Ưu tiên chống dịch: Phương án hợp lý nhất

Bài học từ ba lần bùng phát dịch trong nước và cả quốc tế cho thấy, muốn đạt được mục tiêu bảo vệ nền kinh tế thì phải ưu tiên chống dịch. Việc thỏa hiệp, chần chừ khi chống dịch có thể phải trả giá đắt gấp đôi: vừa không chống được dịch, vừa không chặn được sự suy giảm kinh tế.

Trong năm qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước chống dịch thành công điển hình nhờ vào các biện pháp thắt chặt truy vết, xét nghiệm, dựng các hàng rào giãn cách hoặc khoanh vùng cách ly. Nhưng chuyển biến dịch bệnh năm nay đã đưa Việt Nam sang một tình huống khác: làm thế nào đảm bảo được mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế sau một năm “thắt lưng buộc bụng”, trong khi chờ đợi có đủ vaccine cho 70% mọi người? Vậy chúng ta chấp nhận các biện pháp ưu tiên chống dịch đi trước một bước, thậm chí sẽ phải chấp nhận ngưỡng có lúc cần phải cách ly, phong tỏa ở từng nơi, hay là trì hoãn hoặc nới lỏng để ưu tiên phát triển kinh tế?


Nhân viên y tế trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho hơn 30.000 công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, TP HCM. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Chỉ có thể lựa chọn cách đỡ tổn thất nhất

 

Trước khi nhìn về cuộc chiến phía trước, chúng ta hãy cùng nhìn lại những yếu tố nào dẫn tới ba “trận đầu” thắng oanh liệt. Một công bố mới đây của TS. Phạm Duy Quang cùng các nhà khoa học tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và CDC Hà Nội1 công bố vào 25/1/2021 trên tạp chí BMJ Global Health1 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp chính trị và y tế cộng đồng chặt chẽ để kiểm soát các đợt bùng phát dịch bệnh ngay tại các ổ dịch, truy vết, xét nghiệm, giãn cách xã hội, giảm tiếp xúc ở các khu vực công cộng để làm giảm mức độ lây lan hoặc thiết lập khu vực phong tỏa chính là bài học kinh nghiệm hữu ích cho các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình. Tương tự, ngày 5/3 vừa qua, trong một bài viết dài trên Our World in Data (trang thông tin về dữ liệu và nghiên cứu toàn cầu do một nhóm các nhà nghiên cứu của đại học Oxford xây dựng) phó giáo sư Todd Pollack, trường Y khoa Harvard, và cộng sự2 đã phân tích và cho rằng chiến lược chống COVID của Việt Nam hiệu quả nhờ phản ứng của hệ thống y tế công, chính quyền trung ương quyết đoán, và chiến lược ngăn chặn chủ động và toàn diện dựa vào xét nghiệm, truy vết và cách ly (comprehensive testing, tracing, and quarantining).

 

Đó là góc nhìn của những nhà dịch tễ học, luôn mong muốn quét dịch bệnh ra khỏi cộng đồng. Nhưng giữ gìn một cách gắt gao, đóng cửa biên giới, từng một lần giãn cách toàn xã hội trong cả nước, tam tứ phen “thắt lưng buộc bụng” giãn cách, đóng cửa kinh doanh các dịch vụ không thiết yếu ở các tỉnh có dịch bệnh có hợp lý về mặt kinh tế không?

Để đánh giá được tác động của những lần giãn cách xã hội (cứng hay mềm), cần phải tách bạch được tác động của giãn cách và tác động của dịch bệnh. Chẳng hạn, ngành du lịch vốn tạo ra gần một triệu việc làm giờ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, cả một năm phải nằm thoi thóp kêu cứu. Nhưng liệu đó có phải lỗi của việc đóng cửa, giãn cách và siết chặt đi lại để chống dịch? khi thực ra cơ bản là cầu du lịch quốc tế, nguồn đóng góp chủ đạo cho ngành du lịch, đã giảm do toàn cầu bị ảnh hưởng dịch bệnh không thể đi lại như bình thường.

Hiện nay chưa có một nghiên cứu nào tính toán các biện pháp chống dịch của Việt Nam đã tác động tới từng ngành hàng kinh tế cụ thể như thế nào, nhưng nếu tính những tổn thất mà ngành du lịch nói riêng hoặc các ngành hàng khác phải chịu thì phải “loại trừ yếu tố cầu đã tụt giảm mạnh do bối cảnh dịch bệnh chung toàn cầu”, bởi vì “ngay cả không đóng cửa biên giới thì khách du lịch cũng không thể đến được Việt Nam như trước, cầu của các ngành hàng cũng giảm do đại dịch tác động”, theo TS. Hoàng Xuân Trung, Phòng Nghiên cứu Kinh tế châu Âu, Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Mặt khác, nếu cho phép du lịch nội địa tràn ngập thì nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao và hệ thống y tế không có khả năng truy vết lượng người di chuyển khổng lồ3. “Khi tách ra như vậy thì sẽ thấy giãn cách để chống dịch không phải điều gì quá kinh khủng. Và thực ra Việt Nam đã khôn ngoan chọn phương án đỡ tổn thất, trụ được lâu dài và cân bằng tổng thể nền kinh tế để ứng phó với đại dịch. Đòi hỏi chọn phương án không tổn thất chút nào giống như không có đại dịch là không thể”.
 

Nhìn tổng thể, Việt Nam đã chọn cho mình một lối đi truy vết, cách ly rất đặc thù nhờ vào một hệ thống chính trị quyết liệt, huy động cả xã hội theo dõi, giám sát “phòng còn hơn chữa”, truy nhiều vòng, phong tỏa cách ly đúng mục tiêu (targeted lockdown) hầu như không giống với bất kỳ nước nào. Chưa tính các chi phí sức người, sức của cho cả hệ thống truy vết, y tế thì riêng trong năm 2020 tổng cộng có khoảng hơn 10,2 triệu người từng phải cách ly (trong đó hơn 200 nghìn người được chữa trị tại các cơ sở y tế, 4,2 triệu người từng cách ly tập trung và hơn 5,7 triệu người từng cách ly tại nhà)4 và đổi lại là điều mà hầu như rất ít nơi làm được là có thể đưa được dịch bệnh về 0 trong phần lớn thời gian ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Nhờ đó, Việt Nam là nước hiếm hoi tăng trưởng dương tương đối tốt trong năm 2020, trong đó quan trọng nhất là các ngành sản xuất, chế biến chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế được bảo vệ; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, dịch vụ tăng 3,34%. 


Công nhân ngoại tỉnh dọn tới ở ký túc xá miễn phí tại Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại tỉnh Vĩnh Phúc. Nhằm ứng phó với đợt bùng phát dịch thứ tư, Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên ra quy định “cứng rắn” là buộc xét nghiệm cho người lao động tại các khu công nghiệp và có chính sách cho công nhân ngoại tỉnh ở trong các ký túc xá ngay tại tỉnh để hạn chế đi lại giữa các địa phương, giúp giảm nguy cơ lây lan virus. Nguồn ảnh: Tiền phong. 

 

Giải pháp y tế thực ra là kinh tế

 

Hiện nay chưa có một tính toán cụ thể nào về việc đóng cửa, giãn cách chống dịch của Việt Nam đã tác động như thế nào đến nền kinh tế. Cũng chưa có những đánh giá từng đợt giãn cách xã hội ở từng tỉnh bùng phát dịch cho phép chúng ta hình dung và so sánh nếu đóng cửa, giãn cách hoặc không đóng cửa không giãn cách sẽ tác động đến kinh tế như thế nào.

Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn sang các nước đã có kịch bản phong tỏa hoặc nới lỏng nền kinh tế để xem phương án nào có lợi hơn. Một số tính toán gần đây cho thấy không phải cứ mở cửa là tốt, mà điều tồi tệ nhất với nền kinh tế đầu tiên chính là “không hành động để chống dịch”, điều hại thứ hai là “phong tỏa trong thời gian quá ngắn”. Tính toán của các nhà kinh tế học Đại học Cambridge5 và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã cho thấy nền kinh tế có thể tụt giảm 30% hoặc thậm chí hơn nếu không áp dụng các biện pháp chống dịch như phong tỏa (lock down) hay giãn cách xã hội (social distancing) dẫn tới việc người dân nhiễm bệnh, người lao động phải ở nhà hoặc điều trị bệnh làm ảnh hưởng tới nguồn lực lao động của cả nền kinh tế6. Khi có chiến lược lock down chống dịch, các doanh nghiệp được đảm bảo sự ổn định, không mất nguồn lực lao động do virus lây lan, xây dựng được kế hoạch đầu tư như thế nào; còn trong bối cảnh bất định do không biết dịch bệnh sẽ còn tiếp tục như thế nào thì các doanh nghiệp không thể có chiến lược ổn định mà thậm chí phải đối diện với đóng cửa lâu dài.

Thực ra việc tranh cãi giữa ưu tiên chống dịch hay ưu tiên phát triển kinh tế đã diễn ra bất tận kể từ khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành. Chẳng hạn nhìn vào mức suy giảm kinh tế, như của Hoa Kỳ trong năm qua (GDP âm 3.5%), nhiều người vẫn tin rằng đó là lỗi của các chính sách giãn cách xã hội hoặc phong tỏa. Nhưng sau khi trải qua một năm chống dịch, các nhà kinh tế học mới tính toán và cho thấy “đúng là đóng cửa nền kinh tế thì sẽ làm cho nền kinh tế tụt giảm, tuy nhiên nếu không đóng cửa thì còn điêu đứng hơn rất nhiều”, TS. Hoàng Xuân Trung nhận xét. Anh cho biết, trong bài phân tích vào 31/3 trên trang voxeu7 đăng tải các phân tích của chuyên gia kinh tế, giáo sư Philippe Aghion, trường Kinh tế London và các đồng sự đã so sánh các nước, khu vực thuộc hai trường phái chống dịch khác nhau. Một nhóm gồm Australia, Trung Quốc, New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan – có chính sách tạm gọi là loại trừ cho dịch về 0 bằng nhiều biện pháp chặt chẽ khác nhau, thì mặc dù nền kinh tế có sụt giảm nhưng sụt giảm ít hơn, chịu sụt giảm chủ yếu ở khu vực dịch vụ, và phục hồi nhanh hơn so với các nước mở cửa. Dự báo năm 2021, các nước nhóm theo đuổi chiến lược “0 COVID” có thể tăng GDP trung bình 6.2% so với năm 2019. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu thuộc nhóm ban đầu mở cửa, khi bệnh dịch quá nhiều mới phong tỏa trên diện rộng thì có thể lại giảm tới 3.4% so với năm 2019.

 

Để dịch không đánh vào “xương sống” nền kinh tế

 

Như vậy, cho đến khi bao phủ được vaccine thì phương án hợp lý nhất vẫn là ưu tiên chống dịch bằng khoanh vùng, xét nghiệm, truy vết, cách ly y tế. Trong trường hợp có dịch bùng phát thì giãn cách xã hội là cần thiết. Trong cuộc trao đổi với Tia Sáng gần đây, TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, người đứng đầu một trong các nhóm nghiên cứu độc lập phân tích mô hình và đưa ra dự báo cho bốn đợt dịch COVID ở Việt Nam cũng đã cho biết, trong trường hợp dịch bệnh đã tới ngưỡng đáp ứng của địa phương, việc giãn cách tạm thời trong vòng hai tuần sẽ làm cho đường lây dừng lại, sau đó khối lượng công việc sẽ không tăng quá nhanh và giảm dần xuống. Lúc đó, cán bộ phòng dịch mới thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của họ.

“Phong tỏa”8 (cách làm linh hoạt của Việt Nam được giáo sư Todd Pollack gọi là phong tỏa nhắm trúng mục tiêu) hay “giãn cách xã hội” một cách kịp thời, linh hoạt không phải là mối đe dọa kinh tế mà thực chất để nhằm đảm bảo cho các hoạt động xương sống của nền sản xuất không bị tổn hại. Nếu dịch bệnh đã tấn công và yêu cầu phải phong tỏa các khu vực sản xuất, sau khi “làm sạch”, tuân thủ theo các yêu cầu của ngành y tế, vẫn có thể quay trở lại sản xuất với điều kiện “bình thường mới” chứ không làm gián đoạn quá lâu. Ví dụ gần đây có thể thấy như trường hợp Khu công nghiệp An Đồn của Đà Nẵng, đóng cửa vài ngày để dập dịch, xét nghiệm rồi đã quay trở lại làm việc với điều kiện tuân thủ 5K. Hoặc Vĩnh Phúc đã đặt ra yêu cầu khắt khe và tốn kém là xét nghiệm sàng lọc COVID, người lao động ngoài tỉnh Vĩnh Phúc vào khu công nghiệp phải được xét nghiệm ba ngày một lần hoặc là ở ngay ký túc xá do tỉnh bố trí bởi nếu “sơ sảy khiến dịch lan rộng thì hậu quả rất khó lường”.


Australia cũng thuộc nhóm các nước áp dụng chiến lược siết chặt các biện pháp chống dịch để COVID về 0. Trong ảnh: Một địa điểm xét nghiệm COVID ở Melbourne, Australia. Nguồn ảnh: Nytimes. 

 

Nhưng việc đưa ra các phân tích mang tính vĩ mô và thực hành các chính sách ở từng địa phương không phải lúc nào cũng tương đồng. Giãn cách xã hội hay phải phong tỏa một khu vực nhất định sẽ trở thành một quyết định rất cân não trước áp lực phải cố thực hiện cho bằng được “mục tiêu kép”. Thực tế đã chỉ ra, sẽ không có mục tiêu kép nào nếu không đảm bảo được yếu tố thứ nhất là chống dịch. Chúng ta hãy thử nhìn vào hai tâm điểm bùng phát dịch mà giờ đây hàng chục nghìn nhân viên, tình nguyện viên y tế ở nhiều địa phương cùng đang dồn lực vào giải quyết là Bắc Giang và Bắc Ninh. Trong lần bùng phát dịch thứ tư này, với hai điểm khởi phát từ một ca nhập cảnh và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ở Hà Nội, qua vài vòng lây nhiễm rồi không may xâm nhập vào khu công nghiệp của Bắc Giang, chỉ từ một người nhiễm bệnh, một điểm ban đầu ở một công ty, đã “cháy lan” ra cả bốn khu công nghiệp của Bắc Giang.

Nếu chỉ tính riêng hai khu công nghiệp có nhiều ca nhiễm COVID cũng như số lượng F1, F2 nhất là Vân Trung và Quang Châu ngày 8/5 có một ca, rồi sau đó thì chỉ trong vòng từ ngày mùng 9 đến 19/5 Khu công nghiệp Vân Trung đã tăng từ 32 ca nhiễm lên 358 ca nhiễm, từ ngày 16 tới 29/5 Khu công nghiệp Quang Châu tăng từ 152 ca lên 1577 ca nhiễm (nguồn từ các thông cáo báo chí của tỉnh). Và cho đến hết tháng năm, số lượng F1, F2 của mỗi khu công nghiệp Vân Trung và Quang Châu cũng vào khoảng hơn 30.000 người. Sau khi cả bốn khu công nghiệp của Bắc Giang đóng cửa hai tuần thì đến 29/5 mới có ba doanh nghiệp dần quay trở lại hoạt động.

Trường hợp của Bắc Ninh và Bắc Giang cho thấy, chỉ lơi tay chậm dù một ngày thì hậu quả là dịch bệnh sẽ xâm nhập thẳng vào sống lưng của nền kinh tế, gây hậu quả to lớn hơn nhìn thấy ngay được. Thiệt hại không chỉ tính bằng tiền, như một ước tính tạm thời của các nhà quản lý Bắc Giang cho biết một ngày dừng hoạt động thì các khu công nghiệp ở đây thiệt hại 2000 tỉ đồng, mà đây là một phần mắt xích của chuỗi cung ứng cho những công ty toàn cầu. Riêng đợt bùng phát dịch này ở hai tỉnh đã ảnh hưởng tới các nhà máy sản xuất của nhiều thương hiệu lớn như Samsung, Canon, Foxcon… Do đó, việc có kiểm soát được dịch ở đây để quay trở lại sản xuất còn là yếu tố thuyết phục về khả năng ổn định để sản xuất của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài, chỉ dấu cho thấy khả năng bảo vệ mắt xích của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chống dịch bằng các biện pháp chặt chẽ nhất đòi hỏi phí tổn nhân lực, vật lực của cả hệ thống y tế, công an, quân đội. Nhưng làm thế nào để giữ cho các ngành xương sống không bị ảnh hưởng quá lớn, người lao động không bị mất việc? Lời khuyên của các nhà kinh tế ở đây là vai trò của nhà nước rất quan trọng, “nhà nước không được tiếc tiền” cho các gói hỗ trợ doanh nghiệp bởi nếu doanh nghiệp sản xuất đổ vỡ thì phải rất lâu mới khôi phục lại được năng lực sản xuất. Năm ngoái, một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Mekong trên hơn 1300 người đã cho thấy 24% người lao động bị mất việc, 65% người bị giảm thu nhập, chủ yếu rơi vào nhóm lao động không có kỹ năng, kỹ năng thấp, trong các ngành dịch vụ, nghèo và cận nghèo. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, đây cũng vẫn là nhóm cần hỗ trợ nhất để đảm bảo an sinh xã hội. □
 

Chuẩn bị cho việc mở cửa
Để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại ở châu Âu, GS Philippe Aghion và một số nhà kinh tế khác đã đề xuất việc cho phép đi lại trong các vùng “xanh” – vùng an toàn. Giới hạn cho cư dân các khu vực “xanh” khác nhau có thể đi lại du lịch khi có các chứng nhận vaccine hoặc xét nghiệm âm tính. Nhưng yếu tố tiên quyết vẫn phải là đảm bảo các vùng xanh này không bị lây nhiễm cộng đồng trở lại.
Còn Australia cũng đã ban hành lộ trình chuẩn cho kịch bản mở cửa trở lại với các mục tiêu: phải có được một chương trình tiêm chủng vaccine toàn diện; cho phép những người đã tiêm vaccine hoặc có miễn dịch với SARS-CoV-2 được cập cảnh hoặc đi du lịch nước ngoài; hỗ trợ thí điểm mở cửa trở lại một số chương trình du lịch, công nghiệp sáng tạo, nông nghiệp và giáo dục; vẫn duy trì kiểm dịch ở các cửa ngõ của đất nước; có các địa điểm cách ly y tế với những người đến từ các nước có nguy cơ lây nhiễm cao, dương tính với virus.

 

—–

Chú thích:

1 Phạm Duy Quang và cộng sự, In the interest of public safety: rapid response to the COVID-19 epidemic in Vietnam, BMJ Global Health doi: 10.1136/bmjgh-2020-004100

2Todd Pollack và cộng sự, Emerging COVID-19 success story: Vietnam’s commitment to containment, https://ourworldindata.org/covid-exemplar-vietnam

3  Ngay cả châu Âu cũng chưa thể cho đi lại tự do mà đang nghiên cứu cho phép di chuyển với những trường hợp được chứng nhận “xanh”, tức là đã tiêm vaccine, đã có kháng thể với SARS-CoV hoặc phải được xét nghiệm âm tính. What is the EU Digital COVID Certificate? https://ec.europa.eu/info/live-work-travel-eu/coronavirus-response/safe-covid-19-vaccines-europeans/eu-digital-covid-certificate_en

4 Báo cáo số 24 về tình hình COVID ở Việt Nam năm 2020 của WHO. Nguồn: https://www.who.int/vietnam/internal-publications-detail/covid-19-in-viet-nam-situation-report-24

5 Economic damage could be worse without lockdown and social distancing – study. Nguồn: https://www.cam.ac.uk/research/news/economic-damage-could-be-worse-without-lockdown-and-social-distancing-study

6 Một mô hình của các nhà kinh tế Đại học Oxford cũng ước tính, kịch bản chống dịch bằng cách phong tỏa (lock down) giúp giảm thiệt hại ít nhất 1.7% GDP so với kịch bản không siết chặt phong tỏa. https://voxeu.org/article/voluntary-social-distancing-and-lockdowns-us

7Aiming for zero Covid-19 to ensure economic growth. https://voxeu.org/article/aiming-zero-covid-19-ensure-economic-growth?

8 Không phải chỉ có chúng ta chấp nhận giãn cách xã hội theo từng địa phương để bảo vệ sức khỏe người dân và nền sản xuất. Ngay trong ngày 27/5 vừa qua, bang Victoria, Australia cũng phải phong tỏa trong vòng một tuần, chỉ cho phép người dân ra ngoài khi có việc thiết yếu, tập thể dục, mua thực phẩm hoặc đi bệnh viện, khi phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng. Còn các địa phương khác cũng dựng hàng rào cách ly với bang Victoria. https://www.reuters.com/world/australias-victoria-state-likely-enter-covid-19-lockdown-media-reports-2021-05-26/

Tác giả