Nỗi sợ COVID và sự suy kiệt học tập ở học sinh

Ngay thời điểm bùng phát đại dịch ở Việt Nam, trẻ em đã học online tại nhà. Những tưởng sự tách biệt khỏi “thế giới bên ngoài” đó sẽ giúp các em vượt khỏi “phạm vi ảnh hưởng” của COVID-19, nhưng đại dịch này vẫn phủ bóng đen lên việc học tập của các em. Điều đó thể hiện ở nỗi sợ và sự lo lắng của học sinh về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 - yếu tố dẫn đến sự suy kiệt trong học tập của họ.


Ảnh: https://www.wvi.org/

UNICEF cho rằng COVID-19 là khủng hoảng lớn nhất đối với trẻ em trên toàn cầu trong lịch sử 75 năm của tổ chức này. Trong đó, đại dịch đã làm trầm trọng thêm sức khỏe tâm thần của trẻ em. Một báo cáo về sức khỏe tâm thần của trẻ em thế giới của UNICEF cho thấy, năm nay, cứ bảy em ở lứa tuổi 10-19 thì có một em được chẩn đoán là bị rối loạn tâm lý. Tổ chức này nói rằng, họ chưa biết tác động thực sự của COVID-19 lên sức khỏe tâm thần của trẻ em trong nhiều năm tới sẽ như thế nào. 
Trẻ em Việt Nam cũng được phát hiện là chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch này. Một nghiên cứu của chúng tôi được công bố vào đầu năm nay cho thấy, nỗi sợ về COVID-19 (COVID-19 anxiety) có liên quan chặt chẽ đến sự suy kiệt học tập của các em. 

Càng lo, càng chán học

Khái niệm sự suy kiệt (burnout) ban đầu được nghiên cứu trong bối cảnh liên quan đến hoạt động lao động sản xuất. Đây là một hội chứng tâm lý có thể phát sinh như là một sự phản ứng của cơ thể với các tác nhân gây căng thẳng mãn tính của cá nhân với công việc. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc học tập của học sinh cũng được coi như là một dạng lao động, nhưng hoạt động lao động này được thực hiện trong bối cảnh học đường. Học sinh với tư cách là “người lao động” cũng có thể bị suy kiệt trong quá trình “lao động” đó. 

Cụ thể là, sự suy kiệt học tập của học sinh được xem là có những đặc trưng riêng gắn với bối cảnh học đường. Một số dạng suy kiệt có thể kể đến như (1) sự kiệt sức hay sự mệt mỏi cực độ cả về thể chất và tâm lý trong học tập (Exhaustion), (2) sự suy giảm một cách đáng kể động lực học tập, ví dụ hoài nghi về hiệu quả của việc học tập và muốn tránh xa việc học tập (Cynism), (3) sự mất tự tin vào hiệu quả học tập (Reduced Efficacy). 

Các dấu hiệu cụ thể của mệt mỏi, kiệt sức trong học tập có thể kể đến như sự trải nghiệm về (1) các triệu chứng suy sụp thể chất nói chung như như ngủ kém, chán ăn, mất tập trung, đau đầu, gặp các vấn đề về tiêu hóa, các rối loạn tâm thần v.v…; (2) các triệu chứng suy sụp tinh thần, cảm xúc như thấy quá tải với việc học tập, thấy việc học tập như là một gánh nặng, thờ ơ với việc học tập, hay quên, sầu muộn, không có động lực về bất cứ thứ gì mà vốn trước đây học sinh đã từng hứng thú, luôn cảm thấy buồn chán, không có khả năng tập trung vào việc học tập ở trường cũng như ở nhà v.v…; (3) các rối loạn nhân cách hóa (depersonalization) như thờ ơ với bạn bè, mâu thuẫn trong nội tâm, giao tiếp kém với bạn bè và người xung quanh v.v…

Nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện trên 652 học sinh với tỉ lệ số học sinh nam và nữ khá tương đương nhau, ở độ tuổi từ 10 – 16. Để đánh giá mối quan hệ giữa nỗi lo bị nhiễm COVID-19 và sự suy kiệt trong học tập của các em, chúng tôi sử dụng hai mô hình riêng biệt để đo lường sự tương quan giữa nỗi lo về COVID-19 cũng như một số yếu tố cá nhân khác, bao gồm sự trầm cảm, giới tính, lớp học với hai dạng suy kiệt học tập. Dạng suy kiệt thứ nhất là sự kiệt sức học tập (Exhausion) và dạng còn lại là sự suy giảm động lực học tập (Cynism). 

Ở mô hình một, chúng tôi không thấy sự tương quan giữa sự lo lắng về COVID-19 với sự kiệt sức trong học tập. Tuy nhiên, giới tính, mức độ trầm cảm và lớp học có sự liên hệ với sự kiệt sức trong học tập. Cụ thể là, mức độ trầm cảm càng lớn, là nam, và lớp học càng cao thì càng dễ có khả năng bị kiệt sức. Điều này cũng tương đồng với các nghiên cứu về cùng chủ đề được thực hiện ở học sinh tại nhiều nước trên thế giới. 

Mô hình hai cho kết quả tương đối khác biệt với mô hình một. Trong đó, nỗi lo về COVID-19 có mối tương quan chặt chẽ tới sự mất động lực học tập. Sự tương quan này thậm chí mạnh hơn nhiều so với các yếu tố cá nhân khác, bao gồm cả sự trầm cảm ở học sinh. Điều đó có nghĩa là, học sinh càng lo lắng về việc bị nhiễm COVID-19 thì các em càng cảm thấy ít hứng thú với việc học hành và nghi ngờ ý nghĩa của hoạt động đó. Nói cách khác, nỗi lo COVID-19 là một yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiến bộ trong học tập của học sinh. 

Giọt nước tràn ly

Tuy nhiên, không phải đến khi đại dịch COVID-19 xảy ra, trẻ em mới phải chịu đựng những yếu tố dẫn đến suy kiệt học tập. Có những tổn thương tâm lý đã tồn tại trong một thời gian dài từ trước đến nay và phổ biến hơn chúng ta tưởng. Chẳng hạn như về yếu tố trầm cảm, trong một nghiên cứu trên hơn 1.000 học sinh ở Cần Thơ vào năm 2013, người ta đã thấy rằng có tới hơn 40% em có những triệu chứng của hiện tượng rối loạn tâm lý này. Hơn nữa, ngoài yếu tố cá nhân như đã đề cập trong nghiên cứu của chúng tôi, nhiều yếu tố về gia đình và nhà trường đã được chứng minh trên học sinh ở nhiều nơi trên thế giới là cũng góp phần làm suy kiệt học tập ở trẻ em. Chẳng hạn như sự hà khắc hay sự thờ ơ của bố mẹ với việc học tập của con cái, mối quan hệ không tốt giữa bố mẹ và con cái, lịch học ngoại khóa dày đặc, áp lực thi cử, áp lực học trường năng khiếu, sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ đối với kết quả học tập của con cái… 

Đại dịch COVID-19 còn là một “điều kiện” để khuếch đại và tô đậm những yếu tố đó. Trẻ em phần lớn bị “nhốt” trong nhà, biệt lập với các không gian vận động, không được chơi đùa – một niềm vui thời thơ ấu của các em. Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy giãn cách xã hội làm gia tăng thêm tình trạng trầm cảm ở học sinh. Hay tình trạng bạo lực gia đình gia tăng khi các thành viên “giáp mặt nhau” hằng ngày, hàng giờ trong bốn bức tường và bố mẹ bị giảm thu nhập hoặc mất việc. 
Nỗi lo COVID-19 là yếu tố mới xuất hiện, “cộng dồn” với các yếu tố khác, như giọt nước làm tràn ly. Những em nào vốn đã phải vật lộn với những khó khăn về tâm lý trước đại dịch sẽ càng gặp khủng hoảng, càng dễ suy kiệt học tập trong thời kì này. Gần đây, một học sinh được báo cáo là đã nhảy lầu tự tử từ một toà nhà cao tầng ở Hà Nội vì “bài thi bị điểm kém”. Hành động đau lòng này có lẽ là một cách thức giải thoát của em đó trong khỏi sự lo lắng về kết quả học tập của mình. 

Lối thoát nào cho sự suy kiệt học tập trong thời kỳ đại dịch?

Đại dịch COVID-19 có thể vẫn còn kéo dài. Sự suy kiệt học tập ở học sinh sẽ làm tăng nguy cơ học hành sa sút và tệ hơn nữa là bỏ học, gây ra những hậu quả tiêu cực cho tương lai của các em. Ngoài sự nỗ lực tự chăm sóc bản thân từ phía cá nhân học sinh, gia đình trong thời kì này càng phải cẩn trọng quan tâm đến tâm lý các em, lắng nghe và giúp đỡ kịp thời các em trước những khó khăn trong học tập, đảm bảo cho các em một chế độ dinh dưỡng và thời gian biểu hợp lí. 

Sẽ hữu ích khi nhà trường chú trọng việc nâng cao hiểu biết về cơ chế lây nhiễm của COVID-19 cũng như rèn luyện kĩ năng kiểm soát, quản lý căng thẳng của học sinh để hạn chế nỗi lo về COVID-19 của các em. Tuy nhiên quan trọng hơn, đây chính là thời điểm mà nhà nước cần tăng cường hơn sự đầu tư vào hoạt động tư vấn tâm lý ở các trường phổ thông, thông qua sự bồi dưỡng liên tục để phát triển mạnh mẽ hơn kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ hỗ trợ hoạt động học tập của học sinh. Điều đó giúp cho các chuyên viên tâm lý, cố vấn học tập (người lắng nghe và đưa ra hỗ trợ mỗi khi học sinh gặp khúc mắc trong quá trình học tập) thực hiện hiệu quả hơn việc phát hiện sớm, ngăn ngừa và thiết kế can thiệp, phối hợp với phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch lên tình trạng suy kiệt học tập ở học sinh ở cả hiện tại và trong tương lai.□
——
* Khoa Tâm lý Giáo dục, trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Việt Nam) và Phòng thí nghiệm Learn2trust, KU Leuven (Vương quốc Bỉ).

Tác giả