Ai cần tiêm bổ sung mũi thứ ba?

Có không ít trường hợp có những người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn bị lây nhiễm virus corona. Do đó, chính phủ Đức muốn bắt đầu tiêm chủng tăng cường từ tháng chín. Liệu tiêm bổ sung có giúp người ta an toàn hơn?

Sau mùa đông bị phong tỏa, hy vọng trở lại với cuộc sống bình thường đã được nhen nhóm vào mùa xuân năm nay. Nhưng liệu có thể tận hưởng cuộc sống bình thường? Mọi người nhìn Israel với sự hoài nghi: các cửa hàng và trường học mở cửa, mọi người gặp lại nhau, đi đến các nhà hàng không đeo khẩu trang giống như trước đây.

Cuộc chiến giữa con người và virus tưởng như  đã được quyết định. Israel đã thể hiện một cách thuyết phục bằng  tiêm chủng, tiêm chủng, tiêm chủng. Một nửa dân số Israel đã được tiêm vaccine  Pfizer/Biontech. Nhưng lúc này thế giới lại nhìn Israel với sự lo lắng. Số lượng các ca lây nhiễm mới tăng, các biến thể  Delta lây lan nhanh. Ngoài ra xẩy ra ngày càng nhiều các vụ đột phá tiêm chủng: cả những người tiêm chủng hai lần rồi vẫn bị lây nhiễm virus. Một số ca thậm chí phải đi bệnh viện. Ở Đức cũng xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp tương tự. Câu hỏi đặt ra là khả năng bảo vệ của vakzin kéo dài bao lâu? Liệu những người đã tiêm chủng hai lần có cần tiêm lần thứ ba? Hoặc cuối cùng phải tiêm bố sung bao nhiêu lần nữa?

Chính phủ Israel đã có phản ứng đối với chiến dịch tiêm bổ sung: cuối tháng 7 bắt đầu tiêm đợt ba cho những người trên 60 tuổi sau đó hạ dần xuống 50 rồi 40.  Hiện tại, có 20% dân số quốc gia này đã tiêm ba lần – như vậy Israel lại đi tiên phong về tiêm chủng. Một số nước khác cũng đang cân nhắc về tiêm bổ sung: ví dụ, Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn đã thông báo rằng từ tháng 9, họ sẽ cung cấp mũi tiêm thứ ba cho người già và những người cần được chăm sóc về sức khỏe cũng như những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch. Hiện tại ông đang xem xét việc có thể mở rộng điều này cho tất cả mọi người không. Chính phủ Hoa Kỳ cũng muốn bắt đầu tiêm chủng tăng cường cho tất cả mọi người từ tháng Chín.

Tuy nhiên, WHO lại chủ trương trước hết tập trung vaccine để tiêm cho các nước nghèo nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng bởi đây không chỉ là vấn đề công bằng vaccine mà còn là việc giảm nguy cơ hình thành đột biến mới. Ở các nước đang phát triển, cho đến nay trung bình chỉ có 1,6% người dân được tiêm chủng ít nhất một mũi.

Người cao tuổi và người bệnh vẫn dễ bị lây nhiễm

Tiêm chủng lần thứ ba cũng là đề tài tranh cãi giữa các nhà miễn dịch học. Nhà virus học Christian Drosten của Bệnh viện Berliner Charité cho rằng, tiêm chủng đợt ba trong mùa thu này không cần thiết với đại bộ phận dân chúng bởi nó chỉ có ý nghĩa với nhóm có nguy cơ cao. Ngay cả các nhà miễn dịch học Hoa Kỳ cũng chỉ trích tiêm chủng bổ sung lần ba cho mọi người. Céline Gounder của Trung tâm  Bellevue ở  New York cho rằng: “Chúng ta sẽ được bảo vệ tốt hơn so với những người chưa tiêm ở trong nước Mỹ cũng như trên thế giới”. 

Theo báo cáo của Viện Robert-Koch, cho đến nay ở Đức có 335 ca tiêm chủng đầy đủ mà vẫn bị lây nhiễm COVID -19 và qua đời. 279 người trong số này, tức 84% trường hợp đều trên 80 tuổi. Trong nhóm ở độ tuổi 60 chỉ có một ca tử vong duy nhất, dù đã tiêm chủng đầy đủ còn nhóm không tiêm chủng có tới 1.871 ca tử vong vì COVID-19. Nói chung, các nhà miễn dịch học đều biết những người nhiều tuổi, có bệnh nền thường có phản ứng miễn dịch yếu, do đó dù có tiêm chủng đầy đủ thì họ vẫn có thể bị lây nhiễm COVID -19. Do vậy, cần tiêm bổ sung mũi ba cho nhóm người này. 

Theo thời gian, khả năng bảo vệ của vaccine giảm dần, ví dụ với vaccine Pfizer/Biontech khả năng bảo vệ sau tiêm chủng 4 tháng giảm từ 88% xuống chỉ còn 74%, với AstraZeneca từ thì 77% xuống 67%. 
Từ các số liệu này, xin đừng nghĩ rằng tiêm chủng là vô nghĩa. Khi khả năng bảo vệ của tiêm chủng đạt 60 đến 70% vẫn được đánh giá là tốt bởi nhờ có tiêm chủng mà người ta có thể tránh không bị bệnh nặng. Theo đánh giá mới nhất rút ra từ 4,7 triệu người Israel đã tiêm đầy đủ, tính đến tháng sáu 2021, những người từ 40 đến  59 tuổi sau sáu tháng còn hiệu lực để 94% tránh không bị bệnh nặng, trên 60 tuổi là 86%. Diễn biến bệnh ở những người có tiêm chủng cũng nhẹ nhàng hơn. Một nghiên cứu sơ bộ ở Ấn Độ cho thấy, cả mức độ nghiêm trọng của bệnh và nhu cầu cần  hỗ trợ bằng máy thở đều thấp hơn đáng kể ở nhóm được tiêm chủng, mặc dù có nhiều người lớn tuổi hơn và nhiều người thuộc nhóm nguy cơ cao. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong thấp hơn đáng kể ở những người được tiêm chủng đầy đủ.  

Do đó tiêm chủng bổ sung cho những người đã tiêm chủng khỏe mạnh để tránh bị nhiễm bệnh nặng là không cần thiết.  

Không thể đo khả năng bảo vệ nhờ tiêm chủng

Lượng kháng thể cao trong máu cản trở sự xâm nhập virus corona vào đường hô hấp. Các tế bào bộ nhớ ngăn cản sự lây lan của chúng trong cơ thể qua đó ngăn chặn không xảy ra bệnh tật. Để kích thích các loại tế bào quan trọng này có thể đến một lúc nào đó tiêm chủng bổ sung là cần thiết. Tuy nhiên khi nào? Nhà nghiên cứu Christine Dahlke nói “Đối với các loại tiêm chủng khác người ta biết, tiêm bổ sung sau này có tác dụng kích thích một lần nữa đối với các tế bào bộ nhớ qua đó tăng sức đề kháng cho một vài năm sau, thậm chí lâu hơn từ đó không cần phải tiêm chủng bổ sung nữa”. Nhà miễn dịch học Maike Hofmann ở thuộc bệnh viện trường Đại học Freiburg, cũng cho rằng có thể cần tiêm chủng bổ sung: “Tôi không nghĩ phải tiêm với khoảng cách sáu tháng một lần”. Leif Erik Sander dự đoán con virus này sẽ tồn tại lâu dài trong xã hội  và có thể sau mười năm thì cần tiêm bổ sung một lần. Nhưng điều đó cũng có thể là không cần thiết, “vì cơ thể có phản ứng nội sinh, tự bảo vệ với loại virus chỉ xuất hiện theo mùa”.

Xuân Hoài tổng hợp

Nguồn: https://www.welt.de/wissenschaft/plus233404143/Corona-Wer-braucht-die-dritte-Impfung.html

https://www.tagesschau.de/inland/innenpolitik/corona-schutzimpfung-drosten-101.html

Tác giả