Chuyện nồi dưỡng sinh của ông Lý Ngọc Minh

Dân ta có câu “bệnh tùng khẩu nhập” ( bệnh từ miệng vào), lại có câu “dĩ thực vi tiên”( cái ăn là đầu tiên), mà ăn thì phải nấu nướng, cho nên chuyện nồi niêu soong chảo, mới nghe tưởng là chuyện dân dã, thật ra là chuyện quan trọng hàng đầu, nhất là thời buổi động đến cái gì để đưa vào miệng cũng có nguy cơ “ung thư”!

Có lẽ vì lý do đó mà vừa rồi Tia Sáng đã ưu ái mời mấy anh chị em chiến hữu thân thiết, am hiểu kinh tế kỹ thuật, đến trải nghiệm về chuyện dưỡng sinh nấu nướng, nồi niêu, soong chảo qua việc trực tiếp mắt thấy, tay sờ, miệng nếm tại Showroom Minh Long, của ông chủ Lý Ngọc Minh, một người nổi tiếng về đam mê đổi mới – sáng tạo.


Ông Lý Ngọc Minh chia sẻ lối sống dưỡng sinh.Ảnh: Hảo Linh

Người ta nói rằng sự phát triển của nhân loại thường theo quy luật đi lên theo kiểu xoáy trôn ốc, nghĩa là qua thời gian hàng ngàn năm thì lại quay về phương án cũ nhưng với trình độ cao hơn. Quy luật này quả thật là đúng cho sự phát triển biến đổi của vật liệu chế tạo nồi niêu soong chảo (từ đây về sau gọi tắt là nồi đun nấu- Cookingware).

Người nguyên thủy bắt từ đất nặn ra nồi đất nung, (nay vẫn còn ở nhiều nơi ở nước ta) tiến lên nồi gốm (như đang dùng ở các quán cơm niêu), sang nồi đồng, vươn lên nồi gang (sắt), nhôm, rồi đến nồi kim loại phủ chống dính (bằng teflon, tráng men hoặc sứ) hiện đại nhất là inox và chưa hết đâu, mới xuất hiện một hai năm gần đây là nồi sứ toàn phần (gọi tắt là nồi sứ-porcelain), tức là lại quay về vật liệu đất với một trình độ cao hơn gấp bội. Tại sao lại quay về với đất, khi mà đã đạt đến sự hiên đại, thuận tiện, sạch sẽ như chất liệu chống dính, Inox ?

Bởi vì bây giờ người ta đã nhận thức được rằng, vì cái bẫy hiện đại mà con người ta hằng ngày đã đưa vào cơ thể những độc hại không ai ngờ, đó là những kim loại nặng độc hai bị thẩm xuất (leaching) vào thức ăn nếu dùng các nồi nấu bằng kim loại, dù đó là đồng, gang, nhôm, inox và đặc biệt nguy hại là lớp phủ chống dính, điển hình là các chất dẻo tổng hợp chống dính chứa thành phần perfluorooctanoic acid (PFOA). Chỉ cần đun đến 2300C thì chảo chống dính sẽ phân hủy giải tỏa ra PFOA, mà nó độc hại thế nào thì ai cũng biết. (Thí nghiệm trên chuột cho thấy PFOA tác động hủy hoại các cơ quan nội tạng, gây tử vong; dù nhiễm với liều lượng vô cùng nhỏ nó cũng tác động hư hại tuyến yên của chuột cái …).

Và người ta cuối cùng nhận ra rằng chỉ có dùng đất làm vật liệu là tốt nhất, an toàn nhất cho nồi niêu soong chảo! Thế thì chúng ta cần làm gì nữa, dùng nồi đất nung như người xưa đã dùng là được rồi.
 


Sự phát triển của nhân loại thường theo quy luật đi lên theo kiểu xoáy trôn ốc, nghĩa là qua thời gian hàng ngàn năm thì lại quay về phương án cũ nhưng với trình độ cao hơn. Quy luật này quả thật là đúng cho sự phát triển biến đổi của vật liệu chế tạo nồi niêu soong chảo.

Nồi đất nung, nồi gốm (ceramic), nồi sứ (porcelain) là cùng một họ làm ra từ đất, miễn sao định hình được, chứa được một lượng thực phẩm, đặt được trên ngọn lửa để nung nóng thực phẩm mà không vỡ là dùng được. Muốn không vỡ thì phải chịu được sốc nhiệt (thermal shock). Bạn thử đặt một cái đĩa sứ mỏng lên lửa bếp gas mà xem, nó vỡ ngay, đó là vì độ shock nhiệt kém. Nhưng nồi đất nung, nồi gốm thì không sao cả.

Nguyên nhân là do nồi đất, nồi gốm có nhiều lỗ nhỏ ly ti, khi gia nhiệt đột ngột gây giãn nở vật liệu thì có chỗ mà giãn, còn sứ thì mịn hơn, tuyệt đối không có lỗ rỗng nên không biết giãn đi đâu nên vỡ thôi. Có độ xốp thì chịu sốc nhiệt tốt nhưng lại hút thấm nước nhiều, khi nấu ăn thì các chất lỏng tiết ra từ thức ăn thấm vào các lỗ nhỏ, lâu ngày sinh ra chất độc hại, bốc mùi thối, không rửa được (bạn thử lấy nồi gốm kho cá đem đi nấu nước pha trà mà xem!). Hơn nữa đất nung và gốm có độ xốp như vậy nên dẫn nhiệt kém, thực phẩm chín không đều.


Minh họa cách luộc rau, củ không cần nước bằng nồi sứ Minh Long I. Ảnh: Hảo Linh

Hẳn các bạn còn nhớ thuở xưa nấu cơm bằng nồi đất thì phải phủ rơm lên trên nồi đốt cho nóng đều, ngày nay các quán cơm niêu phải bỏ cả niêu cơm và trong lò thì cơm mới ngon. Còn sứ thì không thấm nước, bền, dễ rửa sạch, trơ với mọi hóa chất nên rất thích hợp. Vậy là nếu tìm cách làm ra một loại sứ mà độ sốc nhiệt thật cao, độ dẫn nhiệt tương đối tốt thì đó là cái nồi nấu lý tưởng, không độc hại, thơm tho, dễ cọ rửa, không cháy , không dính, thuận theo lẽ tự nhiên. Theo mốt thời thượng (fashion) người ta gọi đó là Nồi Sứ Dưỡng Sinh, nghe cho nó hấp dẫn !

Cùng với các anh chị Nguyễn Quân, Phạm Chi Lan, Phạm Duy Hiển, Lê đăng Doanh, Văn Thành, Thu Hà, Trần Đức Viên…tôi được mời chứng kiến và thưởng thức tại chỗ các thực phẩm nấu bằng nồi sứ dưỡng sinh Minh Long. Xin nhắc lại, nấu bằng nồi sứ nhé, từ luộc rau, khoai, gà… không cần nước, không mỡ, không dính, không cháy…và ăn thì tươi ngon như thế nào, khỏi phải viết ra nữa, (dành cho các nhà quảng cáo làm việc này).


Các khách mời xem cách nấu các món ăn bằng nồi sứ Minh Long I. Ảnh: Hảo Linh

Điều tôi muốn nói là rất ngạc nhiên, đến mức tôi phải hỏi Giáo sư vật lý Phạm Duy Hiển là anh có thể giải thích bằng khoa học chuyện này không. Nồi rõ ràng là sứ, mà dẫn nhiệt tốt, chỉ thua kém kim loại ít thôi. Lại nữa nhiệt chỉ dồn vào phía trong, bên ngoài không nóng bỏng như nồi inox. Sứ mà chịu được sốc nhiệt lên đến 8000C (trên thế giới hiện chỉ đạt 5-6000C) thì thật là chuyện kỳ diệu của vật liệu mà ông Lý Ngọc Minh đã chế ra được. Lại thêm chuyện thức ăn chín là nhờ tia hồng ngoại (IR), nhờ hiệu ứng nhà kính, tia IR đa phần tập trung vào trong nồi mà ít ra ngoài, cho nên đã tiết kiệm năng lượng, thức ăn lại chín đều, sâu, không dính cháy, không cần mỡ hoặc nước. Lại có loại nồi sứ nấu được bằng bếp từ cảm ứng mà không có đáy sắt nặng.

Làm thế nào mà ông Minh tạo được lớp đáy cảm ứng từ như kim loại mỏng như lớp men ở đáy chỉ vài trăm micromet và cực mạnh như vậy. Tôi dành câu hỏi này cho các đồng nghiệp ở các Viện chuyên về nghiên cứu Vật liệu (như ở VHLKHCNVN chẳng hạn). Và muốn nói thêm liệu các bạn , đặc biệt là với các bạn chuyên về vật liệu từ đất hiếm, liệu có làm được vật liệu thôi, chưa nói là làm thành men sứ sắt từ mỏng và cảm ứng mạnh như ông Minh đã làm đươc?

Tôi cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến với bao nhiêu là thuyết giảng, tiêu bao nhiêu tiền (chùa) , mua bao nhiêu thiết bị, xây bao phòng TN trọng điểm…với hàng trăm bài báo ISI dưới danh nghĩa chương trình trọng điểm cấp nhà nước “vật liệu mới”, liệu có sản phẩm nào ra tấm, ra miếng được như nồi sứ dưỡng sinh của ông Lý Ngọc Minh, một người lao động sáng tạo không được học hành, không bằng cấp, đã tự học, tự mày mò hơn bốn năm trời để cho ra bộ sản phẩm tuyệt vời này!

Còn dân Việt Nam thật vui mừng là từ nay đã có một dụng cụ nấu nướng Made in Vietnam cực kỳ an toàn, vệ sinh, chất lượng cao ngang ngửa, nếu không nói có nhiều chỉ tiêu còn hơn thế giới, theo tôi biết ít nhất là cho đến lúc này ! Không phải chém gió đâu nhé, nói thật đấy, tôi chẳng có và cũng chẳng cần có lợi ích riêng gì với công ty này đâu, tôi viết những dòng này chẳng qua là vì khâm phục ông Lý Ngọc Minh & cộng sự mà thôi.

Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/chuyen-noi-duong-sinh-cua-ong-ly-ngoc-minh/20180906103344923p1c859.htm

Tác giả