Vài nhận xét mới về vấn đề chảy máu chất xám

Ngày nay, hầu như ai lưu tâm đến phát triển kinh tế đều nói đến vấn đề chảy máu chất xám.  Sự thật là, cho đến gần đây, phần lớn hiểu biết về vấn đề này đều có tính khẩu truyền, căn cứ trên lượng số liệu tương đối hiếm hoi, và nhất là chưa có một khung phân tích tổng thể thật khoa học và chính xác.

Rất may, trong vài năm nay, một số nghiên cứu quy mô đã bắt đầu xuất hiện.* Có nhiều nguyên nhân cho việc đáng mừng này. Một là, với sự đóng góp rõ rệt của kiều dân vào thành tựu kinh tế của nhiều nước (cụ thể là Trung Quốc và Ấn Độ), nhiều người cho rằng hiện tượng “chảy máu chất xám” (brain drain) không còn đơn giản như xưa, và hiện tượng “tuần hoàn chất xám” (brain circulation), thậm chí hiện tượng “tăng thu chất xám” (brain gain), cũng cần được chú ý. Hai là, nhờ toàn cầu hóa, các luồng chảy xuyên quốc gia của hàng hóa, vốn, và bây giờ là người, trở nên thông thoáng hơn. Vậy mà, so với trình độ hiểu biết về luân lưu hàng hóa và vốn, thì hiểu biết về luân lưu con người (nhất là chất xám) còn quá thấp, cần phải nỗ lực để biết rõ hơn. Đặc biệt, sự luân lưu chất xám nên đuợc phân tích trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, chú ý đến chính sách của những nước giàu nhằm thu hút một số loại chất xám, và ảnh hưởng khác nhau trên các quốc gia mất chất xám. Ba là, nhờ vào lượng thông tin ngày càng phong phú, phương pháp phân tích kinh tế ngày càng tinh tế, chúng ta hiểu biết nhiều hơn về hiện tượng chảy máu chất xám, phân tích và đáng giá hiện tượng này có thể khoa học hơn, dễ dàng hơn.

Bốn kênh ảnh hưởng
Có thể hình dung ảnh hưởng của chảy máu chất xám như truyền qua bốn “kênh”:
(1) Một là, chính “kì vọng” đi ra nước ngoài cũng đã có ảnh hưởng đến nhiều người trong nước (nhất là giới trẻ), dù rốt cục họ có đi hay không. Người ta không cần phải thật sự di cư mới có ảnh hưởng đến nước gốc.  Kì vọng ra nước ngoài học tập, nghiên cứu, làm ăn, sẽ thúc đẩy giới trẻ trong nước năng nổ trau giồi thêm giáo dục, tay nghề, và do đó ảnh hưởng tốt cho xã hội và kinh tế của nước họ. Ảnh hưởng này thường đuợc gọi là hiệu ứng “thu thêm chất xám” (brain gain). Một ví dụ cụ thể: chính giấc mơ sang Mỹ làm việc ở “thung lũng Silicon” đã thúc đẩy giới trẻ Ấn Độ đi vào tin học, đưa đến sự phát triển công nghiệp phần mềm ở quốc gia này.
Hiển nhiên, không phải hi vọng “xuất ngoại” của bất cứ ai bao giờ cũng thành sự thật, nhưng sự sự cố gắng của họ sẽ có lợi cho xã hội. Như vậy, cơ hội di cư ra nước ngoài sẽ tăng thêm động lực đầu tư vào giáo dục. Theo vài nghiên cứu, hiệu ứng này khá lớn cho những quốc gia (như Trung Quốc và Ấn Độ) đông dân (trên 30 triệu) và tương đối không quá nghèo. Ngoài ra, cũng nên thấy rằng các thể chế và chính sách trong một nước cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự kiện là người dân có thể ra nước ngoài lao động, sinh sống, chẳng hạn như nhà nước phải nghĩ đến những biện pháp để giữ lại những người có tài.
Song, nhìn kĩ hơn, cường độ của hiệu ứng “thu thêm chất xám” cũng tùy thuộc vào mức độ và tiêu chuẩn gạn lọc của các nước phát triển trong chính sách cho nhập cư của họ. Sự gạn lọc ấy càng tinh vi thì hiệu ứng này càng thấp vì ít người sẽ nuôi hi vọng sang các nước phát triển sinh sống. Vài nghiên cứu cũng cho thấy lắm khi triển vọng du học lại có ảnh hưởng ngược lại (thành ra xấu), vì nó có thể làm nhiều người ít trau giồi trí thức của mình hơn. Chẳng hạn như con cháu các gia đình khá giả, biết chắc rằng cha mẹ sẽ gửi mình đi ngoại quốc, có thể bỏ bê học tập trong nước. Tương tự, cũng có người sẽ đợi khi sang nước tiên tiến mới bắt đầu học hành, do đó không gây hiệu ứng “thu thêm chất xám” nào cho quốc gia sinh quán của họ.
(2) Hai là, sự “vắng mặt” của chất xám sẽ có ảnh hưởng không tốt cho quốc gia gốc của họ. Đây là hậu quả mà từ lâu ai cũng biết. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây có phát hiện nhiều chi tiết mới, chẳng hạn như ảnh hưởng khác nhau của các loại chất xám, ngoài việc gây thiếu hụt trong “thị trường đầu vào”. Sự thất thoát của những người có tay nghề cao, nhất là những cá nhân nhiều khả năng tổ chức và điều hành, sẽ gây thuơng tổn đặc biệt nặng nề cho các nước nghèo, hơn hẳn sự thất thoát của những loại chất xám khác. Sự di cư của những người có kinh nghiệm quản lí bệnh viện, chủ nhiệm khoa ở các đại học, các bác sĩ, y tá, và nhà giáo, từ các quốc gia chậm tiến là nguyên do chính  khiến các nước này không thoát ra đuợc cái bẫy nghèo khổ. Nhiều phân tích khác thì cho rằng không phải sự thất thoát của những chuyên gia đã gây thiệt hại nặng nề như vậy, nhưng là sự thất thoát của giai cấp trung lưu.
Cũng phải nói đến ảnh hưởng trên chính những người ra đi. Đáng ngạc nhiên là cho đến nay ảnh hưởng này tương đối ít được biết một cách cặn kẽ (ngoài khẳng định chung chung là, tất nhiên, đời sống của họ hẳn là khấm khá hơn, nếu không thì họ đã không đi!). Vài nghiên cứu vừa xuất hiện đã cho nhiều thông tin mới về ảnh hưởng này. Chẳng hạn như một khảo sát gần đây cho thấy chất xám nhập cư vào Mỹ đã tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ (và nâng cao thu nhập trong một số công nghiệp), không phải lấy việc của dân Mỹ như trước đây nhiều người vẫn nghĩ.
(3) Ba là, ảnh hưởng của cộng đồng kiều dân: Đây là ảnh hưởng từ xa của người đang sinh sống ở nước ngoài đối với quốc gia gốc của họ. Ngoài những ảnh hưởng về thương mại, đầu tư, kiều hối, và kiến thức, một người sống xa xứ mà thành đạt cũng giúp hạ thấp những rào cản kinh doanh quốc tế qua vai trò “trung gian uy tín” tức là cho các đối tác quốc tế hiểu biết thêm về dân tộc họ, và những cơ hội làm ăn ở quê hương họ, và ngược lại, giúp đồng bào trong nước họ biết về nước ngoài. Nói cách hoa mỹ, cộng đồng kiều dân là rất quan trọng trong tiến trình giúp nước họ hội nhập vào mạng lưới sản xuất toàn cầu và thương mại quốc tế.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì đúng là kiều hối có trực tiếp giúp đỡ các nước chậm tiến giảm nghèo, và là một nguồn ngoại tệ quan trọng, song ảnh hưởng rộng hơn thì khá phức tạp, và tùy từng nước. Ở Guatemala, chẳng hạn, đa số gia đình nhận kiều hối dùng tiền đó để giáo dục con em hơn là tiêu dùng. Nhưng ở Mexico thì mức độ giáo dục của con cái những gia đình có thân nhân ở Mỹ thì lại thấp hơn con cái những gia đình khác, có lẽ vì các gia đình có người di dân nghĩ rằng rồi con cái họ cũng sẽ sang Mỹ làm lao động chân tay, mà những việc đó thì đâu cần trình độ giáo dục cao!
(4) Bốn là kênh “hồi hương”. Đó là ảnh hưởng của kiều dân hồi hương sau nhiều năm sinh cơ lập nghiệp ở nước ngoài, với tay nghề cao hơn, mạng lưới xã hội rộng hơn, và tài sản nhiều hơn.  Bây giờ họ có nhiều khả năng đóng góp hơn cho quê hương họ.

Chính sách
Như đã nói ở trên, các nước đã phát triển (cụ thể là Mỹ, Anh, Canada, Úc) không chỉ thụ động đón nhận chất xám tìm đến với họ, nhưng đa số còn có những chính sách tích cực thu hút chất xám để (a) bù lấp thiếu hụt chất xám của chính họ, và (b) tăng thế cạnh tranh của họ trên thương trường quốc tế. Cụ thể, các nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ chảy máu chất xám tùy thuộc vào chính sách của các nước tiên tiến (mà chất xám muốn đến) không kém gì vào điều kiện sinh sống ở quốc gia gốc. Nói cách khác, chính sách của các nước đang thất thoát chất xám phải trực diện với sự thật là có một nổ lực cố tình thu hút chất xám (nhất là trong một số ngành nghề nhất định, cụ thể là y khoa và tin học) của các nước đã phát triển.
Như vậy, có thể xếp các chính sách đối với vấn đề chảy máu chất xám làm bốn loại: “hạn chế”, “đền bù”, “sáng tạo”, và “móc nối”.
(1) Về hạn chế, nhiều tác giả cho rằng một chính sách di cư cân đối (giữa các ngành nghề, từ các quốc gia khác nhau) sẽ là công bình và tốt cho phát triển chung. (Hiện nay các nước giàu thu hút chất xám trình độ cao, thậm chí chỉ trong một số ngành nghề nhất định, và không hồ hởi vói các loại hạng lao động khác). Các nước giàu phải cương quyết không “câu” những chất xám (chẳng hạn như bác sĩ, y tá) mà sự ra đi của họ sẽ gây thiệt hại vô cùng cho các quốc gia mà mức độ phát triển đang là thấp nhất.
(2) Nếu không hạn chế được sự thất thoát chất xám thì cũng phải có cách đền bù cho những người ở lại. Có trách nhiệm đền bù có thể là chính phủ các nước giàu, các công ty những nước giàu đang dùng chất xám, hoặc do chính nguời có chất xám sau khi đã ra nước ngoài.
(3) Về mặt “sáng tạo” thì các nước giàu phải đầu tư nhiều hơn để gây dựng chất xám cho công dân họ. (Chính sự thiếu hụt chất xám bản xứ là lí do họ cần chất xám ở các nước nghèo để lấp vào lỗ hổng!). Về phía các nước nghèo, với tiên đoán rằng người có học lực càng cao thì càng nhiều khả năng đi khỏi nước, chính phủ nên bắt buộc các người này phải đóng góp nhiều hơn để trang trải phí tổn đào tạo, giáo dục họ. Các nước đang phát triển cũng phải nâng cấp nền giáo dục của họ, đơn giản là vì chính hệ thống giáo dục yếu kém của họ đã “xua đuổi” các nhà giáo dục tài ba của họ ra nước ngoài.
(4) Về mặt “mạng lưới xã hội”: các nước gốc phải có những chính sách nhằm bảo tồn liên lạc giữa người đã ra đi và đất nước quê hương. Tất nhiên, các chính sách này cũng phải gồm những biện pháp khuyến khích chất xám hồi hương. Cả nước gốc lẫn nước thu nhận phải làm dễ dàng việc xuất nhập cảnh của kiều dân, gửi kiều hối, và đầu tư. Theo đa số người nghiên cứu vấn đề này, các chính phủ nên tạo động lực cho người muốn trở về hơn là gây thêm rào cản cho người muốn ra đi.
————
*Xem, chẳng hạn như: (1) Kapur và McHale, 2005, “Give Us Your Best and Brightest”, Center for Global Development; (2) Schiff và Ozden, 2005,  “International Migration, Remittances and the Brain Drain”, World Bank; (3) Boucher, Stark và Taylor, 2005, “A Gain with a Drain? Evidence from Rural Mexico on the New Economics of the Brain Drain”, Center for Development Research; (4) Ottaviano và Peri, 2005, “Rethinking the Gains From Immigration: Theory and Evidence From the U.S.”, University of Cafifornia, Davis

Trần Hữu Dũng 


Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả