Nga tìm lại vị thế khoa học bằng đầu tư vào giáo dục đại học

Đằng sau Dự án 5-100 – dự án đưa 5 trường đại học Nga vào top 100 thế giới vào năm 2020, là một cuộc chuyển đổi về quan điểm giáo dục và học thuật, thậm chí là “một cuộc cách mạng văn hóa” trong hệ thống giáo dục Nga.


Hiện nay trường Đại học Liên bang Lomonosov tại Moscow là trường Nga duy nhất lọt vào top 200. Nguồn: MGU

Năm 1961, khi trở thành quốc gia đầu tiên đưa người vào quỹ đạo Trái đất, Liên bang Xô viết đang ở đỉnh cao thế giới. Dẫu cho Mỹ cũng giành lấy thắng lợi trong cuộc đua đưa người lên Mặt trăng thì KH&CN vẫn là một trong những điểm mạnh để Liên bang Xô viết chứng minh sự ưu việt của mình. 

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 thì khoa học Nga không còn gây ấn tượng, ngay cả khi so sánh với Trung Quốc. Nếu vào năm 1996, cả hai đều cùng có một lượng xuất bản công bố trên dữ liệu Scopus: khoảng 30.000 bài báo/năm thì tới năm 2017, Trung Quốc đã có trên 510.000 bài báo khoa học và báo cáo hội nghị trong khi Nga chỉ có 85.000 bài. Thậm chí, những chuyển động chậm chạp trong nghiên cứu trong 10 năm qua khiến Nga bị bỏ lại sau Brazil và Ấn Độ năm 2010 (dẫu cho vẫn xếp trên Nam Phi, quốc gia gia nhập nhóm BRICS – nhóm các quốc gia mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, cũng vào năm 2010). Tuy nhiên cũng phải thừa nhận là những dữ liệu Scopus đó không thể cho chúng ta thấy bức tranh đầy đủ về khoa học Nga bởi còn có nhiều nghiên cứu của họ xuất bản bằng tiếng Nga. Nhưng ít nhất, có một điều rõ ràng là các trường đại học Nga đã suy giảm vị thế của mình trong các bảng xếp hạng quốc tế. 

Dẫu vậy, trong vòng 5 đến 6 năm trở lại đây, điều đó đã thay đổi. Từ năm 2012 đến năm 2017, xuất bản khoa học của Nga trên hệ thống Scopus đã tăng gấp đôi (vượt qua Brazil) và hiện diện trên bảng xếp hạng các trường đại học quốc tế của Times Higher Education với số lượng tới 35 trường, chiếm 2,9% tổng số trường được xếp hạng (năm 2016 chỉ có 13 trường).

Sự thay đổi trong chính sách của Nga xuất phát từ việc thiết lập dự án 5-100 vào năm 2013 với mục tiêu có 5 trường lọt vào top 100 thế giới vào năm 2020. Với dự án này, 21 trường đại học đã được lựa chọn – ban đầu chỉ có 15 trường, sau đó từ năm 2015 tăng thêm 6 trường – thông qua một cuộc cạnh tranh mở để được nhận khoản tài trợ 1 tỷ rouble (11,6 triệu euro) một năm. Để được chọn, các trường phải trình bày đề xuất, hoặc lộ trình về việc họ đặt mục tiêu cải thiện vị thế quốc tế của mình như thế nào. Không phải trường nào cũng nhận được một khoản đầu tư như nhau, một số trường nhiều nỗ lực hơn sẽ được “thưởng” thêm.

Đây là cách làm “nhìn xa trông rộng” bởi hiện nay duy nhất một trường đại học Nga lọt vào top 200 là trường Đại học Liên bang Lomonosov tại Moscow với hạng 199. Tuy vậy, Lomonosov lại không có trong danh sách các trường được dự án 5-100 đầu tư (trong số 20 trường của dự án thì Viện nghiên cứu Vật lý và công nghệ Moscow MIPT mới lọt vào nhóm 251-300). Cũng có tín hiệu vui là dữ liệu của Times Higher Education cho thấy, những trường thuộc dự án 5-100 đã có bước tăng trưởng nhanh, ví dụ từ năm 2012 đến năm 2017, số công trình thuộc các tạp chí Scopus của 18/20 trường này đã tăng gấp 4, từ 7.000 lên 28.000 bài báo. Sức tăng trưởng của họ trong nghiên cứu hết sức ấn tượng. Công bố của họ luôn dẫn đầu các trường đại học Nga khác, đủ sức đưa Nga vượt qua Brazil và hầu như tương đương Ấn Độ.

Vậy dự án 5-100 có là ví dụ cho một sáng kiến đầu tư cho trường đại học xuất sắc của một chính phủ? Và ý nghĩa thực sự của nó là gì? Tương lai của dự án ở thời hạn 2020?

Cải cách giáo dục đại học có ảnh hưởng sâu rộng

Từng chứng kiến hệ thống giáo dục, khoa học trước và sau khi Liên Xô tan rã, Andrei Volkov – phó chủ tịch hội đồng quản trị của dự án 5-100, một nhà vật lý hạt nhân – tin tưởng vào dự án như “một cải cách có ảnh hưởng nhất” trong vòng 20 năm qua của giáo dục đại học Nga. Ông cho rằng, yếu tố chính dẫn đến thành công là việc chấm dứt sự chia tách giữa giảng dạy và nghiên cứu bằng việc mang các trường đại học – vốn có truyền thống tập trung vào giảng dạy – gần với các viện nghiên cứu, đầu tiên là Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS). “Tại Nga, không có trường đại học nào như thế cả: chỉ có các trung tâm đào tạo… Việc chuyển đổi từ hình thức này sang hình thức trường đại học nghiên cứu là một cuộc cách mạng văn hóa ở đất nước tôi”, ông nói.

Trên thực tế, cuộc chuyển đổi này có nghĩa là các đơn vị nghiên cứu của RAS gắn kết nhiều hơn với các trường đại học thông qua liên kết, tăng cường hợp tác hoặc các nhà nghiên cứu được hai bên cùng bổ nhiệm.

Igor Chirikov, nhà nghiên cứu chính tại Trung tâm Nghiên cứu đại học tại trường Đại học California, Berkeley, đã nhìn một cách chi tiết vào sự thay đổi ở các trường đại học Nga mà dự án 5-100 đem lại, và đồng ý rằng sự chuyển đổi này hết sức quan trọng: “Nhiều trường đại học của chúng tôi không có sứ mệnh lịch sử là nghiên cứu nhưng việc đầu tư cho các trường thông qua dự án ít nhất đã khiến các trường phải tập trung vào nghiên cứu nhiều hơn”. Chirikov từng là hiệu phó trường Đại học Kinh tế Moscow, một trường xếp hạng cao trong 20 trường thuộc dự án.

“Hiện giờ các trường và RAS đang hợp tác gần gũi với nhau hơn trước kia”, ông nói và chỉ ra một hiện tượng tương tự diễn ra ở Đức và Trung Quốc, nơi các viện Max Planck cũng như các viện của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc đã mở rộng liên kết với chương trình giáo dục đại học và sau đại học.


Các nhà khoa học trường đại học nghiên cứu hạt nhân quốc gia MEPhI – thuộc dự án 5-100, đã phát triển một máy gia tốc plasma có khả năng tạo ra magnetron luồng xung cường độ cao trên vật liệu nóng chảy.

Chương trình 5-100 đã đem đến một kết quả tích cực: nhiều công trình trước đây chỉ xuất bản bằng tiếng Nga nay đã hiện diện với giới nghiên cứu quốc tế thông qua việc xuất bản trên các tạp chí tiếng Anh, Chirikov cho biết thêm.

Mục tiêu rõ ràng khác của dự án là tăng cường số sinh viên và giảng viên quốc tế trong các trường đại học Nga. Dữ liệu cho thấy những chỉ số này đã được cải thiện một cách nhanh chóng. 

Những khó khăn trong quá trình quốc tế hóa

Theo Volkov, các nỗ lực của những trường đại học Nga để thuê được những nhà nghiên cứu quốc tế gặp những rào cản ở từng lĩnh vực khác nhau, ví dụ, tuyển một giáo sư toán học hoặc các ngành kỹ thuật khó vì lương cao trong khi các trường phải tuyển “người giỏi nhất trong số những người giỏi” để cho tương xứng với những nhà nghiên cứu Nga mà họ có, còn trong lĩnh vực khoa học xã hội thì ngôn ngữ lại là vấn đề khó vượt qua. Tuy nhiên không phải không có điểm sáng. “Tôi ngạc nhiên khi thấy chỉ trong vòng 5 năm, các trường tốt nhất lại có thể tìm được nghiên cứu sinh tốt và có được những nhà nghiên cứu đầy hứa hẹn”, ông nhận xét. Ví dụ, ông nêu trường Đại học Tyumen ở Tây Siberia, đã thu hút được nhiều nhà nghiên cứu từ “những trường hết sức xuất sắc” ở nước ngoài, mặc dù trường ở một nơi khá hẻo lánh của nước Nga. “Dù không phải toàn bộ nước Nga đã thu hút được nhà nghiên cứu quốc tế nhưng chúng tôi cũng đã bắt đầu có một vài nơi như vậy”. 

Ngoài ra, những nỗ lực quốc tế hóa này cũng bị sự căng thẳng trong quan hệ chính trị phương Tây và nước Nga phủ bóng. Bằng chứng là sự hợp tác xuyên biên giới bị ảnh hưởng: hiện nay Nga là nền khoa học mạnh duy nhất có số lượng các công trình nghiên cứu đa quốc gia sụt giảm trong vài năm trở lại đây. Vì thế có một câu hỏi đặt ra là dự án 5-100 có thực sự làm nên sự khác biệt? Các nhà nghiên cứu Nga đều thừa nhận, căng thẳng chính trị đã ảnh hưởng đến khả năng quốc tế hóa và hậu quả là nhiều học giả Nga có ít cơ hội hợp tác hơn, tuy nhiên Volkov tin rằng, bầu không khí chính trị này có thể chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các tổ chức hơn là cá nhân các nhà nghiên cứu. Thực tế là “các trường sẽ nghi ngờ nhau nhiều hơn, điều này không hề lành mạnh cho hợp tác”. 

Không phải trường đại học nào trong dự án 5-100 cũng gặp phải rào cản trong hợp tác quốc tế, ví dụ quá nửa số xuất bản trong thư mục Scopus của trường Đại học Công nghệ thông tin, cơ khí và quang học quốc gia (ITMO) ở St Petersburg trong năm 2017 đều từ các mối hợp tác quốc tế, tăng 1/3 so với 5 năm trước. Phó hiệu trưởng thường trực trường ITMO, bà Daria Kozlova, cho rằng, điều này là do sự thay đổi trong cách làm của các nhóm nghiên cứu, như việc thiết lập “một cuộc cạnh tranh mở với các phòng thí nghiệm quốc tế cho phép một phòng thí nghiệm/một nhóm nghiên cứu phải có một nhà khoa học Nga và nhà khoa học quốc tế đồng phụ trách. Các lĩnh vực hàng đầu của chúng tôi đã có được sự thúc đẩy lớn từ quá trình này.” Các đồng phụ trách không cần phải có măt tại các phòng thí nghiệm toàn thời gian nhưng để duy trì được sự liên kết của họ với các tổ chức thì “lợi ích nghiên cứu phải từ hợp tác thực sự”, Kozlova nói.

Cẩn trọng với đánh giá khoa học

Chính phủ Nga dường như cũng thận trọng trước xu hướng “chạy theo số lượng” của các trường và đã đưa ra những hình phạt về tài chính nếu phát hiện ra trường nào dùng các tạp chí ‘đen” để thúc đẩy số lượng công bố quốc tế. Chirikov cho biết, việc đề ra các mục tiêu luôn luôn dẫn đến “những chiến lược chạy đua bởi nếu anh định lượng kết quả thì mọi người sẽ cố gắng đáp ứng với phương pháp định lượng đó, các trường đại học cũng không ngoại lệ”. 

Chính quyền nên trao quyền tự chủ lớn hơn cho các trường đại học là một vấn đề thường xuyên được các trường, các nhà lãnh đạo thuộc các trường Sáng kiến 5-100 và các nhà nghiên cứu đề xuất. “Giờ đây, các trường đại học Nga đã được trao một số quyền tự chủ nhưng Bộ Giáo dục vẫn còn nhiều tác động đến trường như cần phải đào tạo những người như thế nào. Nhưng các trường đều biết mình cần phải làm những gì. Hãy trao nhiều quyền tự chủ hơn, các trường có thể hiệu quả hơn trong việc đào tạo ra những chuyên gia hàng đầu cho tương lai”, Kozlova của ITMO nhận xét. 

Còn bản thân Chirikov thì cũng tin tưởng “việc nhiều quyền tự chủ hơn có lẽ là cách làm đúng đắn”, đồng thời chỉ ra một quyết định được ban hành vào năm 2017 đã cho phép phần lớn các trường 5-100 được cấp bằng cho sinh viên tốt nghiệp – một khởi đầu mới đối với giáo dục Nga và là dấu hiệu cho thấy việc trao quyền tự chủ đang diễn ra.

Ông cũng cho biết, một phát triển quan trọng khác là “sự chuyển hướng cơ bản từ việc tập trung vào số lượng nghiên cứu sang chất lượng nghiên cứu. Các chỉ dấu trắc lượng khoa học vẫn được Bộ Giáo dục và các trường dùng để đánh giá cần được bổ sung thêm với những đánh giá bên ngoài và cần hướng đến tiêu chuẩn quốc tế”. 

Dữ liệu xếp hạng thế giới cho thấy các trường thuộc 5-100 đang tiến chậm hơn về chất lượng nghiên cứu (dẫu cho nghiên cứu của họ trong top 10% bài báo được trích dẫn đang tăng lên), danh tiếng quốc tế của họ cũng tiếp tục thụt lùi.  

Với Volkov, Dự án 5-100 chưa bao giờ “chỉ là một cuộc chơi xếp hạng” mà là để chuyển đổi một cách cơ bản toàn bộ hệ thống giáo dục Nga bằng việc đề ra mục tiêu cao hơn. Và dẫu cho việc lọt vào top đầu thế giới vẫn còn là mục tiêu chưa đạt tới thì ông vẫn không nghi ngờ vào tiến trình đó. Vì khi một quyết sách về tương lai của dự án này của Chính phủ Nga được đưa ra  – có thể là vào năm tới – không chỉ để đổi mới mà còn mở rộng dự án. “Đây là một hệ thống giáo dục xuất sắc và có sức thu hút với sinh viên toàn cầu và các nhà khoa học toàn cầu. Đây là ý tưởng tốt và các trường đại học Nga phải theo đuổi ý tưởng đó dù sớm hay muộn… và một vài trường trong số này sẽ lọt vào top dẫn đầu thế giới”, ông tin tưởng. ¨

Anh Vũ lược dịch

Nguồn: https://www.timeshighereducation.com/features/russias-5-100-project-working

Tác giả