Năng lực nghiên cứu giữa Mỹ và Trung Quốc: Khoảng cách ngày càng thu hẹp

Theo một thông báo của Chính phủ Trung Quốc vào ngày 9/10, năm 2017, tổng chi cho R&D của Trung Quốc đã tăng lên 12,3% và đạt mốc kỷ lục 1,76 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 254 tỷ USD.

Thiên Nhãn – kính viễn vọng hình cầu khẩu độ 500 mét, là một trong những sản phẩm của chính sách tăng cường đầu tư cho nghiên cứu của Trung Quốc. Nguồn: Sciencemag

Không chỉ vươn lên vị trí thứ hai thế giới về chi tiêu cho R&D, hiện khoảng cách năng lực nghiên cứu giữa Trung Quốc và Mỹ – quốc gia dẫn đầu danh sách này, đã giảm xuống đáng kể.

Tham vọng của Trung Quốc rất rõ ràng. “Trung Quốc cần phải lọt vào top các quốc gia đổi mới sáng tạo và trở thành cường quốc đổi mới sáng tạo của thế giới vào năm 2050. Nghiên cứu cơ bản và những khám phá tiên phong là những vấn đề lớn mà Trung Quốc phải làm được ngay từ bây giờ”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Wan Gang nói trong một cuộc họp báo vào đầu năm 2018.

Cuộc cạnh tranh tay đôi

Các dự báo về thời gian mà Bắc Kinh cần có để thu hẹp khoảng cách về công nghệ với Mỹ – theo các chuyên gia về bằng sáng chế, thì có thể là vào thập kỷ tới. Và Trung Quốc đang sẵn sàng có bước nhảy vọt trong một số lĩnh vực.

“Với số lượng các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu hằng năm thì sẽ tới lúc họ bắt kịp Mỹ, bất chấp những gì Mỹ đang cố thực hiện”, David Shen – người đứng đầu bộ phận về sở hữu trí tuệ với Trung Quốc tại công ty luật Allen & Overy, nhận xét.

Một nguồn dữ liệu khác từ World Bank cho thấy Trung Quốc hiện cứ 1 triệu người lại có 1.177 người làm về R&D, tăng gấp ba lần so với mức những năm 1990 và xếp vào mốc trung bình của thế giới. Mỹ hiện có tỷ lệ người làm nghiên cứu cao hơn, cứ 1 triệu người thì có 4.321 người làm việc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên cũng cần chú ý là số dân Trung Quốc lớn gấp 4 lần Mỹ.

Chất lượng đầu tư cho R&D

Báo cáo của Bộ KH&CN, Bộ Tài chính và Cục thống kê quốc gia Trung Quốc đã nhấn mạnh vào những xu hướng nổi bật trong năm 2017, đặc biệt kinh phí cho R&D của khối doanh nghiệp, trong đó có cả công ty nước ngoài tại Trung Quốc, đã tăng 12,5%, lên tới 1,36 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 196, 4 tỷ USD).

Xie Xuemei – một chuyên gia về kinh tế đổi mới sáng tạo ở trường đại học Thượng Hải, nhận xét: “Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận thấy rằng, để cải thiện sức cạnh tranh của mình, họ phải phụ thuộc vào chính năng lực đổi mới sáng tạo của mình mà điều đó thì cũng chỉ có từ việc chi cho R&D thật nhiều hơn”.

Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc cũng tăng lên với con số 18,5%, đạt mức 97,55 tỉ nhân dân tệ (tương đương 14,1 tỷ USD). Trong khi đó, theo tổ chức OECD, Mỹ cũng dành 86,32 tỉ USD từ ngân sách liên bang cho nghiên cứu cơ bản vào năm 2016. Cũng trong năm 2016, Trung Quốc có được khoảng 500.000 bài báo khoa học trong kho dữ liệu toàn cầu của nhà xuất bản, đưa quốc gia này lên vị trí thứ hai và tiến gần tới vị trí số một của Mỹ – có 600.000 bài. Khoảng cách này đã giảm đi một nửa trong vòng 5 năm qua.

Tuy nhiên việc khác biệt về thống kê và kế toán giữa Trung Quốc và các quốc gia khác khiến viêc so sánh về mức đầu tư cho R&D trở nên hết sức phức tạp, Cao Cong – một chuyên gia về chính sách khoa học tại trường Đại học Nottingham Ningbo ở Trung Quốc, cho biết. Thông thường, thống kê của Trung Quốc hay gộp ngân sách dành cho R&D với những khoản chi dành cho KH&CN khác, ví dụ như hỗ trợ cho các cộng đồng khoa học, quản trị và những trao đổi hợp tác khoa học…

Nói cách khác, khi định hình các khoản chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản, Trung Quốc thường loại trừ phần đầu tư cho thiết bị máy móc và lương chi trả cho các nhà khoa học, trong khi đây lại là chi phí được đưa vào phần kinh phí cơ bản ở nhiều quốc gia khác. Nhưng ngay cả thiếu hụt phần chi tiêu cơ bản này thì nó vẫn ở mức nhỏ hơn so với nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ và các nước tiên tiến. Cao Cong nói, mức này “vẫn chưa đủ để đưa Trung Quốc thành một cường quốc khoa học”.

Một kế hoạch KH&CN dài hạn của Chính phủ Trung Quốc thiết lập một mục tiêu là kinh phí đầu tư cho R&D đạt mức 2,5% GDP vào năm 2020, tăng từ mức 2,13% năm 2017. Theo OECD, năm 2016, Mỹ dành 2,7% GDP cho R&D. “Vấn đề là liệu việc gia tăng đầu tư kinh phí cho R&D có thật sự hiệu quả”, Cao Cong nêu thắc mắc.

Mùa xuân năm nay, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đã quyết định sáp nhập Quỹ Khoa học tự nhiên Trung Quốc – nơi hỗ trợ các nghiên cứu cơ bản của đất nước thông qua sự xét duyệt của các hội đồng khoa học, vào Bộ KH&CN – nơi vẫn quản lý các dự án khoa học quan trọng của đất nước. Việc sáp nhập này tăng lên lo ngại về việc hỗ trợ nghiên cứu cơ bản cho các nhóm nghiên cứu nhỏ sẽ giảm sút. Tác động trong tương lai của việc quản lý và tài trợ khoa học “vẫn cần được chú ý để có thể đánh giá được chính xác”, Cao Cong cho biết thêm.

Đồng tình với quan điểm này, Xie Xuemei nói: “Việc gia tăng mức chi cho R&D hằng năm là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của chính phủ và xã hội cho việc đưa Trung Quốc thành một cường quốc khoa học. Dẫu vậy thì vẫn cần một chặng đường dài để Trung Quốc bắt kịp năng lực nghiên cứu của các quốc gia phát triển”.

Họ có lý khi đưa ra nhận định này. Tính trung bình, một bài báo của Trung Quốc được trích dẫn 0,93 lần, trong khi Mỹ là 1,23. Chỉ số trích dẫn là một chỉ dấu cho thấy giá trị của công trình nghiên cứu của một nhà khoa học dưới mắt đồng nghiệp.

Xét theo phương pháp đo lường này, Trung Quốc chỉ xếp ở vị trí 33 thế giới. Gabriela Kennedy, người phụ trách sở hữu trí tuệ khu vưc châu Á tại công ty luật Mayer Brown JSM, cho rằng đó có thể là dấu hiệu về chất lượng nghiên cứu của mỗi quốc gia: “Người Trung Quốc thành công theo những việc họ làm ở các công ty lớn, nhưng nếu nhìn ra ngoài điều đó thì có thể thấy họ không có nhiều chất đổi mới sáng tạo”.

Nếu Mỹ muốn làm giảm tốc độ tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, có thể cần phải xem xét cả những sản phẩm mà các công ty Mỹ cấp phép cho các công ty Trung Quốc và mở rộng hơn nữa khái niệm bí mật thương mại, theo quan điểm của các luật sư.

Thanh Nhàn tổng hợp từ http://www.sciencemag.org/news/2018/10/surging-rd-spending-china-narrows-gap-united-states; https://www.weforum.org/agenda/2018/04/trade-war-or-not-china-is-closing-the-gap-on-u-s-in-technology-ip-race

Nguồn: Báo KH&PT

 

Tác giả