta dễ thấu cảm và để cho lòng trắc ẩn của mình dẫn lối.

Bắt nguồn từ sáng kiến ATM gạo từ làn sóng COVID thứ nhất đầu năm 2020, đến nay hàng loạt mô hình ATM khác được nhân rộng bởi các nhà hảo tâm trong cộng đồng lẫn khu vực nhà nước khi các nhu cầu mới nổi lên: ATM khẩu trang, ATM oxy, ATM phòng trọ, ATM việc làm cộng đồng. Các siêu thị, tủ lạnh “0 đồng” với các mặt hàng thiết yếu, các bếp ăn cung cấp thực phẩm cho tuyến đầu, người nghèo, người khuyết tật là các hoạt động phổ biến do các cá nhân, tổ chức và đội nhóm trong cộng đồng được triển khai nhanh chóng  khắp nơi, thêm vào những sáng kiến đã có từ trước như Quán cơm 2000 và bánh mì miễn phí v.v. Các khóa học ‘bán kiến thức gây quỹ’, các chương trình thiền, yoga, các dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí cho bệnh nhân COVID, y bác sĩ và cộng đồng giúp nhau qua mùa dịch. Hàng nghìn người tình nguyện trong nhiều vai trò khác nhau, từ đi chợ cho khu phong tỏa, đến lấy mẫu xét nghiệm, cắt tóc, hát tại các bệnh viện dã chiến, lái xe, cho mượn phương tiện cá nhân để vận chuyển hàng cứu trợ, v.v. Người ta đóng góp tiền bạc, thời gian, công sức, thông tin, kết nối và cả hiến máu, bất cứ điều gì họ có thể làm được, nhiều lần trong khả năng của mình. Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm LIN, có hơn 100 tổ chức phi lợi nhuận tham gia vào hoạt động thiện nguyện chống dịch tại TPHCM và Bình Dương. Không phải ngẫu nhiên Việt Nam được xếp hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về đóng góp từ thiện với 78,5% người dân cho biết họ có quyên góp, theo khảo sát Chi tiêu có trách nhiệm và đóng góp từ thiện của công ty Mastercard công bố cuối năm 2017.1

Hơn nữa những nỗ lực thiện nguyện của cộng đồng giờ đây còn được công nghệ “chắp cánh”. Từ các ngân hàng miễn phí chuyển tiền đóng góp cứu trợ COVID hay ví điện tử cung cấp các lựa chọn quyên góp có nhà tài trợ đối ứng đều được thực hiện dễ dàng đến những ứng dụng kết nối các nguồn lực hữu hình lẫn vô hình như giao tiếp giữa những người dân trong khu phố thông qua các nhóm chat, vốn thúc đẩy nguồn vốn xã hội trong cộng đồng. SOS map và Zalo Connect là những nền tảng kết nối người nhận và người cho được nhanh chóng ra mắt trong mùa dịch do các cá nhân và doanh nghiệp phát triển. Với tính năng thân thiện với người sử dụng, những nền tảng này mau chóng được sự quan tâm và kết nối nhu cầu hiệu quả và minh bạch hơn.

 

Tiếp cận dựa trên sự thiếu hụt

Tiếp cận dựa vào tài nguyên

Trọng tâm 

Tập trung vào vấn đề và nhu cầu

Tập trung vào thế mạnh & cơ hội

Mục đích 

Thay đổi cộng đồng thông qua các dịch vụ tăng lên 

Thay đổi cộng đồng thông qua sự tham gia của người dân

Phương pháp 

Thu thập thông tin

Thúc đẩy vai trò của các cơ quan và tổ chức 

Xác định những điểm mạnh có sẵn và cơ hội bên trong các cộng đồng; trao quyền cho các cá nhân để cùng sáng tạo 

Giải pháp 

Các chương trình chính sách là giải pháp  

Xem cư dân cộng đồng là giải pháp  

Sự năng động của hệ thống

Có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức theo thời gian

Có thể tạo được ‘đà’/động lực theo thời gian, dẫn đến những sáng kiến mới, kết quả đáp ứng những mong muốn của cộng đồng

Thách thức 

Làm thế nào để thu hút người dân tham gia?

Làm cách nào để khơi thông và xây dựng dựa trên sự tham gia của người dân?

Đánh giá 

Thành công là kết quả của dịch vụ, được đo lường chủ yếu bởi những tổ chức 

Thành công là năng lực, được đo lường chủ yếu bởi những mối quan hệ  

Vẫn chỉ là những nỗ lực rời rạc

Các nỗ lực thiện nguyện trên chủ yếu do cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức và hội nhóm tự phát khởi xướng và huy động nguồn lực trong những vòng tròn quen biết, bạn bè, các mạng lưới, câu lạc bộ, hội nhóm, nơi sự tin cậy và mối thân quen giúp lời kêu gọi được để tâm hơn và quyết định đóng góp được thực hiện nhanh chóng, giữa các thông tin kêu gọi rải rác nhiều nơi. Khả năng phản ứng nhanh và trao tận tay những nơi cần thiết cũng là điều khiến nhà hảo tâm ‘an tâm’ khi đóng góp. Với những tổ chức phi lợi nhuận hay các cơ sở thường xuyên làm việc với những nhóm khó khăn vốn dễ bị tổn thương trong đại dịch, hoạt động hỗ trợ được thích nghi theo nhu cầu trước mắt và dài hạn của người thụ hưởng. Lợi thế của các tổ chức này là thấu hiểu hoàn cảnh và đặc điểm của nhóm thụ hưởng.

Những hoạt động thiện nguyện từ khối cộng đồng không phải không gặp thách thức. Mô hình ATM đến nay đã được chính quyền ở một số tỉnh học hỏi nhưng nhưng số lượng các ATM này vẫn rất hạn chế, chỉ đáp ứng được “muối bỏ biển” nhu cầu của các nhóm yếu thế. Nhiều nhóm tự phát ‘nguội dần’ khi nguồn lực cạn kiệt sau những đợt giãn cách dài 2-3 tháng. Với những nhóm còn trụ được, khả năng đi được đến đâu còn nằm ở phía trước, chủ yếu là tự thân vận động.

Tưởng như những nỗ lực thiện nguyện từ cộng đồng là mạnh mẽ và rộng lớn nhưng thực chất vẫn luôn nằm ở “bên lề” chính sách. Khi những quy định về phòng chống dịch và giãn cách được triển khai ở TP.HCM đầu tháng bảy, chính quyền địa phương một số nơi lúng túng trong khâu quản lý và đã giải tán những điểm cứu trợ thực phẩm. Thành phố sau đó đã điều chỉnh và tạo điều kiện các hoạt động thiện nguyện diễn ra nhưng một lần nữa phải dừng lại khi thành phố siết chặt giãn cách vì tính chất nhỏ lẻ của họ. Khi chính quyền chủ trương lấy ý kiến của chuyên gia, bộ, ngành để chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16 hồi tháng bảy, thiếu vắng tiếng nói của lĩnh vực thiện nguyện. Điều này cho thấy lĩnh vực này vẫn thiếu chỗ đứng vững chắc trong quy định pháp luật và đóng vai trò bổ trợ hơn là một bên liên quan trong những giải pháp về cộng đồng.


ATM gạo ở Vũng Tàu. Ảnh: PLO.

Theo một nghiên cứu về vai trò của chính sách xã hội trong ứng phó với đại dịch COVID-19 với bốn trường hợp điển hình là Brazil, Đức, Ấn Độ và Hoa Kỳ năm 2020, biện pháp y tế cộng đồng cứng rắn tuy là bước quan trọng và cần thiết nhất trong việc giải quyết mối đe dọa truyền nhiễm khẩn cấp nhưng không đủ để đáp ứng những hậu quả ngắn hạn và tác động lâu dài hơn mà các biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể gây ra. Việc lưu tâm đến các phản ứng của chính sách xã hội cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe. Bất bình đẳng xã hội và kinh tế tiềm ẩn làm trầm trọng thêm các nguy cơ sức khỏe liên quan đến virus và có nguy cơ mở rộng nếu các chính sách xã hội không được thực hiện. Các chính sách xã hội quan trọng trong ngắn hạn và dài hạn, và định hình những hậu quả lâu dài của đại dịch. Việc tách biệt chính sách xã hội và sức khỏe cộng đồng, về lý thuyết hay thực tế, đều làm suy yếu cả hai và làm tăng nguy cơ cả hai đều thất bại.

Thiện nguyện vì cộng đồng: nửa ly nước đầy hay vơi 

Cựu chủ tịch UBND TPHCM phát động “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”, thừa nhận vai trò của các đơn vị trong cộng đồng trong công cuộc chung của thành phố. Vấn đề là, nhà nước đã có chiến lược nào để kết nối và phát huy nguồn lực của các đơn vị này?

Tiếp cận dựa vào tài nguyên là một phương pháp phát triển bền vững dựa vào cộng đồng ngày càng được áp dụng rộng rãi để giải quyết những thách thức của cộng đồng. Khác với cách tiếp cận dựa trên sự thiếu hụt vốn tập trung vào việc xác định các vấn đề và nhu cầu, tiếp cận dựa trên tài nguyên bắt đầu bằng các tài sản/tài nguyên có sẵn trong cộng đồng và huy động các cá nhân, hiệp hội và tổ chức lại với nhau để phát triển thế mạnh của họ (thường không được nhận ra) và được trao quyền sử dụng chúng. Tiền đề của cách tiếp cận này là cộng đồng biết điều gì là tốt nhất cho họ, có thể tự định hướng quá trình phát triển, đưa ra các giải pháp phù hợp cho những thách thức của địa phương với sự hỗ trợ phù hợp và thông tin rõ ràng. Cách tiếp cận xây dựng cộng đồng dựa vào tài nguyên vượt ra ngoài tài năng của bất kỳ cá nhân nào hoặc hội nhóm cụ thể nào mà xem xét tất cả có thể kết hợp với nhau để tạo ra những thay đổi rộng lớn hơn vì lợi ích chung trong một cộng đồng. Thay vì làm những khán giả thụ động, các công dân trong cộng đồng trở thành những tác nhân thay đổi.

Trong ứng phó với đại dịch, khối lượng công việc phải làm để giải quyết những bài toán phát sinh là khổng lồ, trải dài từ y tế, an sinh, đến kinh tế, thông tin, cơ sở hạ tầng, nguồn cung, v.v. Để việc tập hợp các nguồn lực, sắp xếp các ưu tiên, triển khai, chia sẻ kiến thức chuyên môn và kết hợp các mạng lưới đa dạng trên quy mô rộng được hiệu quả thì sự phối hợp với các thành phần trong xã hội ở nhiều cấp là vô cùng cần thiết.

Để làm được điều này cần những cá nhân/tổ chức có năng lực kết nối, nhìn thấy tài nguyên, và được tin cậy. Các hội đoàn, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức thiện nguyện chuyên làm việc với cộng đồng, những tổ chức thực hành công tác xã hội là mắt xích quan trọng trong quá trình kết nối cộng đồng. Nhưng trên hết họ cần được nhìn nhận là trụ cột quan trọng trong các giải pháp của chính phủ và tạo điều kiện để phối hợp và phát huy vai trò lẫn chuyên môn của mình, chứ không phải là những nỗ lực rời rạc bên lề.

Tính cộng đồng đã bén rễ sâu trong tập quán và lịch sử người Việt từ văn hóa làng xã lâu đời. COVID-19 cho chúng ta thấy rõ hơn sự tương tác của các khu vực và đơn vị trong xã hội. Còn nhiều việc phải làm trong những giai đoạn khó khăn để vượt qua đại dịch, khôi phục những mất mát và hồi sinh. Liệu đây có thể là cơ hội củng cố nội lực cộng đồng để chuẩn bị cho những thách thức khác là bài toán không chỉ của một anh hùng. 


Hai cách tiếp cận về thiện nguyện: tiếp cận dựa trên sự thiếu hụt (trái) và tiếp cận dựa trên tài nguyên (phải).

Câu chuyện thành phố Leeds

Một trong những ví dụ về cách tiếp cận dựa trên tài nguyên cộng đồng là trường hợp gần đây tại thành phố Leeds ở Anh. Khi dịch COVID 19 bùng phát tháng 3/2020, Hội đồng thành phố Leeds đã xác định đặt cộng đồng làm trung tâm và cách tiếp cận dựa vào tài nguyên ngay từ đầu. Hội đồng đã khởi xướng hàng loạt công việc khổng lồ, bao gồm các lĩnh vực Y tế và Chăm sóc xã hội, kinh tế, cơ sở hạ tầng và các nguồn cung cấp, truyền thông và người dân/cộng đồng. Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, các dịch vụ hiện có được nhận định là sẽ không đủ đáp ứng mức hỗ trợ cần thiết cho những nhóm dễ bị tổn thương. Một nhóm làm việc ‘Tình nguyện viên’ đã được thành lập để giải quyết vấn đề này. Đây là mối quan hệ đối tác giữa hội đồng thành phố và khu vực dân sự, do Tổ chức Hành động Tình nguyện và Trung tâm Diễn đàn (tiếng nói chung của nhóm dân sự về chăm sóc xã hội và y tế ở Leeds) đại diện, cùng các tổ chức có chương trình hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Nhóm làm việc đảm nhận vai trò điều phối hỗ trợ tình nguyện viên. Có 33 tổ chức đầu mối từ khu vực dân sự – một phường có một tổ chức.

Ban lãnh đạo của nhóm tình nguyện có mặt đại diện của giới chuyên môn về Sức khỏe, Cộng đồng và điều phối Tình nguyện. Họ nhanh chóng chia nỗ lực tình nguyện làm ba ‘tầng’.

Tầng 1: Tình nguyện viên có kinh nghiệm sẵn lòng hỗ trợ mức cao, như đến nhà người dân hoặc các vấn đề hỗ trợ phức tạp hơn, như lấy thuốc Methadone cho người bệnh.

Tầng 2: Tập hợp số lượng lớn những người mới tình nguyện giúp các nhiệm vụ như đi mua sắm, mua thuốc thông thường, v.v.

Lời kêu gọi cho hai nhóm này nhận được sự hưởng ứng rất lớn với hơn 8.000 tình nguyện viên ngay từ đầu.

Tầng 3: Tình nguyện viên (TNV) trong chính đơn vị cộng đồng địa phương nhằm giảm thiểu những rủi ro từ việc ‘lạ nước lạ cái” của những TNV từ nơi khác đến. Trong vai trò tình nguyện viên một cách ‘danh chính ngôn thuận’, những TNV này sẽ giúp đỡ những người hàng xóm của mình, thả ghi chú/thông báo qua cửa nhà của mọi người hoặc thiết lập một nhóm WhatsApp, quan sát xem hàng xóm có thể hỗ trợ nhau như thế nào. WhatsApp đã trở thành một công cụ chủ lực nơi mọi người thăm hỏi tình hình lẫn nhau, chia sẻ các mẹo về học tại nhà, nơi nào còn hàng hóa, đảm bảo những hàng xóm cao tuổi và người cách ly đều ổn và có mọi thứ họ cần.

Trong cách tiếp cận dựa trên tài nguyên, thành phố nhận thức rằng dù có thể có các nhu cầu về các dịch vụ thiết yếu, nhưng trước tiên nên bắt đầu với những gì một cộng đồng có thể tự làm. Để làm được điều này các đơn vị cộng đồng phải được hỗ trợ bằng hành động và chính quyền địa phương cần phổ biến cụ thể vì những nỗ lực này người dân phải tự chủ. Họ tập trung vào việc truyền thông rộng rãi lợi ích của mô hình, cách tiếp cận tổng thể, những ví dụ, câu chuyện cụ thể trên các phương tiện truyền thông xã hội, bản tin và blog. Trên trang blog Leeds Kết nối là những câu chuyện truyền tải tinh thần cộng đồng tốt đẹp và sống động trên khắp thành phố, mang mọi người lại với nhau theo những cách mới mẻ, như láng giềng tặng hạt giống để tự trồng cây trong nhà, cùng đặt hàng ở tiệm bánh trong khu vực, những buổi hòa nhạc đường phố nhỏ cho khu phố, v.v. Cẩm nang làm một người hàng xóm tốt cũng được truyền thông rộng rãi, trong đó bao gồm mọi thông tin từ chăm sóc sức khỏe cho bản thân, các nguồn hỗ trợ, giữ an toàn cho bản thân ở nhà, trên mạng, an toàn tài chính, cách giúp đỡ hàng xóm và đăng ký tình nguyện. 

Quan điểm phục hồi dựa trên tài nguyên là cách tiếp cận của Leeds đối với khối thiện nguyện trong những năm gần đây – cùng làm với dân chứ không phải cho dân. Bên cạnh giúp đáp ứng các nhu cầu cơ bản về thực phẩm, thuốc men, đây còn là cơ hội có thể giúp người dân giảm bớt cảm giác bất lực và có được những mối quan hệ và sự hiểu biết mới.

Leeds từ lâu đã nhận ra tiềm năng của các khu dân cư và cộng đồng là trung tâm của việc mang lại sự thay đổi tích cực. Sự ủng hộ của các quan chức cấp cao của hội đồng và ban lãnh đạo chính trị ở Leeds đến từ sự hiểu biết sâu sắc về phương pháp tiếp cận dựa trên tài nguyên.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngày càng lớn, hội đồng thành phố cũng chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo phản ứng với COVID-19 về dài hạn hơn. Tuy không phải là điều dễ thực thi, câu hỏi lớn hội đồng đặt ra là liệu họ có lựa chọn nào tốt hơn cho những giải pháp dài hạn hỗ trợ cộng đồng không?

Leeds không phải là thành phố duy nhất áp dụng cách tiếp cận này. Một năm rưỡi sau khi Anh đã nới lỏng các biện pháp giãn cách, sự liên kết ở các nhóm cộng đồng tiếp tục duy trì và phát triển mạnh. Trên khắp nước Anh các kết nối cộng đồng được thực hiện trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch giúp tạo ra các cửa hàng trao đổi không chính thức. Văn hóa chia sẻ này đã bùng nổ kể từ khi có sự xuất hiện của virus corona. Amina Abu-Shahba, người thành lập một cửa hàng trao đổi ở Swansea, cho biết “Tôi nghĩ sẽ có vài người bạn tham gia thôi, nhưng rồi có gần 5.000 người. Nó trở thành một cái gì đó lớn hơn nhiều việc tránh lãng phí đồ đạc, mà là một cộng đồng và nguồn hỗ trợ cho phụ nữ trên toàn thành phố. Cho đến nay, chúng tôi đã trao đổi hơn 25.000 mặt hàng, quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện và có rất nhiều sự kiện bất ngờ”.□

*Tác giả có 15 năm công tác trong lĩnh vực phát triển, tập trung vào huy động nguồn lực và xây dựng năng lực tổ chức cho các tổ chức NGOs và doanh nghiệp xã hội tại khu vực Đông Nam Á; Tốt nghiệp Thạc Sĩ ngành Lãnh đạo Phi lợi nhuận tại Đại học Pennsylvania.

1 https://newsroom.mastercard.com/asia-pacific/press-releases/childrens-charities-lead-as-asia-pacifics-favorite-cause-to-support/

Tham khảo

https://e.vnexpress.net/news/travel-life/vietnam-leads-asia-pacific-for-charitable-donations-survey-3659525.html?fbclid=IwAR229AkUZ5qj5v-p8e32JUB_er_FvVY1dsg72ONmh1ul QPtzn5yngzOB2nY

https://thanhnien.vn/cong-nghe/tinh-nang-ho-tro-nguoi-kho-khan-do-dich-benh-zalo-connect-mo-tai-20-tinh-thanh-1432932.html 

https://congnghe.tuoitre.vn/app-giup-toi-cua-ky-su-viet-20210821214324147.htm

https://www.nurturedevelopment.org/blog/from-deficit-based-to-asset-based-community-driven-responses-to-covid-19-part-1

https://www.nurturedevelopment.org/blog/dancing-in-the-streets-an-asset-based-community-development-informed-local-authority-response-to-covid-19/

https://doinggoodleeds.org.uk/blog/socially-connected-leeds-innovative-communities/

https://www.theguardian.com/society/2021/aug/25/lockdown-spirit-lives-on-as-neighbour-groups-become-swap-shops?fbclid=IwAR0AtwGXr24dZQu0Du_tTEfA8e2etd4RHWJ_Ho00M_2o0XBaQimQYoYXjG4

https://www.dorsetcommunityaction.org.uk/wp-content/uploads/2020/03/Being-a-Good-Neighbour-Pack-v3.pdf

Mathie, Alison & Cunningham, Gord (1 Jul 2010). “From clients to citizens: Asset-based Community Development as a strategy for community-driven development”. Development in Practice. 13 (5): 474–486. CiteSeerX 10.1.1.613.1286. doi:10.10 80/0961452032000125857.

Scott L. Greer, Holly Jarman, Michelle Falkenbach, Elize Massard da Fonseca, Minakshi Raj & Elizabeth J. King (2021) Social policy as an integral component of pandemic response: Learning from COVID-19 in Brazil, Germany, India and the United States, Global Public Health, 16:8-9, 1209-1222, DOI: 10.1080/17441692.2021.1916831

Tác giả