Duyên nợ với Tia Sáng từ một sự bất ngờ

Đầu những năm 2000, tôi có đọc Tia Sáng chủ yếu là thích vì tiêu đề “Một góc nhìn của Trí thức” được ghi ngay đầu bìa (tiếc rằng đến giữa 2010 thì Tia Sáng đã xóa cái tiêu đề đó), và cũng chủ yếu đọc những phần ngoài chuyên môn của tôi như những phần về văn hóa về âm nhạc, hội họa… còn các phần khác thì do dị ứng với báo chí tuyên truyền nói chung nên thú thật là không quan tâm. Về sau nghĩ lại thấy mình đã nghĩ oan cho Tia Sáng.


Tôi quen biết Tia Sáng một cách thụ động khi vào tháng 5/2006, Tia Sáng đã có bài viết dài về đề xuất và mô hình của Viện tôi nhằm xây dựng Doanh Nghiệp Khoa học Công Nghệ (Spin-off-Khởi Nguồn, Start-up-Khởi nghiệp), lúc đó việc này còn hết sức lạ lẫm với Việt Nam. Và Tia Sáng là tờ báo đầu tiên hơn 10 năm trước đã khởi xướng, và kiên trì cổ vũ cho Khởi nghiệp (Start-up), một vấn đề đang rất nóng, rất “thời thượng” hiện nay ở nước ta.

Trong một cuộc hội thảo nội bộ ở Viện Khoa học Việt Nam hồi đó, tôi có phát biểu khá liều mạng về con đường nào thích hợp cho KHCN Việt Nam lúc này, không ngờ trong hội nghị lại có mặt của đại diện báo Tia Sáng. Sau hội nghị, Tia Sáng có đặt vấn đề đăng bài tham luận của tôi. Tất nhiên là tôi không đồng ý (vì chim đã phải tên thì sợ cả cành cây cong mà!), nhưng tôi đồng ý sẽ gửi một bài khác cho Tia Sáng. Để cho an toàn, tôi chỉ gửi một bài dịch tóm tắt một cuộc tranh luận quốc tế: Cơ bản và Ứng dụng-Có phân định được rạch ròi? đăng số 15 (ngày 05/08/2006). Lúc bấy giờ, hầu hết các cơ sở nghiên cứu Việt Nam đều tìm cách thuyết minh là đơn vị nghiên cứu cơ bản để được bao cấp và để tránh sự đòi hỏi của xã hội về đóng góp của KHCN Việt Nam cho đời sống. Vì thế mở đầu bài, người dịch (là tôi) có viết một vài lời bàn góp vui, không nghĩ sẽ được đăng, trong đó có đoạn:

“Một buổi sáng đẹp trời, Thủ tướng thức dậy, bỗng thấy nước ta trở thành cường quốc về nghiên cứu cơ bản, vì trên bàn Thủ tướng một chồng thuyết minh để chứng minh về chức năng nghiên cứu cơ bản của vô vàn các tổ chức KHCN nước ta đang được trình để phê duyệt!”.

Thật bất ngờ, Tia Sáng đã đăng nguyên văn lời bình luận. Duyên nợ với Tia Sáng và sự cộng tác 10 năm qua của tôi với Tia Sáng bắt đầu từ sự bất ngờ đó. Từ ngày ấy đến nay đã chục năm rồi, tôi tự nguyện làm một công tác viên Tia Sáng, chia sẻ buồn vui với Tia Sáng. Nhờ cộng tác với Ban biên tập Tia Sáng, nhờ sự hỗ trợ, góp ý tận tình trong viết lách của những nhà báo như anh Văn Thành, chị Thu Hà, Phạm Trần Lê, qua sự thảo luận cởi mở với đội ngũ những nhà báo trẻ tài năng như Thái Thanh, Thanh Nhàn, Hảo Linh… mà tôi, một cây bút nghiệp dư bắt đầu mạnh dạn diễn đạt những quan sát, cảm nhận, suy nghĩ, ý tưởng… của mình một cách tự tin và đa dạng hơn. Và hơn hết, tôi rất khâm phục và cảm ơn Tia Sáng đã không ngần ngại đăng tải những bài viết của tôi một cách chính xác nhất có thể.

Có lần tôi ngẫu nhiên gặp mặt trao đổi với một nhóm cán bộ cao cấp, đương chức và về hưu, về nhiều vấn đề thời cuộc. Có một ai đó nhắc đến một bài báo trên Tia Sáng. Một ông cấp Vụ trưởng liền cao giọng một cách thành thật, rằng đấy là ý kiến linh tinh của bọn trí thức, không thể tin cậy, cần phải cẩn thận với ý kiến của bọn họ. Tôi hơi nóng mặt vì nghĩ mình ít nhiều cũng thuộc loài trí thức, nên vội phản ứng rằng ý kiến thì chỉ có đúng sai, sao ông lại phải phân biệt của trí thức hay của ai khác. Ông bạn Vụ trưởng trố mắt nhìn tôi như nhìn người ngoài hành tinh.

Tôi rất mừng vì Tia Sáng đã có một tác động rọi sáng nhất định nào đó cho các tầng lớp xã hội, dù yêu hay ghét. Và đó cũng là lý do để tôi được quyền tự hào là một cộng tác viên của Tia Sáng trong mười năm qua.

GS. TS Trần Xuân Hoài

Tác giả