Phát triển KH&CN: Một số khuyến nghị

Căn cứ vào mô hình tăng trưởng về khoa học và công nghệ (KH&CN) và thực trạng hoạt động KH&CN của Việt Nam, có thể thấy hiện nay KH&CN của chúng ta đang ở mức độ hai và quyết tâm tiến tới mức độ ba (xem mô hình). Để quyết tâm này thành hiện thực, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ cần làm một số vấn đề như sau:


Công ty cổ phần robot Tosy – một trong khoảng 30 doanh nghiệp KH&CN ở Hà Nội, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Đồ chơi quốc tế, New York, tháng 2/2011.

1. Hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN thông qua thị trường chuyển giao công nghệ với trọng tâm là doanh nghiệp KH&CN:

Hiện nay Luật chuyển giao công nghệ đã được dự thảo theo hướng này, tuy nhiên còn chưa rõ mô hình kinh doanh của các tổ chức trung gian. Vì vậy, Chính phủ cần hỗ trợ hình thành:
a. Tổ chức hỗ trợ về năng lực chuyển giao công nghệ bao gồm mạng lưới các trung tâm chuyển giao công nghệ cốt lõi tại các vùng (Trung, Nam, Bắc) và các lĩnh vực cần thiết (Nông nghiệp, Quốc phòng, Phát triển đô thị). Có thể đặt các trung tâm này tại các khu công nghệ cao của các vùng và nhận được sự hỗ trợ của chính phủ trong các quan hệ quốc tế về đối tác và nguồn vốn. Các tổ chức này hoạt động tương tự như các văn phòng quản lý chương trình hỗ trợ phát triển năng lực KH&CN, trong đó, có hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực KH&CN của doanh nghiệp, xúc tiến hình thành mạng lưới chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế, là đối tác đầu mối cho một số hoạt động chuyển giao công nghệ liên quốc gia (ví dụ: Việt – Nhật, Việt – Mỹ, Việt – Úc, Việt – Lào…). Một trong những hoạt động quan trọng của tổ chức này là mở rộng việc chuyển giao công nghệ ra toàn xã hội, khuyến khích các công nghệ được toàn dân sở hữu như công nghệ nguồn mở, dữ liệu mở về KH&CN… Một hoạt động khác là tài trợ đăng ký sở hữu trí tuệ cho các viện, trường, đơn vị KH&CN.
b. Tổ chức xúc tiến chuyển giao công nghệ: đây là các tổ chức hoạt động phía trước của chuyển giao công nghệ hướng theo hợp đồng chuyển giao công nghệ. Vì đi theo các giao dịch kinh tế rõ nét, nên điều cần là các tổ chức này được chia phần tương xứng trong giá trị giao dịch. Phần này tại các nước là từ 5% đến 20% giá trị giao dịch. Để kích hoạt, Chính phủ nên hình thành mô hình này ngay trong các dự án do nhà nước đầu tư. Cụ thể, trong các hoạt động chuyển giao công nghệ từ quốc tế vào các dự án do nhà nước là chủ đầu tư tại Việt Nam, Chính phủ đặt hàng các tổ chức xúc tiến chuyển giao công nghệ tham gia và được chia doanh thu, nên chú trọng khuyến khích các tổ chức tư nhân.

Mô hình trưởng thành năng lực về KHCN Việt Nam

2. Tạo sân chơi về thị trường phát triển và ứng dụng KH&CN thông qua việc hình thành các tiêu chuẩn KH&CN; thúc đẩy khởi nghiệp KH&CN; đào tạo nguồn nhân lực KH&CN (STEM).

c. Về tiêu chuẩn KH&CN: Hiện nay, chúng ta đang sử dụng các tiêu chuẩn KH&CN của quốc tế một cách tương đối tự do và ít có sự tích hợp, cập nhật. Chính phủ nên hỗ trợ các viện, trường và các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn KH&CN của quốc tế cũng như tại Việt Nam.
d. Về thúc đẩy khởi nghiệp KH&CN: Chính phủ nên tạo ra các cơ chế để viện, trường đẩy mạnh việc khởi nghiệp KH&CN trong viện trường (mô hình spin-off), đồng thời phát triển thị trường đầu tư tài chính cho khởi nghiệp KH&CN. Trong việc phát triển khởi nghiệp, vừa chú trọng đến số lượng vừa chú trọng tới nhóm những lãnh đạo khởi nghiệp là yếu tố thành công quan trọng của khởi nghiệp.
g. Về đào tạo nguồn nhân lực KH&CN: giáo dục và đào tạo là một quá trình liên tục và dài hạn, vì vậy, Chính phủ cần kiến tạo và hỗ trợ các mô hình đào tạo KH&CN (giáo dục STEM) từ tiểu học tới đại học. Tương tự như phát triển tiếng Anh, để không bị lỡ cơ hội, việc này cần làm ngay từ bây giờ, không đợi đến khi chúng ta ở mức độ 3 sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng. Các cơ chế phát triển xã hội hóa giáo dục STEM cần được hình thành và ban hành. Nhiệm vụ phát triển giáo dục STEM cần được chia cho tất cả các viện, trường, tổ chức công nghệ và chính quyền địa phương.

3. Hỗ trợ chuyển đổi văn hóa ứng dụng KH&CN trên toàn xã hội, đặc biệt trong doanh nghiệp, thông qua sử dụng phương pháp kéo, làm mẫu từ các doanh nghiệp nhà nước, tìm và nhân rộng điển hình.

h. Phương pháp kéo (pull) thay vì đẩy (push) trong chuyển đổi văn hóa ứng dụng KH&CN: về cơ bản phương pháp này chú trọng tới đầu ra và tiêu chuẩn, các doanh nghiệp đạt được tiêu chuẩn đầu ra sẽ được tưởng thưởng thích đáng. Cụ thể, để được tham gia các dự án do Chính phủ đầu tư, các lợi ích do quan hệ của Chính phủ, các doanh nghiệp cần đạt được tiêu chuẩn về ứng dụng KH&CN. Chính phủ nên có chủ trương này và đưa ra các đầu đo để ưu tiên trong các hoạt động đầu tư và xúc tiến thay vì chỉ dựa vào thương hiệu và mối quan hệ của các doanh nghiệp.
i. Làm mẫu từ các doanh nghiệp nhà nước: các tổng công ty, các công ty liên quan đến KH&CN cần xây dựng lộ trình ứng dụng KH&CN và đưa rõ kế hoạch hành động để hướng tới mức trưởng thành số 3. Trong đó, các công ty không chỉ tự làm mà còn phải đưa ra mô hình kết hợp để phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp KH&CN. Chính phủ nên yêu cầu các công ty nhà nước có kế hoạch tổng thể về phát triển và ứng dụng KH&CN; có đánh giá mức độ trưởng thành năng lực KH&CN và lộ trình cụ thể để nâng cao năng lực KH&CN lên mức ba trong khung thời gian phù hợp (tới 2020)
k. Tìm và nhân rộng điển hình: Các mô hình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, tiếp thị KH&CN thành công cần được khuyến khích trên truyền thông cũng như được xét đến trong quá trình xây dựng chính sách KH&CN, tham gia vào mạng lưới phát triển KH&CN và công bố các kinh nghiệm cho xã hội.
***
Trên đây là một số khuyến nghị chính phù hợp với quá trình trưởng thành năng lực KH&CN quốc gia. Có thể có các khuyến nghị khác phù hợp và chính phủ nên xem xét, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần thống nhất về thực trạng của chúng ta và dựa trên mong muốn phát triển để định hướng, quản lý và điều chỉnh phù hợp.

Tác giả