Cuộc chiến chống Covid 19: Có thể tin khoa học Trung Quốc?

Khoa học Trung Quốc thường bị gạt ra ngoài lề và thậm chí không được tin tưởng ở phương Tây. Nhưng liệu đại dịch có làm thay đổi vị thế của nó trên thế giới?


Một nhà nghiên cứu SinoVac researcher đang điều chế vaccine Covid-19. Khoảng 90% nhân công của công ty này và gia đình họ đều đã được tiêm thử vaccine này. Nguồn: Ng Han Guan/AP

Phương Tây đánh giá siêu cường khoa học Trung Quốc

Kate Mason, một nhà nhân chủng học tại Đại học Brown ở Rhode Island và là tác giả của cuốn Sự thay đổi truyền nhiễm, cho biết: “Trung Quốc đã chuyển từ vị trí của một học sinh sang vị trí của giáo viên”. Dịch bệnh hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (Sars) năm 2002-2003 ở Trung Quốc đã biến đổi cách quốc gia này quản lý sức khỏe cộng đồng. Sau Sars, bà cho biết, các chuyên gia phương Tây đã đến Trung Quốc để giúp nước này xây dựng một hệ thống y tế dựa trên bằng chứng, với các thông tin cung cấp từ các nghiên cứu quốc tế. Hệ thống đó hiện vẫn đang tồn tại, với biểu tượng dễ thấy nhất là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc ở Bắc Kinh, và lần này là các chuyên gia Trung Quốc chính là người đã ra nước ngoài để hướng dẫn. Mason nói: “Đó là một năm tốt đẹp đối với Trung Quốc”. 

Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi mục tiêu dẫn đầu thế giới về khoa học. Họ đã và đang trên đường đạt được điều đó trước đại dịch. Năm năm trước, họ còn không xuất hiện trong 10 quốc gia hàng đầu cho bảng xếp hạng đại học; năm nay, họ leo lên vị trí thứ sáu chung cuộc. Họ đứng thứ hai trên thế giới về sản lượng các ấn phẩm khoa học và kỹ thuật, sau Liên minh châu Âu nhưng trước Hoa Kỳ, và tác động của nghiên cứu Trung Quốc – được đo bằng tỷ lệ các bài báo được trích dẫn nhiều – tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2016, tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với Mỹ và EU, lần lượt tăng khoảng 10% và 30% so với cùng kỳ, nhà khoa học chính trị và người theo dõi Trung Quốc Anna Ahlers của Viện Lịch sử Khoa học Max Planck (MPIWG) ở Berlin cho biết. Bắt đầu từ những năm 1980, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng, giáo dục đại chúng và đào tạo một đội ngũ các nhà nghiên cứu tinh thông trên tất cả các ngành STEM. Sau đó, 20 năm trước, trọng tâm của nó đã chuyển hướng ra ngoài – để đạt được sự nổi tiếng toàn cầu. Trong số các sáng kiến được đưa ra trong giai đoạn mới này là các chương trình tuyển dụng nhân tài từ nước ngoài, chẳng hạn như Kế hoạch Ngàn Nhân tài, và trong nước, một hệ thống khuyến khích các nhà khoa học xuất bản. Những điều này mang lại hiệu quả, như được phản ánh trong bảng xếp hạng, nhưng chúng cũng có những hậu quả tiêu cực. Áp lực xuất bản – với số tiền thưởng lớn trả cho các nhà khoa học cho các bài báo xuất hiện trên các tạp chí khoa học hàng đầu – đã làm gia tăng gian lận trong học tập. Trong khi đó, Kế hoạch Ngàn Nhân tài đã bị Mỹ, Canada và các nước khác chỉ trích là phương tiện cho hoạt động gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ – những lời chỉ trích đã được chứng minh bởi các trường hợp như chuyên gia công nghệ nano của Harvard Charles Lieber, người bị bắt hồi đầu năm nay với cáo buộc nói dối về sự tham gia của mình trong chương trình. 

Những căng thẳng này phản ánh sự xung đột sâu sắc ở phần còn lại của thế giới liên quan đến việc Trung Quốc nổi lên như một siêu cường khoa học. Đại dịch đã làm nổi bật điều đó bằng cách nhấn mạnh rằng không thể ngăn chặn vi rút và khoa học trong biên giới một quốc gia. 

Kế hoạch Ngàn Nhân tài phản ánh rõ rệt những căng thẳng này. Nhiều quốc gia giàu có đã thu hút nhân tài từ nước ngoài – trên thực tế, chính Hiệp hội Hoàng gia Anh đã đặt ra thuật ngữ “chảy máu chất xám” để mô tả sự di cư của tài năng Anh đến Mỹ và Canada trong những năm 1950 và 1960. Nhưng những câu hỏi đã được đặt ra về cách Trung Quốc sử dụng tài năng và công nghệ đi kèm với nó. James Jin Kang, một chuyên gia an ninh mạng tại Đại học Edith Cowan ở Perth, Australia, cho rằng, bất kỳ ai mua công nghệ được phát triển ở Trung Quốc nên lo lắng về quyền riêng tư dữ liệu và đại dịch đã khiến Trung Quốc dễ dàng tuyển dụng các nhà khoa học đang làm việc tại nhà hơn, do đó ít phải chịu sự giám sát của thể chế hơn bình thường.

Thành công có đủ phá vỡ “định kiến”? 

Cách tiếp cận khoa học mà không quá quan tâm đến đạo đức khoa học của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý theo một cách khác với việc, hiện nay, với việc triển vọng nước này là quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine chống lại Covid-19, và có thể phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả cho căn bệnh này, càng trở nên rõ ràng hơn. Mason nói: “Trung Quốc đang đạt được tốc độ rất tốt. “Nếu trận đấu thiên về tốc độ, họ sẽ giành chiến thắng”. Không còn nghi ngờ gì nữa, đảng đang thúc đẩy các nhà khoa học của mình, khiến một số người đặt câu hỏi rằng những con đường tắt nào đang được sử dụng trong quá trình này.


Charles Lieber bị buộc tội nói dối về các liên kết với Chính phủ Trung Quốc vào đầu năm nay.

Ahlers cho biết, các quy tắc đạo đức luôn tồn tại trong giới học thuật ở Trung Quốc, mặc dù việc thực thi chúng đôi khi còn lỏng lẻo – như được minh họa bằng trường hợp của He Jiankui, nhà khoa học năm 2018 tuyên bố rằng đã chỉnh sửa gene của trẻ sơ sinh con người lần đầu tiên. Tuy nhiên, điều này cũng đưa ông đến với một bản án tù. Người ta cũng chú trọng nhiều hơn đến lợi ích tập thể so với các nước phương Tây, do đó việc thử nghiệm vaccine Covid-19  trên quân nhân – có thể được coi là không thể chấp nhận được ở châu Âu hoặc Mỹ – nhưng lại được chấp nhận nhiều hơn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Yangyang Cheng, một nhà vật lý tại Đại học Cornell ở New York và đôi khi là người chỉ trích chính quyền Trung Quốc, đã chỉ ra các cuộc tranh luận về điều gì là đạo đức đối với vaccine cũng đã diễn ra sôi nổi ở Mỹ và người phương Tây cần tự hỏi bản thân họ thực sự lo ngại về điều gì khi họ nhìn về phương Đông. “Họ lo ngại vì nó đang được thực hiện một cách phi đạo đức hay vì nó đang được thực hiện ở Trung Quốc?” Bà đặt câu hỏi. “Tôi nghĩ rằng hai điều này thường được kết hợp với nhau”.

Cheng đã bất ngờ khi tâm lý “bài Trung Quốc” được thể hiện ở phương Tây kể từ khi bắt đầu đại dịch này, bắt đầu bằng việc xem xét kỹ thói quen ăn uống của người Trung Quốc, và chế nhạo các thành viên của cộng đồng người Hoa ở nước ngoài chuẩn bị cho một đại dịch từ rất lâu trước những người đồng hương không phải là người Trung Quốc của họ – những người thường coi Covid-19 là một vấn đề chỉ có ở Trung Quốc. 

Christos Lynteris, một nhà nhân chủng học y tế tại Đại học St Andrews, đồng tình: “Không chỉ có tàn dư mà thực sự là chứng bài Trung Quốc rất tích cực ở phương Tây”. 

Ông nói, điều đó thật đáng tiếc vì nó có thể ngăn cản các nhà quan sát nước ngoài có cái nhìn rõ ràng về cách Trung Quốc đang thay đổi và những vấn đề mà nước này phải đối mặt. Đối với Harry Yi-Jui Wu, một nhà sử học y học tại Đại học Hồng Kông, những điều này bao gồm việc người dân Trung Quốc – bao gồm cả các nhà khoa học, đang dần cảm thấy thoải mái hơn. Trước những năm 1980, khoa học là một doanh nghiệp tập thể, được nhà nước công nhận. Sau đó, nó phát triển theo chủ nghĩa cá nhân và thiên về thương mại. Wu nói: “Các nhà khoa học tự hào trong việc xuất bản trên các tạp chí có tác động cao và đạt được bằng sáng chế. Mặc dù vẫn có sự can thiệp chính trị trong việc lựa chọn đối tượng nghiên cứu và trong quá trình xuất bản, bản thân khoa học – việc thu thập và phân tích dữ liệu – được tiến hành tương đối tự do. Lynteris nói: “Đây là những nghịch lý rất phổ biến trong các chế độ độc tài hoặc toàn trị. Chế độ cũng đã thực hiện các điều chỉnh đối với chiến lược của mình, để giữ trong tầm mắt mục tiêu cuối cùng là lãnh đạo khoa học toàn cầu. Chẳng hạn như đầu năm nay, họ đã cấm thưởng cho các ấn phẩm, thay vào đó khuyến khích các nhà nghiên cứu tập trung vào tác động và xuất bản nhiều hơn trên các tạp chí Trung Quốc. Họ có nỗi sợ riêng về gián điệp nước ngoài. Dự thảo luật bảo mật dữ liệu được công bố trong năm nay có thể hạn chế việc chia sẻ dữ liệu quốc tế được tạo ra ở Trung Quốc. Sonia Qingyang Li của MPIWG đã viết trong một bài báo sắp xuất bản về sự lung lay mà Trung Quốc đang nắm giữ về mặt khoa học, tác động của những thay đổi như vậy “có thể sẽ được cảm nhận trên toàn cầu”.

Khả năng tự quyết ngày càng tăng của các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã được tiết lộ bởi đại dịch này. Như nhà báo khoa học Debora Mackenzie đã ghi lại trong cuốn sách Covid-19 của mình, một phòng thí nghiệm ở Thượng Hải đã cố gắng nâng cao cảnh báo về loại virus mới, và cuối cùng đã bị đóng cửa vào đầu tháng Giêng. Nhưng Cheng cũng cho rằng việc kiểm duyệt có thể được bắt nguồn từ chính quyền địa phương, chứ không phải trung ương. Bà nói: “Chính phủ trung ương không trực tiếp chỉ đạo việc kiểm duyệt đó. Nhưng nó đã tạo ra một môi trường sợ hãi và căng thẳng, trong đó các chính trị gia địa phương có động cơ để trấn áp bất kỳ tin xấu nào”.

Tuy nhiên những căng thẳng xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh hấp dẫn của Trung Quốc. Ahlers cho biết, Chương trình Ngàn Nhân tài đã đạt mức trần trong việc tuyển dụng nhân tài từ nước ngoài trở về. Trong số các học giả Trung Quốc trở về, các nhân tài chủ yếu là các giáo sư đã nghỉ hưu. Bà nói thêm: “Trung Quốc đang bỏ lỡ các nhà khoa học trung niên năng động, đã và đang phát triển năng lực chuyên môn.” 


Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 tại Viện Nghiên cứu vi sinh ở Vũ  Hán, Hồ Bắc. Nguồn: Héctor Retamal/AFP via Getty Images

Những căng thẳng này sẽ được giải quyết như thế nào? Trong vòng 20 năm, Kang dự đoán, đại dịch có thể tạo cơ hội để thiết lập các quy tắc cơ bản của một mối quan hệ mới thoải mái hơn. Nhiều người Trung Quốc cảm thấy tự hào về cách mà chính phủ của họ đã xử lý cuộc khủng hoảng, đặc biệt là khi họ so sánh với phản ứng của các chính phủ ở các quốc gia được cho là tiên tiến. “Nhiều người bạn của tôi là giáo sư cũng nói rằng chúng tôi đã làm tốt, chúng tôi đã làm gương – tại sao phương Tây không muốn học? Đó có phải là điều đáng tự hào?”, nhà kinh tế Dabo Guan của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh và Đại học College London cho biết. Và các nhà khoa học y sinh nổi tiếng của Trung Quốc đã bày tỏ sự thất vọng và khó chịu trước sự thù địch dai dẳng của phương Tây. Ahlers cho biết: “Họ thấy tiêu chuẩn kép hiện hữu trong cách chúng ta nhìn nhận về Trung Quốc và những gì chúng ta đang làm.” 

Venki Ramakrishnan, người đoạt giải Nobel và là chủ tịch của Hiệp hội Hoàng gia, nói: “Chúng ta nên hoan nghênh sự phát triển của Trung Quốc trong khoa học.” Đối với ông, điều đó có nghĩa là Trung Quốc nên được tự do tuyển dụng ở nước ngoài, như các quốc gia phương Tây đã làm trong nhiều thập kỷ. “Nhưng đồng thời,” ông nói thêm, “chúng ta nên bảo vệ những gì chúng ta coi là giá trị của mình, mà tôi tin là những giá trị phổ quát – chúng không phải là của phương tây để bảo vệ. Chúng là những giá trị đảm bảo cho khoa học và thực sự giúp nhân loại phát triển mạnh mẽ ”.

Hạnh Duyên lược dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2020/oct/11/china-coronavirus-covid-19-medical-research

Tác giả