Göbekli Tepe: Hình học dẫn dắt xây dựng ngôi đền cổ nhất thế giới?

Các điểm trung tâm của ba vòng tròn cự thạch tại Göbekli Tepe, ngôi đền cổ nhất thế giới nằm ở Tiểu Á, đã hình thành một tam giác gần như hoàn hảo. Phát hiện này của các nhà khảo cổ Đại học Tel Aviv (Israel) buộc chúng ta phải nghĩ lại về những người săn bắn – hái lượm bởi rất có thể họ đã biết cách xây dựng đền thờ trên một sơ đồ hình học chính xác.


Một phục dựng về hoạt động ở Göbekli Tepe. Nguồn: National Geographic

Cuộc tranh cãi bất tận

Göbekli Tepe, một di chỉ khảo cổ thời đại Đồ đá mới (bắt đầu từ khoảng năm 10.200 trước Công nguyên) nằm trên một ngọn núi đá vôi ở Đông Nam Tiểu Á (Anatolia), một bán đảo châu Á nhưng ngày nay thuộc lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, được cho là có tuổi đời khoảng 11.500 năm. Các cột đá hình chữ T của ngôi đền này được chạm khắc những hình vẽ động vật, những biểu tượng trừu tượng và những bàn tay người đầy bí ẩn. Chúng được xếp thành hình những vòng tròn và trái xoan khổng lồ – mỗi cấu trúc đều được tạo thành bởi hai cột trụ tâm lớn, xung quanh là những cột nhỏ hơn hướng vào trung tâm. Cũng như khu đá cổ Stonehenge ở Anh, Göbekli Tepe được các nhà khảo cổ tin rằng đây là một địa điểm thiêng liêng. Những đợt khai quật trước đây đã khám phá ra là địa điểm này có thể thuộc về một nền văn hóa thờ cúng đầu lâu (skull cult).

“Göbekli Tepe là một kỳ quan khảo cổ”, theo Avi Gopher, một nhà khảo cổ ở trường Đại học Tel Aviv và là một trong hai tác giả của nghiên cứu mới về ngôi đền trên tạp chí Cambridge Archeological Journal, do chưa có bằng chứng về việc thuần hóa cây cối hay loài vật trong thời điểm xây dựng ngôi đền nên địa điểm này được tin là do những người săn bắn – hái lượm tạo thành. Dẫu vậy thì sự phức tạp về kiến trúc của các cột cự thạch khổng lồ tạo nên vẻ hùng vĩ huy hoàng của ngôi đền là dấu hiệu vô cùng bất thường ở họ”. 

Kể từ khi các chuyên gia khảo cổ trường Đại học Istanbul và Đại học Chicago phát hiện vào năm 1964, họ vẫn bác bỏ khả năng ngôi đền này là một nghĩa trang thời Trung cổ. Tuy nhiên vào năm 1994, nhà khảo cổ học người Đức Klaus Schmidttieets công bố độ tuổi thật của khu kiến trúc đá này đã thổi bùng một làn sóng gây sốc trong lĩnh vực khảo cổ và thách thức một lý thuyết tồn tại khá lâu là hình thái tôn giáo có tổ chức chỉ có thể xuất hiện sau khi có nông nghiệp. Một cuộc tranh cãi nảy lửa về nguồn gốc thật sự của ngôi đền đã xảy ra và ngày nay vẫn còn tiếp tục.

Độ tuổi của Göbekli Tepe – và sự thiếu bằng chứng về việc trồng trọt hay thuần hóa loài vật xuất hiện gần đó – đề xuất rằng các nỗ lực điều phối cần thiết để xây dựng ngôi đền có thể dẫn đến việc định cư hơn là hệ quả của nó. Do đó nảy ra hàng loạt câu hỏi mà đáng chú ý là làm thế nào mà những người săn bắn hái lượm với một cấu trúc xã hội được tin là xã hội nguyên thủy lại có thể xây dựng được nhiều vòng tròn đá khổng lồ trên đỉnh một ngọn đồi cằn cỗi ở nơi mà ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ? Một xã hội phần lớn là du canh du cư, nay đây mai đó tại thời điểm là bình minh của nền nông nghiệp lại có thể sắp đặt được các nguồn lực và cái mà ngày nay chúng ta gọi là know-how để tạo ra ngôi đền cổ xưa nhất thế giới? 

Rất nhiều địa điểm của ngôi đền đã được khai quật để làm rõ hơn các câu trả lời. Những nghiên cứu đó đã cho thấy có thêm 15 vòng tròn được tạo ra từ những cột đá khổng lồ khác vẫn còn nằm im lìm dưới lớp đất sỏi. Một trong những câu hỏi nổi bật về di chỉ cổ đại này là liệu các kiến trúc này được xây dựng một cách đồng thời hay từng cái một. 

Mẫu hình không chờ đợi

Giáo sư Avi Gopher và Gil HQaklay, nghiên cứu sinh của ông và làm việc tại Cơ quan quản lý cổ vật Israel, đã tập trung vào việc lý giải câu hỏi “các kiến trúc này được xây dựng một cách đồng thời hay từng cái một?” bằng việc xác định liệu những khu vực bao quanh của ngôi đền có phải là một phần của một sơ đồ kiến trúc gắn kết thực sự hay chúng được xây dựng mà không có sự liên quan đến nhau. Việc họ trả lời được câu hỏi này có thể góp phần làm sáng tỏ những vấn đề đang gây tranh cãi về ngôi đền. “Phát hiện đầu tiên về di chỉ này đã là một bất ngờ lớn và chúng tôi đang chứng tỏ là việc xây dựng chúng thậm chí còn phức tạp hơn điều chúng ta nghĩ”, Haklay nói với Haaretz, một tờ báo của Israel. 


Mẫu hình mà hai nhà khảo cổ Israel phát hiện được. Nguồn: Avi Gopher/Gil Haklay

Để giải quyết điều đó, họ sử dụng một cách tiếp cận khác trước đây: sử dụng những thuật toán máy tính là phân tích hình thái kiến trúc, vốn hay được sử dụng để truy dấu các nguyên tắc lập kế hoạch và các phương pháp dùng trong thiết kế các cấu trúc để phân tích kiến trúc còn bị ẩn dấu trong di chỉ khảo cổ này. Họ đã đo đạc các khoảng cách bên trong những khu vực có đá bao quanh và giữa chúng với nhau. Kết quả cho thấy khoảng cách lớn nhất là khoảng 20 mét. 

Họ phát hiện ra hai cột đá ở vị trí trung tâm nhất sắp hàng một cách chuẩn xác với trung điểm của các cấu trúc hình tròn. Tiếp theo, khi vẽ ra một đường ảo kết nối các tâm điểm của ba kiến trúc hình tròn lại, họ tìm thấy một hình tam giác đều gần như hoàn hảo, hoặc một tam giác với ba cạnh có độ dài gần như bằng nhau. “Dĩ nhiên là tôi không chờ đợi điều này”, Haklay kể lại, “Các khu vực có đá bao quanh đều có kích thước khác nhau và các hình dạng khác nhau nên việc hình thành tam giác đều từ các điểm trung tâm đó là ngẫu nhiên thật khó xảy ra”. 

Điều đó cũng có nghĩa là có ba cấu trúc được những người xây dựng lên kế hoạch cùng lúc và được xây cất theo một “thiết kế hình học”, Gopher giải thích. Các nhà khảo cổ tin là những người săn bắn – hái lượm phải  đào bới và vận chuyển những khối đá vôi từ một mỏ đá ở gần đó. 

Việc xây dựng một trong ba kiến trúc này đã là một dự án lớn nhưng việc lập kế hoạch xây cả ba có nghĩa là những người đó phải có rất nhiều nguồn nhân lực và nhiều năng lượng”, Gopher trao đổi với Live Science như vậy. 

Tuy nhiên, dù cho rằng ba khu rào đá này dường như cùng thuộc về một dự án thì các phương pháp xác định niên đại không thể chứng tỏ liệu chúng có được xây dựng cùng thời gian hay có lẽ, một vài tháng hay vài năm riêng rẽ, Gopher nói. 

Trong nghiên cứu “Geometry and Architectural Planning at Göbekli Tepe, Turkey” (Hình học và lên kế hoạch kiến trúc tại Göbekli Tepe, Thổ Nhĩ Kỳ”, họ cho rằng “Sự phức tạp của thiết kế kiến trúc phải cần đến một lược đồ hoặc sơ đồ mà những người xây dựng đã sử dụng làm hướng dẫn để tái tạo các cấu trúc lớn hơn”. Điều đó có nghĩa là các tổ tiên săn bắn – hái lượm cổ xưa của chúng ta có một hiểu biết nhất định về khái niệm của một kế hoạch có mặt bằng xây dựng phức tạp và có thể tái tạo nó ở bất cứ quy mô nào, có thể sử dụng những sợi dây để đo đạc vị trí để lắp ráp từng cột trụ. Tại thời điểm mà phát minh ra chữ viết còn sau thời điểm làm đền cả thiên niên kỷ thì có thể là họ sử dụng các cây sậy có chiều dài bằng nhau để tạo ra một phép đo đạc.

Những nghiên cứu trước đây của Avi Gopher và Gil Haklay ở những di chỉ khác cho thấy các kiến trúc sư trong thời kỳ Đồ đá mới hoặc thậm chí là thời đại Đồ đá cũ không thể xây dựng các khu định cư và nhà nhưng có khả năng áp dụng các nguyên tắc hình học sơ đẳng và sáng tạo những đơn vị đo lường tiêu chuẩn.  

Chưa hết băn khoăn

Rút cục, phát hiện của hai nhà nghiên cứu Israel lại mở ra những tranh luận mới, bởi theo họ thì xã hội thời Đồ đá mới đã có cấu trúc phức tạp. 

Nghiên cứu của họ cho thấy “đây là nơi bắt đầu của mọi thứ: sự chia sẻ cơ bản của các xã hội săn bắn – hái lượm đã được giảm thiểu và sự bất bình đẳng đang lớn lên; một số người điều hành công việc – tôi không biết là liệu đó có phải là những ‘thầy đồng’ hay những nhà lãnh đạo xã hội, nhưng đó là một xã hội có một nhà kiến trúc và ai đó đủ quyền năng thiết lập một dự án như vậy và có uy lực để khiến dự án diễn ra”, Gopher diễn giải. 

Các cột hình chữ T lớn và niềm tin vào những hình giống người và vật đã được diễn giải như những totem: có lẽ thể hiện những linh hồn che chở, có thể là những tổ tiên đã khuất núi, một số người trong số đó được tin là đã hiển hiện dưới hình thức một con vật. Ý tưởng những hình hiệu thú và hình hiệu người có thể tái hiện cái chết được sùng kính được củng cố bằng một nghiên cứu gần đây về các mảnh sọ được biến đổi chôn cất tại di tích này, vốn được nhiều nhà nghiên cứu coi là bằng chứng về hình thức tôn giáo của tổ tiên.

Việc nhận diện ra mẫu hình học được giấu kín làm tăng thêm quan điểm Göbekli Tepe như một địa điểm tôn giáo, Haklay và Gopher nhận xét. Cạnh phía Nam của tam giác đều chạy qua các cột đá trung tâm của khu vực lân cận, tạo thành một hình đa giác. Trục vuông góc với đường thẳng này chạy qua toàn bộ di tích và kết thúc ở trung tâm của một khu rào đá khác, có thể được coi là đỉnh của một kim tự tháp.

Nghiên cứu mới là “một đóng góp đáng kinh ngạc cho hiểu biết của chúng ta” về di tích kì bí này, Anna Belfer-Cohen, một giáo sư khảo cổ tại trường Đại học Hebrew tại Jerusalem và là một chuyên gia về thời tiền sử. Tuy vậy dù đã khai quật nhiều vòng tròn đá tại Göbekli Tepe và các địa điểm liền kề thì chúng ta vẫn chưa biết là kết luận từ nghiên cứu này có thể áp dụng cho mọi khu vực hay không, Belfer-Cohen băn khoăn.

“Có ba khu rào đá có thể được xây cùng nhau nhưng điều đó không có nghĩa là những khu khác không được xây dựng như những khối kiến trúc riêng lẻ, có lẽ là chúng đều do những nhóm người khác nhau xây lên”, cô nêu vấn đề. “Chúng ta chỉ có thể khám phá ra đỉnh tảng băng của hiện tượng này nhưng dường như, có nhiều nhóm khác nhau đã coi toàn bộ khu vực này là linh thiêng và hội tụ về đây để dựng lên các khu rào đá”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn thận trọng hơn về diễn giải của hai tác giả, đó là quan điểm của Tristan Carter, một chuyên gia về chính đền thờ này, làm việc tại Khoa Nhân học trường Đại học McMaster, Canada. Ông cho rằng không có gì đảm bảo là một vài kiến trúc sư bậc thầy lập kế hoạch cho cả ba cấu trúc đá này. Các nhà nghiên cứu Israel đã “tạo ra một khối kiến thức có thể đây chúng ta theo hướng đó”. Ngay cả khi cả ba khối kiến trúc đá cùng với nhau lập thành hình một tam giác trên lý thuyết thì nó cũng không có nghĩa là một kiến trúc được xây dựng đầu tiên và sau đó là hai kiến trúc còn lại được xây muộn hơn để “anh kết thúc với một tam giác đều”, Carter trả lời Live Science. Tuy vậy ông cũng thừa nhận là “nếu họ đúng thì điều đó cũng rất thú vị”, và có thể trao cho chúng ta một ý tưởng về cách nơi này được điều hành.

Theo ông, cho dù câu chuyện nguồn gốc Göbekli Tepe là gì thì nó “vẫn là một nơi đáng chú ý bậc nhất”. Con người không xây dựng những thứ vĩ đại và phức tạp ở thời điểm quá sớm như vậy. Trong thời kỳ mà các kiến trúc sư của Göbekli Tepe sống, có một sự thay đổi lớn đã diễn ra. Một số nhà khảo cổ lập luận là sự thay đổi tự nhiên trong môi trường hoặc khí hậu thúc đẩy xã hội đến với nông nghiệp, một số khác lại cho là có một thay đổi về ý thức. 

Đó là một giai đoạn rất xáo động, có những điều cứ diễn ra trong trí não con người”, Gopher nói. Con người đang thay đổi các suy nghĩ và mối liên hệ của mình với tự nhiên và những thay đổi đó dường như thôi thúc họ tạo ra một địa điểm như Göbekli Tepe và cuối cùng đưa họ chuyển sang nông nghiệp. 

“Điểm kết của lối sống theo kiểu săn bắn – hái lượm là sự chuyển đổi ý thức hệ hơn là một chuyển đổi về kinh tế hoặc kỹ thuật”, Gopher bảo vệ quan điểm của mình. “Những người săn bắn – hái lượm không thể thuần hóa được cái gì bởi nó đi ngược thế giới quan vốn được đặt trên sự công bằng và niềm tin của họ. Một khi ý thức thay đổi, toàn bộ cấu trúc xã hội được chuyển đổi và một thế giới mới được sinh ra”. □

Tô Vân tổng hợp
Nguồn: 
https://www.smithsonianmag.com/smart-news/ancient-geometry-discovered-worlds-oldest-temple-180974991/
https://www.haaretz.com/israel-news/.premium-israeli-archaeologists-find-hidden-pattern-at-gobekli-tepe-1.8799837
https://www.livescience.com/gobeklitepe-built-with-geometry.html

Tác giả