Hội quán của nông dân: Nói cho nhau nghe, nghe nhau nói

Hội quán ở Đồng Tháp là một hình thức liên kết tự nguyện của những người nông dân nhằm chia sẻ những “chuyện làng, chuyện xóm” và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Dù mới bước đầu thành lập nhưng mô hình này đã tỏ rõ sức cố kết và lan tỏa trong cộng đồng.


Lễ ra mắt Thuận Tân hội quán, xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Người dân Đồng Tháp từ lâu đã quen thuộc với sự có mặt của ông Lê Minh Hoan tại các xóm, ấp, họ gọi ông thân mật bằng “anh Sáu”, “chú Sáu” như một người hàng xóm thân thiết. Dưới cái nắng chói chang chiều tháng tư, tháng cuối mùa khô ở Đồng Tháp, trong vườn xoài, nơi khai trương hội quán Thuận Tân, vị Bí thư Tỉnh ủy bắt đầu bài nói chuyện của mình trước đông đảo người dân về vai trò, sự cần thiết của các hội quán. Đầu tiên, ông chiếu thước phim về Canh Tân hội quán, hội quán đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp ở “xứ nhãn” – xã An Nhơn, huyện Châu Thành để các thành viên ở Thuận Tân hội quán hình dung tường tận về quá trình hình thành, phát triển của một hội quán. “Nhà nước không hiểu vấn đề của bà con bằng chính bà con. Làm sao có ai hiểu về cây xoài bằng bà con, những người đã sống dưới tán xoài hàng chục năm? Vì thế, cần tới Hội quán, mô hình người dân tự xây dựng một không gian cộng đồng để nói cho nhau nghe, nghe nhau nói, cùng bàn chuyện làng, chuyện nước”, ông nói.

Ông giải thích vấn đề hợp tác trong sản xuất bằng ngôn ngữ dung dị: “để cạnh tranh được thì người sản xuất phải kiên trì hợp tác, sống hay chết là ở chỗ hợp tác. Nếu làm ăn riêng lẻ thì sẽ kéo sự cạnh tranh xuống đáy. Bà con đừng lủi thủi một mình, đừng so sánh hơn thua mà hãy hợp tác với nhau”. Trong suốt hai tiếng rưỡi, ông lần lượt thảo luận với người dân những vấn đề khác như thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, kết hợp làm nông nghiệp với du lịch, chính sách hỗ trợ xây dựng làng mới theo cách tiếp cận “từ dưới lên” với các thành tố “chăm chỉ – tự lực – hợp tác” ở Hàn Quốc.

Không chỉ có mặt ở khai trương Thuận Tân hội quán, ông Lê Minh Hoan xuất hiện ở tất cả các buổi khai trương thành lập 14 hội quán của tỉnh Đồng Tháp, cùng tham gia một số buổi nói chuyện thường kỳ của các hội quán. “Anh em chúng tôi khoái lắm, có thêm động lực tham gia vào hội quán vì anh Hoan hay về nói chuyện cùng. Kể từ khi thành lập vào tháng 9/2016 tới nay anh đã về bốn lần rồi. Chúng tôi rất xúc động khi có thể kể với anh những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh xoài”, ông Võ Việt Hưng, thành viên của hội quán xoài Minh Tân ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cho biết.

Công việc mà ông Lê Minh Hoan đang làm thực chất chính là phát triển cộng đồng. Vô hình trung ông đã trở thành một chuyên gia thúc đẩy sự thay đổi từ dưới lên ở mỗi cộng đồng dân cư. Cách tiếp cận vấn đề và xây dựng ý tưởng cho hội quán cũng xuất phát từ những trải nghiệm thực tế của ông qua nhiều lần tiếp xúc với người dân và hiểu được rằng họ đang thiếu một kênh liên kết gần gũi, một nơi để chia sẻ những câu chuyện đời sống, để truyền tải những mong muốn, kiến nghị bức thiết nhất “lên trên”. Các đoàn thể quần chúng dù có sẵn nhưng dẫu sao vẫn là một tổ chức “quan phương” mang tính hành chính, muốn có ý kiến đều phải thông qua các văn bản đã thành “khuôn mẫu” như báo cáo, biên bản. Chỉ cần một bước hành chính hóa cũng có thể trở thành rào cản với những vấn đề bình thường và thân thuộc, khiến người dân khó có thể chia sẻ. Chính vì thế, ông cùng cán bộ cấp dưới tìm hiểu nhu cầu của người dân về việc tổ chức một không gian chia sẻ của riêng họ, vận động, khuyến khích những “hạt nhân” tích cực làm nòng cốt của hội quán. Sau đó không gian này được mở rộng một cách “hữu xạ tự nhiên hương”, thành viên trước gợi ý cho thành viên sau. Cứ như thế các hội quán ngày càng có quy mô lớn hơn, và “tiếng lành đồn xa”, từ một hội quán nhân rộng thành 14 hội quán. “Lúc mới thành lập chỉ có hơn 10 thành viên thôi, nhưng giờ đã có tới 40 thành viên rồi, nhiều hộ trồng xoài vẫn đang muốn gia nhập hội quán của chúng tôi”, ông Võ Việt Hưng nói.

Kênh kết nối thân thuộc

Chính quyền các cấp không can thiệp vào hoạt động của các hội quán này mà chỉ hỗ trợ ban đầu bằng việc tặng một số tài sản cố định như laptop, máy chiếu, màn chiếu. Cơ cấu tổ chức của hội quán không hề “rườm rà”, nhất định phải có ban chấp hành mà chỉ có một người đứng đầu làm đầu mối thông tin giữa các thành viên trong hội quán. Không gian hội họp vào mỗi tuần, mỗi tháng của các hội quán cũng chỉ là mái hiên của một thành viên có căn nhà rộng rãi, sân một ngôi miếu trong ấp chứ không phải là những hội trường trang nghiêm, long trọng.

Có lẽ chính nhờ cách thức tổ chức rất đơn giản mà các chủ đề của hội quán lại có ý nghĩa thiết thực với đời sống và sản xuất người nông dân nơi đây. “Cứ mỗi cuối tuần và ngày 28 âm lịch hằng tháng, các thành viên trong hội quán chúng tôi lại cùng ngồi bàn chuyện làng, chuyện xóm, chuyện làm ăn. Chúng tôi là người làm xoài nên chủ yếu bàn chuyện trái xoài như cách bao trái xoài, ghi chép theo quy trình Vietgap rồi cùng liên kết lại để bán xoài cho các doanh nghiệp lớn ra sao”, ông Võ Việt Hưng kể. Phạm vi trao đổi trong hội quán không chỉ thuần túy mang tính nghề nghiệp, mà cao hơn nữa, đó là những sẻ chia về tình làng nghĩa xóm. Những cuộc hội họp của Minh Tân hội quán cũng bàn chuyện về đời sống của những hộ khó khăn trong ấp và cùng nghĩ cách giúp nhau thoát nghèo. Canh Tân hội quán ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành đã bàn chuyện xây cầu, làm đường liên ấp.


Ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp giải thích vấn đề hợp tác trong sản xuất trước các thành viên Thuận Tân hội quán.

Trong mối liên hệ với chính quyền, mô hình hội quán giúp người nông dân xóa bớt dần cảm giác về khoảng cách “xa vời vợi” mỗi khi phải trình bày các “kiến nghị”. Đã từ lâu, trong tâm thức nhiều người dân, nền hành chính vốn được vận hành bằng các mệnh lệnh một chiều, lập kế hoạch từ trên xuống. Nhưng đến nay, các hội quán hoàn toàn có thể gửi thư trực tiếp cho bí thư tỉnh ủy hoặc đại diện chính quyền địa phương. “Tôi nói với các hội quán là bà con tập hợp lại vào hội quán rồi tạo ra một email chung, có việc gì mail cái rụp cho ông Bí thư, Chủ tịch, giám đốc Sở là có khi hôm sau được giải quyết rồi. Nhiều buổi tối trước khi đi ngủ tôi còn nhận được email của các hội quán gửi kể về tình hình làm ăn của họ, thấy gần gũi, ấm cúng vô cùng”, ông Lê Minh Hoan chia sẻ.

Để hướng tới hợp tác sản xuất lớn

Hội quán không chỉ là kênh trao đổi, chia sẻ giữa những người nông dân với nhau hay giữa người dân với chính quyền, mà còn là kênh liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp thu mua nông sản. Thúc đẩy liên kết giữa những người nông dân chính là một trong những vấn đề cốt lõi của tái cơ cấu nông nghiệp tại Đồng Tháp, bởi vì chưa giải xong bài toán hợp tác giữa những người nông dân với nhau thì giải bài toán liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp là “vô vọng”. Chỉ khi các hộ nông dân tìm được tiếng nói chung thì họ mới không bị xé lẻ, thao túng bởi thương lái, đồng thời họ có thể đảm bảo được vùng nguyên liệu lớn hơn cho các doanh nghiệp. Độ “phủ rộng” của mối liên kết nông dân – doanh nghiệp của hội quán có thể lớn hơn so với phạm vi của hợp tác xã (HTX). Ví dụ, hội quán xoài Minh Tân có một nửa số thành viên là xã viên HTX xoài, do đó, tổng diện tích vùng nguyên liệu xoài mà công ty thu mua nông sản tiếp cận được thông qua hội quán còn rộng lớn hơn diện tích của các HTX. “Vừa qua, hội quán cũng mời công ty TNHH Long Uyên tới bàn về việc thu mua xoài cho các thành viên trong hội quán đã sản xuất theo quy trình Vietgap”, ông Hưng cho biết.

Theo đó, mô hình này có thể hỗ trợ, bổ khuyết cho nhiều HTX hiện chưa thực sự trở thành một kênh liên kết hiệu quả. Ngay tại một số địa phương của Đồng Tháp như huyện Tam Nông, “trong tổng số 33 HTX nông nghiệp cũng chỉ có 5 HTX hoạt động mạnh, số còn lại hoạt động cầm chừng”, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch huyện Tam Nông. Trên phạm vi cả nước, số lượng các hợp tác xã đang giảm đi rõ rệt, có tới 85% trong số 9.200 HTX được thống kê vào năm 2012 đóng góp không đáng kể cho xuất khẩu sản phẩm nông sản1.

Như vậy, thực tiễn bước đầu hoạt động của các hội quán ở Đồng Tháp cho thấy, một mô hình liên kết tự nguyện, không biên chế, không ngân sách đã bắt đầu có hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều tổ chức quần chúng công đang rơi vào tình trạng hành chính hóa, có biên chế cồng kềnh, hệ thống tổ chức thiếu linh hoạt, không còn thực sự thu hút được người dân2 thì không gian của các hội quán phần nào có thể khỏa lấp được khoảng trống về nhu cầu liên kết, chia sẻ thông tin của người nông dân. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát triển bền vững theo đúng nghĩa là một tổ chức xã hội của người dân, thì cách tiếp cận “từ dưới lên” rất cần được duy trì xuyên suốt, tức là chính quyền khuyến khích người dân tự thành lập các hội quán, sau đó chỉ là “cầu nối” để các hội quán tiếp xúc với doanh nghiệp và các chuyên gia tư vấn về kỹ thuật và quản trị sản xuất hoặc phát triển cộng đồng chứ không “nghĩ thay”, “làm thay” hay “chỉ đạo” hoạt động của các hội quán. “Hồi mới thành lập các hội quán, tôi hay xuống sinh hoạt cùng anh em và trò chuyện rồi thảo luận các chuyên đề. Hồi lâu họ cũng réo tôi là ‘anh ơi tuần sau sinh hoạt đề tài gì’ thì tôi bảo ‘từ từ rồi bà con phải tự tìm hiểu thông tin và nghĩ đề tài chứ’. Tuần trước có hội quán xác định đề tài là chữ tín trong kinh doanh’ đấy”, ông Lê Minh Hoan kể lại.

Mô hình hội quán ở Đồng Tháp bắt đầu được hình thành từ tháng 5/2016, đến nay đã có 14 hội quán trong tổng số 144 xã ở Đồng Tháp. Mỗi hội quán thường tập hợp những hộ nông dân cùng ngành nghề như nuôi tôm, cá, trồng xoài, nhãn, quýt… Các hội quán hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, không có một tổ chức chính trị nào điều hành, các thành viên tự bầu chọn ra một chủ nhiệm hội quán, tự tổ chức các buổi hội họp thường kỳ để hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, gắn kết quan hệ làng xóm.

—-
1 Trần Đức Viên, Nguyễn Việt Long, Thúc đẩy liên kết với người sản xuất trong nông nghiệp, Tia Sáng, số 22 -tháng 11 năm 2016.
2 Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Khắc Giang, Vũ Sỹ Cường, Ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công ở Việt Nam, Hà Nội, NXB Hồng Đức, năm 2015.

 

 

Tác giả