Dấu hiệu sinh học giúp dự đoán sớm tình trạng mắc bệnh sốt xuất huyết

Phát hiện mới của các nhà khoa học thuộc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại TP.HCM sẽ giúp cải thiện quy trình phân loại bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết và giúp bác sĩ lâm sàng xác định được những người có nguy cơ tiến triển bệnh từ trung bình sang nặng. Phát hiện này đã được công bố trên eLife vào cuối tháng sáu vừa qua.

Dấu hiệu sinh học thường được dùng để xác định tình trạng bệnh hoặc nguy cơ mắc bệnh ở bệnh nhân. Ví dụ, nó có thể bao gồm những phân tử hoặc gene xuất hiện tự nhiên trong mạch máu, tình trạng viêm nhiễm hoặc các con đường sinh học khác. Những phát hiện mới này có thể hỗ trợ phát triển một bảng dấu hiệu sinh học sử dụng trong lâm sàng và giúp cải thiện quá trình phân loại, dự đoán nguy cơ tiến triển bệnh ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. 

“Hầu hết các trường hợp nhiễm sốt xuất huyết chỉ có một số triệu chứng nhất định, một số ít bệnh nhân sau khoảng bốn đến sáu ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng sẽ phát triển thêm các biến chứng nặng”, NCS Nguyễn Lâm Vương thuộc OUCRU, tác giả thứ nhất của công bố, cho biết. “Do đó, cần đánh giá thường xuyên một số lượng lớn bệnh nhân để phát hiện những biến chứng này. Việc xác định chính xác và kịp thời tình trạng của bệnh nhân, đặc biệt là trong ba ngày đầu tiên của bệnh, sẽ giúp bác sĩ có được phương án điều trị, chăm sóc thích hợp”. 

Nhiều nghiên cứu trước đây đã đánh giá vai trò của các dấu hiệu sinh học máu trong việc dự đoán quá trình tiến triển của bệnh, nhưng chủ yếu là giai đoạn sau trong quá trình phát triển bệnh hoặc lúc bệnh đã trở nặng và phải nhập viện. Nhiều dấu hiệu sinh học trong số này đạt đỉnh quá muộn trong quá trình bệnh hoặc có thời gian bán hủy quá ngắn để có thể sử dụng trong lâm sàng. 

Để giải quyết vấn đề này, NCS Nguyễn Lâm Vương và các cộng sự đã chọn ra 10 “ứng viên” dấu hiệu sinh học từ các con đường mạch máu, miễn dịch và viêm nhiễm liên quan đến cơ chế phát sinh bệnh của sốt xuất huyết. Các dấu hiệu sinh học này gồm: VCAM-1, SDC-1, Ang-2, IL-8, IP-10, IL-1RA, sCD163, sTREM-1, ferritin, và CRP. Sau đó, nhóm đã tiến hành một nghiên cứu sử dụng các mẫu và thông tin lâm sàng từ một nghiên cứu khảo sát ở nhiều quốc gia mang tên “Đánh giá lâm sàng bệnh sốt xuất huyết và xác định các yếu tố nguy cơ gây bệnh nặng”. Trong số 2.694 ca sốt xuất huyết được ghi nhận trong nghiên cứu, có 38 và 266 ca lần lượt là sốt xuất huyết nặng và trung bình. 

Dựa trên cơ sở đó, họ đã chọn ra 281 trường hợp mắc bệnh ở bốn quốc gia – Việt Nam, Campuchia, Malaysia và El Salvador – vì mẫu máu của những ca này được lưu trữ tại chính phòng thí nghiệm OUCRU. Để so sánh, nhóm nghiên cứu cũng chọn ra 556 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết không biến chứng có cùng đặc điểm về địa lý và nhân khẩu học. 

Họ đo các dấu hiệu sinh học trong máu của những người tham gia ở hai thời điểm khác nhau – lần thứ nhất là trong ba ngày đầu tiên mắc bệnh và lần thứ hai là sau khi hồi phục (10-31 ngày kể từ ngày đầu tiên có triệu chứng). Họ phát hiện ra, trong ba ngày đầu tiên mắc bệnh, khi thông số của bất kỳ dấu hiệu sinh học nào trong số 10 “ứng cử viên” tăng lên, thì nguy cơ phát triển bệnh từ trung bình sang nặng của bệnh nhân cũng tăng theo. 

Họ cũng xác định sự kết hợp của sáu dấu hiệu sinh học có hiệu quả tốt nhất đến đánh giá bệnh ở trẻ và sự kết hợp của bảy dấu hiệu sinh học có hiệu quả tốt nhất đến đánh giá bệnh ở người lớn. “Điều này nhấn mạnh mối quan hệ giữa các dấu ấn sinh học và kết quả lâm sàng có thể khác nhau giữa các nhóm tuổi”, anh Nguyễn Lâm Vương cho biết.

“Phát hiện của chúng tôi sẽ giúp cải thiện việc phân loại và đánh giá sớm tình trạng bệnh nhân. Điều này giúp cải thiện việc quản lý từng người bệnh và phân bổ chăm sóc sức khỏe, mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở những nơi có dịch”, Trưởng nhóm nghiên cứu sốt xuất huyết tại OUCRU, Sophie Yacoub, kết luận.□

Anh Thư dịch
Nguồn: https://www.eurekalert.org/pub_releases/2021-06/e-sic062221.ph

Tác giả