Hợp tác với Dubna: Những vấn đề mới

Trong bối cảnh mới, khi Việt Nam hướng đến mục tiêu thiết lập một vài trung tâm nghiên cứu liên ngành tầm cỡ quốc tế để góp phần gây dựng vị thế KH&CN, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Viện liên hợp hạt nhân Dubna (JINR) sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp hình thành nền móng vững chắc cho mục tiêu đó.


 Đoàn cán bộ của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tới làm việc tại PTN Các phản ứng hạt nhân Flerov tháng 4/2019. Ảnh: JINR

Tham gia Viện JINR từ năm 1956 nhưng từ lâu, mối quan hệ hợp tác với Dubna của Việt Nam mới đơn thuần là nhằm đào tạo nguồn nhân lực và Việt Nam không có nhiều tiếng nói về mặt chuyên môn ở một trong những cơ sở nghiên cứu vật lý hạt nhân hàng đầu thế giới này. Nay Việt Nam đang đứng trước khả năng đảo chiều tình thế đó, không chỉ vì được JINR lựa chọn làm nơi tổ chức hội nghị Hội đồng tài chính và hội nghị các đại diện toàn quyền, hội nghị nhân kỉ niệm 150 năm ngày ra đời của Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học Mendeleev, mà còn là nhiều cơ hội hợp tác nghiên cứu trong tương lai mở ra ngay tại hội nghị với sự gợi ý và cam kết của Bộ trưởng Bộ KHCN và Giáo dục đại học Nga Mikhail Kotyukov cùng Thứ trưởng Grigory Trubnikov.

Lập nền tảng cho một trung tâm nghiên cứu quốc tế 

Trong phiên họp đại diện toàn quyền JINR, bài trình bày về dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia của TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), đã thu hút sự chú ý của Thứ trưởng Bộ KH&CN và GĐ Đại học Nga Grigory Trubnikov, một nhà nghiên cứu về hạt neutrino ở Dubna với khoảng 200 bài báo quốc tế mới chuyển sang làm quản lý từ năm 2018. Sau khi lắng nghe những dự kiến công việc sẽ thực hiện trên lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MW – một nội dung quan trọng trong dự án hợp tác giữa VINATOM và ROSATOM – tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga, TS. Grigory Trubnikov lập tức coi đó là một khả năng hợp tác mới, một hướng nghiên cứu mới giữa Việt Nam và Dubna. Do đó, ông đã trao đổi với GS.TS. Lê Hồng Khiêm, đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Dubna, và TS. Trần Chí Thành về việc trong tương lai Dubna có thể sẽ đầu tư thêm kinh phí, thiết kế lắp đặt một số hệ thiết bị ở Trung tâm để các nhà khoa học của hai nước cũng như quốc tế cùng nhau nghiên cứu. Khi đó, có thể coi Trung tâm là một chi nhánh, một điểm đại diện của Dubna tại Việt Nam trong tương lai và Dubna có nghĩa vụ đầu tư chất xám, tài chính cho chi nhánh này, GS. TS Lê Hồng Khiêm cho biết.

Để công việc chuẩn bị tiến triển tốt, TS. Grigory Trubnikov còn đề xuất kết nối hệ thống máy tính của VINATOM với Trung tâm tính toán hiệu năng cao của Dubna, vốn đã được nối mạng thông suốt với nhiều quốc gia thành viên để chia sẻ dữ liệu. “Đây là thời điểm tốt cho kết nối và chia sẻ thông tin, dữ liệu nghiên cứu bởi viện đang trong kế hoạch lắp đặt hệ thống máy tính, chuẩn bị đưa Trung tâm mô phỏng, tính toán an toàn hạt nhân và phát tán phóng xạ vào hoạt động (hệ thống siêu máy tính). Những chia sẻ như thế này sẽ tạo tiền đề và nền tảng cho những nghiên cứu chung trong tương lai”, TS. Trần Chí Thành nói. 

Như vậy, mối quan hệ hợp tác giữa Dubna và VINATOM, vốn được thiết lập trong những năm gần đây và hiện nay đã có một biên bản thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu và đào tạo ký kết vào tháng 4/2019, nay lại càng được thắt chặt hơn. Đoàn chuyên gia đầu tiên của Dubna đã tới Đà Lạt vào tháng 3/2019 để thảo luận về thiết kế lò phản ứng nghiên cứu mới cũng như kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực làm việc tại đây, khi lò phản ứng nghiên cứu mới chính thức đi vào vận hành. Phân tích nguyên nhân vì sao chọn Dubna chứ không phải đơn vị nghiên cứu nào khác tư vấn, TS. Trần Chí Thành nói: “Những kinh nghiệm và thành công trong vận hành và khai thác hiệu quả lò phản ứng IBR-2 với những luồng neutron xung mạnh nhất thế giới mấy chục năm nay cũng như khả năng thiết kế các thiết bị máy gia tốc mới của Dubna như hệ phức hợp máy gia tốc của siêu dự án NICA rất có ý nghĩa với chúng ta. Sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu thế giới ở Dubna sẽ cho thấy, ngay từ khi bắt đầu thiết kế thì lò nghiên cứu mới đã là một dự án mang tính quốc tế”.

Đây cũng là vấn đề mà GS. TS Lê Hồng Khiêm cũng đang mong muốn thúc đẩy bởi ông nhận thấy nhiều phương pháp nghiên cứu được triển khai rất hiệu quả trên lò phản ứng hạt nhân IBR-2 tại JINR  còn chưa được triển khai trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tồn tại này là Việt Nam còn thiếu những chuyên gia cần thiết. Do đó ông đặt ra mục tiêu “sẽ cử đến JINR đào tạo khoảng 20 cán bộ làm việc lâu dài trên theo các hướng đang được triển khai trên lò phản ứng hạt nhân IBR-2 tại JINR để họ có thể thực sự trở thành các chuyên gia nòng cốt ở tầm quốc tế, có đủ khả năng triển khai các hướng nghiên cứu này trên lò phản ứng mới tại Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia trong tương lai. Điều này thực sự rất quan trọng vì theo ông “nếu không có sự tham gia của JINR thì việc khai thác các kênh nghiên cứu của lò phản ứng mới tại Việt Nam sẽ rất hạn chế do chúng ta còn thiếu kinh nghiệm và chưa có đủ chuyên gia”.


 GS.TS. Lê Hồng Khiêm, đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Dubna (trái), trong phiên họp hội đồng tài chính Dubna. Nguồn: JINR.

Thực tế cho thấy, cơ hội đưa Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia trở thành một trung tâm quốc tế không phải sự “bốc đồng” của các nhà khoa học. “Ngày nay, nhiều trung tâm nghiên cứu hạt nhân lớn như CERN, DESY (Đức), Diamond Light Source (Anh)… đã được biết đến như những trung tâm nghiên cứu liên ngành  quy tụ các nhóm hợp tác thực hiện những thí nghiệm có thể đem đến những hiểu biết mới cho khoa học cũng như thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội”, TS. Trần Chí Thành nhận xét. 

Đào tạo nguồn nhân lực theo chính sách mới

Câu chuyện đào tạo nhân lực cho lò phản ứng nghiên cứu mới cũng như cho các kế hoạch khác của Việt Nam tại Dubna đang được GS.TS. Lê Hồng Khiêm cân nhắc để nâng cao hiệu quả đào tạo. Nhìn lại toàn bộ quá trình Việt Nam tham gia Dubna kể từ năm 1956, ông cho biết, “thông thường, các cán bộ Việt Nam được cử sang đó học trong thời gian lâu là vài ba năm, ngắn là 6 tháng. Quãng thời gian này so với công việc nghiên cứu khoa học là quá ngắn, khi còn chưa hiểu được công việc và vận hành được thiết bị thí nghiệm thì đã hết hạn làm việc”. 

Mặc dù hiện nay, số lượng người Việt Nam ở Dubna đã tăng trở lại, mỗi năm chừng 40 đến 50 người, nhưng “các nhà khoa học Việt Nam chưa từng chủ trì một đề tài nghiên cứu nào, cũng chưa đủ năng lực và uy tín để được bầu làm trưởng nhóm nghiên cứu ở đó”, ông nhận xét. 

Trong khi đó, với quan điểm coi Dubna là một cơ sở làm việc của chính mình, nhiều quốc gia thành viên khác như Mông Cổ, Cuba, Rumania… thường xuyên cử người “cắm chốt” tại đây trong khoảng thời gian rất dài từ 20 đến 30 năm, có thể chủ động khai thác các trang thiết bị hiện đại tương đương với thiết bị ở CERN, RIKEN… để thực hiện các nghiên cứu riêng và “đảm trách nhiều vị trí quan trọng như giám đốc, phó giám đốc các phòng thí nghiệm hoặc trưởng nhóm nghiên cứu”. Lúc này, Việt Nam “chỉ có thể làm được một việc là tham gia vào các nhóm nghiên cứu của chính họ”, GS.TS. Lê Hồng Khiêm chia sẻ. 

Lý giải sâu hơn về vấn đề này, ông cho biết, thông thường các hệ thiết bị tại các phòng thí nghiệm lớn như PTN vật lý năng lượng cao Veksler&Baldin, PTN Các vấn đề hạt nhân Dzhelepov, PTN Vật lý neutron Frank, PTN Các phản ứng hạt nhân Flerov… đều có quy mô lớn và kết cấu phức tạp nên “trong vòng 5 năm thì chưa đủ hiểu biết để nắm được rành rẽ các quy trình vận hành. Đặc biệt, các thí nghiệm vật lý hạt nhân hiện đại thường được chia thành nhiều giai đoạn, nên nếu sang thì tôi cũng chỉ thực hiện được mảng công đoạn sau thí nghiệm là phân tích phản ứng hạt nhân, còn toàn bộ công việc phía trước do những nhóm khác làm”.

Do vậy, GS.TS. Lê Hồng Khiêm cho rằng nên áp dụng một giải pháp mà ông cho là hợp lý: học hỏi cách làm của các quốc gia khác và thay đổi chính sách khai thác Dubna bằng việc cử nhiều người đi học tập và nghiên cứu dài hạn, hướng tới thời gian trên 10 năm. Theo ông, “Việt Nam cần có những người khá ở đó và có vị trí thực sự ở đó làm nòng cốt cũng như cầu nối công việc nghiên cứu với người ở trong nước. Nếu chúng ta chỉ cử người sang đó ngắn hạn thì không bao giờ làm được như vậy”.

Khi đảm nhiệm vai trò đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Dubna, ông cố gắng từng bước thay đổi quan điểm bằng việc gợi ý với những cán bộ trẻ triển vọng, đa dạng hóa các lĩnh vực nghiên cứu, không chỉ dừng lại ở vật lý hạt nhân hay hóa phóng xạ mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như khoa học vật liệu, sinh học, dược phẩm, môi trường…, vốn là những lĩnh vực đang được nghiên cứu rất nhiều ở Dubna hiện nay. “Chúng tôi đã bắt đầu tổ chức một số dự án nghiên cứu nhỏ, thu hút được nhiều nhà nghiên cứu ở các Viện Vật lý, Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Viện NLNT Việt Nam, trường đại học Duy Tân, trường đại học Thái Nguyên… sang đó nghiên cứu về các tính chất của vật liệu nano mới, ô nhiễm kim loại nặng trong không khí bằng chỉ thị sinh học hay tính năng của loại dược chất mới…”, ông giới thiệu về một số dự án mới đang được triển khai ở Dubna.

Tuy nhiên, GS.TS. Lê Hồng Khiêm cũng thừa nhận, những công việc nghiên cứu này mới chỉ là một phần của chính sách khai thác, “điều quan trọng nhất là phải có những người thực sự gắn bó với Dubna từ cỡ 15 năm trở lên”. Đây là việc khó thực hiện, bởi hiện tại, nhiều cán bộ trẻ của Việt Nam thường chọn những điểm đến hấp dẫn khác như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… bởi lo ngại về học bổng, chương trình đào tạo và rào cản ngoại ngữ. “Họ không biết rằng Dubna là một trong bốn viện nghiên cứu được Nga đặc cách cho bảo vệ tiến sĩ với tiêu chuẩn từ 5 đến 7 bài báo ISI và có thể sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, làm việc. Bên cạnh đó, còn có những cơ chế ưu đãi về lương bổng, nơi ăn ở và điều kiện làm việc, học tập của người nhà”, ông nhấn mạnh đến những điểm mới trong chính sách của Dubna với các cán bộ trẻ. 

Việc có thực thi được chính sách này hay không, theo nhìn nhận của ông, còn phụ thuộc vào quan điểm về về phát triển tiềm lực KH&CN của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt của Bộ KH&CN và Viện Hàn lâm KH&CN. “Hiện một nhóm các cán bộ trẻ Việt Nam đang được đào tạo ở Dubna. Nếu triển khai được chính sách mới thì sau 10 đến 15 năm tới, họ chính là những nhà nghiên cứu nòng cốt của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực KH&CN”, ông dự báo về hiệu quả mà chính sách mới hứa hẹn mang lại. □

Việc thắt chặt hợp tác với Dubna trong nghiên cứu và đào tạo hứa hẹn rất nhiều cơ hội cho Việt Nam, đặc biệt khi mối hợp tác giữa Dubna với quốc tế ngày một mở rộng. Trong phiên họp đại diện toàn quyền các quốc gia, Bộ trưởng Bộ KHCN và Giáo dục đại học Nga Mikhail Kotyukov đã thông báo, Dubna mới ký kết một biên bản ghi nhớ với CERN về siêu dự án NICA (Nuclotron-based Ion Collider fAсility) – một hệ phức hợp máy gia tốc để có thể nghiên cứu về các đặc tính của vật chất baryon đậm đặc (dense baryonic matter) đi kèm với một phòng thí nghiệm về các vật chất ở trạng thái đặc biệt có trong vũ trụ, vốn chỉ tồn tại trong thời gian cực ngắn sau Big Bang (the Quark-Gluon Plasma QGP).

Tác giả