Hiệu quả trong hợp tác với Dubna

Hơn 60 năm là thành viên chính thức của Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna JINR (Nga), Việt Nam mới chỉ khai thác được một phần thế mạnh trong đào tạo nhân lực của Dubna. Vì thế, theo GS. TS. Lê Hồng Khiêm - Viện trưởng Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Việt Nam cần phải có một số cơ chế chính sách “đặc biệt” để có thể tận dụng được hệ thống cơ sở vật chất, kinh nghiệm và hiểu biết của các chuyên gia tại một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học hiện đại hàng đầu thế giới này, qua đó giúp nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học.


Đoàn cán bộ của Việt Nam trong chuyến làm việc tại Viện Dubna về hợp tác đào tạo, nghiên cứu.

Ông Lê Hồng Khiêm cho biết, Việt Nam là thành viên của JINR – viện nghiên cứu khoa học quốc tế đa ngành với các lĩnh vực nghiên cứu chính gồm: vật lý lý thuyết, vật lý hạt nhân, khoa học vật liệu, công nghệ thông tin, sinh học, hóa học…. ngay từ khi Viện được thành lập vào năm 1956. 80% kinh phí hoạt động hằng năm của Dubna là từ Chính phủ Nga (trước những năm 1990 là Liên Xô) và 20% còn lại từ kinh phí đóng góp của 18 quốc gia thành viên và các nước cộng tác viên.

Tương ứng với số kinh phí đóng góp, các nước thành viên được cử cán bộ của mình đến JINR làm việc, ví dụ Việt Nam có thể cử tối đa 30 đến 40 người làm việc dài hạn. Với các cán bộ làm việc dài hạn (từ 3 tháng trở lên), JINR sẽ ký hợp đồng làm việc và trang trải toàn bộ kinh phí đi lại, bảo hiểm và lương hằng tháng như các cán bộ của Nga. Viện sẽ bố trí nhà ở và cấp các khoản phúc lợi khác. Với các cán bộ đến công tác ngắn hạn, Viện sẽ hỗ trợ một phần ăn ở (tùy theo khả năng của các phòng thí nghiệm). Cán bộ nghiên cứu của các nước thành viên được sử dụng các thiết bị nghiên cứu rất hiện đại đã được đầu tư trong nhiều năm để phục vụ cho ý tưởng nghiên cứu của mình một cách bình đẳng như với bất kỳ nhà nghiên cứu nào ở đó; đồng thời được hưởng chế độ lương bổng tương đương với họ. Đây là ưu thế lớn nhất của các thành viên chính thức của JINR được hưởng.

Cơ chế hợp tác với JINR

Hợp tác của Việt Nam với JINR có gì khác so với hợp tác với một số trung tâm khoa học lớn của thế giới mà Việt Nam cũng tham gia như CERN (châu Âu) hay Viện RIKEN (Nhật Bản),… thưa ông ?

Hợp tác của Việt Nam với JINR khác hẳn về mặt bản chất so với các hợp tác với một số trung tâm khoa học lớn khác của thế giới như CERN (châu Âu) hay Viện RIKEN (Nhật Bản),… Tham gia vào JINR, Việt Nam được đối xử bình đẳng với các nước thành viên khác trong đó có cả Nga. Các cán bộ của Việt Nam được hưởng lương như cán bộ của Nga và các nước thành viên (chứ không phải học bổng) và các phụ cấp khác. Điều này khác với việc các cán bộ Việt Nam được cấp học bổng đến làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở Nhật Bản hoặc châu Âu, khi đó các cán bộ Việt Nam không được nghiên cứu theo ý tưởng riêng của mình mà phải bắt buộc thực hiện đề tài do các nhóm nghiên cứu của bạn đang thực hiện (chứ không phải những đề tài nghiên cứu mà Việt Nam cần). Các cán bộ Việt Nam cũng chỉ nhận được học bổng hoặc trợ cấp từ phía bạn. Mục đích của việc cấp học bổng là tìm người giỏi để làm việc lâu dài nên Việt Nam sẽ rất dễ bị “mất” cán bộ.

Vậy từ trước đến nay, Việt Nam có tận dụng được tốt những ưu thế mà cơ chế thành viên chính thức của Dubna đem lại?

Kể từ khi là thành viên chính thức của JINR, kết quả tốt nhất mà Việt Nam đã thu được chính là đào tạo cán bộ. Trước khi Liên Xô tan rã, Việt Nam đã cử rất nhiều lượt cán bộ sang làm việc dài hạn và ngắn hạn tại các phòng thí nghiệm khác nhau của Dubna. Do trình độ khoa học khi đó còn thấp nên Việt Nam chưa thể thành lập các nhóm nghiên cứu riêng mà chỉ cử cán bộ tham gia vào các nhóm nghiên cứu của Nga và của các nước thành viên khác. Nhìn nhận lại cả quá trình thì có thể thấy nhờ tham gia vào các nhóm nghiên cứu tại JINR mà Việt Nam đã có được một lực lượng cán bộ xuất sắc, trong đó phần lớn là các nhà nghiên cứu đầu ngành. Có thể kể một vài trường hợp rất điển hình như: GS Lê Văn Thiêm (toán học), GS Nguyễn Đình Tứ, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, GS.VS Đào Vọng Đức, GS Cao Chi (vật lý hạt nhân), GS.VS Đặng Vũ Minh (hóa học)…

Trong phiên họp về chương trình phát triển vật lý đến năm 2020 vào tháng 12/2017, ông có đề cập đến việc khó cử người sang Dubna. Tại sao ít người quan tâm đến Dubna, một trung tâm nghiên cứu vật lý hạt nhân hàng đầu thế giới từng đào tạo nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam xuất sắc?

Hợp tác giữa Việt Nam với JINR có một giai đoạn bị gián đoạn, đó là giai đoạn sau những năm 1990. Khi đó gần như không có người Việt Nam sang làm việc tại JINR. Nguyên nhân là do nước Nga lúc đó đang ở trong tình trạng perestroika (cải tổ), bản thân họ cũng lúng túng, khủng hoảng kinh tế, đầu tư cho khoa học đi xuống, lương cho cán bộ khoa học thấp dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám. Cũng như nhiều viện nghiên cứu khác ở Nga, nhiều nhà khoa học của Dubna bỏ ra nước ngoài làm việc, máy móc thiết bị lạc hậu…

Mặt khác, bắt đầu từ những năm 1990, cơ hội kiếm được học bổng nghiên cứu và đi học của các cán bộ Việt Nam ở nước ngoài bắt đầu rộng mở bởi nhiều quốc gia tiên tiến từ châu Âu đến Nhật Bản, Hàn Quốc… tăng cường cấp học bổng cho Việt Nam. Vì thế, đa số những người giỏi ở Việt Nam chủ yếu sang những nước đó nghiên cứu, học tập chứ không còn sang Nga như trước nữa. Giai đoạn đó kéo dài hơn 10 năm.

Hiện Dubna đã lấy lại vị thế của mình bằng việc tiếp tục có những thành công trong nghiên cứu, trong đó có phát hiện ra những nguyên tố mới từ năm 2005-2010. Vậy tại sao JINR vẫn không phải là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam?

Sự gián đoạn hợp tác và thiếu thông tin trong một thời gian dài khiến JINR không được biết đến nhiều ở Việt Nam. Hiện tại có thể thấy các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn hơn để nghiên cứu khoa học tại các nước phát triển. Sức hấp dẫn của các trung tâm khác không chỉ ở vấn đề học bổng mà chính là việc được nghiên cứu trong môi trường chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, nơi người ta thường nghĩ rằng có điều kiện hợp tác, kết nối với các giáo sư hàng đầu thế giới, có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn.

Còn nếu sang Nga thì người ta sợ rằng quan hệ quốc tế sẽ không được mở rộng.

Thực tế thời gian làm việc ở JINR – một viện nghiên cứu uy tín lớn sẽ giúp các bạn trẻ có thể học hỏi và tích lũy kiến thức, có thể có bằng tiến sĩ nếu làm việc có kết quả và đó chính là cơ sở để các bạn trẻ có thể phát triển hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế sau này.

Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác

Hiện việc hợp tác của Việt Nam với JINR có được mở rộng ngoài phạm vi đào tạo?

Kể từ sau năm 2013, Việt Nam bắt đầu gửi lại cán bộ sang JINR với mục tiêu chính là đào tạo lực lượng cán bộ khoa học. Trong một hai năm trở lại đây, bắt đầu xuất hiện một vài đề tài đăng ký ở Việt Nam sử dụng thiết bị nghiên cứu của JINR, ví dụ như Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên nghiên cứu về các thực phẩm chức năng cho các phi công, họ mang các sản phẩm nghiên cứu sang phòng thí nghiệm công nghệ sinh học JINR – nơi các nhà nghiên cứu Nga và quốc tế đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu về tác động của bức xạ vũ trụ với các phi hành gia; nghiên cứu ô nhiễm kim loại trong không khí sử dụng cây rêu làm vật chỉ thị sinh học; hoặc nghiên cứu về vật liệu mới của nhóm các nhà nghiên cứu trường ĐH Duy Tân, ĐH Khoa học Thái Nguyên, Viện Vật lý, Viện Khoa học vật liệu thực hiện, sản phẩm cũng mang sang Dubna để khảo sát các tính chất trên những thiết bị ở đó… Những đề tài như vậy còn rất đơn lẻ.

Nguyên nhân nào khiến việc các nhà khoa học Việt Nam tiến hành nghiên cứu tại Dubna vẫn còn khiêm tốn?

Thứ nhất, xuất phát từ quan niệm của các cơ quan quản lý vẫn xem JINR giống như các viện nghiên cứu khác ở các nước tiên tiến, nơi đã cấp học bổng cho các cán bộ và sinh viên Việt Nam. Do quan niệm như vậy nên các cán bộ khoa học Việt Nam đang làm việc tại JINR không được quyền đăng ký đề tài nghiên cứu, không được hưởng các chế độ về lương và phụ cấp như ở Việt Nam, không được dùng tiền của Việt Nam để trang bị một số dụng cụ nghiên cứu nhỏ cần thiết cho các công việc nghiên cứu của mình,… Những điều này làm cho các cán bộ khoa học có kinh nghiệm nghiên cứu của Việt Nam không muốn đến JINR làm việc và do vậy không có các nhóm nghiên cứu của Việt Nam tại JINR. Các bạn trẻ đến Dubna chỉ có thể tham gia vào các nhóm nghiên cứu nước ngoài.

Thứ hai, nhiều người vẫn quan niệm rằng JINR là nơi chỉ nghiên cứu khoa học hạt nhân, thực tế thì JINR là một viện nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực như: vật lý lý thuyết (lý thuyết chất rắn, lý thuyết trường, lý thuyết quang học, lý thuyết hạt nhân, toán cho vật lý,…), vật lý hạt nhân (dùng neutron và các hạt tích điện từ với dải năng lượng rộng), vật lý năng lượng cao, vật lý neutrino, khoa học vật liệu, hóa học, thiết kế chế tạo máy gia tốc, sinh học và y sinh, môi trường, công nghệ tin học,…  

Theo tôi trước hết cần tháo gỡ những bất cập về cơ chế quản lý. Do Chính phủ Việt Nam phải đóng niên liễm hằng năm vào JINR nên phải coi JINR là của Việt Nam. Nếu chúng ta khai thác tốt các thiết bị nghiên cứu và chất xám của Viện JINR thì có thể đẩy mạnh sự phát triển của khoa học Việt Nam. Nếu chúng ta coi JINR là của Việt Nam thì cần có quy định riêng cho các cán bộ Việt Nam làm việc tại đây, cụ thể: xem các cán bộ khoa học của Việt Nam đang làm việc tại JINR như đang làm việc tại phòng thí nghiệm ở Việt Nam và được hưởng đầy đủ các chế độ như ở Việt Nam, đặc biệt vẫn được đăng ký các đề tài nghiên cứu do ngân sách tài trợ. Điều này sẽ giúp cho các cán bộ khoa học có kinh nghiệm đến Dubna làm việc và có thể xây dựng các nhóm nghiên cứu khoa học của Việt Nam tại đây; đồng thời cho phép các cán bộ Việt Nam dùng kinh phí đề tài để trang bị những dụng cụ nghiên cứu cần thiết tại JINR. Mặc dù tại JINR có những thiết bị nghiên cứu lớn và các nhóm nghiên cứu có thể sử dụng chung, tuy nhiên các dụng cụ nghiên cứu của từng nhóm phải tự sắm bằng kinh phí của chính phủ mình.

Cảm ơn ông!

Anh Vũ thực hiện

Tác giả