Quan trắc phóng xạ: từ văn bản pháp lý đến thực tiễn triển khai

Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra vào tháng 12 năm 2015 tại Paris (Pháp) đã ghi nhận một thỏa thuận đạt được giữa các quốc gia để cam kết tự nguyện cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm và hạn chế sự nóng lên toàn cầu.Đây này là tín hiệu mở lại thời kỳ phục hồi mạnh mẽ của nguồn năng lượng hạt nhân khi điện hạt nhân được xem là giải pháp hữu hiệu, có tính khả thi và cạnh tranh hơn cả so với các nguồn năng lượng sạch khác. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng lịch sử thế giới đã chứng kiến một số sự cố hạt nhân để lại hậu quả khôn lường mặc dù công nghệ hạt nhân được đánh giá là loại công nghệ tiên tiến có độ tin cậy và an toàn cao với xác suất xảy ra sự cố dưới phần triệu.


Các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc

Năm 1986, sự cố Chernobyl xảy ra trên lãnh thổ Ukraina và thông tin về sự cố đã không được chính quyền thông báo rộng rãi, đặc biệt là không có bất kỳ động thái thông báo nào với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, tại nơi cách nhà máy Chernobyl hàng nghìn km, hệ thống quan trắc phóng xạ của Thụy Điển đã phát hiện được những dữ liệu bất thường. Bằng những phân tích, các nhà nghiên cứu Thụy Điển đã tìm ra được nguồn gốc phát sinh phóng xạ và thông tin về một tai nạn nhà máy điện hạt nhân chính thức nổ ra.

Theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các quốc gia cần thiết lập Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp để có được những phương án ứng phó kịp thời đối với bất kỳ một sự kiện hạt nhân bất thường, nhằm đảm bảo an toàn cho dân chúng ngay cả đối với quốc gia chưa theo đuổi chương trình điện hạt nhân. Như vậy, yêu cầu này đòi hỏi mỗi quốc gia cần phải xây dựng được một hệ thống quan trắc phóng xạ môi trường có đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ đưa ra được những cảnh báo sớm.

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh hàng loạt các nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc có vị trí sát biên giới hai nước đi vào hoạt động đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải sớm hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Theo thống kê của IAEA, đến tháng 9 năm 2016, Trung Quốc có 35 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động với tổng công suất điện lắp đặt là 31.617MW. Ngoài ra, nhiều tổ máy khác đang và sẽ được xây dựng trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng của Trung Quốc với dự kiến đưa vào vận hành 170 nhà máy điện hạt nhân năm 2050 với tổng công suất điện lắp đặt vào khoảng 195.000MW. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý trong năm 2016, ba nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc vừa chính thức đi vào hoạt động, gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất điện 1.000MW, Xương Giang (đảo Hải Nam) công suất điện 650MW và tổ máy 600MW của nhà máy Trường Giang (Quảng Đông). Ba nhà máy này đều nằm ở vị trí gần với biên giới trên đất liền và trên biển Việt Nam, trong đó gần nhất là nhà máy Phòng Thành chỉ cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 50km.

Theo khuyến cáo của IAEA, đối với vị trí của nhà máy Phòng Thành thì Quảng Ninh và một số tỉnh phía bắc Việt Nam nằm trong phân vùng cần phải lập kế hoạch mở rộng (EPD, trong phạm vi 100km) và kế hoạch cho hàng hóa và thực phẩm (ICPD, trong phạm vi 300km). Do đó, chúng ta cần phải xây dựng Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó dự phòng cùng với hệ thống quan trắc phóng xạ giúp cảnh báo sớm mặc dù mới chỉ có một lò phản ứng nghiên cứu công suất rất thấp (500kW) tại Đà Lạt (Lâm Đồng) và chưa có nhà máy điện hạt nhân nào hoạt động.

Quan trắc phóng xạ môi trường ở Việt Nam đã được bắt đầu triển khai thực hiện ngay từ giai đoạn khôi phục lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu Đà Lạt nhằm mục đích xác định phông phóng xạ môi trường xung quanh khu vực lò phản ứng và quan trắc sự ảnh hưởng của lò phản ứng đối với môi trường khi đi vào hoạt động. Với chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân được Quốc hội thông qua vào tháng 11 năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã sớm nhận thức được sự cần thiết của việc xây dựng một mạng lưới quan trắc quốc gia. Ngày 31 tháng 8 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1636/QĐ-TTg về việc Quy hoạch mạng lưới quan trắc phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020 với mục tiêu nhằm đảm bảo kịp thời phát hiện mọi diễn biến bất thường về bức xạ, hạt nhân trên toàn lãnh thổ Việt Nam và hỗ trợ kịp thời cho công tác ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân. Mạng lưới sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu về phóng xạ môi trường quốc gia phục vụ công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.

Thực hiện Quyết định số 1636/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức soạn thảo và ban hành Thông tư số 27/TT-BKHCN ngày 30/12/2010 về đo lường bức xạ, hạt nhân và xây dựng, quản lý mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, Thông tư số 16/TT-BKHCN ngày 30/7/2013 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia củamạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, Dự thảo Thông tư về Định mức kinh tế – kỹ thuật quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng đã có những hoạt động xây dựng các đề án liên quan đến việc xây dựng, kiện toàn hệ thống quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường trong quân đội…

Theo Quyết định số 1636/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020 sẽ gồm Trung tâm điều hành quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường đặt tại Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); 4 trạm cấp vùng đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh; 16 trạm địa phương đặt tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Cần Thơ, Kiên Giang và hệ thống quan trắc và cảnh báo phóng môi trường (Bộ Quốc phòng).Tuy nhiên, căn cứ trên tình hình thực tiễn ở trong và ngoài nước, TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN), đơn vị chủ trì triển khai dự án xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, cho biết dự án sẽ được đề xuất thực hiện theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn một dự kiến trong năm 2017-2020, đề xuất tập trung đầu tư thiết bị quan trắc tại những địa phương có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân từ Trung Quốc bao gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An và Hà Nội (nơi đặt Trung tâm điều hành). Giai đoạn hai dự kiến trong năm 2021-2025, sẽ hoàn thiện mạng lưới quan trắc trên cả nước.

Hiện nay, công tác quan trắc của Việt Nam đang được giao cho 3 trạm quan trắc đặt tại Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam VINATOM (Bộ KH&CN) và Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường thuộc Bộ Tư lệnh hóa học (Bộ Quốc phòng). Những trạm quan trắc này thời gian qua đã có được những đóng góp đáng kể trong các hoạt động quan trắc của Việt Nam, đặc biệt đã có được những quan trắc kịp thời một số đồng vị phóng xạ nhân tạo trong son khí lan truyền phát sinh từ sự cố hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) vào tháng 3 năm 2011.


Phân bố Mạng lưới Quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia (Ảnh: INST)

Cũng theo TS. Nguyễn Hào Quang, mặc dù trong giai đoạn một,mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia mới chỉ có 8 trạm quan trắc và Trung tâm điều hành nhưng cũng có thể thu được một lượng dữ liệu rất lớn. Để khai thác một cách hiệu quả mạng lưới này, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam sẽ thiết lập một quy trình chặt chẽ, trong đó trọng tâm là việc khai thác dữ liệu thu được từ các trạm quan trắc.Đó phải thực sự là “những con số biết nói”.
—-

Tác giả công tác tại Cục Năng lượng nguyên tử

 

 

Tác giả